Sơ kết 5 năm thực hiện mô hình tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp Nhà nước
Ngày 13/8, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương và Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 thực hiện Quy định 196-QĐ/TW của Ban Bí thư về tổ chức Đảng trong các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và Quyết định197 của Ban Bí thư về Quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước với cấp ủy địa phương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án mô hình tổ chức Đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước; đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm - Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.
Trong những năm qua, thực hiện điều lệ Đảng, các văn bản quy định hướng dẫn thi hành và Quy định số 196- QĐ/TW, Quyết định số 197-QĐ/TW của Ban Bí thư, các tổ chức đảng trong doanh nghiệp Nhà nước nhìn chung đã được sắp xếp, tổ chức cơ bản theo quy định, bước đầu hoạt động có hiệu quả, góp phần lãnh đạo việc sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, cơ bản tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ, góp phần để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu quốc phòng, an ninh.
Việc sắp xếp mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với vị trí, vai trò quan trọng, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm quyền hạn của doanh nghiệp bảo đảm là để đảng ủy doanh nghiệp lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh, công tác cán bộ, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, sắp xếp, củng cố lại tổ chức đảng trong doanh nghiệp Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, qua đó nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cường - Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp cho biết: Quy định 196, Quyết định 197 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X) là chủ trương đúng đắn và kịp thời nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong mô hình tổ chức Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước ở thời kỳ trước đó. Sau 5 năm thực hiện, Quy định và Quyết định này đã được tổ chức thực hiện ở các địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước đạt kết quả rất khả quan, khẳng định mô hình tổ chức Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đó điều chỉnh mối quan hệ giữa cấp ủy các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước và địa phương, góp phần vào việc quản lý cán bộ đảng viên được chặt chẽ hơn cũng như phối hợp trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ giữa các đảng bộ tập đoàn kinh tế (đảng bộ công ty mẹ) với các cấp ủy địa phương.
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tiễn của các doanh nghiệp và địa phương, tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm đánh giá về các mô hình tổ chức đảng theo Quy định 196, nêu những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện và đề xuất sắp xếp tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước và tiêu chí thành lập đảng bộ toàn doanh nghiệp để thực hiện thống nhất. Đồng thời, các đại biểu cũng đã trao đổi những kinh nghiệm trong phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương.
Đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án mô hình tổ chức Đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước phát biểu kết luận Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Việc Ban Bí thư ban hành kịp thời Quy định 196, Quyết định 197 đáp ứng được cả yêu cầu thực tiễn và cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, thành lập các tổ chức đảng bộ trong doanh nghiệp Nhà nước như mô hình Đảng bộ toàn ngành, Đảng bộ công ty mẹ, Đảng bộ cơ quan tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho một số đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp của các đảng bộ này là cấp huyện và tương đương.
Tuy vậy, sau 5 năm thực hiện Quy định, Quyết định của Ban Bí thư còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Qua thảo luận các đại biểu cũng đã phân tích rõ hơn ưu điểm, khuyết điểm, trong đó có nguyên nhân khách quan là một số nội dung trong Quy định, Quyết định chưa đủ rõ, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như việc triển khai chưa đồng bộ, nhận thức còn khác nhau, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa cấp ủy địa phương và đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước còn hình thức, chưa thường xuyên…
Đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, để tiếp tục thực hiện tốt Quy định, Quyết định trên, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, nhất là các đảng ủy doanh nghiệp nhà nước cần rút kinh nghiệm sâu sắc những nguyên nhân khách quan, chủ quan từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện tốt các quy định này trong thời gian tới.
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các tổ chức liên quan sớm nghiên cứu, trình Ban Bí thư xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung những tiêu chí và việc thành lập đảng bộ toàn doanh nghiệp nhà nước; đảng bộ công ty mẹ doanh nghiệp nhà nước và việc chuyển các tổ chức đảng doanh nghiệp về trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương hoặc về cấp ủy địa phương cho phù hợp với thực tiễn công tác đảng trong doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Đồng thời, chủ trì phối hợp nghiên cứu đề xuất Ban Bí thư ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của đảng ủy doanh nghiệp nhà nước (cấp ủy là cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng). Trong quy định này cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy doanh nghiệp và cấp ủy địa phương trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và đặc biệt là đối với công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng.
Các đảng ủy doanh nghiệp Nhà nước cần tăng cường ký quy chế phối hợp công tác với cấp ủy địa phương, nơi có đơn vị thành viên đóng trên địa bàn. Các đảng ủy doanh nghiệp Nhà nước đã ký quy chế phối hợp cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, địa phương chủ trì nghiên cứu để xây dựng và ký quy chế phối hợp công tác với các tỉnh ủy, thành ủy, nơi có nhiều tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Khối đóng trên địa bàn; đồng thời làm đầu mối hỗ trợ các đảng ủy doanh nghiệp Nhà nước thuộc Đảng ủy Khối ký quy chế phối hợp công tác với cấp ủy địa phương. Hàng năm có thông báo bằng hình thức phù hợp những vấn đề liên quan đến tình hình hoạt động và kế hoạch công tác của mỗi bên để phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc thực hiện.
Để khắc phục những bất cập về mô hình tổ chức Đảng, Ban Chỉ đạo đề nghị Ban Bí thư giao cho ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xác định rõ tiêu chí đối với đảng bộ toàn doanh nghiệp hoặc không toàn doanh nghiệp để có cơ sở thực hiện và khắc phục được những khó khăn, tồn tại. Khi xác định mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp Nhà nước phải căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Quy định số 196 (đã sửa đổi, bổ sung) để đảm bảo lãnh đạo doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững, tăng lợi nhuận, góp phần ổn định kinh tế - xã hội; chú ý xem xét đến lịch sử, quá trình trưởng thành và phát triển của doanh nghiệp và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.
Đối với các doanh nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì chức năng, nhiệm vụ của đảng ủy trong doanh nghiệp phải đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện đối với doanh nghiệp; nghiên cứu mô hình ban cán sự đảng ở một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn của Nhà nước.
Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án mô hình tổ chức đảng bộ doanh nghiệp Nhà nước đề nghị Ban Bí thư giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì cùng với các Ban Đảng trung ương và các tổ chức có liên quan tiến hành rà soát, đánh giá đề xuất với các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập, chưa đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, chính sách cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước nói chung và cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Lan Hương