Năm mới Nhâm Thìn, một bước tiến mới vững chắc hơn!
Đón xuân Nhâm Thìn 2012, đất nước bước vào năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đây cũng là năm thứ hai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, trực tiếp là kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Mục tiêu tổng quát xây dựng nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã và đang thôi thúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng tâm nhất trí, cùng hành động và cùng tiến lên, phấn đấu để mỗi năm qua đi là thêm một năm tiến gần hơn tới đích. Với tinh thần ấy, chúng ta hãy cùng nhìn lại năm 2011, đánh giá đúng những gì đã làm được và chưa làm được, những gì còn cần phải làm và làm tốt hơn, có hiệu quả hơn. Năm 2011 là năm mở đầu thời kỳ chiến lược mới, được dự báo sẽ diễn ra trong bối cảnh tình hình phức tạp, đan xen giữa thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn. Nhưng trên thực tế, thách thức và khó khăn còn lớn hơn nhiều. Ngay từ đầu năm, tình hình thế giới và trong nước đã xuất hiện nhiều thách thức và khó khăn mới mà ta chưa lường hết. Bên ngoài, hậu quả kéo dài của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế nước ta. Bên trong, bối cảnh tình hình mới cũng làm bộc lộ gay gắt hơn những yếu kém của nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả. Để ứng phó, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời đề ra định hướng và một loạt giải pháp cấp bách, hữu hiệu, điều chỉnh hợp lý mục tiêu và một số chỉ tiêu của kế hoạch, tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ định hướng và giải pháp đúng, đặc biệt là nhờ sự nỗ lực lớn của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc thực hiện, càng về cuối năm, tình hình càng có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Những kết quả bước đầu đạt được là đáng ghi nhận. Tăng trưởng GDP cả năm gần 6%. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, đạt mức kỷ lục về sản lượng lương thực và xuất khẩu gạo. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Thu ngân sách và xuất khẩu tăng cao; bội chi ngân sách và nhập siêu giảm dần. Lao động, việc làm, thực hiện chính sách xã hội, xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả thiết thực. Cùng với đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường, quan hệ đối ngoại mở rộng. Mặc dù vậy, một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 chưa hoàn thành, nhất là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đại hội XI về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bất cập,… Nhìn chung, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2011 vẫn xen lẫn giữa hai mảng sáng và tối. Những vấn đề đặt ra, cần được giải quyết trong năm 2012 và các năm tiếp theo còn nhiều. Nhâm Thìn 2012, với trọng trách đẩy tới một bước việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, không những phải gánh vác những nhiệm vụ năm 2011 chưa làm xong mà còn phải nhận lĩnh những nhiệm vụ mới với tầm mức và yêu cầu cao hơn. Xuất phát từ mục tiêu tổng quát của 5 năm 2011 - 2015 và để phù hợp với tình hình thực tế, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định mục tiêu của năm 2012 là: “Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”. Một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội của năm 2012 cũng đã được đề ra: Tăng trưởng GDP khoảng 6% - 6.5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%, bội chi ngân sách dưới 4,8% GDP, nhập siêu 11% - 12% kim ngạch xuất khẩu. Và trong mọi trường hợp, phải cố gắng bảo đảm những mục tiêu xã hội như tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Trong mục tiêu của năm 2012, cùng với sự khẳng định ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, việc nhấn mạnh duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý là không chạy theo tăng trưởng cao bằng mọi giá để rồi kéo theo lạm phát và làm mất ổn định kinh tế vĩ mô, cũng không vì ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô mà hy sinh vô điều kiện tăng trưởng. Đổi mới mô hình tăng trưởng có nghĩa là chuyển đổi mô hình từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế phải tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất: cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế là cách làm đúng đắn để đi tới sự ổn định thật sự trong một, hai năm trước mắt, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm. Nhâm Thìn 2012, cùng với việc tập trung sức giải quyết những vấn đề bức thiết về kinh tế - xã hội, về xây dựng Nhà nước, sửa đổi Hiến pháp, củng cố quốc phòng, an ninh và mở rộng quan hệ đối ngoại, còn phải hết sức chăm lo công tác xây dựng Đảng. “Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, Đại hội XI đã đề ra một hệ thống những nhiệm vụ rất cơ bản và toàn diện, đòi hỏi phải làm tích cực, làm thường xuyên, liên tục trong nhiều năm. Thực tiễn tình hình xây dựng Đảng hiện nay lại cho thấy từ trong những nhiệm vụ cơ bản ấy, đang nổi lên một số vấn đề hết sức cấp bách, cần được đặt ra và giải quyết không chậm trễ có hiệu quả thiết thực, để từ đó, tạo nên một bước chuyển thực sự có ý nghĩa trong vài năm trước mắt. Nhìn thẳng vào thực tế đó, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới đây đã bàn và ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Ba vấn đề cấp bách được xác định là: (1) Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền các cấp và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những khâu quan trọng nhất. Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt; vấn đề thứ hai và vấn đề thứ ba vừa là vấn đề cấp bách, vừa là giải pháp để thực hiện vấn đề thứ nhất. Đưa các nghị quyết và quyết định mới nhất của Đảng và Nhà nước về kinh tế - xã hội cũng như về xây dựng Đảng vào cuộc sống, Nhâm Thìn 2012 có cơ hội tiến một bước mới vững chắc hơn về phía trước, đồng thời làm đà cho một bước chuyển mạnh mẽ hơn vào các năm tiếp theo. |
(Theo Tạp chí Cộng sản) |