Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - 2019:
Hiệu quả trong việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy trong hệ thống VDB nhìn từ góc độ cơ sở
Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Quỹ hỗ trợ phát triển và chính thức thức đi vào hoạt động từ ngày 01/07/2006. Vào thời điểm mới thành lập, hầu như 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có các Chi nhánh của VDB (bao gồm sở giao dịch 1 tại Hà Nội và Sở giao dịch 2 tại TP.HCM). Đến cuối năm 2015, thực hiện quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển của VDB đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, VDB đã sắp xếp, tổ chức lại bộ máy trong cả nước còn 44 Chi nhánh…
Trong thời gian đầu mới thành lập Chi nhánh khu vực (VDB khu vực) trên cơ sở giải thể, tổ chức lại các chi nhánh cũ, hoạt động VDB khu vực gặp nhiều khó khăn và thách thức bởi vì cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự, vị trí công tác có nhiều biến động, đời sống sinh hoạt hằng ngày của một số cán bộ bị “xáo trộn” do phải đi làm xa, đặc biệt là các cán bộ mới lập gia đình, cán bộ có con còn nhỏ tuổi….Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy sau khi các VDB khu vực đi vào hoạt động ổn định, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả rất tích cực, xin được trao đổi và chia sẻ như sau:
Thứ nhất, có nhiều cơ hội sàng lọc và lựa chọn những cán bộ chủ chốt có chất lượng khi sắp xếp, tổ chức lại bộ máy: Về nguyên tắc chung, khi các chi nhánh bị giải thể và tổ chức lại thành một chi nhánh khu vực, số lượng cán bộ chủ chốt tất yếu sẽ giảm xuống. Khi đó VDB sẽ có cơ hội sàng lọc và lựa chọn được những cán bộ chủ chốt có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, năng động, sáng tạo, luôn tu dưỡng, rèn luyện trình độ, năng lực, có ý chí phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và thích ứng được công việc trong tình hình mới, đặc biệt là đối với người đứng đầu cấp ủy. Qua thực tế cho thấy sau khi thành lập VDB khu vực, nhiều khoản nợ xấu, phức tạp và kéo dài đã được xử lý dứt điểm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công trong việc xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu, kéo dài nhiều năm nhưng trong đó có sự đóng góp rất lớn của VDB trong việc lựa chọn được người đứng đầu cấp ủy thực sự có năng lực lãnh đạo, đặc biệt làm dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Thứ hai, trình độ cán bộ sau khi sắp xếp, tổ chức lại cán bộ có sự chuyển biến tích cực: Theo quy luật của thị trường lao động, khi bất kỳ một đơn vị nào chuẩn bị giải thể và tổ chức lại thì bản thân mỗi cán bộ phải chủ động, tự nghiên cứu học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm thích ứng với công việc trong tình hình mới và khi đó trình độ cán bộ tất yếu sẽ có sự chuyển biến tích cực. Ngoài ra, sau khi sắp xếp, tổ chức lại, cán bộ nghiệp vụ có nhiều cơ hội để trao đổi, chia sẽ, học tập kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung vì mỗi cán bộ, mỗi chi nhánh trước khi giải thể, sáp nhập đều có những thế mạnh, điểm hay riêng. Qua thực tế cho thấy nghiệp vụ của VDB rất đa dạng (Nghiệp vụ tín dụng đầu tư, , ODA, bảo lãnh, cấp phát ủy thác, hỗ trợ lãi suất....) và chịu sự chi phối của nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhưng các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi nên cán bộ tại các chi nhánh rất khó có thể cập nhất hết tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, nhờ sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, các cán bộ có cùng nghiệp vụ tại chi nhánh (trước đây làm việc ở các chi nhánh khác nhau) có thể hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau và cập nhật kịp thời những văn bản pháp luật có liên quan, góp phần khắc phục các tồn tại, hạn chế trước đây.
Thứ ba, số lượng cán bộ sau khi sắp xếp, tổ chức lại giảm mạnh, góp phần thực hiện tốt chính sách tinh gọn bộ máy, giảm chi thường xuyên: Theo nguyên tắc chung, khi giải thể các chi nhánh và thành lập VDB khu vực, số lượng cán bộ sẽ giảm rõ rệt, đặc biệt là cán bộ giữ vị trí lãnh đạo. Qua thực tế cho thấy sau khi sắp xếp, tổ chức lại cán bộ, số lượng cán bộ tại VDB khu vực giảm từ 10-30% so với trước khi sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, đặc biệt khi có một số cán bộ giữ vị trí lãnh đạo sẽ xuống làm vị trí thấp hơn. Số lượng cán bộ giảm mạnh có nhiều nguyên nhân khác nhau như do hoàn cảnh gia đình, do dư thừa sau khi sắp xếp… nhưng việc giảm số cán bộ đã góp phần giảm tương ứng 10-30% chi phí chi thường xuyên. Qua đó góp phần thực hiện tốt chính sách tinh giảm bộ máy, tiết kiệm ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của VDB.
Thứ tư, một số hiệu quả khác: sau khi sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, quy mô tín dụng của VDB khu vực sẽ tăng lên, thể hiện được vị thế của ngân hàng trên địa bàn. Ngoài ra, khi tổ chức, sắp xếp lại bộ máy số lượng cán bộ của VDB khu vực sẽ tăng, tạo nguồn dồi dào cho VDB khu vực có nhiều cơ hội sàn lọc và lựa chọn được những cán bộ có chất lượng để giới thiệu vào Đảng. Bên cạnh đó, việc lựa chọncán bộ có khả năng tham gia các phong trào thể thao hoặc văn nghệ do VDB hoặc địa phương phát động có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây. Qua thực tế cho thấy sau khi thành lập VDB khu vực, thành tích tham gia các hoạt phong trào thể thao, văn nghệ của các VDB khu vực có sự chuyển biến rất tích cực so với trước đây, đặt biệt là các môn thể thao có tính chất tập thể. Ví dụ như ngay sau khi VDB khu vực Cần Thơ vừa thành lập (trên cơ sở tổ chức lại VDB Cần Thơ-Hậu Giang và VDB Vĩnh Long) đã đạt giải nhất bóng chuyền hơi, giải nhì bóng đá… trong hội thao ngành ngân hàng trên địa bàn Tp.Cần Thơ do ngân hàng nhà nước tổ chức, giải nhất môn cầu lông đôi đam nữ, giải nhất tennis đôi nam nữ tennis hội thao cụm 4 do VDB tổ chức….
Với những hiệu quả tích cực từ việc tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy như trên cùng với các hoạt động nghiệp vụ của VDB hiện nay đã giảm nhiều so với trước đây (VDB không còn thực hiện nhiệm vụ cho vay xuất khẩu, bảo lãnh, cấp phát ủy thác, cho vay thí điểm…) thì việc VDB tiếp tục thực hiện đề tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn là xu thế tất yếu và hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, để việc thực hiện tốt đề án tái cấu, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tin gọn, hoạt động thực sự hiệu quả, VDB cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, VDB cần xem xét và thực hiện một số giải pháp trọng tâm:
Thực hiện tốt việc đánh giá, lựa chọn và giữ được những người cán bộ thực sự có năng lực, đặc biệt là lựa chọn được những người đứng đầu cấp ủy thực sự “có tâm, có tầm”;
Sắp xếp bố trí lại cán bộ sao cho hợp lý về nhiều mặt như chuyên môn, kinh nghiệm, địa bàn công tác, sở trường cá nhân... một cách khách quan để đem lại hiệu quả cao trong công tác;
Sớm thông báo các cơ chế, chính sách đối với cán bộ trong quá trình tái cơ cấu để cán bộ yên tâm công tác và có sự chuẩn bị cho phù hợp với lộ trình đã được duyệt;
Cần tăng cường công tác đạo đào, bồi dưỡng nghiệp vụđể cán bộ có thể nâng cao trình độ chuyên môn và thích ứng với công việc trong tình hình mới…
Võ Thanh Phong - Chi bộ 1, Đảng bộ chi nhánh NHPT khu vực Cần Thơ