.
.

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 8-2023

Thứ Hai, 31/07/2023|20:05

I - TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

Tổng Bí thư chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội

Ngày 21/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023.

Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ tại cuộc họp cho biết, 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. Đã quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tính chung, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 3,72%. Công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh. Các công trình, dự án chiến lược, quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân tiếp tục được chú trọng; thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, huy động hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Tuy nhiên, do kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, rủi ro, thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp, cùng với một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong nước nên tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thấp; hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực sụt giảm. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền. Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu thống nhất; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc. Tình trạng thiếu điện, thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tình hình lao động, việc làm ở một số địa phương, lĩnh vực, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nhất là an ninh mạng, ma tuý, tín dụng đen…

Sau khi nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo, ý kiến góp ý của các cơ quan, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận và thống nhất, cơ bản tán thành những nhận định, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm theo báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ. Bộ Chính trị cũng cơ bản đồng ý về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung cần thực hiện.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; khẩn trương, quyết liệt tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát; tiếp tục rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát, dự báo chính xác tình hình thế giới, trong nước, kịp thời phản ứng chính sách trước các tình huống phát sinh. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất. Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tạo động lực tăng trưởng; rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh và củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhấn mạnh: Triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Thúc đẩy mạnh mẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công; có giải pháp hiệu quả bảo đảm các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tín dụng ngân hàng, chứng khoán, khoa học công nghệ hoạt động an toàn, lành mạnh, bền vững; bảo đảm nguồn cung xăng dầu, nguồn điện cho sản xuất, tiêu dùng. Đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng trong nước cùng với đa dạng hoá thị trường, mặt hàng xuất khẩu; tập trung xử lý nhanh, hiệu quả các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng, thuốc, vật tư y tế, quy định về kinh doanh xăng dầu, phòng cháy chữa cháy; triển khai quy hoạch điện VIII.

Phát triển các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng số quốc gia; hoàn thiện chiến lược, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp, năng lượng mới, chuyển đổi xanh; hoàn thiện khung khổ pháp luật phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Làm tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; bảo đảm ổn định đời sống người dân, nhất là người lao động bị mất việc làm. Phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung cầu; hỗ trợ người sử dụng lao động duy trì việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề trong khu vực sản xuất... Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hoá, xã hội; tập trung xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; gắn phát triển văn hoá với phát triển du lịch; đẩy mạnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị tích cực, chủ động cho năm học mới; giải quyết dứt điểm tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, không để bị động, bất ngờ. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định.

Đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, theo dõi. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin, giữ vững tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư; chú trọng đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước.

Mốc son mới trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy

Từ ngày 25-29/7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Italy và thăm Tòa thánh Vatican  theo lời mời của Tổng thống CH Italy Sergio Mattarella và Giáo hoàng Francis. Chuyến thăm đã đánh dấu một mốc son mới trong quan hệ ngoại giao truyền thống 50 năm và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược với Italy; đồng thời tiếp tục khẳng định thiện chí của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ hợp tác với Tòa thánh Vatican. 

* Thăm cấp nhà nước tới Italy - thành viên quan trọng của Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều diễn đàn đa phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hội đàm với Tổng thống Sergio Mattarella; hội kiến Thủ tướng Giorgia Meloni và dự lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Tại hội đàm, trong không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ quyết tâm đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sang một trang mới, mạnh mẽ và hiệu quả hơn; đóng góp vào các mục tiêu chung về phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề toàn cầu trên cơ sở cân bằng và cùng có lợi, khai thác được lợi thế và tiềm năng của mỗi nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Cũng trong chương trình thăm cấp nhà nước đến Italy, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp lãnh đạo một số chính đảng Italy gồm: Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ, Đảng Tái lập Cộng sản. Tại các cuộc tiếp, Chủ tịch nước và lãnh đạo các chính đảng Italy khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các chính đảng Italy, qua đó thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ truyền thống 50 năm qua giữa hai nước.

* Tòa thánh Vatican dành cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lễ đón trang trọng. Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước đã hội kiến Giáo hoàng Francis; gặp Thủ tướng, Hồng y Pietro Parolin; thăm Nhà nguyện Sistine. 

Thông cáo báo chí chung của chuyến thăm nêu rõ, nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Tòa thánh Vatican, ngày 27/7, với mong muốn chung tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa song phương, hai bên chính thức thông báo về việc Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh đã thông qua “Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam”. Hai bên tin tưởng rằng, Đại diện thường trú sẽ đóng góp tích cực cho quan hệ giữa Tòa thánh và cộng đồng Công giáo Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam - Tòa thánh.   

Tại các cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Tòa thánh, Hồng y Pietro Parolin, hai bên bày tỏ tin tưởng Đại diện thường trú Tòa thánh sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong Quy chế; hỗ trợ cộng đồng Công giáo Việt Nam hoạt động trên tinh thần tôn trọng pháp luật và Giáo huấn của Giáo hội thực hiện đường hướng “đồng hành cùng dân tộc”, “giáo dân tốt và công dân tốt”, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước; đồng thời phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Italy và thăm Tòa thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là hoạt động trao đổi đoàn cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên giữa Việt Nam với Italy và Vatican trong 7 năm qua. Thành công của hai chuyến thăm đã tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII về độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác của Việt Nam với Italy và Tòa thánh Vatican.

Sắp xếp đơn vị hành chính đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn

Sáng 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã quán triệt, triển khai Kết luận số 48 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Kế hoạch thực hiện của Chính phủ và thảo luận về dự thảo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, việc rà soát, thực hiện điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; việc điều chỉnh địa giới hành chính; việc quản lý tài chính, biên chế…

Các báo cáo và ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá, trong giai đoạn 2019-2021, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, cơ bản phù hợp, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cả nước thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Qua đó, giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những kết quả thời gian qua cho thấy chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính là phù hợp thực tiễn. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những kinh nghiệm được rút ra, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 được chuẩn bị và triển khai thực hiện rất bài bản, lớp lang, kỹ lưỡng. Tinh thần là xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bám sát, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân - đây là mục tiêu cuối cùng.

Bên cạnh những kết quả rất cơ bản đã đạt được như các báo cáo và ý kiến phát biểu đã chỉ ra, Thủ tướng nêu rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian qua còn có một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, một số văn bản hướng dẫn chưa thực sự kịp thời, nội dung chưa thật đầy đủ, đồng bộ. Số lượng đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định vẫn còn nhiều. Việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư còn chưa kịp thời. Chất lượng đô thị ở một số đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp chưa bảo đảm theo quy định. Việc bố trí, sắp xếp các trụ sở cơ quan, đơn vị dôi dư và tài sản công tại một số địa phương thực hiện sắp xếp còn vướng mắc.  Việc thực hiện các chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được hướng dẫn cụ thể. Việc kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn có nơi, có lúc chưa được kịp thời.

Nêu rõ một số bài học kinh nghiệm sắp xếp đơn vị hành chính, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, thực hiện trong thời gian ngắn, nguồn lực có hạn, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; tác động đến tư tưởng, tâm lý của nhân dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Do đó, Thủ tướng lưu ý trong quá trình triển khai, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động phải rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, bảo đảm đúng quy định, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, không cầu toàn, không nóng vội, bảo đảm ổn định của hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tại địa phương, nhất là các đối tượng bị tác động. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương, phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra. Phải có sự vào cuộc sát sao, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là cấp ủy, chính quyền tại các địa phương thực hiện sắp xếp.

Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải đồng thời giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2019 - 2021; thực hiện chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đối với người dân có liên quan tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp. Việc sắp xếp đơn vị hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống người dân; giải quyết tốt các quan hệ dân sự, kinh tế của người dân và doanh nghiệp.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 với tinh thần quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân, hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã giao.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với sự thống nhất cao về nhận thức và các nhiệm vụ trọng tâm, khí thế, quyết tâm đạt được tại Hội nghị lần này, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 sẽ đạt được những kết quả toàn diện hơn; tiếp tục khẳng định tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, hướng tới xây dựng hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

Bảo đảm giải quyết triệt để những kiến nghị về quyền, lợi ích chính đáng của người lao động

Nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2023), chiều 28/7, Văn phòng Quốc hội phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn".

Chủ trì Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: đây là một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề đặc biệt để lắng nghe tâm tư, trao đổi từ các đoàn viên, người lao động trên khắp cả nước. Diễn đàn còn có sự tham gia của 500 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động của tất cả các tỉnh, thành phố, ngành, tập đoàn, tổng công ty trực thuộc đại diện cho 11 triệu đoàn viên, hơn 50 triệu người lao động cả nước. Diễn đàn đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến của người lao động do Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trình bày với hơn 4.500 ý kiến liên quan đến 45 nhóm vấn đề lớn; đã có 21 lượt ý kiến đại diện cho đoàn viên công đoàn phát biểu trực tiếp. 

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và biểu dương tinh thần cách mạng, không ngừng nỗ lực, quyết tâm vượt khó, vươn lên của anh chị em công nhân, luôn sát cánh, đồng hành với Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ luật cao. Sức chống chịu của các doanh nghiệp, của nền kinh tế có thể hiện được trong điều kiện khó khăn hay không là nhờ rất lớn ở hơn 52 triệu người lao động của cả nước. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ban Tổ chức Diễn đàn sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, xây dựng báo cáo tổng thuật gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, thống nhất tại Diễn đàn; tổ chức giám sát việc thực hiện, bảo đảm các nội dung kiến nghị về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động phải được giải quyết triệt để. 

Đối với những vấn đề bức xúc, bất cập mà cử tri nêu nhưng chưa được giải đáp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội và các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp, tiếp thu và khẩn trương giải quyết. Bên cạnh đó, một số vấn đề đề xuất, kiến nghị đã có trong dự kiến Chương trình xây dựng luật của Quốc hội nhiệm kỳ XV; đối với một số vấn đề khác chưa có trong dự kiến Chương trình thì đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, nếu cần điều chỉnh, bổ sung ngay thì báo cáo đề xuất để Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

II - TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI VÀ CƠ SỞ

Quán triệt, triển khai các quy định mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng

Ngày 27/7, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đồng chí Chu Đình Động - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối trình bày Quy định số 113-QĐ/TW, ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về “Thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương” và Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.

Quy định số 114-QĐ/TW được ban hành trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, có bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp yêu cầu, sát tình hình thực tiễn. Phạm vi điều chỉnh trong Quy định 114-QĐ/TW mở rộng hơn so với Quy định số 205-QĐ/TW. Đó là quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm. Cùng với đó, Quy định bổ sung đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ. Hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, quy định riêng 1 chương gồm 3 điều (Điều 3, Điều 4, Điều 5) để giải thích, làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Về hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được nêu trong Điều 3, cụ thể gồm: Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định; khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che, không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Quy định số 114-QĐ/TW cũng đã bổ sung thêm các hành vi chạy chức, chạy quyền như: Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi. Bên cạnh đó, Quy định này còn bổ sung thêm một số hành vi tiêu cực khác như: Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền xử lý; làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ; báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực; trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhấn mạnh: Việc quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 114-QĐ/TW nhằm góp phần nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ; làm cho công tác cán bộ ngày càng thực chất hơn. Để triển khai nghiêm túc Quy định của Bộ Chính trị, đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối nhấn mạnh: Người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý của các đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối phải nắm rõ quy định mới, cân nhắc đầy đủ, gương mẫu thực hiện, triển khai khách quan, công tâm trong việc quyết định công tác cán bộ. Đồng thời yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng trong Đảng bộ Khối khẩn trương quán triệt các quy định trên; tiếp tục đổi mới từ phương thức quán triệt nghị quyết, đến thực hiện các quy chế, quy trình công tác Đảng, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện Quy định số 113-QĐ/TW, ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về “Thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương”. Đơn vị nào gặp vướng mắc, khó khăn thì xin ý kiến của đảng ủy cấp trên xem xét, giải quyết để sớm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp Nhà nước.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 12 (mở rộng) sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và 6 tháng đầu năm 2023

Ngày 14/7/2023, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 12 (mở rộng) sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và 6 tháng đầu năm 2023. 

Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ nêu rõ: Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19 - 21/10/2020. Gần 3 năm qua, Đảng bộ Khối đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội trong bối cảnh đan xen nhiều thuận lợi và khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Khối và các cấp uỷ, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tính đến ngày 30/6/2023, 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra đều đạt và vượt. 

Để đạt được kết quả này, Đảng uỷ Khối và các cấp uỷ đảng trong toàn Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời xây dựng và ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp và nhiều hệ luỵ khó khăn sau đại dịch, các cấp ủy trong Đảng bộ Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Các mặt công tác xây dựng Đảng được triển khai nghiêm túc, nền nếp, đúng quy định. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được tăng cường, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất trong đảng bộ, đồng thuận trong doanh nghiệp. Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương được thực hiện nghiêm túc, có nhiều đổi mới. Công tác xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ được chú trọng. Tích cực thực hiện sơ kết, tổng kết các nghị quyết, quy định của Trung ương; rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản, quy chế, quy định về công tác xây dựng Đảng theo các quy định, hướng dẫn mới của Trung ương; nỗ lực hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp và thành lập cơ quan, bộ máy tham mưu giúp việc của Đảng tại các đảng ủy cấp trên cơ sở theo Quy định số 60-QĐ/TW, ngày 08/3/2022 và Quy định số 87-QĐ/TW, ngày 28/10/2022 của Ban Bí thư; Hướng dẫn số 23-HD/BTCTW, ngày 14/02/2023 của Ban Tổ chức Trung ương. Công tác cán bộ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới được coi trọng, gắn với chức danh, quy hoạch và bố trí, sắp xếp cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được triển khai khá toàn diện, chất lượng; các quy trình, quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra giám sát được tăng cường, đồng bộ; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên có nhiều chuyển biến, tăng cả về số lượng và chất lượng. Công tác dân vận của Đảng tiếp tục được quan tâm; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và người lao động. Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức đại hội nhiệm kỳ theo Điều lệ; phát huy vai trò trong giám sát và phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng doanh nghiệp, đơn vị. 

Các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp. Theo đó, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh toàn Khối tiếp tục tăng trưởng cao. Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ với nhà nước, đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia; tham gia điều tiết vĩ mô nền kinh tế; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt là chủ động, đi đầu, đồng hành chia sẻ khó khăn, triển khai nhiều giải pháp khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; bảo đảm việc làm, duy trì và nâng cao thu nhập, chế độ, chính sách cho người lao động. Theo đó, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong Khối tăng từ 1.426.134 tỷ đồng lên 2.083.788 tỷ đồng (tăng 46,1%); lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp và ngân hàng trong Khối từ 122.275 tỷ đồng lên 213.836 tỷ đồng (tăng 73,5%); nộp ngân sách từ 217.828 tỷ đồng lên 242.744 tỷ đồng (tăng 11,4%); vốn chủ sở hữu từ 1.566.544 tỷ đồng lên 1.766.512 tỷ đồng (tăng 12,8%). Tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty trong Khối tăng từ 2.762.548 tỷ đồng lên 2.937.467 tỷ đồng (tăng 6,3%), tổng tài sản của các ngân hàng trong Khối tăng từ 6.263.074 tỷ đồng lên 8.037.605 tỷ đồng (tăng 30,2%).

Trong nửa cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngoài các nghị quyết về nhiệm vụ công tác hằng năm, Đảng ủy Khối sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo dõi, đôn đốc tiến độ triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề đã ban hành. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 4 đột phá phát triển. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, phát huy trí tuệ tập thể của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học để giải quyết những vấn đề cấp bách, hệ trọng trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty, đơn vị trong Khối để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương để có phương án tháo gỡ cho các doanh nghiệp trong Khối. 

Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện chuyên đề toàn khóa và Chuyên đề năm của Đảng bộ Khối gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là các nghị quyết liên quan đến doanh nghiệp nhà nước và công tác xây dựng Đảng. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc tiếp nhận tổ chức đảng và đảng viên; hoàn thiện mô hình tổ chức đảng theo Quy định số 60-QĐ/TW, ngày 08/3/2022 của Ban Bí thư. Tiếp tục chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy; ban hành chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc; bố trí đủ số lượng cán bộ chuyên trách cho các cơ quan tham mưu giúp việc của đảng ủy cấp trên cơ sở theo Quy định số 87-QĐ/TW, ngày 28/10/2022 của Ban Bí thư. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các tiêu chí và triển khai thực hiện mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt” trong Đảng bộ Khối. 

Chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy định về quản lý, tổ chức, cán bộ theo hướng phân công, phân cấp rõ ràng; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Trung ương về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình trong việc đánh giá cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm, từ chức đối với cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện việc luân chuyển, điều động để đào tạo, rèn luyện cán bộ; quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có năng lực nổi trội. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp, đơn vị. 

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/ĐUK, ngày 03/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Kế hoạch số 62-KH/ĐUK, ngày 04/10/2022 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối thực hiện Kết luận về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 của Bộ Chính trị. Chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản mới của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đẩy mạnh thực Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của Đảng uỷ Khối và của các đảng uỷ trực thuộc. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị để thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra.

Lãnh đạo các đảng uỷ trực thuộc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện các giải pháp để triển khai hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh mà Đại hội Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2020 - 2025 và hằng năm đề ra; đầu tư theo chiến lược, kế hoạch, phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm có hiệu quả, phát triển bền vững. Ban hành kịp thời các nghị quyết, kết luận, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để xử lý các khó khăn, các hạn chế, yếu kém và tăng cường các giải pháp để khắc phục các chỉ tiêu có khả năng không đạt so với nghị quyết đại hội. Đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, chủ động thoái vốn/chuyển nhượng vốn tại các dự án có hiệu quả thấp để tập trung nguồn lực cho ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp. Lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Rà soát, xử lý, tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ.

Lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối tích cực tham gia thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong triển khai công tác an sinh xã hội, chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt vai trò của doanh nghiệp với cộng đồng. Quan tâm phát triển doanh nghiệp song song với trách nhiệm bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76-KL/TW, Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối. Triển khai Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam, xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam; phấn đấu đến năm 2025: 15% trở lên các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng được công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”.

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 cho biết, triển khai chủ đề công tác năm “Tập trung xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ”, Đảng uỷ Khối và các cấp uỷ đảng trong toàn Đảng bộ Khối đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo ban hành và triển khai các nghị quyết, chương trình công tác năm; tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả trên các mặt công tác xây dựng Đảng, quyết tâm vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm, vừa quyết liệt hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp và thành lập cơ quan, bộ máy tham mưu giúp việc của Đảng tại các đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc theo Quy định số 60-QĐ/TW, ngày 08/3/2022 và Quy định số 87-QĐ/TW, ngày 28/10/2022 của Ban Bí thư; Hướng dẫn số 23-HD/BTCTW, ngày 14/02/2023 của Ban Tổ chức Trung ương. Trong 6 tháng đầu năm, Đảng uỷ Khối đã chỉ đạo tiếp nhận 1.014/1.036 tổ chức đảng và 41.458/52.638 đảng viên từ các cấp ủy tại địa phương; 08/15 đảng ủy hoàn thành việc tiếp nhận tổ chức đảng theo Quy định số 60-QĐ/TW của Ban Bí thư. Đồng thời chỉ đạo 30/31 đảng ủy cấp trên cơ sở thành lập 4 cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy; bố trí 526 cán bộ làm công tác đảng. Tiếp tục thực hiện sơ kết, tổng kết các nghị quyết, quy định của Trung ương; rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản, quy chế, quy định về công tác xây dựng Đảng theo các quy định, hướng dẫn mới của Trung ương. Công tác chính trị, tư tưởng được tiếp tục được đổi mới; đồng thời nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất trong đảng bộ, đồng thuận trong doanh nghiệp. Công tác kiện toàn, củng cố tổ chức đảng được thực hiện thường xuyên. Việc thành lập mới, sắp xếp, chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng, đảng viên được thực hiện theo đúng quy định. Công tác cán bộ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. 

Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục duy trì có nền nếp, theo đúng kế hoạch; cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp chủ động thực hiện các nhiệm vụ, chú trọng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên. Công tác dân vận của Đảng tiếp tục được quan tâm; các phong trào thi đua yêu nước và “Dân vận khéo” được lan toả tích cực trong doanh nghiệp. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp ngày càng đi vào nền nếp, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, phát huy vai trò giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng doanh nghiệp. 

Các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp. Tổng doanh thu các tập đoàn, tổng công ty trong Khối đạt 54,3% kế hoạch năm, bằng 95,5% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận trước thuế của các đơn vị trong Khối đạt 55,3% kế hoạch năm, bằng 68% so với cùng kỳ năm 2022; nộp ngân sách nhà nước của các đơn vị trong Khối đạt 68,1% kế hoạch năm, bằng 85% so với cùng kỳ năm 2022. Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ với Nhà nước, đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia; tham gia điều tiết nền kinh tế; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm việc làm và nâng cao thu nhập và chế độ, chính sách cho người lao động. Thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội với tổng số tiền đạt 1.228,1 tỷ đồng, thực hiện Nghị quyết 30a với 9,81 tỷ đồng. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các doanh nghiệp trong Khối đã tham gia đóng góp ủng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của Tỉnh Điện Biên với số tiền trên 35 tỷ đồng, tương đương 704 căn nhà. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, 6 tháng cuối năm 2023 Đảng ủy Khối tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả các mặt công tác xây dựng Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, phát huy hiệu quả nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023; tập trung cao độ để góp phần bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế và các sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đặc biệt, trong bối cảnh chịu tác động kép từ các yếu tố bất lợi bên ngoài. Mặc dù khó khăn nhưng các Tập đoàn, Tổng công ty các ngân hàng, đơn vị trực thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương đã cơ bản hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, đóng góp tích cực hiệu quả cho kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả các mặt công tác xây dựng Đảng; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư thể hiện qua các con số: Tổng doanh thu 6 tháng là 54,3%, lợi nhuận 55,3% kế hoạch, nộp ngân sách đạt kết quả tích cực. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định: Thời gian tới có đan xen thuận lợi và khó khăn, trong đó thách thức nhiều hơn, đòi hỏi Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với quyết tâm rất cao. Đồng chí cũng lưu ý các nội dung tại Kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc các Tập đoàn, Tổng công ty đợt cuối năm 2022. Trong đó, cần tiếp tục phối hợp hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp, đơn vị tích cực đầu tư, phát triển hiệu quả hơn; đẩy nhanh tiến độ đi đôi với bảo đảm chất lượng tái cơ cấu lại, sắp xếp đổi mới các Tập đoàn, Tổng công ty giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tái cơ cấu phải có chọn lọc, trọng tâm. Các Tập đoàn cần lựa chọn kỹ càng, giữ lại những doanh nghiệp, giá trị cốt lõi; tiếp tục nâng cao đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng qua các hoạt động thiết thực và cụ thể, bảo đảm sự lãnh đạo quản lý thống nhất, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả việc đổi mới sắp xếp, tái cơ cấu, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội đất nước.

Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc cải cách, hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ bất cập, để các doanh nghiệp phát triển ngang tầm với yêu cầu trong tình hình mới. Văn phòng Chính phủ có bộ phận riêng kiểm soát thủ tục hành chính, sẽ khẩn trương đốc thúc tiến hành sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

"Đề nghị Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 bên để xem xét, ban hành và tổ chức thực hiện. Trong tháng 6 vừa qua, Bộ Chính trị đã họp và đồng ý nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Quy chế phối hợp công tác của Ban Cán sự Đảng Chính phủ với cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Trong thời gian tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành 2 Quy chế, làm căn cứ để xây dựng Quy chế phối hợp công tác", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nêu rõ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết, Hội nghị đã thống nhất rất cao những đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về kết quả thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ III đều vượt, nhiều chỉ tiêu vượt cao so với mức đề ra. Các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã đi đầu, nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước, đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia; tham gia điều tiết vĩ mô nền kinh tế; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, duy trì và nâng cao thu nhập, bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác của Đảng ủy Khối và các đảng bộ trực thuộc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. 

Đồng chí lưu ý, giai đoạn 2023 - 2025 có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ III, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong khi đó, các cấp ủy đảng trong Khối đang đối diện với thách thức rất lớn về khối lượng công việc, mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng, nhất là với một số nơi có số lượng tổ chức đảng, đảng viên tăng mạnh sau bước đầu thực hiện nghiêm túc Quy định số 60-QĐ/TW, ngày 08/3/2022 của Ban Bí thư. Các cấp ủy đảng trong Khối xác định phải nỗ lực cao nhất, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và nghiêm túc, kịp thời quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự hướng dẫn, giám sát của các Ban Đảng Trung ương; tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tích cực triển khai hiệu quả các mặt công tác, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra.

* Cùng ngày, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ để lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng ủy Khối khẳng định: Lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ là một trong những nội dung rất quan trọng trong công tác cán bộ, nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao vị trí, vai trò và uy tín lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm để góp phần đánh giá uy tín của cán bộ, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở quan trọng để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, thực hiện chính sách cán bộ; được công khai và sử dụng theo quy định.

Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm, đồng chí Nguyễn Long Hải đề nghị các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ Khối nghiên cứu kỹ các Báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và từ thực tế quan hệ công tác, đánh giá khách quan, thận trọng, trung thực, công tâm về mức độ tín nhiệm đối với từng đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối. Quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải thực hiện nghiêm theo Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị; Quy định số 09-QĐ/ĐUK, ngày 30/5/2023 và Kế hoạch số 91-KH/ĐUK, ngày 07/6/2023 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ hoặc làm mất uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm. Bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm; thực hiện nghiêm chế độ bảo mật thông tin, kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định.

Hội nghị đã giới thiệu Ban kiểm phiếu, triển khai hướng dẫn việc ghi phiếu, bỏ phiếu và kiểm phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về công tác xây dựng Đảng năm 2023

Ngày 26/7, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về công tác xây dựng Đảng năm 2023 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 32 điểm cầu trong toàn Đảng bộ Khối. Đồng chí Lê Văn Châu, Phó Bí thư Đảng ủy Khối; Trưởng Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.

Trong thời gian 01 ngày, Hội nghị được nghe các báo cáo viên chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải cao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng; thông tin về chuyên đề “Kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm báo chí thể loại chính luận - Kỹ năng sáng tạo tác phẩm truyền hình”; “Giới thiệu chủ đề, cách lựa chọn đề tài, khai thác, xử lý thông tin trong việc sáng tạo tác phẩm về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được quán triệt Kế hoạch tổ chức, Thể lệ Giải Búa Liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023 và giải đáp một số vấn đề,… Theo đó, nội dung các bài dự thi năm 2023 sẽ tập trung tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng Đảng về đạo đức; thực hiện Kết luận 01-KL/TW về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII); chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhà nước và chuyển đổi số quốc gia; việc thực hiện các quy định của Ban Bí thư: Quy định số 60-QĐ/TW về tổ chức đảng trong các đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước, Quy định số 87-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước,…

Năm 2023 Giải Búa Liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương bước sang năm thứ 5 tổ chức và đã thu hút sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, tạp chí, trang tin, bản tin, phóng viên, biên tập viên và đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn Khối. Đây là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Hội nghị giúp cán bộ, đảng viên và người lao động xác định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm xây dựng và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bổ sung kiến thức, nâng cao nhận thức, cập nhật những quan điểm mới, những vấn đề cần quan tâm trong công tác xây dựng Đảng về các mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, góp phần tuyên truyền thật tốt việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, bồi dưỡng kỹ năng lựa chọn đề tài, khai thác, xử lý thông tin, truyền đạt kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cho cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên tuyên truyền về xây dựng Đảng của Đảng bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao chất lượng Giải Búa liềm vàng năm 2023. 

Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Chương trình Về nguồn

Thiết thực kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023); ngày 25/7/2023, Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Chương trình Về nguồn, ôn lại truyền thống, tham quan các khu di tích lịch sử trong giai đoạn xây dựng lực lượng cách mạng đầu tiên của Đảng tại tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Thái Nguyên. Đoàn đã tổ chức dâng hương tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) và Khu Di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Những năm qua, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Cơ quan Đảng ủy Khối thường xuyên tổ chức các hoạt động phát huy truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa, qua đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động đối với các thế hệ cách mạng tiền bối, anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Chương trình Về nguồn 2023 nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động Cơ quan Đảng ủy Khối tìm hiểu về lịch sử, địa lý và vai trò quan trọng của các vùng căn cứ cách mạng trong giai đoạn xây dựng lực lượng cách mạng đầu tiên của Đảng.

Tới thăm, dâng hương tại các Di tích Quốc gia đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo và đoàn công tác Cơ quan Đảng ủy Khối bày tỏ niềm thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc; hứa mãi vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã chọn; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao quyết tâm chính trị, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Bồi dưỡng nghiệp vụ phương pháp giảng dạy cho báo cáo viên của Đảng ủy Khối

Ngày 21/7/2023, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ phương pháp giảng dạy cho báo cáo viên của Đảng ủy Khối và cán bộ, công chức của Cơ quan Đảng ủy Khối thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng cho cơ sở.

Hội nghị đã nghe PGS, TS Lương Khắc Hiếu trình bày nội dung chuyên đề: “Kỹ năng tuyên truyền miệng của báo cáo viên và những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến người học các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị”. Theo PGS, TS Lương Khắc Hiếu: “Học tập phong cách tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người báo cáo viên cần ra sức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, thường xuyên học tập trau dồi kiến thức, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm thực tế để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng viết và nói, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền được cấp uỷ giao cho”. “Để góp phần thực hiện thành công một bài tuyên truyền miệng có hiệu quả, thì yêu cầu của một Báo cáo viên, Tuyên truyền viên cần phải có những kỹ năng cơ bản về công tác tuyên truyền miệng, ngoài ra trong công tác tuyên truyền miệng còn có các kỹ năng khác, như kỹ năng làm chủ lời nói trong phát biểu, kỹ năng bắt đầu bài nói chuyện, kỹ năng nắm bắt thông tin phản hồi, kỹ năng thảo luận, tranh luận…”, PGS, TS Lương Khắc Hiếu nhấn mạnh.

Với kiến thức lý luận và thực tiễn phong phú, PGS, TS Lương Khắc Hiếu đã truyền đạt những nội dung rất phong phú và sống động, giúp cho đội ngũ báo cáo viên của Đảng ủy Khối và cán bộ, công chức Cơ quan Đảng ủy Khối thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ cho cơ sở nắm vững và sử dụng một số kỹ năng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng, từ đó giúp mỗi báo cáo viên hoàn thiện kỹ năng, phương pháp truyền đạt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hội nghị lần thứ 15 Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Ngày 11/7/2023, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ 15. Đồng chí Phan Công Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối chủ trì Hội nghị. 

Hội nghị xem xét, kết luận một số nội dung, cụ thể: Cho ý kiến kết quả thực hiện Thông báo kết luận Giám sát của UBKT Đảng ủy Khối tại Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Sau khi nghe báo cáo, UBKT Đảng ủy Khối nhất trí với kết quả xem xét, xử lý kỷ luật 01 tổ chức đảng và 03 đảng viên của các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; UBKT giao Thường trực UBKT chỉ đạo tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối với 03 đảng viên vi phạm, hiện đã chuyển sinh hoạt đảng ra ngoài Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Xem xét, kết luận kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thị hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ Đảng ủy, UBKT Đảng ủy Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone), kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Đảng ủy MobiFone: Sau khi nghe Đoàn Kiểm tra của UBKT Đảng ủy Khối báo cáo, UBKT Đảng ủy Khối thảo luận và thống nhất kết luận: Bên cạnh những ưu điểm, Ban Thường vụ Đảng ủy và UBKT Đảng ủy MobiFone còn có một số hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ theo nội dung kiểm tra; UBKT Đảng ủy Khối yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy MobiFone nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc, UBKT Đảng ủy MobiFone nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc, có kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm theo thông báo kết luận của UBKT Đảng ủy Khối. Yêu cầu Đoàn Kiểm tra số 33 tiếp thu các ý kiến tham gia của Ủy viên UBKT, trình Thường trực UBKT ký ban hành Thông báo kết luận kiểm tra đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và UBKT Đảng ủy MobiFone.

Xem xét, kết luận kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với và Ban Thường vụ Đảng ủy và UBKT Đảng uỷ VCCI; kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Đảng ủy VCCI: Sau khi nghe Đoàn Kiểm tra của UBKT Đảng ủy Khối báo cáo, UBKT Đảng ủy Khối thảo luận và thống nhất kết luận: Ban Thường vụ Đảng ủy và UBKT Đảng ủy VCCI có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ theo nội dung kiểm tra. UBKT Đảng ủy Khối yêu cầu tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, UBKT Đảng ủy và các cá nhân liên quan từ tháng 8/2020 đến nay kiểm điểm trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và công tác tài chính đảng. Yêu cầu Đoàn Kiểm tra số 31 tiếp thu các ý kiến tham gia của Ủy viên UBKT, trình Thường trực UBKT ký ban hành Thông báo kết luận kiểm tra đối với Ban Thường vụ Đảng ủy, UBKT Đảng ủy VCCI và dự kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân liên quan ở Đảng bộ VCCI, báo cáo kết quả với UBKT Đảng ủy Khối.

UBKT Đảng ủy Khối đã thống nhất điều chỉnh, không tiến hành giám sát chuyên đề đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và đồng chí Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng Việt Nam theo Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 của UBKT Đảng ủy Khối, do năm 2023 Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng phải triển khai thực hiện quy trình xem xét xử lý kỷ luật một số tổ chức đảng và cá nhân có trách nhiệm liên quan theo Thông báo kết luận của UBKT Trung ương, phục vụ đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra theo chỉ đạo của cấp trên.

UBKT Đảng ủy Khối yêu cầu UBKT các đảng ủy trực thuộc chủ động tham mưu cấp ủy cùng cấp triển khai thực hiện hoàn thành chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 của cấp ủy và UBKT.

Hội nghị chuyển giao các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Than Quảng Ninh về Đảng bộ TKV

Ngày 13/7, Tỉnh ủy Quảng Ninh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị chuyển giao các tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Than Quảng Ninh về trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Theo Quyết định số 1110-QĐ/TU ngày 11/7/2023 của Tỉnh ủy, có 9 đảng bộ cơ sở, 1 chi bộ cơ sở với tổng số 8.957 đảng viên trực thuộc Đảng bộ Than Quảng Ninh thuộc Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh chuyển giao về Đảng bộ Tập đoàn TKV thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.

9 đảng bộ cơ sở gồm: Đảng bộ Công ty Than Mạo Khê, Đảng bộ Công ty Than Uông Bí, Đảng bộ Công ty Than Nam Mẫu, Đảng bộ Công ty Than Hòn Gai, Đảng bộ Công ty Than Hạ Long, Đảng bộ Công ty Than Quang Hanh, Đảng bộ Công ty Than Dương Huy, Đảng bộ Công ty Than Khe Chàm, Đảng bộ Công ty Than Thống Nhất và 1 chi bộ cơ sở Khách sạn Heritage. Việc chuyển giao này được thực hiện theo Quy định số 60-QĐ/TW ngày 8/3/2022 của Ban Bí thư về tổ chức đảng trong các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành than tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Dù đối diện với nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong thời điểm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng ngành than vẫn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, giữ vững nhịp độ sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho trên 100 nghìn lao động, đóng góp vào thu ngân sách nội địa và GRDP của tỉnh.

Với quan điểm phát triển tỉnh Quảng Ninh là phát triển ngành than và ngược lại, tỉnh luôn đồng hành cao nhất, hỗ trợ tối đa giải quyết các khó khăn, vướng mắc của ngành than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ngành than và tỉnh cùng vận hành các cơ chế phát triển bền vững, tích cực chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”; không để xung đột giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng xung đột với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn. Lịch sử ngành than gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bản sắc văn hóa Người thợ Mỏ. Đây cũng là yếu tố rất đặc biệt và có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng truyền thống cách mạng của Đảng bộ tỉnh. 

Đồng chí đề nghị Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục cùng với Tỉnh ủy Quảng Ninh có những chỉ đạo mang tính đồng bộ đối với Đảng ủy Than Quảng Ninh và Đảng bộ Tập đoàn TKV, trong đó có việc rà soát các cơ chế phối hợp để xác định trách nhiệm của các bên ở mức cao hơn với mục tiêu lớn nhất là vì sự phát triển bền vững của ngành than và của tỉnh; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh hơn, phương thức, năng lực lãnh đạo được nâng lên, đội ngũ cán bộ đảng viên lớn mạnh hơn. Đồng thời, mong muốn các tổ chức Đảng sau khi chuyển giao về Đảng bộ Tập đoàn TKV tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh, không ngừng quan tâm đời sống người lao động.

Đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương bày tỏ những ấn tượng sâu sắc trước những thành quả phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022) trong thực hiện thành công “mục tiêu kép” và kết quả nổi bật của 6 tháng đầu năm 2023, khẳng định Quảng Ninh vẫn là điểm sáng, một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Một trong những nguyên nhân tạo nên kết quả đó chính là nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, đúng hướng của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh.

Đồng chí cũng đánh giá cao, những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã có sự quan tâm rất lớn đối với các tổ chức Đảng thuộc các Đảng bộ Tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đối với ngành than, Tỉnh ủy và cấp ủy các địa phương đã luôn đồng hành, sẻ chia trước những khó khăn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trên địa bàn tỉnh. Mặc dù, các tổ chức đảng hôm nay được chuyển giao về Đảng bộ Tập đoàn TKV nhưng vẫn đang sản xuất, hoạt động trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, giúp đỡ của tỉnh Quảng Ninh về mọi mặt. Thời gian tới, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương sẽ tiếp tục chỉ đạo Đảng bộ Tập đoàn TKV chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc duy trì hiệu quả công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, không ngừng đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, của ngành than.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Đảng uỷ Khối triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Ngày 10/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dự và phát biểu tại Hội nghị.

6 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Đảng uỷ Khối đã tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy Khối lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chỉ thị số 01-CT/ĐUK, ngày 21/12/2015 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, Chương trình hành động số 09-CTr/ĐUK của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối thực hiện Chỉ thị 03 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Đảng ủy Khối và Ban Chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, tích cực triển khai thực hiện Cuộc vận động; Ban Chỉ đạo Đảng ủy Khối đã ban hành 04 kế hoạch, 02 văn bản; thực hiện kiểm tra đối với Ban Chỉ đạo 02 đảng ủy; xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và thảo luận chuyên đề “Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương các doanh nghiệp trong Khối sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau.

Nhằm kịp thời thông tin, tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối về triển khai thực hiện Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Đảng uỷ Khối ban hành kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối trên Tạp chí Điện tử Đảng uỷ Khối. Một số đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động xúc tiến thương mại.

6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, sản phẩm, dịch vụ, tối ưu hóa, tiết giảm chi phí, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường và cạnh tranh với hàng nhập ngoại cùng chủng loại; tích cực triển khai hệ thống phân phối sản phẩm, dịch vụ tại các cùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với nhiều dự án, chương trình mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã thực hiện 6.210 công trình, sáng kiến, giải pháp từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ tiết kiệm, làm lợi cho doanh nghiệp, đơn vị hàng chục nghìn tỷ đồng.

Việc sử dụng dịch vụ, hàng hóa của Việt Nam trong mua sắm, đầu tư trang thiết bị văn phòng, nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào trong sản xuất kinh doanh được các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện; tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm gương mẫu trong sử dụng hàng Việt Nam, mua sắm các trang thiết bị trong nước sản xuất; xây dựng kế hoạch dùng hàng nội địa khi thực hiện mua sắm công và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất; chủ động sử dụng nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại; rà soát quy trình, quy chế chi tiêu, mua sắm nội bộ….. 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối sử dụng kinh phí trong đầu tư, mua sắm hàng hóa dịch vụ cung cấp trong nước trị giá hơn 17 nghìn tỷ đồng; đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu đầu vào là hàng Việt Nam cho sản xuất kinh doanh với tổng giá trị hơn 690 nghìn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp trong Khối tiếp tục duy trì thực hiện chủ trương sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong 6 tháng đầu năm, trong Khối đã có 311 thỏa thuận được ký kết mới và 338 thỏa thuận, hợp đồng được triển khai thực hiện giữa các doanh nghiệp với giá trị thực hiện hợp đồng gần 51.521 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp, đơn vị xác định việc thực hiện đấu tranh, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, như: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp xử lý 18 vụ vi phạm hàng hóa xuất nhập cảnh qua đường Bưu điện; Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, tạm giữ 6 vụ, thu giữ hàng không có nguồn gốc, không có giấy tờ... Ngoài việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ vi phạm về hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, các doanh nghiệp đơn vị thực hiện việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm với bộ nhận diện thương hiệu tránh việc hàng nhái, hàng giả đồng thời đăng ký tiêu chuẩn hợp quy, hợp chuẩn các chủng loại hàng hóa với các cơ quan chức năng để có được sự bảo vệ khi có sự tranh chấp trên thị trường nội địa và xuất khẩu; tổ chức kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận nhằm đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Đảng uỷ Khối; thảo luận chuyên đề “Các giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện chủ trương các doanh nghiệp trong Khối sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau” và nghe báo cáo nhanh kết quả xây dựng nâng cấp chuyên mục “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên Tạp chí Điện tử Đảng ủy Khối trên cơ sở kế thừa, hướng tới kết hợp với các nền tảng số, nâng cao chất lượng chương trình, đa dạng hóa nội dung và cập nhập thường xuyên thông tin mới nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ghi nhận những kết quả đạt được trong 6 tháng qua của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Đảng uỷ Khối. Đồng chí cho rằng, Đảng ủy Khối đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo, chỉ đạo các đảng uỷ trực thuộc gắn nội dung triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chương trình, kế hoạch sản xuất kinh doanh; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ để tạo ra các hàng hoá, sản phẩm với chất lượng ngày càng cao, giá cả cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Qua đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Khối tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng chí đánh giá cao cách làm sáng tạo của Đảng uỷ Khối về chủ trương để các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối nghiên cứu, thực hiện ký kết thoả thuận hợp tác cụ thể, lâu dài ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau. Coi đây là điểm sáng, cần tích cực lan toả, phát huy nhiều hơn nữa trong Khối vào thời gian tới.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp Nhà nước góp phần thúc đẩy, dẫn dắt đối với các thành phần doanh nghiệp khác trong thực hiện Cuộc vận động, đồng chí Hoàng Công Thuỷ đề nghị Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đơn vị trực thuộc Đảng ủy khối tiếp tục chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, của Chính phủ về Cuộc vận động; đặc biệt là Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Chỉ thị số 28/CT- TTg, ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động trong tình hình mới; nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau giữa các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối; các doanh nghiệp cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập; Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Đảng ủy Khối tham mưu với ban Thường vụ chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận, Chỉ thị của Trung ương, của Chính phủ, của Đảng ủy Khối về Cuộc vận động; rà soát lại quy chế hoạt động, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Cuộc vận động ở cơ sở; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả các nội dung Cuộc vận động…

Phát biểu Kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Đảng ủy Khối cho rằng, 6 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Đảng ủy Khối và các cấp uỷ, Ban Chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc đã tập trung, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội trong Khối thực hiện có hiệu quả các nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương của Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối “Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau”, đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng hoàn thành thực hiện nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp trong khối, đóng góp nộp ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện Cuộc vận động trong Khối vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể thời gian tới để việc thực hiện các nội dung Cuộc vận động trong Khối đạt những kết quả thiết thực hơn nữa.

Đồng chí Hồ Xuân Trường đề nghị Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Đảng ủy Khối, Đảng uỷ và Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các đảng uỷ trực thuộc tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cụ thể hóa vào chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2023. Đồng thời lưu ý phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Cuộc vận động theo chỉ đạo của Trung ương, Đảng ủy Khối. Các đảng uỷ trực thuộc cần cụ thể hoá và tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các doanh nghiệp trong Khối sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau. Trong quá trình thực hiện kế hoạch công tác năm phải thường xuyên rà soát các nội dung, kịp thời chỉ đạo, có giải pháp cụ thể, đề xuất tháo gỡ vướng mắc để thực hiện các nội dung Cuộc vận động thực chất, hiệu quả. 

Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Đảng uỷ Khối tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về Cuộc vận động, triển khai cập nhật thông tin, hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong Khối lên chuyên mục “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” trên Tạp chí điện tử Đảng uỷ Khối để các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động trong Khối và người tiêu dùng tiếp cận, truy cập, lựa chọn sử dụng; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đang thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở kịp thời tham mưu cho cấp uỷ tăng cường lãnh đạo ban hành các văn bản thực hiện Cuộc vận động, kiện toàn các thành viên Ban Chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề Cuộc vận động, thực hiện tốt các nội dung theo Kế hoạch công tác năm.

Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Đảng ủy Khối triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Ngày 07/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Vũ Trí Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Trưởng Ban Dân vận Đảng ủy Khối, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối ban hành Nghị quyết nhiệm vụ công tác năm 2023, trong đó có nội dung chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở; thực hiện nghiêm túc Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp công dân (người lao động), giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tiếp tục thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Ban Bí thư gắn với Kết luận số 119-KL/ĐUK của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về tiếp tục thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại theo quy định; giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động (CNVC, NLĐ).

Các ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp đã ban hành chương trình/kế hoạch công tác năm; tham mưu cho cấp ủy các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra/giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; phối hợp tổ chức các hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo ban hành 191 văn bản có liên quan đến việc chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, có 44 văn bản của ban chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.

Công tác tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện QCDC ở cơ sở được các cấp ủy, tổ chức đảng, doanh nghiệp triển khai linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, việc triển khai thực hiện QCDC được gắn với triển khai các nghị quyết của Trung ương, của Đảng ủy Khối hoặc được tổ chức lồng ghép vào các buổi họp sơ kết, tổng kết, triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Trong 6 tháng đầu năm 2023 các doanh nghiệp, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt được 902 buổi tuyên truyền theo chuyên đề và 1.171 buổi tuyên truyền lồng ghép cho hơn 200.000 lượt CNVC, NLĐ tham gia dưới nhiều hình thức khác nhau như: hội nghị trực tuyến, hội nghị giao ban cơ quan, sinh hoạt công đoàn, đoàn thanh niên, trang thông tin nội bộ, các ứng dụng công nghệ thông tin.

Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của Đảng ủy Khối và ban chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc có những sáng tạo, đổi mới trong công tác tham mưu và tổ chức hoạt động, từ đó tác động đến công tác quản trị, công tác điều hành của lãnh đạo quản lý doanh nghiệp chuyển biến mạnh mẽ theo hướng cụ thể, sát thực và hiệu quả vì người lao động; các quy chế, quy định của doanh nghiệp, đơn vị trong thực hiện dân chủ được công khai, minh bạch; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người lao động dần đi vào nề nếp… Ngoài việc tổ chức đối thoại theo định kỳ, cấp ủy, người đứng đầu doanh nghiệp đã chủ động đối thoại trực tiếp với người lao động và đại diện người lao động khi cần thiết, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động hạn chế bức xúc, không để xảy ra điểm nóng, các vụ việc lãn công, không để đơn thư khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Công tác kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra, giám sát về thực hiện QCDC ở cơ sở tại các đảng ủy trực thuộc được quan tâm thực hiện thường xuyên. Các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã xây dựng kế hoạch, tổ chức 288 đoàn kiểm tra đối với 288 đơn vị và 277 đoàn giám sát đối với 293 đơn vị.

Việc đối thoại tại nơi làm việc được cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, chủ tịch công đoàn các cấp tiến hành theo quy định, hoặc đối thoại đột xuất khi cần thiết. Tính đến thời điểm báo cáo các doanh nghiệp trong Khối đã tổ chức được 1.784 hội nghị; nhiều đơn vị thành viên của đảng ủy có Thỏa ước lao động tập thể, với những nội dung có lợi hơn cho người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp đều bố trí phòng tiếp dân và lịch tiếp dân ít nhất 01 lần/tháng; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế, quy định cho phù hợp với thực tế để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVC, NLĐ.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến cụ thể vào dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; sửa đổi Hướng dẫn tiêu chí đánh giá hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các đảng uỷ trực thuộc.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo Đảng ủy Khối cho rằng 6 tháng đầu năm 2023, các cấp uỷ, lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội trong Khối đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Trung ương, Đảng uỷ Khối về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đạt được những kết quả tích cực góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, người lao động ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những hạn chế, tồn tại cần có các giải pháp cụ thể tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới. 

Đồng chí Hồ Xuân Trường đề nghị, các Đảng ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC các Đảng ủy trực thuộc tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Kết luận 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị, các văn bản chỉ đạo của TW, Đảng ủy Khối, tiếp tục thực hiện có hiệu quả, nâng cao chất lượng việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023). Ban chỉ đạo thực hiện QCDC các đảng ủy trực thuộc phải chủ động tham mưu cho cấp uỷ kịp thời ban hành các văn bản thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Đảng uỷ Khối về thực hiện QCDC ở cơ sở; tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận gắn với việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó tập trung triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy chế, quy định liên quan theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Triển khai kế hoạch kiểm tra việc thực hiện QCDC năm 2023 theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở và Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của Đảng ủy Khối; nội dung kiểm tra phải rõ ràng, thực chất, đúng quy định.

Đồng thời, yêu cầu Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối tiếp thu các ý kiến góp ý của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo hoàn thiện báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2023; tiếp tục rà soát, đôn đốc các Đảng ủy, Ban chỉ đạo các Đảng ủy trực thuộc thực hiện nội dung QCDC, kịp thời tham mưu cho Đảng uỷ Khối và Ban Chỉ đạo Đảng ủy Khối chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại các Đảng ủy doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đi vào nền nếp, hiệu quả; Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Đảng ủy Khối, đề cao trách nhiệm tham mưu với cấp uỷ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối chú trọng công tác thông tin tuyên truyền về thực nhiệm Quy chế dân chủ ở cơ sở, các mô hình hiệu quả để nhân rộng góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện tốt QCDC ở cơ sở trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Tuổi trẻ Khối Doanh nghiệp Trung ương với hành trình tri ân tại Điện Biên

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), ngày 21/7, Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp với tỉnh đoàn Điện Biên tổ chức Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ và các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Đoàn công tác đã tới dâng hương tại Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã tới dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và thăm các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Cũng nhân dịp này, Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức các hoạt động an sinh ý nghĩa, nhằm tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng như: thăm hỏi và tặng quà tặng quà chiến sỹ Điện Biên; tặng quà các gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 01 sân chơi thiếu nhi, 02 công trình thắp sáng đường quê, công trình đồi A1. 

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn đại biểu Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia A1. Sau phút tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, đoàn đại biểu đã kính cẩn dâng hương, hoa và thắp gần 8.000 cốc nến lên phần mộ của các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia A1, Nghĩa trang Him Lam, Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Tông Khao tại tỉnh Điện Biên.

Tại buổi lễ, Đoàn thanh niên các đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã trao biển hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết tại tỉnh Điện Biên với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí do đoàn viên thanh niên trong Khối đóng góp, ủng hộ, tặng quà cho các chiến sỹ Điện Biên và con em các gia đình chính sách, có công cách mạng. Tổng giá trị các hoạt động an sinh xã hội trên địa bản tỉnh Điện Biên là hơn 1,3 tỷ đồng. 

​Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực thể hiện sự tri ân sâu sắc của Tuổi trẻ Khối Doanh nghiệp Trung ương đối với những cống hiến, đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Các đảng uỷ trực thuộc Đảng bộ Khối triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, nhiệm kỳ 2020-2025

* Đảng ủy Tổng công ty Lương thực miền Bắc vừa tổ chức hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 và sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023. Đồng chí Lê Văn Châu, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đến dự và chỉ đạo tại hội nghị.

Báo cáo đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, nêu rõ: Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, đời sống xã hội và hoạt động của doanh nghiệp. Trong gần 3 năm, việc phong tỏa, giãn cách để phòng chống dịch làm đình trệ hoạt động kinh doanh, giao nhận hàng hóa, xuất khẩu, đã tác động trực tiếp đến công việc hàng ngày của các đơn vị và người lao động, việc tìm kiếm các hợp đồng xuất khẩu gạo của Tổng công ty ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Bên cạnh đó, giá cả lương thực trong nước thường xuyên biến động, tiềm ẩn rủi ro cao trong hoạt động kinh doanh của Tổng công ty cũng như các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, Đảng ủy Tổng công ty tập trung lãnh đạo đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp, nỗ lực vượt qua khó khăn và đã hoàn thành các chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Về công tác xây dựng Đảng, hằng năm 100% tổ chức cơ sở đảng được đánh giá xếp loại Hoàn thành tốt nhiệm vụ; 95% đảng viên được đánh giá xếp loại Hoàn thành tốt nhiệm vụ; kết nạp được 45 đảng viên (đạt 100% so với nghị quyết. Về hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu tăng 4,1%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 6,6%/năm; lợi nhuận tăng 4,4%/năm; hoàn thành 100% chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước theo quy định; tăng trưởng thu nhập người lao động bình quân 5%/năm; tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân 4%/năm. Đối với kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu đạt 8.369 tỷ đồng, bằng 53,8% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 145 tỷ đồng, bằng 51,24% KH…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Châu, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ghi nhận và biểu dương kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội và kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Đảng bộ Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Để tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy đối với hoạt động của Tổng công ty, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Khối yêu cầu Đảng bộ Tổng công ty Lương thực miền Bắc tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó tập trung xây dựng Đảng bộ vững mạnh về tư tưởng, chính trị, đạo đức. Tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Lương thực miền Bắc lần thứ VII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, của Đảng ủy Khối. Chấp hành nghiêm và kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4, Kết luận số 21 của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ các cấp, củng cố tổ chức, chăm lo công tác phát triển Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong toàn Đảng bộ. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong Đảng bộ Tổng công ty phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia xây dựng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị vững mạnh.

Nhân dịp này Đảng ủy Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty, theo Quy định số 09-QĐ/ĐUK, ngày 30/5/2023 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.

* Đảng bộ Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương dự và phát biểu tại Hội nghị.

Theo báo cáo sơ kết, nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, người lao động phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách, tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, cùng đồng hành với doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh…

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Tổng công ty đã ban hành 03 Nghị quyết công tác năm để thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực về thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh so với Kế hoạch được giao như: Tổng doanh thu thực hiện ước đạt đạt 104.796 tỷ đồng, vượt 4,2% kế hoạch giai đoạn 2020 - 2023; nộp ngân sách ước thực hiện đạt 53.753 tỷ đồng, vượt 9,6% kế hoạch giai đoạn 2020 - 2023 (riêng năm 2022 chỉ tiêu nộp ngân đạt mức cao nhất trong lịch sử gần 13.800 tỷ); lợi nhuận trước thuế ước thực hiện đạt 6.144 tỷ đồng, vượt 11,6% kế hoạch giai đoạn 2020 - 2023; kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện đạt 787 triệu USD, bằng 99,2% kế hoạch giai đoạn 2020 - 2023. Đặc biệt, Tổng công ty hoạt động hiệu quả và đã bảo toàn và phát triển vốn: Vốn chủ sở hữu tăng bình quân 5,5%/năm; ROE bình quân đạt từ 14,6% đến 15,7%. Thu nhập bình quân của người lao động tăng bình quân xấp xỉ 8%/năm, công ăn việc làm, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được chăm lo, đảm bảo.

Đối với công tác cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp luôn bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Tổng công ty đã rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn thiện điều lệ, kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm và phương án sắp xếp lại Vinataba đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, phê duyệt ban hành theo quy định. Tổng công ty đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn về những khó khăn, vướng mắc trong công tác bàn giao Công ty Thực phẩm miền Bắc sang Công ty cổ phần. Tổng công ty đã thực hiện tái cơ cấu nội bộ Công ty Thương mại Thuốc lá và Công ty Thương mại miền Nam theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của 02 Công ty.

Nhìn lại hoạt động và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ Tổng công ty nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2023 cho thấy, công tác xây dựng Đảng được thực hiện đồng bộ, không ngừng đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Đảng uỷ Tổng công ty đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, người lao động trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của Tổng công ty/đơn vị. Thực hiện đúng các quy định về công tác tổ chức, cán bộ và đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được coi trọng, thực hiện có hiệu lực, hiệu quả hơn. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên.

Giai đoạn 2020 - 2022, Đảng bộ Tổng công ty được Đảng ủy Khối DNTW xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022”, “Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020 và 2021”, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Kết nạp được 239 đảng viên mới, bằng 130% so với kế hoạch nửa nhiệm kỳ, bằng gần 80% so Nghị quyết cả nhiệm kỳ. Kết quả đánh giá, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt tỷ lệ trên 90%. Trong đó tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 17%, vượt yêu cầu so với Nghị quyết đề ra.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Phong - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, chúc mừng Đảng bộ Tổng công ty cũng như các đơn vị thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị, tư tưởng Đảng đã nghiêm túc triển khai học tập, quán triệt và ban hành các văn bản chỉ đạo, quán triệt các quyền cơ sở triển khai thực hiện đầy đủ các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Nửa nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Tổng công ty đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, 4/5 chỉ tiêu tăng cao so với Nghị quyết đề ra.

Đồng chí Nguyễn Đức Phong cũng đề nghị, Đảng bộ Tổng công ty tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó tập trung giữ vững vàng về tư tưởng chính trị, đạo đức công chức, cán bộ. Phát huy tính chủ động sáng tạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Đảng ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân. Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, cần quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ Lê Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty thay mặt Đảng ủy Tổng công ty tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và cho biết: Dự kiến từ nay đến năm 2025, môi trường kinh doanh, chính sách, pháp luật dự báo sẽ có nhiều biến động khó lường, giá cả nguyên phụ liệu đầu vào chưa có dấu hiệu hạ nhiệt… sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành thuốc lá nói chung và Tổng công ty nói riêng. Công tác điều hành sản xuất kinh doanh, kiểm soát chi phí trong thời gian tới sẽ còn nhiều áp lực và thách thức, cần sự tập trung cao độ của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, quản lý và người lao động. Vì vậy, Đảng ủy Tổng công ty yêu cầu các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty và các cấp ủy đảng trực thuộc quán triệt phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đã đề ra, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ Tổng công ty nhiệm ky 2020 - 2025 đã đặt ra.

* Đảng bộ Tổng công ty Giấy Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2023. 

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Tổng công ty Giấy Việt Nam đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tích cực đổi mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cụ thể toàn diện các mặt công tác trọng tâm. Ngay sau Đại hội đảng bộ các cấp, Đảng ủy Tổng công ty đã ban hành Chương trình hành động số 36-CTr/ĐU, ngày 28/6/2021 và tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gắn với việc xây dựng chương trình hành động phù hợp với thực tiễn của đơn vị, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đem lại hiệu quả thiết thực. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, Bộ Công Thương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đảng ủy Tổng công ty luôn quan tâm, chú trọng, đổi mới trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức cán bộ; công tác dân vận triển khai thực hiện có nhiều chuyển biến tích cực; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thực hiện theo đúng phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”. 

