Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:
Năng động sáng tạo để tiên phong
Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XII đã đi vào cuộc sống. Thấy rằng, yếu tố con người vẫn là điều kiện tiên quyết để thực hiện và thực hiện thành công các nội dung quyết nghị cho dù tư tưởng chỉ đạo bao trùm lên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia.
Có một điều khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”.
Ở đây, không luận về “tính tiên phong” của Đảng vì điều này đã được minh chứng qua lịch sử - mà vĩ đại nhất là sự nghiệp lãnh đạo đất nước thoát khỏi xâm lược, chia cắt để đi đến tự do, thống nhất. Thiết nghĩ, ca ngợi quá nhiều về thực tế sinh động trên dễ sinh ra sáo rỗng, dẫn đến đa ngôn hóa một niềm tin đã trở thành bất diệt.
Cho nên, suy ngẫm về việc tiếp nối và phát huy tính tiên phong trong thời đại mới - thời công nghệ 4.0 là một vấn đề đáng bàn.
Năng động - sáng tạo là thuộc tính của con người. Có thể thấy, đặc trưng này hiển hiện ở người nọ, nhưng ẩn giấu ở người kia. Vấn đề là làm sao phát huy được phẩm chất cao quý này. Thực tế mà nói, trong quan điểm tiến đến một nền kinh tế phát triển, một nền công nghiệp hiện đại thì không còn chỗ cho tư tưởng “trì trệ - lối mòn”.
Còn nhớ sau ngày thống nhất đất nước, kinh tế được định hướng theo mô hình tập trung quan liêu bao cấp với vô vàn khó khăn, lạc hậu ở nhiều lĩnh vực; đặc biệt là khoa học quản lý, dẫn đến sự phát triển chậm chạp và bất cập.
Năm 1986, “đổi mới” đã thổi luồng gió vào sự phát triển của đất nước bằng tư duy thay đổi. Trong đó, suy nghĩ kiểu cũ bị xóa bỏ, các rào cản phát triển dần bị thay thế bằng nhận thức mới để cởi trói tư tưởng “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, mà chắp cánh cho những ước mơ đất nước chuyển mình lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 11/7/1995, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây là cột mốc đánh dấu sự hội nhập sâu rộng với thế giới. Một đòn bẩy thực sự để đưa đất nước tiến lên.
Trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21, người ta lại nói nhiều về thời đại công nghệ 4.0. Sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vốn là vận động tất yếu của quy luật phát triển, mang tầm vĩ mô và ảnh hưởng toàn cầu. Có nhiều đặc trưng của kỷ nguyên 4.0; trong đó,“trí tuệ nhân tạo” và “tự động hóa” là chủ đề rất đáng quan tâm.
Công bằng mà nói, hai cụm từ trên không có gì là quá mới mẻ. Ý tưởng tạo ra một tư duy “giống con người” và hoạt động “thay thế con người” đã thành hiện thực từ lâu. Điều này kích thích chất xám của cả nhân loại - trong đó có Việt Nam.
Có thể thấy, cố gắng sáng tạo không phải vì e ngại bị “trí tuệ nhân tạo” thay thế - vì loại trí tuệ này đơn giản cũng chỉ là một sản phẩm - mà sáng tạo là nhằm tìm tòi cái mới, cái hay hơn để “đỡ đần” con người trong công việc, nâng cao năng suất, giải phóng sức lao độngcũng như tăng thu nhập và tích lũy cho một xã hội phồn thịnh.
Bên cạnh, khuyến khích năng động không phải vì sợ hãi bị “tự động” phủ định - vì tự động cũng chỉ thay thế con người chủ yếu về mặt cơ bắp - mà năng động là để phù hợp, để theo kịp xu thế thời đại vốn dĩ vẫn thường được gọi với cái tên “thế giới phẳng” - hiểu một cách đơn giản là mọi người có thể nhìn thấy, trao đổi, liên lạc với nhau mọi lúc, mọi nơi; ở đó, khái niệm về khoảng cách địa lý dường như không còn tồn tại.
Có một thực tế là sức ì đang làm uể oải con người, chậm chạp về thể chất và năng suất kém. Đương nhiên, quy luật đào thải sẽ đẩy bay những thực thể ì ạch ra khỏi guồng máy của một thế giới vận động hoặc sẽ nghiền nát nó. Cho nên, kích thích sự năng động sáng tạo là tất yếu. Đây không phải là tham vọng to tát theo kiểu thay đổi thế giới mà để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Bất cứ tổ chức nào cũng cần con người năng động sáng tạo - những người dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm, không cam tâm giậm chân tại chỗ vì hiểu dừng lại là thụt lùi.
Doanh nghiệp luôn có một sứ mạng. Cái gọi là kim chỉ nam cho hành động. Trong đó, sứ mạng luôn đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của con người. Sự năng động sáng tạo này được định hướng và lãnh đạo bởi một lực lượng nòng cốt - Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng không trói buộc trong khuôn phép hoặc chỉ mang tính tuyên truyền, mà phải đột phá, hiệu quả. Vì vậy, không thể gọi là nhân tố ưu tú của Đảng khi còn suy nghĩ lối mòn và thiếu ý chí tiên phong.
Để kích thích tính năng động và khơi nguồn sáng tạo thì lãnh đạo phải luôn năng động và hướng tới cái mới, cái hiệu quả hơn. Trong đó, tư tưởng lãnh đạo phải mở, không nặng nề khuôn phép, bàn giấy, thiếu quyết đoán, sợ trách nhiệm, phải xác định mục tiêu rõ ràng và tìm cách hợp lực để hoàn thành. Có thể thấy, đây là yêu cầu rất cao và muốn đạt được phải có chiến lược hợp lý, dài hơi. Ở đó, thành công được gọi tên khi và chỉ khi kết quả phản ánh đúng kỳ vọng và đo lường cụ thể.
Ngày nay, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng luôn nhắm đến một mục tiêu, mục đích xây dựng sứ mạng, lòng tự hào cũng như khơi dậy chất xám và tính tiên phong của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Trong đó, tư tưởng nhất quán về huy động tổng lực (tận dụng mọi nguồn lực) dành cho hoạt động và hoạt động hiệu quả là phương cách tốt nhất để nâng cao uy tín cũng như vị thế trong lĩnh vực, ngành nghề đang kinh doanh.
Bằng sáng suốt của người lãnh đạo, bằng kiến thức của nhà quản lý, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang là đầu tàu thể hiện tính năng động, kích thích sự sáng tạo và tính tiên phong của tập thể để song hành cùng thời đại; trong đó, lãnh đạo với định hướng đúng đắn, quản lý với tầm nhìn sâu rộng, kết hợp lòng yêu nước nồng nàn và nhiệt thành cống hiến vì lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia./.
Lê Trung Lương - Chi nhánh Vĩnh Long
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam