.
.

Đồng phục - bảo hộ lao động: Một mặt hàng quan trọng của thị trường dệt may

Thứ Năm, 09/08/2012|23:01

Ngày 7/8/2012 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề Vinatex-Hệ thống hàng đầu sản xuất các loại vải và quần áo đồng phục-bảo hộ lao động cho thị trường trong nước và xuất khẩu.” Đây là một hoạt động trong lộ trình của Vinatex nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa, thực hiện cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” do Bộ Chính trị phát động.

Tới dự Hội thảo có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Y tế, các Tập đoàn kinh tế, các ngân hàng…về phía Vinatex có ông Trần Quang Nghị - Ủy viên HĐTV - Tổng Giám đốc; cùng các ông bà trong Hội đồng thành viên, Cơ quan điều hành; Lãnh đạo các ban chức năng và các doanh nghiệp thuộc  Vinatex. 

Đồng phục-Bảo hộ lao động là một mặt hàng quan trọng trong thị trường dệt may, có nhu cầu về số lượng rất lớn, ước tính tổng cầu trong nước lên tới hơn 30 triệu bộ/năm. Những ngành có nhu cầu lớn về đồng phục-bảo hộ lao động là ngành Y tế, giáo dục, ngân hàng, xây dựng, ngành điện, dầu khí, bưu chính, viễn thông …

Vinatex với năng lực sản xuất tới gần 300 triệu mét vải/năm, hơn 350 triệu sản phẩm quần áo/năm,là đơn vị sẵn sàng đáp ứng về nhu cầu đồng phục- bảo hộ lao động trong nước. Hơn nữa, với kinh nghiệm nhiều năm làm hàng xuất khẩu, trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế, Vinatex có những điều kiện tốt để thực hiện những dịch vụ  chất lượng cao. 

Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó TGĐ Vinatex nhấn mạnh rằng, từ lâu Vinatex đã ấp ủ kế hoạch nghiên cứu và sản xuất ra loại vải  hoàn hảo dành cho người lao động Việt Nam. Vinatex quyết tâm khai thác thị trường đồng phục-bảo hộ lao động trong nước, đáp ứng nhu cầu  về mặt hàng này. Hiện nay, khả năng cung ứng của Vinatex là rất lớn, có thể tập trung sâu vào mảng sản phẩm này, từ khâu nguyên liệu, cho tới thành phẩm trang phục với chất lượng tốt, sản phẩm không chỉ tạo cho người lao động làm việc thoải mái, đạt năng suất lao động cao mà còn đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cũng như nhu cầu thẩm mỹ, văn hóa và sự nhận diện thương hiệu đối với từng doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương, chia sẻ thêm, nếu Vinatex muốn đáp ứng và phát triển lâu dài mặt hàng đồng phục - bảo hộ lao động, thì cần phải có những nghiên cứu về nhân trắc học, đặc thù ngành nghề, xu hướng phát triển trang phục loại này trên Thế giới; để có những  mẫu mã đa dạng, kích cỡ phù hợp với từng nghề, từng thương hiệu. Đồng phục - bảo hộ lao động cần thiết là một thể loại trang phục mang nhiều ý nghĩa, thể hiện những giá trị văn hóa, phát huy giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp.

 Vinatex cũng nên tận dụng thế mạnh về chuỗi liên kết của mình để tăng chất lượng, hạ giá thành cho sản phẩm này, thì tất yếu trong tương lai, phần lớn thị trường “ đồng phục– bảo hộ lao động” sẽ do Vinatex nắm giữ.

PV

.
.
.
.