Nhà máy xử lý khí Dinh Cố: 20 năm vận hành hiệu quả an toàn
Thứ Năm, 11/07/2019|08:53
Trong 20 năm vận hành, Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố (GPP Dinh Cố) đã sản xuất 5,9 triệu tấn LPG, 1,83 triệu tấn condensate, xử lý tổng cộng 33,2 tỷ mét khối khí góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hai mươi năm trước, ngày 9/7/1999, Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố (GPP Dinh Cố) – trái tim của Đề án khí Bạch Hổ-Phú Mỹ được khánh thành và đi vào vận hành chính thức. Đây là mốc thời gian đáng nhớ đối với nhiều thế hệ người lao động của Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (KVT) và lịch sử phát triển của Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Tổng Giám đốc PV GAS, ông Dương Mạnh Sơn chia sẻ, cách đây 20 năm, GPP Dinh Cố là công trình trên bờ đầu tiên của PV GAS với công nghệ hiện đại, hàm lượng khoa học-kỹ thuật cao, bắt đầu đi vào vận hành chính thức với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng tập thể của GPP Dinh Cố dưới sự chỉ đạo của PV GAS đã xây dựng những giải pháp cụ thể và phù hợp để vượt qua khó khăn.
Cụ thể, tính từ thời điểm đó tới nay, GPP Dinh Cố đã trải qua nhiều thay đổi, cải tiến (hiện đang vận hành với 120% công suất thiết kế ban đầu), xử lý tổng cộng 33,2 tỷ mét khối khí đồng hành từ các mỏ khí thuộc bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Trong 20 năm vận hành, Nhà máy cũng đã sản xuất ra 5,9 triệu tấn LPG, 1,83 triệu tấn condensate.
Mặc dù được giao nhiệm vụ quản lý vận hành nhiều công trình khí có độ phức tạp cao về khoa học-công nghệ và mức rủi ro lớn, nhưng cho đến nay, sau 20 năm, GPP Dinh Cố chưa để xảy ra một sự cố nghiêm trọng nào về tài sản, môi trường cũng như thiệt hại về con người; số sự cố kỹ thuật ngày càng giảm trong khi tuổi thọ công trình ngày một cao.
Theo đó, văn hóa an toàn tại đây được xây dựng dựa trên nền tảng cơ bản bao gồm phần cứng và phần mềm. Trong đó, phần cứng là hàng rào kỹ thuật để hạn chế sự cố và bảo đảm an toàn: Hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất khép kín hiện đại; hệ thống thiết bị bảo đảm an toàn; phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ, đạt chuẩn và tự động hóa hiện đại; các thiết bị luôn được bảo dưỡng, kiểm định hiệu chuẩn đúng quy định nhằm bảo đảm hoạt động tin cậy và an toàn.
Còn phần mềm là Hệ thống quản lý an toàn-chất lượng-môi trường theo tiêu chuẩn ISO, là cam kết mạnh mẽ và có tính khích lệ cao của lãnh đạo, là ý thức tuân thủ các quy định an toàn của tập thể người lao động công ty.
Bên cạnh đó, để hoàn thành mục tiêu đề ra, bài toán đầu tiên phải đối mặt là khắc phục và kiểm soát các tình huống hỏng hóc phát sinh đột xuất ở các cụm thiết bị quan trọng có ảnh hưởng đến việc duy trì cấp khí liên tục và chế biến sản phẩm lỏng.
Các kỹ sư chuyên môn của PV GAS Vũng Tàu đã làm việc với lòng quyết tâm cao độ, vừa cần mẫn bám sát thiết bị vừa nghiên cứu tài liệu nhà sản xuất nên nhờ thế, các khó khăn thách thức ban đầu từng bước được khắc phục và kiểm soát.
Song song với việc giải quyết các hỏng hóc thiết bị phát sinh mang tính tình huống, đội ngũ kỹ sư công nhân lúc bấy giờ đã thiết lập chế độ bảo dưỡng thiết bị theo tần suất và giờ máy, theo đó hệ thống quy trình bảo dưỡng được biên soạn và áp dụng trên cơ sở tham khảo tài liệu nhà sản xuất kết hợp định kỳ cập nhật các nội dung theo kinh nghiệm thực tế.
Minh Thi (Theo Chinhphu.vn)
.