Về công tác xây dựng Đảng, có 3/4 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra: Tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 92,59%/năm, vượt 12,59% chỉ tiêu đề ra; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 96,70%/năm, vượt 11,7% (chỉ tiêu đề ra đạt 85%); hằng năm các tổ chức đoàn thể của Tổng công ty (Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh) đều đạt trong sạch vững mạnh; doanh thu tăng bình quân là 13,0%/năm, vượt chỉ tiêu 3,6% (chỉ tiêu là 9,4%); lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 11,3%/năm, vượt chỉ tiêu 3,3%/năm. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và đầu tư thâm canh trong công tác trồng chăm sóc rừng nguyên liệu giấy còn hạn chế, chưa đưa được nhiều giống mới có năng suất cao vào trồng rừng, năng suất trồng rừng còn thấp, tỷ lệ hao hụt còn cao. Mặc dù một số chỉ tiêu giảm nhưng Tổng công ty Giấy Việt Nam luôn duy trì đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động; công tác quốc phòng, an ninh, văn hoá, an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trước bối cảnh khó khăn do nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh giữa Nga và Ucraina, dịch bệnh bùng phát với nhiều biến thể mới dẫn đến giá cả các loại nguyên nhiên vật liệu chủ yếu phục vụ cho sản xuất giấy (bột giấy, than, điện, hóa chất, nguyên liệu mảnh, chi phí logistics,…) tăng cao, Đảng ủy Tổng công ty Giấy Việt Nam đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023. Tổng công ty Giấy Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, duy trì sản xuất ổn định, an toàn, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, đẩy mạnh áp dụng các giải pháp thực hiện tiết kiệm năng lượng tại khu công nghiệp Bãi Bằng và Tissue Sông Đuống; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, công tác an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh công nghiệp; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với thực hiện Quy chế Văn hóa doanh nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 989,5 tỷ đồng (bằng 55% kế hoạch năm, bằng 92% so với cùng kỳ); doanh thu ước đạt 1.406 tỷ đồng (bằng 55% kế hoạch năm, bằng 114% so với cùng kỳ); lợi nhuận ước đạt 25 tỷ đồng (bằng 200% kế hoạch năm). Tiêu thụ giấy các loại: sản phẩm Giấy Bãi Bằng ước đạt 45.697 tấn (bằng 52% kế hoạch năm, bằng 91% so với cùng kỳ), sản phẩm giấy Tissue ước đạt 3.507 tấn (bằng 35% kế hoạch năm, bằng 82% so với cùng kỳ). Thu nhập bình quân Tổng công ty đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế, tồn tại trong việc triển khai, thực hiện. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm. Qua đó, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp hoàn thành nhiệm vụ công tác Đảng 6 tháng cuối năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Hồ Xuân Trường - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ghi nhận và đánh giá cao kết quả của Đảng ủy Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023 và trong nửa nhiệm kỳ vừa qua. Đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và đề nghị Đảng ủy Tổng công ty Giấy Việt Nam tập trung khắc phục, tiếp tục phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước.

Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Xuân Trường - Phó Bí thư Đảng ủy Khối đã trao tặng Cờ tổ chức Đảng đạt tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu 5 năm liền (2018 - 2022) cho Đảng bộ Nhà máy Hóa chất; tặng Bằng khen đảng viên đạt tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2018 - 2022) cho đồng chí Nguyễn Xuân Mai - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nhà máy Hóa chất.

Phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới và những kinh nghiệm rút ra trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Tổng công ty Giấy Việt Nam tập trung chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy đảng, bộ máy quản lý và các tổ chức đoàn thể trong Tổng công ty tập trung trí tuệ, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động sáng tạo, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhằm xây dựng Đảng bộ Tổng công ty trong sạch, vững mạnh, xây dựng Tổng công ty phát triển bền vững.

* Ngày 6/7, tại Phú Thọ, Đảng uỷ Tập đoàn Hoá chất đã tổ chức Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quý - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Tập đoàn cho biết, nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng uỷ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn. Nhưng trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành 15 nghị quyết (bao gồm cả công tác cán bộ) và 01 chỉ thị về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng, công tác tư tưởng trong Đảng bộ Tập đoàn.

Đảng ủy Tập đoàn đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đảm bảo về nội dung và tiến độ thời gian theo kế hoạch. Cấp ủy Tập đoàn nghiêm túc tham gia đầy đủ Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Ngay sau Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã tập trung xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ, Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy nhiệm kỳ 2020-2025; Quy chế quan hệ công tác giữa Ban Thường vụ Đảng ủy - Hội đồng thành viên - Tổng giám đốc Tập đoàn; Chương trình công tác toàn khoá; Phân công nhiệm vụ Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ.

Thực hiện Quy định số 87-QĐ/TW, ngày 28/10/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước và Hướng dẫn số 23-HD/BTCTW ngày 14/02/2023 của Ban Tổ chức Trung ương về tổ chức bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành các quyết định triển khai thực hiện thành lập các cơ quan tham mưu, giúp việc Đảng ủy. Ngay sau khi được thành lập, Đảng ủy Tập đoàn đã xây dựng Kế hoạch tiếp nhận tổ chức đảng, đảng viên về Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, phối hợp, chỉ đạo 16 tổ chức đảng được chuyển giao về trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn. Đến ngày 14/4/2023, đã hoàn thành việc chuyển giao, tiếp nhận về Đảng bộ Tập đoàn là 16 tổ chức đảng với 2.700 đảng viên (sớm hơn 06 ngày so với kế hoạch đề ra). Đến nay, Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là Đảng bộ cấp trên cơ sở xuyên suốt toàn Tập đoàn, có tổng số 39 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, có 4.316 đảng viên, sinh hoạt tại 363 chi bộ, trực thuộc 23 đảng bộ cơ sở, 06 chi bộ cơ sở và 10 chi bộ trực thuộc thẳng đảng ủy Tập đoàn.

Đảng ủy Tập đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc triển khai thực hiện công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy đơn vị nhiệm kỳ 2020-2025, và xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy đơn vị nhiệm kỳ 2025-2030 theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ chính trị, Ban Tổ chức Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Chỉ đạo thực hiện việc bổ sung quy hoạch và quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý Tập đoàn giai đoạn 2021-2026 và giai đoạn 2026-2031. Kịp thời chỉ đạo, cho ý kiến để các cấp ủy trực thuộc kiện toàn, bổ sung cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy khi thiếu khuyết.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của được Đảng bộ Tập đoàn đặc biệt chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các đồng chí cán bộ có đủ tiêu chuẩn tham gia học các lớp cao cấp, trung cấp lý luận chính trị hàng năm. Đảng bộ thường xuyên quan tâm đến hình thức, nội dung, chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ; thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, các nguyên tắc tổ chức và chế độ sinh hoạt đảng, mối quan hệ với quần chúng và giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.

Hàng năm thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình và kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương và của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, đảm bảo chặt chẽ, đánh giá đúng chất lượng. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, làm thủ tục kết nạp đảng cho 263 quần chúng ưu tú, đạt 105,2% chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ (kết nạp 50 đảng viên/năm); số đảng viên mới kết nạp đều được bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyển đảng chính thức đúng kỳ hạn.

Đảng ủy Tập đoàn đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng góp phần nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp tổ chức đảng và đảng viên vi phạm Điều lệ đảng, quy chế làm việc của cấp uỷ các cấp; giải quyết kịp thời các đơn thư tố cáo có liên quan đến tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với những đơn vị gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh để kịp thời phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, đồng thời đề xuất thay thế những cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng ủy và Ban lãnh đạo Tập đoàn quan tâm chú trọng, chỉ đạo các công ty, đơn vị thành viên nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả về Tập đoàn để tổng hợp, theo dõi nắm bắt tình hình và báo cáo cấp trên theo quy định. Việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phối hợp với việc tổ chức thực hiện các luật khác như luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hàng năm, Tập đoàn yêu cầu từng đơn vị rà soát, xây dựng kế hoạch tiết giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh, báo cáo Tập đoàn để theo dõi chỉ đạo thực hiện.

Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng về công tác dân vận; quan tâm lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống...”; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh đơn vị tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình công tác hàng năm theo sự chỉ đạo của cấp trên và nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Hướng dẫn các chi bộ, đảng bộ trực thuộc về việc chủ động, có kế hoạch chăm lo đời sống vật chất tinh thần, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động tại doanh nghiệp; xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Công tác quản lý, quản trị trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt và thực tế hơn, công tác dự báo thị trường, xây dựng các kịch bản ứng phó với các biến động thị trường được đẩy mạnh; các đơn vị thành viên trong Tập đoàn đã từng bước có sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ hơn trong việc cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm của nhau; công tác tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được thực hiện nghiêm túc theo Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cho biết, căn cứ kết quả đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ và dự báo về tình hình kinh tế trong nước, thế giới trong những năm tới, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn sẽ bàn bạc, phân tích, đánh giá và ban hành Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ nửa cuối nhiệm kỳ cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi để có thể phấn đấu thực hiện hoàn thành được. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020 và chỉ đạo tổ chức, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn 2021 - 2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường ban hành các Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Công Nam, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả, thành công vượt khó của Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua. Trong giai đoạn tiếp theo, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn, đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, người lao động Tập đoàn tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; nâng cao quyết tâm chính trị, nỗ lực hơn nữa trong hành động nhằm thực hiện tốt mọi mặt hoạt động, chăm lo công tác và phát triển đảng viên; đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, quy hoạch và sử dụng cán bộ; rà soát kiện toàn nhân sự các ban tham mưu Đảng bộ Tập đoàn. Tiếp tục công tác kiểm tra giám sát, kết hợp chặt chẽ với công tác giám sát và kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa từ sớm, từ xa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, hướng tới mục tiêu không để xảy ra sai phạm. Chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lãnh đạo thực hiện các giải pháp để triển khai hiệu quả kế hoạch kinh doanh, quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

* Vừa qua, Đảng ủy Tổng công ty Viễn thông MobiFone tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 13 để Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, nhiệm kỳ 2020-2025 và Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Đồng chí Lê Văn Châu, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW) dự và phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Hiển, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty khẳng định đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty khóa II, nhiệm kỳ 2020 - 2025, là dịp để Đảng bộ MobiFone cùng nhau nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa II.

Là một doanh nghiệp nhà nước lớn, có thương hiệu mạnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông MobiFone nhiệm kỳ 2020-2025, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, từ năm 2020 đến tháng 6/2023, Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã nỗ lực vượt qua nhiều thách thức, phát huy tích cực vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt coi trọng với quyết tâm chính trị cao.

Trong đó, điểm nhấn trước tiên và quan trọng thể hiện rõ nét nhất là Đảng ủy Tổng công ty luôn bám sát các Nghị quyết, chủ trương của Đảng ủy cấp trên, cơ quan chủ quản và nhiệm vụ kế hoạch đề ra, cụ thể hóa thành chương trình thực hiện, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tăng cường phân công, phân cấp quản lý; định hướng phát triển đúng đắn, xác định rõ mục tiêu, hướng đi phù hợp với xu thế phát triển và năng lực của doanh nghiệp để phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của mình. Cùng với đó là các công tác liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; chuyển đổi số nội bộ và chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng. 

Với những nỗ lực toàn diện trên các mặt công tác đó, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội về công tác xây dựng Đảng đã đạt được các mục tiêu đã đề ra. Theo đó, 95% tổ chức cơ sở Đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ; 96% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; kết nạp mới 230 đảng viên, đạt 57,5% kế hoạch cả nhiệm kỳ. Tổ chức công đoàn MobiFone đạt mức phân loại xuất sắc. Đoàn thanh niên MobiFone đạt xuất sắc dẫn đầu phong trào Đoàn Khối DNTW.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh tại Tổng công ty, tổng doanh thu năm 2020 đạt 32.146 tỷ đồng; năm 2021 đạt 32.119 tỷ đồng; năm 2022 đạt 30.160 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 13.738 tỷ đồng. Về lợi nhuận trước thuế, năm 2020 đạt 4.733 tỷ đồng; năm 2021 đạt 4.808 tỷ đồng; năm 2022 đạt 3.234 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.585 tỷ đồng. Tổng công ty nộp ngân sách Nhà nước hằng năm theo quy định. Bên cạnh đó là những nỗ lực không ngừng nên đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động trong toàn Đảng bộ Tổng công ty MobiFone được đảm bảo; ngay cả trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 cũng không có trường hợp lao động nào phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Tiến, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Tổng công ty báo cáo kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. 

Để Đảng bộ Tổng công ty tiếp tục phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, hướng đến hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong phần còn lại của nhiệm kỳ, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã có những phần tham luận nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại, tiêu biểu là tham luận về Học tập phong cách “tự chủ, sáng tạo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác kinh doanh giữ vững thị trường viễn thông tại TP. Hồ Chí Minh; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng; Sổ tay đảng viên - Giải pháp chuyển đổi số công tác đảng viên, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng tại chi bộ; Nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Khóa II Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông MobiFone,…

Vui mừng trước những kết quả mà Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã đạt được trong thời gian qua, đồng chí Lê Văn Châu, Phó Bí thư Đảng ủy Khối DNTW cho biết: “Những kết quả trên đã khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ Tổng Công ty Viễn thông MobiFone trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị nửa nhiệm kỳ vừa qua. Thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành quả quan trọng mà Đảng bộ Tổng Công ty đã đạt được trong giai đoạn 2020 - 2023 vừa qua”. Bên cạnh đó, đồng chí cũng khẳng định, giai đoạn từ nay đến năm 2025 là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III.

Đồng chí Lê Văn Châu cũng đề nghị Đảng uỷ Tổng Công ty tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông MobiFone nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương và của Đảng ủy Khối. Quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản, quy định của Trung ương, của Đảng ủy Khối và Đảng uỷ Tổng Công ty về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong Đảng bộ thực hiện tốt vai trò, chức năng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung của Tổng Công ty; lãnh đạo thực hiện các giải pháp để triển khai hiệu quả kế hoạch kinh doanh, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng.

* Chiều ngày 30/6, Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại Hội nghị, báo cáo về công tác xây dựng Đảng và tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) nửa nhiệm kỳ đầu cũng như những nhiệm vụ thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: Trong nửa nhiệm kỳ đầu, vấn đề nổi cộm nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, hoạt động SXKD của Tổng công ty đặc biệt khó khăn, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đảng uỷ, Ban lãnh đạo cùng sự sẻ chia, đồng lòng của tập thể cán bộ, đảng viên người lao động quyết tâm đưa Vietnam Airlines nhanh chóng vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển ổn định, bền vững. Về nhiệm vụ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025, Hội nghị cũng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung mọi nguồn lực phục vụ giai đoạn cao điểm hè hằng năm, khai thác an toàn, hiệu quả, tạo tiền đề cho hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2023 và các năm tiếp theo của nhiệm kỳ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án lớn như Đề án tái cơ cấu Tổng công ty, đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành… theo đúng tiến độ. Tiếp tục tối ưu hóa nguồn lực, nâng hiệu suất sử dụng đội tàu bay, tái cấu trúc về tổ chức, sắp xếp, tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh. Triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số. Triển khai các chuyến bay đặc biệt phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đảm bảo an toàn, chu đáo, trọng thị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Châu - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Đảng ủy, Ban lãnh đạo và toàn thể người lao động Tổng công ty Hàng không Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ qua trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh như: cạnh tranh thị trường hàng không gay gắt, sản lượng vận chuyển bị sụt giảm mạnh có những thời điểm gần như đóng băng chỉ còn vài chuyến bay/ngày, khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, cạnh tranh nhân lực diễn ra gay gắt, một số thông tin truyền thông gây bất lợi cho doanh nghiệp. Đảng uỷ, Ban lãnh đạo, Ban điều hành Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã vững tâm thế, đối mặt với từng diễn biến bất lợi của hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ động phân tích, dự báo, nhận định tình hình để có những phương án, kịch bản sản xuất kinh doanh phù hợp nhất với tình hình thị trường và tình trạng của doanh nghiệp. 

Đồng chí cũng yêu cầu Đảng ủy Tổng công ty tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ như: tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập trung xây dựng Đảng bộ vững mạnh về cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tập trung thực hiện Chỉ thị số 05-CT/ĐUK, ngày 21/6/2023 của Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối “về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, phát huy hiệu quả nguồn lực của các Tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương”; tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu Đại hội cho phù hợp với thực tế và bối cảnh kinh doanh mới.

Thay mặt Đảng ủy Tổng công ty, đồng chí Đặng Ngọc Hòa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT đã cảm ơn đồng chí Lê Văn Châu đã đến dự Hội nghị và có những ý kiến chỉ đạo đối với Đảng bộ Tổng công ty. Đồng chí cũng nhấn mạnh, toàn Tổng công ty sẽ quyết tâm thực hiện nghiêm túc những ý kiến chỉ đạo, triển khai Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty đã đề ra.

* Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Cao Hữu Hiếu - Phó Bí thư Đảng ủy, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Vinatex cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành 34 Nghị quyết, 20 Chương trình, 46 Kế hoạch, 27 Hướng dẫn, 30 Quyết định và hơn 300 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị trong Đảng bộ Tập đoàn, chỉ đạo tổ chức 15 Hội nghị chuyên đề cập nhật tình hình và dự báo về thị trường dệt may thế giới và Việt Nam…

Công tác xây dựng Đảng được cấp uỷ Tập đoàn và cấp ủy trực thuộc Đảng bộ đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, hàng tháng Đảng ủy phát hành tài liệu sinh hoạt chi bộ, đăng tải cập nhật trên website của Tập đoàn; nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW về việc “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; triển khai “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó chú trọng học tập chuyên đề toàn khóa và chuyên đề năm 2022 của Đảng ủy Khối DNTW với nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”; thực hiện đúng Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Nam Định vào tháng 5 vừa qua, Tập đoàn vinh dự được đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm Nhà truyền thống ngành Dệt May.

Công tác tổ chức và cán bộ được Đảng ủy Tập đoàn đổi mới, sắp xếp với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thành lập 04 cơ quan tham mưu công tác Đảng, bố trí 15 nhân sự chuyên trách theo Quy định 87-QĐ/TW. Đảng ủy Tập đoàn cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp uỷ, lãnh đạo quản lý các cấp. Từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy cử 55 học viên học sơ cấp chính trị, 59 học viên học trung cấp chính trị, 8 học viên học cử nhân chính trị, 2 cán bộ học cao cấp lý luận chính trị. Đảng ủy Tập đoàn đã kết nạp 237 đảng viên mới, đạt 60% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Việc đánh giá xếp loại hàng năm của Đảng bộ Tập đoàn đều hoàn thành và vượt so với chỉ tiêu, trên 90% đảng bộ, chi bộ cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có tổ chức đảng yếu kém; trên 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 15% tổng số hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Công tác kiểm tra giám sát tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu, chương trình kiểm tra giám sát của Đảng ủy cấp trên. Qua kiểm tra, giám sát tổ chức đảng thực hiện đạt yêu cầu các nội dung, duy trì tốt công tác xây dựng Đảng phù hợp với điều kiện; chấn chỉnh những vấn đề còn tồn tại hạn chế, không phát hiện đảng viên vi phạm nội dung giám sát.

Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, mức tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 15%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 8-10%. Đặc biệt, năm 2021, lần đầu tiên Tập đoàn đạt mốc lợi nhuận 1.419 tỷ đồng. Năm 2022, trong tình hình thị trường dệt may sụt giảm mạnh, lợi nhuận trước thuế đạt 1.212 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2020. Đảng ủy đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện theo đúng Đề án tái cơ cấu, đảm bảo việc làm và thu nhập của người lao động. Tính đến tháng 6/2023, số lao động của Tập đoàn là 61.513 người, bằng 98,7% so với cùng kỳ năm 2022, giảm 13% so với năm 2020 do thực hiện thoái vốn tại một số đơn vị theo Đề án tái cơ cấu nhưng vẫn đảm bảo bằng 90% lao động đầu nhiệm kỳ, thu nhập bình quân/người/tháng năm 2022 là 9,68 triệu đồng, tăng 15% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9,26 triệu đồng.

Nửa cuối nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Vinatex tập trung thực hiện 3 mục tiêu chính: nâng cao năng lực lãnh đạo; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, đảm bảo phát triển ổn định, giữ vững vai trò nòng cốt trong ngành Dệt May Việt Nam. Toàn Đảng bộ phấn đấu có 85% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; tổ chức đảng trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt tỷ lệ tối đa; 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt tỷ lệ tối đa; kết nạp mới ít nhất 123 đảng viên từ nay đến hết nhiệm kỳ… Cùng với đó, tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, có biện pháp phù hợp thực hiện khi sản xuất kinh doanh.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Phong - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW đánh giá cao kết quả triển khai các mặt công tác xây dựng Đảng của Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, nổi bật là thực hiện tốt công tác tư tưởng, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; thực hiện nghiêm túc các quy định về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiện toàn bộ máy nhân sự tham mưu, giúp việc cho Đảng ủy Tập đoàn theo đúng Quy định số 87-QĐ/TW, ngày 28/10/2022 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát theo kế hoạch nhiệm kỳ và kế hoạch hằng năm, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Trong giai đoạn phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, khủng hoảng địa chính trị, tình hình kinh tế lạm phát, thị trường toàn cầu suy giảm, Tập đoàn vẫn đảm bảo được hiệu suất sản xuất kinh doanh về doanh thu, lợi nhuận và đời sống việc làm của người lao động.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW đề nghị, Đảng ủy Tập đoàn tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, chủ động đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động.

Vietcombank chính thức làm ngân hàng thanh toán cho hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ

Vừa qua, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cùng Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ký kết thỏa thuận phối hợp thực hiện hoạt động giao dịch và thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL).

Phát biểu tại Lễ ký kết, đại diện Vietcombank, đồng chí Nguyễn Mỹ Hào - Thành viên HĐQT Vietcombank nhấn mạnh: “Thỏa thuận phối hợp thực hiện hoạt động giao dịch và thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giữa VSDC và Vietcombank là bước hiện thực hóa trách nhiệm của Vietcombank với vai trò là Ngân hàng thanh toán cho thị trường TPDNRL, là minh chứng cho sự cam kết đóng góp lâu dài của Vietcombank vào hoạt động thanh toán cho thị trường chứng khoán, giúp hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng mở ra một giai đoạn tham gia mạnh mẽ, sâu rộng hơn của Vietcombank vào thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung. Trên cơ sở thỏa thuận phối hợp được ký kết, Vietcombank cam kết sẽ dành mọi nguồn lực tốt nhất để duy trì, vận hành hệ thống VCB C-Bond, đáp ứng mọi nhu cầu của các thành viên lưu ký và nhà đầu tư tham gia thị trường, góp phần hỗ trợ thị trường được vận hành thông suốt, an toàn, minh bạch, hiệu quả”.

Được biết, sau thời gian triển khai xây dựng hệ thống, kết nối và phối hợp kiểm thử thành công với Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) và một số thành viên lưu ký, ngày 30/06/2023, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 538/QĐ-UBCK chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) làm ngân hàng thanh toán cho các giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ (TPDNRL) tại thị trường trong nước đã đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch TPDNRL. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ Việt Nam đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trở thành kênh dẫn vốn đầu tư quan trọng trong nền kinh tế hiện tại và tương lai. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc điều hành thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả, bền vững, Bộ Tài chính, UBCKNN đã chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung, đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Với mong muốn được đóng góp cho sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam và phát huy kinh nghiệm xây dựng và phát triển các hệ thống thanh toán trong ngân hàng, Vietcombank đã chủ động xây dựng hệ thống ngân hàng thanh toán chuyên biệt (VCB C-Bond) dành cho thị trường TPDNRL. Hệ thống ngân hàng thanh toán của Vietcombank bao gồm đầy đủ các chức năng theo yêu cầu của cơ quan quản lý; được hoàn thành xây dựng, kết nối, kiểm thử thành công toàn phần với VSDC và một số thành viên lưu ký lớn trên thị trường, đảm bảo khả năng vận hành theo đúng tiến độ của thị trường, dự kiến vào trung tuần tháng 7/2023.

Đặc biệt, VCB C-Bond đáp ứng yêu cầu thanh toán tức thời, từng giao dịch, kiểm soát thông tin số dư tiền mua, bán trái phiếu tới từng nhà đầu tư. Đây là yếu tố mới, vượt trội tạo điều kiện cho dòng vốn của nhà đầu tư được luân chuyển nhanh, các thông tin thị trường được quản lý minh bạch, hiệu quả. VCB C-Bond cũng chú trọng ưu tiên phương thức kết nối host-to-host qua API giữa Vietcombank với VSDC và các thành viên tham gia thị trường, đảm bảo giao dịch được thực hiện nhanh chóng, an toàn và bảo mật. Với các tính năng mở của hệ thống, VCB C-Bond sẽ tiếp tục cung ứng nhiều tiện ích mới, thuận tiện cho các thành viên lưu ký và nhà đầu tư tham gia thị trường. VCB C-Bond khi được chính thức vận hành sẽ trở thành một trong các hệ thống thanh toán chứng khoán quan trọng, khẳng định sự đóng góp của Vietcombank nói riêng và của ngành ngân hàng nói chung vào hoạt động thanh toán cho thị trường chứng khoán, giúp hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường vốn, thị trường tài chính Việt Nam.

BIDV phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số, an ninh mạng cho doanh nghiệp do nữ làm chủ

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Chương trình “Hành trang số cho doanh nghiệp do nữ làm chủ và ra mắt Sổ tay an ninh mạng dành cho nữ lãnh đạo”.

Chương trình giúp nâng cao năng lực sử dụng, khai thác thông tin và dữ liệu số an toàn trên không gian mạng cho doanh nghiệp (DN) do nữ làm chủ, các Hiệp hội, Hội, CLB Doanh nhân nữ; đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong DN do nữ làm chủ/lãnh đạo. Trong khuôn khổ của chương trình, các diễn giả đã chia sẻ về cơ hội, thách thức đối với DN do nữ làm chủ trong kỷ nguyên số; vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng đối với hoạt động của DN nói chung và DN do nữ làm chủ nói riêng; các giải pháp hỗ trợ DN do nữ làm chủ nâng cao năng lực chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng trong bối cảnh hiện nay…

Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp BIDV Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết: “Trong nhiều năm qua, BIDV không ngừng cung cấp các giải pháp tổng thể dành cho DNNVV; mang lại lợi ích, giá trị tốt nhất cho khách hàng; đồng thời tạo sự khác biệt trên thị trường. Đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ, BIDV luôn chủ động, nỗ lực làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài để hỗ trợ khách hàng một cách hiệu quả, toàn diện trên cả hai phương diện tài chính và phi tài chính”. Thời gian qua, BIDV đã nỗ lực không ngừng để ra mắt “Nền tảng số SMEasy” (https://smeasy.bidv.com.vn) đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho DNNVV, ứng dụng trên nền tảng Website và Mobile App. SMEasy được thiết kế theo mô hình “One-Stop Shop - Một điểm đến, đa tiện ích”, sở hữu các tính năng vượt trội, giao diện thân thiện, tối ưu hóa theo từng người dùng, giúp các DNNVV tiếp cận sản phẩm và dịch vụ ngân hàng một cách hiệu quả nhất. Chương trình còn hỗ trợ các DNNVV tiếp cận các giải pháp chuyển đổi số; kết nối và mở rộng hoạt động kinh doanh; hỗ trợ các công cụ, cẩm nang quản trị kinh doanh, truyền thông sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp; đặc biệt là các khóa đào tạo trực tuyến trên Học viện SME. Ngoài ra, BIDV còn triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, thực hiện các chương trình hội thảo nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, tổ chức chuỗi chương trình nâng cao năng lực cho DNNVV…

Hoạt động hỗ trợ DNNVV trong đó có DNNVV do phụ nữ làm chủ, là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ, cần sự chung tay của các bộ ngành, các tổ chức và ngân hàng thương mại. Với phương châm “vững bước tiên phong, đồng hành phát triển”, BIDV xác định sẽ luôn là người bạn đồng hành, tin cậy, bền vững của các khách hàng.

VNA được vinh danh trong Top 10 Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam 2023

Ngày 16/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao chứng nhận Nhãn hiệu nổi tiếng - Nhãn hiệu canh tranh Việt Nam năm 2023. Tại buổi lễ, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) được vinh danh trong Top 10 Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam năm 2023. Với vinh dự lần thứ 8 liên tiếp nhận giải thưởng này, VNA đã khẳng định là một trong những đại diện tiêu biểu của nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam, vươn mình mạnh mẽ ra thế giới. Giải thưởng một lần nữa khẳng định vị thế của hãng hàng không quốc tế 4 sao, nắm giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển chung của ngành vận tải hàng không Việt Nam.

Nhãn hiệu gắn trên sản phẩm của VNA mang tính độc đáo, có tốc độ phát triển nhanh, mạnh mẽ, ảnh hưởng thị trường lớn. Ngoài ra, VNA cũng được đánh giá là có nhiều nỗ lực trong việc chủ động vượt qua những thách thức, khó khăn trong thời gian vừa qua và tích cực tham gia các hoạt động mang tính xã hội. Thời gian vừa qua, VNA đã liên tiếp giới thiệu và nâng cấp sản phẩm, dịch vụ, khôi phục lại các đường bay nội địa và quốc tế, đáp ứng nhu cầu du lịch tăng cao của hành khách. Hãng cũng tiếp tục phát huy thế mạnh là mạng đường bay rộng lớn, đội máy bay thân rộng Airbus A350, Boeing 787 hiện đại, quy mô lớn nhất Việt Nam.

