VNPT hướng tới mục tiêu đạt chất lượng mạng lưới và dịch vụ hàng đầu
Tiếp tục hoạt động nắm bắt tình hình lãnh đạo đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của các Đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, vừa qua, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Đảng ủy Khối DNTW do đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Tham gia Đoàn công tác còn có đồng chí Trần Hữu Bình – Phó Bí thư Đảng ủy Khối, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo các Ban, đơn vị Đảng ủy Khối. Về phía VNPT có các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, các bộ phận chuyên môn của Tập đoàn.
Tái cơ cấu toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh của VNPT
Đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. |
Báo cáo với Đoàn công tác cùa Đảng ủy Khối DNTW, đồng chí Trần Mạnh Hùng- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn cho biết, xác định rõ yêu cầu bức thiết của việc tái cơ cấu doanh nghiệp, Đề án tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT được Đảng ủy Tập đoàn lãnh đạo thực hiện theo 03 giai đoạn chính. Giai đoạn 1, thực hiện việc tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPT theo hướng chuyên biệt hóa hoạt động kinh doanh - hoạt động kỹ thuật tại các đơn vị trực thuộc; tổ chức hình thành hệ thống kênh bán hàng thống nhất, xuyên suốt trong toàn Tập đoàn; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức hình thành các Tổng công ty: VNPT-Net, VNPT-Vinaphone, VNPT-Media theo đúng nội dung quy định tại Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ TT&TT.
Ở giai đoạn này, VNPT đã thực hiện được việc chuyên biệt hóa hoạt động kinh doanh - hoạt động kỹ thuật tại các đơn vị kinh tế trực thuộc VNPT; hình thành hệ thống kênh bán hàng thống nhất, xuyên suốt trong toàn VNPT; giảm tỷ lệ lao động quản lý tại các đơn vị trực thuộc từ trên 20% xuống còn gần 10%, lao động thực hiện công tác kinh doanh đã được tăng cường từ 4.000 người lên gần 15.000 người.
Trong giai đoạn 2, VNPT đã tổ chức hình thành và chuyển giao các nguồn lực của Tập đoàn để đưa 03 Tổng công ty: VNPT-Net, VNPT-Vinaphone, VNPT-Media chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/7/2015. Thực hiện phân công công đoạn cho các đơn vị thành viên tham gia vào các hoạt động trong chuỗi giá trị cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông của VNPT theo đúng quy định. Hoạt động SXKD của VNPT chính thức tổ chức vận hành theo mô hình 3 lớp “Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh” với nguyên tắc “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả”.
Giai đoạn 3, VNPT đã thực hiện tái cấu trúc bộ phận quản lý, điều hành của Tập đoàn với việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị tham mưu, giúp việc Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc; tổ chức đưa vào áp dụng triển khai hệ thống cơ chế quản lý mới theo mô hình quản trị hiện đại của Tập đoàn VNPT sau tái cấu trúc theo hướng tách bạch chức năng tư vấn, tham mưu giúp việc cho Hội đồng thành viên (đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp) với chức năng tham mưu giúp việc cho Tổng giám đốc (quản trị, điều hành SXKD của doanh nghiệp). Rà soát, quy định lại chức năng nhiệm vụ cho các đơn vị tham mưu giúp việc của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VNPT phù hợp với mô hình tổ chức mới của Tập đoàn VNPT sau tái cấu trúc;Thực hiện chuyển giao chức năng và các nguồn lực tại 3 Tổng công ty để nhanh chóng đi vào ổn định.
Bên cạnh đó, VNPT đã triển khai áp dụng mô hình tổ chức quản trị hiện đại của các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin quốc tế phù hợp với điều kiện của Tập đoàn sau tái cấu trúc. Đặc biệt là việc áp dụng các công cụ quản trị hiện đại (hệ thống thẻ điểm cân bằng BSC, trả lương theo 3Ps, phần mềm quản lý,…); thực hiện phân phối thu nhập theo năng suất lao động của từng cá nhân, từ đó tạo động lực cho người lao động và đơn vị. Ban hành hệ thống chức danh, khung năng lực và mô tả công việc để cụ thể hóa các mục tiêu: tinh giản khối quản lý; tập trung lao động cho hoạt động kinh doanh, bán hàng, cung cấp sản phẩm/dịch vụ tại địa bàn.
Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, VNPT đã cơ bản hoàn thành công tác tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ TT&TT. Bộ máy quản lý của Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT đã được tổ chức, sắp xếp lại từ 15 đầu mối với gần 500 lao động giảm còn 11 đầu mối với 300 lao động và chỉ tập trung vào công tác quản lý chiến lược, điều phối hoạt động và tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp thành viên.
Nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh
Kết thúc năm 2015, tổ chức bộ máy của VNPT đã vận hành theo mô hình mới; một số nội dung tái cấu trúc về quản trị như áp dụng hệ thống BSC/KPIs, trả lương 3Ps, kiện toàn hệ thống chức danh lao động,..đã được triển khai. Trong 6 tháng đầu năm 2016, VNPT đã đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế kinh tế, cơ chế quản trị, cơ chế vận hành của VNPT theo mô hình sau tái cấu trúc.
Đồng chí Trần Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT báo cáo kết quả SXKD và tái cơ cấu doanh nghiệp với Đoàn công tác của Đảng ủy Khối. |
Ngay từ đầu năm 2016, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ công tác, trong đó xác định lựa chọn năm 2016 là năm xây dựng VNPT đạt chất lượng mạng lưới và dịch vụ số 1 trong lòng khách hàng. Trong 6 tháng đầu năm, Đảng ủy VNPT đã xây dựng và ban hành 07 Nghị quyết chuyên đề, tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các nội dung liên quan đến việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu như: xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ Tập đoàn; thực hiện đột phá về năng lực cạnh tranh hạ tầng mạng; phát triển thị trường trong nước và thị trường quốc tế, thực hiện xuất khẩu thiết bị của VNPT và hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển dịch vụ nội dung và giá trị gia tăng…
Trong 6 tháng đầu năm 2016, các Nghị quyết quan trọng nêu trên đã được Đảng ủy VNPT, các cấp ủy trực thuộc, các đoàn thể chính trị xã hội và cán bộ, đảng viên, người lao động trong Tập đoàn tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ với nỗ lực, quyết tâm cao. Báo cáo hoạt động SXKD 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, Đảng ủy Tập đoàn VNPT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng. Kết quả đạt được trên một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu: Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt trên 63.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu hợp nhất bằng 106,0 % so với cùng kỳ năm 2015. Tổng lợi nhuận ước đạt 121,4 % so với cùng kỳ năm 2015. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm đổi mới và nâng cao về chất lượng. Công tác đào tạo, quản lý và sử dụng cán bộ có nhiều chuyển biến, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đoàn thể chính trị được nâng lên.
Tại buổi làm việc, các đại biểu của Đảng ủy Khối DNTW và Đảng ủy Tập đoàn VNPT đã thảo luận về kết quả đạt được trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016; những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của Tập đoàn VNPT, tập trung vào các vấn đề như: quản lý vốn nhà nước, một số nội dung về công tác xây dựng Đảng…vv.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW ghi nhận, công tác tái cơ cấu đã được Đảng ủy, Ban lãnh đạo VNPT thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, với cách tiếp cận, kiểm soát các vấn đề liên quan đến quá trình tái cơ cấu đạt kết quả tốt. Điều này đã được thể hiện qua kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm 2016.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối nêu rõ, hiện nay, các Nghị quyết của Đảng đã dần đi vào cuộc sống, hệ thống chính sách của Nhà nước ban hành tạo ra những đổi mới căn bản cho nền kinh tế. Bên cạnh những thuận lợi do tình hình kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ có sự phục hồi tích cực, song còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức do tác động, ảnh hưởng của những tồn tại, hạn chế nội tại của nền kinh tế và diễn biến phức tạp, khó lường từ bên ngoài. Đối với lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tiếp tục có sự cạnh tranh gay gắt. Trong điều kiện đó, đòi hỏi toàn Đảng bộ Tập đoàn phải có quyết tâm cao, đề ra những giải pháp thiết thực trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Phạm Viết Thanh lưu ý, Đảng ủy Tập đoàn chú trọng rà soát, nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức đảng cho phù hợp với tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Thực hiện tốt các mặt công tác tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối tin tưởng, phát huy những kết quả đã đạt được, Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sẽ tiếp tục lãnh đạo đơn vị hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2016 và những năm tiếp theo.
Thanh Tùng