.
.

Tín dụng chính sách tích cực góp phần xóa nghèo bền vững

Thứ Ba, 17/10/2017|10:27

Chiều 16/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002-2017. Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương.

Hội nghị trực tuyến
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo do Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) Dương Quyết Thắng trình bày, trong gần 15 năm hoạt động và phát triển, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động tín dụng của NHCSXH đang được mở rộng và không ngừng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội. 

Thành quả là thế, song câu chuyện hỗ trợ người dân có sinh kế vững bền, và chất lượng cuộc sống cao hơn vẫn là câu chuyện mà NHCSXH xác định phải kiên trì bước tiếp. Không chỉ vì số hộ nghèo ở vùng cao, vùng xa còn cao, mà hơn thế, NHCSXH mong muốn chung tay vào phong trào xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa ngành nghề và nâng cao giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp; phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng chuỗi giá trị bền vững các sản phẩm nông nghiệp. Với mong ước đó, mỗi cán bộ của NHCSXH đang từng ngày, từng giờ tập trung huy động nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả  các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành; rà soát chỉnh sửa, bổ sung chính sách, chế độ cho phù hợp với thực tiễn. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, hoạt động giao dịch tại xã.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng NHCSXH.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng NHCSXH.

Tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo Chiến lược đã được phê duyệt, tạo tính chủ động và bền vững trong hoạt động của toàn hệ thống. Tranh thủ nguồn lực từ Trung ương và địa phương đầu tư, nâng cấp, ổn định trụ sở ngân hàng các cấp, phương tiện, trang thiết bị làm việc, đặc biệt là trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các Tổ giao dịch lưu động và các điểm giao dịch xã.

Cùng với đó là việc khắc phục hạn chế, thiếu sót đã được đúc rút qua thực tế để tín dụng chính sách tiếp tục đồng hành hiệu quả với hộ nghèo và gia đình chính sách như hành trình 15 năm qua. Xứng đáng là điểm sáng, là công cụ không thể thiếu để thực hiện các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh và trật tự an toàn xã hội như Đảng, Quốc hội và Chính phủ tin tưởng, giao phó.

Các đại biểu dự Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị.

Con số ấn tượng là sau 15 năm, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đã cho 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. 

Tính đến hết tháng 9/2017, tổng nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội đạt trên 179.000 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập; tổng dư nợ của hơn 20 chương trình tín dụng chính sách đạt trên 169.000 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập. Hiện có trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Vốn tín dụng chính sách đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 29 tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình tín dụng chính sách
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 29 tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình tín dụng chính sách.

Cũng bằng nguồn vốn này đã thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 528.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11.000 căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...  

Phấn đấu 100% hộ nghèo được vay vốn

Trong thời gian tới, NHCSXH phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Bên cạnh đó, NHCSXH đặt mục tiêu dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ. Nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng bình quân trên 20%. 

Theo Bộ LĐ, TB & XH

.
.
.
.