Triển khai Quyết định công tác cán bộ của Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương tại Đảng uỷ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

Ngày 05/7/2023, tại Hà Nội, Đảng uỷ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chỉ định nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Quyết định số 1394 và 1395-QĐ/ĐUK ngày 30 tháng 06 năm 2023 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, đồng chí Nguyễn Hùng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bưu điện Thành phố Hà Nội được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trường Giang, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chúc mừng đồng chí Nguyễn Hùng Sơn và đồng chí Nguyễn Trường Giang được giao trọng trách mới; khẳng định đây là vinh dự cũng là trách nhiệm lớn lao để tiếp tục có đóng góp quan trọng hơn với sự phát triển chung của Tổng công ty trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Xuân Trường cho rằng, việc kịp thời bổ sung, kiện toàn lãnh đạo chủ chốt cấp ủy và lãnh đạo quản lý của Đảng ủy Tổng công ty để đảm bảo lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng cũng như lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Đảng ủy Khối tin tưởng với năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm và quá trình công tác của đồng chí Nguyễn Hùng Sơn và đồng chí Nguyễn Trường Giang sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị công tác mới.

Đồng chí Hồ Xuân Trường cũng đề nghị đồng chí Nguyễn Hùng Sơn và đồng chí Nguyễn Trưởng Giang nhanh chóng tiếp cận công việc, cùng với tập thể thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng Công ty thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết công tác năm, các chương trình, kế hoạch công tác của Đảng uỷ; cùng với tập thể Đảng ủy tiếp nối truyền thống đoàn kết, xây dựng Đảng bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Đồng thời đề nghị tập thể Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng Công ty giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ với 2 đồng chí vừa được giao trọng trách mới thực hiện tốt nhiệm vụ.

“Với truyền thống 78 năm Ngành Bưu điện, tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Tổng công ty cùng cá nhân 02 đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành – Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” tập trung đoàn kết, thống nhất, liên tục đổi mới để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo vai trò lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy đối với mọi hoạt động của Tổng Công ty về công tác Đảng, công tác cán bộ và hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện nghiêm các phương thức lãnh đạo, nguyên tắc hoạt động của Đảng, lãnh đạo Tổng Công ty thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và sứ mệnh của Bưu điện Việt Nam, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần quan trọng vào kết quả chung của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương”, đồng chí Hồ Xuân Trường nhấn mạnh.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Nguyễn Hải Thanh khẳng định: Việc bổ sung thêm 02 đồng chí tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ các vị trí chủ chốt trong Đảng ủy và Hội đồng thành viên giai đoạn hiện nay là đặc biệt quan trọng và cần thiết nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng ủy đối với mọi mặt hoạt động của Tổng công ty. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ sẽ đoàn kết, thống nhất trên nguyên tắc tập trung, dân chủ và quy chế làm việc của Đảng bộ. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ sẽ là hạt nhân lãnh đạo Đảng bộ Tổng công ty thực hiện tái cơ cấu toàn diện Tổng công ty giai đoạn 2023 - 2025. Ngay sau Hội nghị này, Đảng ủy Tổng công ty sẽ thực hiện việc phân công nhiệm vụ trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Phó Bí thư. Thực hiện rà soát, ban hành quy chế làm việc, quy chế mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc; các quy chế, quy định của Đảng đảm đúng nguyên tắc, điều lệ Đảng; tạo điều kiện cho mỗi đồng chí Thường trực Đảng uỷ, ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, các đồng chí Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc phát huy được hết năng lực, sở trường, giúp Tổng công ty nắm bắt tốt các cơ hội, giải quyết kịp thời các điểm nghẽn, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ II đã đề ra. Đồng chí Nguyễn Hải Thanh cũng đề nghị, mỗi đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ nêu cao tinh thần đoàn kết, tiên phong, gương mẫu, chủ động, sáng tạo, có tư duy đổi mới, chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Ban Thường vụ, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc các giải pháp thúc đẩy nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; Lãnh đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển dài hạn, trung hạn, kế hoạch hằng năm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp vững mạnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, đại diện cho các đồng chí được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty nhiệm kỳ 2020 - 2025, tân Phó Bí thư Nguyễn Hùng Sơn cam kết sẽ nỗ lực hết mình, tiên phong, gương mẫu cùng tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, hành động quyết liệt, tận tâm tận lực vì sự đổi mới toàn diện của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, tổ chức thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần II nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Petrovietnam ngược dòng thị trường, hiện thực khát vọng tăng trưởng

6 tháng đầu năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước hết sức khó khăn, thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ và xu hướng tháng sau giảm so với các tháng trước, nhưng nhờ quyết liệt, hiệu quả trong quản trị, điều hành, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) an toàn, ổn định, đạt kết quả cao, tăng trưởng qua các tháng, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng GDP cả nước, cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 420,1 nghìn tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch (KH) 6 tháng; nộp ngân sách Nhà nước (không bao gồm NSRP) ước đạt hơn 66 nghìn tỷ đồng, vượt 63% KH 6 tháng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất vượt cao so với KH 6 tháng; cung cấp ổn định, tối đa các sản phẩm chiến lược: khí, điện, đạm, xăng dầu,… cho đời sống và sản xuất.

Kết quả trên có được rất khác biệt trong điều kiện tình hình vĩ mô, thị trường, kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn, đặc trưng nhất là tính gián đoạn, đứt gãy cao, chưa từng có tiền lệ. Các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 hiện đều giảm so với dự báo cuối năm 2022. Ở trong nước, mặc dù tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý I nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch đặt ra; bối cảnh chung khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Cùng với tình hình chung đó, tác động trực tiếp và rất lớn đến ngành Dầu khí là thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ và xu hướng tháng sau giảm so với các tháng trước; giá dầu thô, giá khí, biên lợi nhuận xăng dầu, lọc dầu giảm mạnh, nhu cầu điện tăng không cao so với cùng kỳ; bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới 6 tháng đầu năm giảm từ 25 - 27% so với cùng kỳ; giá phân bón ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn;….

Một trong những vướng mắc, khó khăn lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ trong toàn Petrovietnam lên đến gần 23.000 tỷ đồng, trong đó nợ đến hạn thanh toán là hơn 14.000 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động SXKD, cân đối dòng tiền của Tập đoàn. Bên cạnh đó, với việc ưu tiên huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo nhưng với tính ổn định không cao dẫn đến các nhà máy nhiệt điện khí huy động lên xuống máy liên tục làm xác suất sự cố các tổ máy tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện cũng như tính sẵn sàng để đảm bảo mục tiêu kế hoạch sản lượng điện của Tập đoàn.

Nhận định những khó khăn, thách thức lớn của tình hình vĩ mô, thị trường, ngay từ đầu năm, tập thể cán bộ, người lao động Petrovietnam đoàn kết, kiên trì bám sát chủ đề công tác năm 2023: “Quản trị biến động, Mở rộng quy mô, Tăng tốc chuyển đổi số, Dịch chuyển mô hình, Nâng cao năng suất, Tái tạo kinh doanh”. Phát huy hiệu quả của các giải pháp quản trị, điều hành, hoạt động SXKD trong toàn Tập đoàn được đảm bảo an toàn, ổn định, tháng sau cao hơn tháng trước, quý II có sự tăng trưởng rất tích cực so với quý I và cùng kỳ 2022. Thông qua áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật - công nghệ, năng suất, hiệu suất, công suất các nhà máy trong toàn Tập đoàn đạt trên 110%. Sản lượng khai thác dầu thô đạt 2,7 triệu tấn, tăng 3,8% so với quý I và tăng 0,1% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác khí đạt 2,19 tỷ m3, tăng 11,3% so với quý I và tăng 3,7% so với cùng kỳ; sản xuất điện đạt 7,01 tỷ kWh, tăng 24,1% so với quý I và tăng 85,7% so với cùng kỳ; sản xuất sản phẩm xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 1,79 triệu tấn, tăng 3,2% so với quý I và tăng 2,6% so với cùng kỳ;… Do đó, mặc dù giá xuất bán thấp hơn, nhưng tổng doanh thu toàn Tập đoàn trong quý II cao hơn so với quý I.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Petrovietnam đạt sản lượng khai thác dầu thô 5,3 triệu tấn, vượt 14,3% so với KH 6 tháng, trong đó khai thác dầu thô trong nước đạt 4,4 triệu tấn, vượt 16,9% KH 6 tháng và khai thác dầu thô nước ngoài đạt 900 nghìn tấn, vượt 3% KH 6 tháng; sản lượng khai thác khí đạt 4,16 tỷ m3, vượt 27,1% KH 6 tháng; sản xuất điện đạt 12,66 tỷ kWh, vượt 4,5% KH 6 tháng; sản xuất đạm đạt 877,5 nghìn tấn, vượt 10,6% KH 6 tháng; sản xuất sản phẩm xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 3,53 triệu tấn, vượt 16,6% KH 6 tháng.

Nhờ tích cực gia tăng sản xuất và tối ưu hiệu quả SXKD, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm vượt kế hoạch được giao và tích cực hơn so với đà suy giảm của giá dầu cũng như tình trạng xuất khẩu kém và đầu tư, tiêu dùng thấp. Hầu hết các đơn vị thành viên Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức KH 6 tháng, nổi bật như: Công ty mẹ - Tập đoàn; Vietsovpetro, PVEP, PV GAS, PTSC, PVDrilling, PVTrans,… Công tác đầu tư của Petrovietnam được tập trung trọng điểm. Đặc biệt, việc xây dựng và tái tạo văn hóa Petrovietnam là một mũi tiên phong đột phá trong toàn Tập đoàn, hiện thực hóa định hướng mục tiêu từ đầu năm là “tái tạo văn hóa đi trước, định hướng, tạo đà cho tái tạo kinh doanh, thúc đẩy, hỗ trợ cho SXKD hiệu quả, bền vững”. Ngày 28/6/2023, Tập đoàn được vinh danh Top 10 Doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2023 trong các ngành kinh tế trọng điểm.

Các công tác khác đều được triển khai tích cực: Ước thực hiện tiết giảm chi phí trong 6 tháng đầu năm toàn Tập đoàn đạt 1.152 tỷ đồng, bằng 51,4% kế hoạch năm 2023; thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng trị giá 80,47 tỷ đồng; công tác chuyển đổi số, ERP và an ninh mạng được triển khai đồng bộ; đã phát hành 2 ấn phẩm về Chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng; tích cực triển khai phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật Dầu khí 2022 và tham gia tổ soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí 2022; chủ động, tích cực đề xuất, tham gia xây dựng chính sách mới, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của Tập đoàn.

Trong 6 tháng cuối năm, Tập đoàn sẽ kiên định mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu quản trị đề ra. Để làm được điều này, Petrovietnam và từng đơn vị sẽ phải thường xuyên đánh giá, xây dựng kế hoạch điều hành dựa trên kịch bản tăng trưởng kinh tế đất nước và mục tiêu quản trị để cụ thể hóa, bám sát, quản trị chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch; rà soát những vấn đề còn tồn tại, khó khăn của đơn vị để Tập đoàn có các chính sách, cơ chế, cũng như phân cấp hỗ trợ đơn vị tháo gỡ; vận hành an toàn các đường ống khí, đảm bảo nguồn khí cho các nhà máy điện, đồng thời đảm bảo tính sẵn sàng, khả dụng cao của các nhà mày để cung ứng điện tối đa cho nền kinh tế; vận hành ở công suất cao các nhà máy sản xuất để gia tăng sản lượng, bù đắp biến động giá giảm; mở rộng thị trường, thị phần, đa dạng hóa các sản phẩm; triển khai xây dựng chiến lược vốn, có kế hoạch thu xếp vốn cho các lĩnh vực hoạt động mới, dịch chuyển năng lượng; rà soát xử lý công nợ trong và ngoài Tập đoàn, kết hợp với đánh giá, quản trị rủi ro tài chính, dòng tiền; chuẩn bị tích cực để thực hiện đề án tái cấu trúc khi được phê duyệt, đặc biệt với các doanh nghiệp, dự án khó khăn để tập trung giải quyết dứt điểm có lộ trình cụ thể.

Tập đoàn Bảo Việt: Lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 15,7%

Tập đoàn Bảo Việt vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 (trước soát xét), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu hợp nhất đạt 28.355 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 1.169 tỷ đồng và 973 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 11,6% và 15,7%. Tổng tài sản hợp nhất tại 30/6/2023 đạt 220.771 tỷ đồng, tăng 9,5% so với thời điểm 31/12/2022.

Tổng doanh thu Công ty Mẹ đạt 773 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 550 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 0,2% và 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản Công ty Mẹ đạt 18.047 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 17.852 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,7% và 3,2% so với thời điểm 31/12/2022.

Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo Việt luôn thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư. Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận, Bảo Việt sẽ chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 9,54% trên mệnh giá cổ phiếu cho năm tài chính 2022, tương đương mức chi trả 708 tỷ đồng. Với mức chi trả này, tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông Bảo Việt từ khi cổ phần hóa đến nay lên tới hơn 12.400 tỷ đồng.

Sau 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 5.556 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022 và bám sát tiến độ kế hoạch năm 2023. Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ kết thúc 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng trưởng tổng doanh thu 9,8%, đạt 22.157 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 525 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Bảo Việt Nhân thọ và Bảo hiểm Bảo Việt vừa được công bố tiếp tục là công ty dẫn đầu TOP 10 “công ty Bảo hiểm Nhân thọ uy tín”, “công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ uy tín” năm 2023 năm thứ 7 (Vietnam Report).

VNPT đạt ba giải thưởng hàng đầu quốc tế về bảo mật

Vừa qua, các sản phẩm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), gồm: Giải pháp kiểm soát kết nối độc hại (VNPT DNS Protection), nền tảng quản lý định danh và xác thực sinh trắc học (VNPT BioID) và giải pháp điểm danh, chấm công 4.0 (vnFace) đã đạt giải tại Cybersecurity Excellence Awards.

