Công tác pháp chế ở Vinacomin: Từ nhận thức đến hành động
Giữ vai trò Trưởng ban Pháp chế và là trưởng ban nữ duy nhất trong số 29 ban chuyên môn của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), với chị Đặng Thị Tuyết, đây thực sự là vinh dự và cũng là thách thức không nhỏ. Nhân ngày Quốc tế 8/3, chị Tuyết đã có những chia sẻ về hoạt động của pháp chế đối với một tập đoàn có vai trò trụ cột an ninh năng lượng quốc gia như Vinacomin.
Công tác quản trị rủi ro của nền kinh tế nước ta mới đi những bước đầu tiên. Vậy Ban pháp chế- Vinacomin đã phải nỗ lực như thế nào để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình?
Trong quá trình hoạt động sản xuất- kinh doanh, Vinacomin chịu sự điều chỉnh của rất nhiều các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau. Chính vì vậy, với hàng chục luật liên quan đến hoạt động sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp (DN) được sửa đổi, ban hành mới, bổ sung thay thế từ năm 2006 đến nay, cùng hàng nghìn văn bản dưới luật được sửa đổi, ban hành thay thế… có thể nói, đây thực sự là một thách thức với những người làm công tác pháp chế.
Chị Đặng Thị Tuyết - Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). |
Để nắm được các kiến thức về quản trị rủi ro, chúng tôi phải thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng phải luôn cố gắng để cập nhật rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hệ thống luật về DN đang từng bước được xây dựng và hoàn thiện.
Được biết, từ chỗ “trắng” cán bộ làm công tác pháp chế, đến nay, đội ngũ pháp chế tại các DN thành viên của Vinacomin đã lên tới hơn 100 người?
Đây có thể xem là một kết quả đáng mừng, khi hệ thống pháp chế trong Vinacomin được bố trí từ công ty mẹ xuống đến các đơn vị là công ty con. Điều này thể hiện sự quan tâm và đánh giá đúng mực về pháp chế DN của các thế hệ lãnh đạo tập đoàn trong những năm qua. Rất nhiều công ty trong tập đoàn đã thực hiện: “Ngày pháp luật” hàng tháng; xây dựng chương trình “Bồi dưỡng pháp luật”; tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua video trên xe đưa đón công nhân, đài phát thanh, trên công trường, khai trường… Rất nhiều quy chế, quy định đã được sửa đổi phù hợp hơn sau khi thông qua những cuộc rà soát, lấy ý kiến của cán bộ, công nhân viên (CBCNV)…
Tuy nhiên, công việc pháp chế và quản trị rủi ro mang tính “tầm nhìn xa”, nên không phải đơn vị nào cũng ngay lập tức nhận ra tầm quan trọng của nó. Thực tế, đây đó vẫn còn những DN “ngại” thành lập tổ chức pháp chế, chỉ khi xảy ra tranh chấp mới nghĩ đến chuyện… đi thuê dịch vụ tư vấn pháp lý để xử lý những việc “đã rồi”. Như vậy, vừa tốn kém mà hiệu quả lại không cao.
Theo tôi, quan trọng nhất là người lãnh đạo phải nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của công tác pháp chế. Từ đó có chương trình tuyên truyền, phổ biến cho công nhân, cán bộ. Có như vậy công tác pháp chế mới thực sự đi vào đời sống và mang lại hiệu quả cho DN.
Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế… Chính vì vậy, việc DN hiểu luật, hoạt động sản xuất- kinh doanh theo đúng luật là việc vô cùng cần thiết. Với tập đoàn kinh tế lớn như Vinacomin, điều này càng cấp thiết và quan trọng, bởi những ưu đãi ngày càng ít đi, trong khi cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. Trong khi đặc thù của ngành than là tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, ngay từ trong sản xuất (đặc biệt là thăm dò, sản xuất trong hầm lò) đến kinh doanh (giá bán than chịu tác động lớn từ sức tiêu thụ của thị trường), với lực lượng lao động lớn nhất so với nhiều ngành công nghiệp khác.
Là người phụ nữ duy nhất làm trưởng ban chuyên môn của Vinacomin, lại đảm đương một công việc khá phức tạp. Chị có gặp khó khăn gì?
Thuận lợi nhất của tôi đó là các thế hệ lãnh đạo của Vinacomin đánh giá rất cao sự cần thiết của pháp chế DN. Những ý kiến tham mưu mà ban đưa ra luôn được tôn trọng. Ban lãnh đạo tập đoàn (Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, cũng như lãnh đạo Ban điều hành) tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể thực hiện công việc tốt nhất.
Tuy nhiên, với đặc thù đòi hỏi kiến thức tổng hợp nhiều, liên quan đến tất cả các mảng trong sản xuất, quản trị, kỹ thuật, tài nguyên…, nên để hoàn thành công việc, bản thân tôi cũng như những anh, chị, em trong ban phải tập trung nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi nhằm đáp ứng được yêu cầu của công việc. Tôi lại là phụ nữ, nên cũng có hạn chế nhất định về những chuyến công tác tiếp xúc với các DN.
Bên cạnh đó, công việc mà Ban pháp chế thực hiện không thể đi theo lối mòn, phải đọc, nghiên cứu, mới đưa ra ý kiến để tư vấn phù hợp với thị trường, các quy định pháp luật, thông lệ quốc tế, có những dự báo nhất định. Vì phải đọc, nghiên cứu nhiều, nên nhịp điệu công việc không quá ồn ào, đôi khi khô khan. Tuy nhiên, tôi luôn tìm thấy niềm vui trong công việc và rất tâm huyết với những gì mình đang làm.
Chị có dự định gì cho công việc của Ban pháp chế trong thời gian sắp tới?
Hiện tại, đối với công tác pháp chế DN, ban đã thực hiện tương đối bài bản và có hiệu quả. Riêng với nhiệm vụ quản trị rủi ro, ban mới dừng lại ở việc đi sâu vào các vấn đề liên quan đến dự án, hợp đồng (thương mại, tín dụng, liên doanh), nghiên cứu xác định những rủi ro tiềm ẩn và đề nghị để giảm thiểu… Tuy nhiên, sẽ hiệu quả và có độ chính xác cao hơn nếu chúng ta xây dựng được quy trình quản trị rủi ro (xuất phát từ nhận diện rủi ro, đánh giá, phân tích, định lượng). Đây cũng là ý tưởng mà chúng tôi đang xúc tiến thực hiện. Tuy nhiên, để có được hệ thống quy trình quản trị rủi ro bài bản, quy mô, đòi hỏi tập đoàn cũng phải xây dựng được quy trình quản trị chặt chẽ, đảm bảo tính thống nhất cao…
Xin cảm ơn chị!
Năm 2012, Ban pháp chế - Vinacomin đã hoàn thành kế hoạch thẩm định, tư vấn 40 hợp đồng thương mại và tín dụng với tổng giá trị là gần 800 triệu USD và hơn 15.000 tỷ đồng; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và đã được cấp chứng nhận sở hữu ở 11 quốc gia; hoàn thành các nhiệm vụ đàm phán, tư vấn các hợp đồng có liên quan đến hoạt động của Vinacomin và các công ty con; đào tạo cho hơn 300 lượt cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác pháp chế trong toàn tập đoàn… |
Báo Công thương