Cybersecurity Excellence Awards là giải thưởng tôn vinh các công ty, sản phẩm và chuyên gia có sự xuất sắc, đổi mới và đi đầu trong lĩnh vực bảo mật thông tin. Ban giám khảo giải thưởng là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin đến từ các tổ chức, tập đoàn lớn của thế giới như: Cisco, Amazon, Citibank, Google, Visa, IBM,… Với hơn 800 đơn đăng ký tham dự, Cybersecurity Excellence Awards năm nay có tính cạnh tranh cao độ. Trong số đó, VNPT đã vượt qua nhiều ứng viên khác và được vinh danh với ba sản phẩm, bao gồm: Giải pháp kiểm soát kết nối độc hại (VNPT DNS Protection), Nền tảng quản lý định danh và xác thực sinh trắc học (VNPT BioID) và Giải pháp điểm danh, chấm công 4.0 (vnFace). Công nghệ và chuyển đổi số giúp thay đổi cuộc sống nhưng đồng thời cũng đặt ra rất nhiều thách thức về an toàn bảo mật thông tin. Theo nghiên cứu của một số công ty An ninh mạng tại Việt Nam, dữ liệu của doanh nghiệp cũng như cá nhân khi trực tuyến đã tạo điều kiện cho hoạt động đánh cắp thông tin diễn ra ngày càng phổ biến. Kéo theo đó là số lượng tệp độc hại không ngừng phát triển và biến hóa khôn lường. Bất kể là doanh nghiệp có quy mô lớn, các Tập đoàn về công nghệ hay những công ty rất nhỏ, thì tin tặc, virus độc hại gần như rình rập mỗi giây.

Chính bởi vậy, với vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt về chuyển đổi số tại Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) luôn coi trọng và đầu tư vào các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin, coi đây là một trong những trụ cột để phát triển công nghệ thông tin cho khách hàng. Trong thời gian gần đây, VNPT đã để lại dấu ấn tại nhiều sự kiện trong và ngoài nước với hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo toàn diện - VNPT AI. Trong đó, điểm sáng là lõi công nghệ sinh trắc học khuôn mặt VNPT FaceID, được ứng dụng trong hai giải pháp đạt giải - VNPT BioID và vnFace. VNPT FaceID hiện đang là mô hình trí tuệ nhân tạo duy nhất của Việt Nam được xếp vào Top 10 trên bảng xếp hạng của Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (NIST) tại hạng mục nhận diện khuôn mặt đa sắc tộc (FRVT 1:N – KIOSK). Đồng thời, công nghệ này cũng được iBeta (thành viên Liên minh FIDO) chứng nhận đạt chuẩn ISO 30107-3 về chống giả mạo khuôn mặt.

Tại Hội nghị Công nghệ Châu Á 2023 (Asia Tech X Singapore 2023), diễn ra vào đầu tháng 6/2023. Sau khi trải nghiệm VNPT FaceID, nhiều tập đoàn công nghệ lớn từ Nhật Bản, Anh Quốc và Singapore đã thể hiện sự quan tâm và mong muốn tới Việt Nam để có cơ hội hợp tác lâu dài với VNPT. 

III - TIN THAM KHẢO

Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030

Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg, ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ với định hướng phát triển như sau:

Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu là chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư, các thị trường FTA. Tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác hiệu quả các thị trường gần, thị trường truyền thống, trọng điểm có nhu cầu nhập khẩu gạo phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại; phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, tăng tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao; tăng xuất khẩu vào các thị trường FTA có dành ưu đãi cho mặt hàng gạo; từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định; tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trường.

 Thị trường Đông Bắc Á, phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Hàn Quốc từ 8,7% năm 2021 lên khoảng 20% năm 2025 và khoảng 23% năm 2030; thị phần vào thị trường Nhật Bản từ 0,1% năm 2021 lên khoảng 0,5% vào năm 2025 và khoảng 1% vào năm 2030. Thị trường Đông Nam Á giữ vững thị phần xuất khẩu gạo sang các nước trong khu vực, nhất là các thị trường chủ chốt như Philippines, Indonesia, Malaysia,... Tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển thị phần tại các thị trường lớn, truyền thống nhất là thị trường Trung Quốc và các khu vực còn lại.

Thị trường châu Phi, Trung Đông: Tăng cường quan hệ hợp tác về phát triển thị trường gạo với các nước, chú trọng việc đàm phán, ký kết các Bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mại gạo với các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo. Đẩy mạnh thâm nhập các thị trường châu Phi, đặc biệt ở các nước có nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo lớn. Tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị chia sẻ thông tin, tư vấn cho các doanh nghiệp tăng cường trao đổi, kết nối, hiểu rõ hơn về tiềm năng, cơ hội, thách thức và những điều cần lưu ý khi hợp tác thương mại với khu vực thị trường châu Phi. Tổ chức các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp bền vững nhằm thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực châu Phi. Khai thác các kênh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao vào thị trường Ả rập Xê-út, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất.

Thị trường châu Âu: Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do với khu vực như EVFTA, UKVFTA, EAEU để tăng khối lượng gạo xuất khẩu vào khu vực, tương xứng với tiềm năng của thị trường. Phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Liên minh kinh tế Á - Âu: Thị phần tại thị trường Liên bang Nga tăng từ 1,6% năm 2021 lên khoảng 7% vào năm 2025, khoảng 10% năm 2030. Thị phần tại thị trường Bêlarút ổn định ở mức khoảng 25%. Phấn đấu tăng thị phần tại một số nước châu Âu như: Pháp là từ 2,3% năm 2021 lên khoảng 2% vào năm 2025 và khoảng 3,5%; Đức từ 1,8% vào năm 2021 lên khoảng 2% năm 2025 và khoảng 2,5% vào năm 2030; Cộng hòa Séc từ 7,7% năm 2021 lên khoảng 8,5% năm 2025 và khoảng 10% vào năm 2030.

Thị trường châu Mỹ, châu Đại Dương: Tập trung phát triển thị trường gạo Việt Nam tại các nước thành viên CPTPP (Canada, Chile, Mexico và Peru). Tiếp tục hỗ trợ Cuba ổn định thị trường gạo và phát triển sản xuất gạo tại chỗ trên cơ sở quan hệ truyền thống đặc biệt, thúc đẩy các hình thức đầu tư liên doanh phát triển sản xuất lúa gạo trên cơ sở khả thi, cùng có lợi. Phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ từ 1,5% năm 2021 lên khoảng 3% vào năm 2025, khoảng 5% vào năm 2030. Phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Mexico lên 0,2% vào năm 2025, khoảng 0,5% vào năm 2030; tại thị trường Haiti từ 6,5% năm 2021 lên khoảng 8% vào năm 2025, khoảng 10% vào năm 2030. Phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Úc từ 14% năm 2021 lên khoảng 16% vào năm 2025 và khoảng 19% vào năm 2030.

Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030

Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 nước, vùng lãnh thổ, ký 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 đối tác, đã có 71 đối tác công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Các thành tựu đạt được trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, nổi bật là kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, an sinh xã hội được chăm lo, đảm bảo hơn. Cán cân xuất, nhập khẩu hàng hoá được cải thiện rõ rệt, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, thị trường xuất khẩu được mở rộng và đa dạng. Các thị trường mà Việt Nam có ký kết các FTA thế hệ mới đều ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng hàng năm. Sự gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua hội nhập kinh tế quốc tế cũng đang là một động lực chính cho phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh những thành quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP của Chính phủ cũng cho thấy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế còn một số tồn tại, hạn chế. Nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP, ngày 05/7/2023 nêu rõ các nhóm giải pháp sau:

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt với các FTA thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra. Hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thực hiện được các mục tiêu cải cách trong nước và tiến tới xây dựng hệ thống pháp luật với các quy định hiện đại, tiến bộ; tạo cơ sở cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng số, công nghệ tài chính (fintech). Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế - xã hội áp dụng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới/tích hợp để có chính sách quản lý phát triển kịp thời và phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp.

Thúc đẩy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan bộ, ngành. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp nhằm ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các diễn biến bất lợi trong thương mại - đầu tư quốc tế có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung. Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách. Phân định trách nhiệm rõ ràng đối với các cơ quan, đơn vị chủ trì để doanh nghiệp và người dân biết, giám sát chặt chẽ việc triển khai. Thực hiện thực chất, hiệu quả các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển ổn định, tăng năng suất, chất lượng, tạo nền tảng, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng cụ thể gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững; thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu, thúc đẩy áp dụng các giải pháp về mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế. Tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Cập nhật đầy đủ, kịp thời các dữ liệu liên quan tới dịch vụ công; chú trọng các dịch vụ công thiết thực đối với người dân, cung cấp hạ tầng cho thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử.

Rà soát, khắc phục sự chồng chéo giữa các bộ, ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy hiệu quả vai trò của cơ quan chủ trì trong việc thực thi các cam kết FTA; xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược, đề án, chương trình hành động phát triển kinh tế,... có liên quan và tác động đến nhiều bộ, ngành và địa phương. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành; phát huy hiệu quả cơ chế tham vấn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong quá trình đề xuất, lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán các FTA mới cũng như trong việc tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu; ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu.

Đẩy mạnh nghiên cứu, cảnh báo, phổ biến các biện pháp kỹ thuật của các nước cho các doanh nghiệp trong nước và các cơ quan quản lý liên quan để chủ động đối phó với các rào cản kỹ thuật. Tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong các FTA; nghiên cứu, đề xuất phương án đàm phán các FTA mới cũng như nâng cấp một số FTA đã ký kết; nghiên cứu và tập trung triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP, tăng cường tận dụng ưu đãi trong các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cho các ngành hàng và doanh nghiệp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt hơn các cơ hội mang lại từ các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu các xu thế phát triển, các sáng kiến mới, chính sách và kinh nghiệm của các quốc gia trong quá trình hội nhập, đặc biệt là các quốc gia đang thực thi hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế. Mở rộng và dần đi vào chiều sâu các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng; khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, nghiên cứu liên ngành, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng; chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ trong nước,... để phục vụ có hiệu quả hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 29 tỷ USD trong 7 tháng năm 2023

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm nông sản đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%; thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 15%; lâm sản đạt 1,24 tỷ USD, giảm 11%; đầu vào sản xuất đạt 210 triệu USD, tăng 12,7%. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1%. Trong đó, giá trị xuất khẩu một số nhóm giảm như: Giá trị xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%.

Những nhóm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Nhóm nông sản đạt gần 14,99 tỷ USD, tăng 13,2 % (trong đó giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,23 tỷ USD, tăng 68,1%; gạo 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%); sản phẩm chăn nuôi 276 triệu USD, tăng 27,4%. Riêng giá gạo 534 USD/tấn, tăng 9,2%; cà phê 2.540 USD/tấn, tăng 12,8%.

Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á dẫn đầu với 14,06 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 6,52 tỷ USD, giảm 29,2%; châu Âu đạt 3,29 tỷ USD, giảm 13,3%; châu Phi đạt 573 triệu USD, tăng 14,1%; châu Đại Dương đạt 408 triệu USD, giảm 25,6%. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 20,4%, giảm 29,3% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 6,9%.

Nền kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ giảm phát.

Báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy CPI trong tháng 6 vừa qua đã giảm so với mức 0,2% ghi nhận trong tháng trước đó, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức dự báo của giới chuyên gia do nhu cầu trong nước chậm lại. Theo NBS, giá thực phẩm tăng 2,3%, trong khi giá của các mặt hàng phi thực phẩm giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 6/2023, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc cũng giảm 5,4%, mạnh hơn mức giảm 4,6% của tháng trước đó. NBS cho rằng nhu cầu toàn cầu kém và chi phí nguyên vật liệu giảm mạnh đã gây áp lực giảm giá xuất xưởng. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể kể từ tháng 4/2023, sau khi nước này dỡ bỏ hoàn toàn các quy tắc nghiêm ngặt về kiểm soát dịch Covid-19. Đồng Nhân dân tệ ở mức thấp nhất trong 7 tháng so với đồng USD do xuất khẩu giảm. Điều này làm dấy lên những nguy cơ giảm phát, ảnh hưởng xấu tới  triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng chính quyền Trung Quốc cần có những hành động để hỗ trợ nền kinh tế.

IV - VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI

Tuyên truyền ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2023)

Ngày 19/7/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Công văn số 5910-CV/BTGTW về tuyên truyền ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. 

Để làm tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2023), Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đề nghị các đảng uỷ trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người lao động về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, đặc biệt trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; khẳng định những đóng góp to lớn của Ngành 93 năm qua; biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo; tôn vinh và tri ân công lao, cống hiến, đóng góp của các cấp, các thế hệ cán bộ tuyên giáo qua các thời kỳ nhằm khơi dậy niềm tự hào đối với công tác tuyên giáo của Đảng. Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm bảo đảm đúng tầm mức, phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị và thiết thực, hiệu quả, trong đó chú trọng tổ chức tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, cổ động trực quan.

Các khẩu hiệu tuyền truyền xem tại đây.

Tuyên truyền và hưởng ứng Giải báo chí "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc" lần thứ XVI, năm 2023 – 2024

Ngày 20/6/2023, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Công văn số 6519/MTTW-BTT về việc tuyên truyền và hưởng ứng Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023 - 2024. Ban Tổ chức sẽ trao thưởng cho các tác phẩm đạt Giải vào dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024).

Đề nghị các đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối chỉ đạo Ban Tuyên giáo cấp ủy tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về Giải và Thể lệ Giải; tùy theo tình hình cụ thể của từng đơn vị triển khai hưởng ứng Giải, tạo sự quan tâm, hưởng ứng tham gia tích cực của các đơn vị, cán bộ, đảng viên và người lao động.

Thể lệ của Giải xem tại đây.

Công văn số 1624-CV/ĐUK thực hiện Quy định của Ban Bí thư về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng

Ngày 14/7/2023, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Công văn số 1624-CV/ĐUK thực hiện Quy định về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng theo Quy định số 99-QĐ/TW, ngày 27/02/2023 của Ban Bí thư.

Nội dung Công văn và Phụ lục hình ảnh minh hoạ được đăng tải trên Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối.

Tăng cường tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giảm nghèo về thông tin)

Ngày 13/6/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 106-HD/BTGTW về tăng cường tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giảm nghèo về thông tin). Yêu cầu các đảng ủy trực thuộc chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng thông tin tuyên truyền phù hợp. Nội dung Hướng dẫn xem tại đây.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới

Ngày 21/7/2023, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Công văn số 1648-CV/ĐUK về việc triển khai Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.

Nội dung Công văn và Kết luận số 57-KL/TW được đăng trên Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã được Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2023. Nghị quyết này đã nhận được sự đồng thuận rất cao của đại biểu Quốc hội, kết quả biểu quyết thông qua đạt tỉ lệ 97,3%.

Nghị quyết quy định 44 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án luật đang trình Quốc hội và 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng.

Tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ các nhiệm vụ: (1) Ban hành Nghị định quy định chi tiết với 3 nội dung: quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố; việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường; (2) Tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết vào năm 2026, tổng kết vào năm 2028; (3) Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Thành phố cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố; (4) Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thẩm quyền nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển Thành phố. Mở rộng việc phân cấp, ủy quyền cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố so với các quy định hiện hành.

Nghị quyết cũng giao Thủ tướng Chính phủ 01 nhiệm vụ: Ban hành quy định phân cấp, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Các bộ, ngành liên quan có 3 nhiệm vụ, Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh có 14 nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có 6 nhiệm vụ. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực triển khai, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội.

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

 

.
.
.
.