.
.

Đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 22/10/2019|18:05

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện Đảng ta. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn chăm lo xây dựng, củng cố đoàn kết trong Đảng. Theo Người: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết xây dựng Đảng là bài học lớn đối với công tác xây dựng Đảng trong mọi doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng. Người chỉ rõ, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ với đoàn kết quốc tế, tạo nên sức mạnh to lớn, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam - “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Người xem đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Sự đoàn kết trong Đảng càng được củng cố thì đoàn kết của dân tộc càng được tăng cường. Đảng đoàn kết, dân tộc đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi cuối cùng. Không chỉ khẳng định sức mạnh đoàn kết, Người còn nêu rõ đoàn kết là yêu cầu, là đòi hỏi của Đảng cầm quyền. Muốn lãnh đạo cách mạng, Đảng phải thực sự đoàn kết, thống nhất. Theo Người, để trở thành người lãnh đạo thì bên cạnh sự thống nhất về tư tưởng, chính trị còn phải thống nhất về tổ chức trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Người luôn luôn nhấn mạnh: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”.

Theo Người, cơ sở để xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong Đảng chính là đường lối, quan điểm của Đảng và Điều lệ Đảng. Đây là cơ sở tạo nên sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức, từ đó thống nhất về hành động nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Nếu xa rời cơ sở này sẽ dẫn đến đoàn kết hình thức, giả hiệu, tạm thời. Đoàn kết mà không thống nhất hoặc thống nhất mà không đoàn kết, sẽ dẫn đến những nguy cơ phá hoại đoàn kết thống nhất từ trong nội bộ.

Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, điều đầu tiên Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hành dân chủ rộng rãi. Thật vậy, trong sinh hoạt Đảng, chỉ có mở rộng dân chủ, cán bộ, đảng viên mới có thể tham gia bàn bạc đến nơi đến chốn những vấn đề hệ trọng, từ đó đi đến thống nhất tư tưởng và hành động, đoàn kết để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng. Chỉ có đề cao tinh thần dân chủ trong sinh hoạt và các hoạt động của tổ chức đảng, mới đi đến đoàn kết thống nhất để làm việc hiệu quả. Thấm nhuần tư tưởng của Người, các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải luôn phát huy dân chủ trong sinh hoạt và công tác, nhất là khi bàn bạc, thảo luận xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác, phương án và kế hoạch kinh doanh từ đó từng bước thực hiện tại đơn vị mình để hoạt động kinh doanh đạt kết quả cao nhất. Theo Người, có dân chủ bàn bạc mới cùng thông suốt, nhất trí, mới cùng quyết tâm thực hiện, tránh được tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” để đoàn kết nội bộ chặt chẽ hơn. Muốn dân chủ, đoàn kết, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy phải thực sự cầu thị, biết lắng nghe, chắt lọc và kết luận vấn đề khách quan, khoa học, không để xảy ra tình trạng áp đặt ý kiến chủ quan của người chủ trì, dẫn đến chất lượng nghị quyết không cao, chủ trương, kế hoạch kinh doanh không sát với tình hình thực tiễn. Người yêu cầu, cương vị lãnh đạo càng cao thì càng đòi hỏi phải thực hiện mở rộng dân chủ, dân chủ thật sự chứ không phải hình thức.Thực hành dân chủ sẽ tạo ra không khí làm việc phấn khởi, hăng hái, làm cho cán bộ, đảng viên gắn bó, yêu thương, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện dân chủ rộng rãi là nhân tố quan trọng để tăng cường đoàn kết nội bộ. Đoàn kết tốt là cội nguồn làm nên sức mạnh của các tổ chức đảng và trong toàn doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, bên cạnh yêu cầu phải thực hành dân chủ rộng rãi còn phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, đó là cách tốt nhất để củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Mỗi người cần thực hiện tự phê bình trước, phê bình người khác sau, có thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm thì mới phê bình người khác được chân thực và thẳng thắn. Khi được người khác phê bình cần phải thực sự cầu thị. Có thế, cán bộ, đảng viên mới hiểu nhau, chân thành với nhau và đoàn kết hơn. Người phê phán những cán bộ, đảng viên do định kiến, ghen ghét, đố kỵ mà lợi dụng phê bình để thổi phồng hoặc bóp méo sự thật nhằm làm mất uy tín người khác. Theo Người, phê bình như thế chỉ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Muốn “phê bình và tự phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa”. Phê bình thì phải “rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật”, chứ không phải ‘‘là nể nang và che giấu”. Mục đích phê bình “là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng’’ có  như  vậy mới giúp các tổ chức đảng luôn luôn trong sạch, vững mạnh.

Để đoàn kết thật sự, đoàn kết chặt chẽ, theo Người không chỉ cần thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng mà rất cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ giữa cán bộ, đảng viên với nhau. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, thực hiện phương châm sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; giúp đỡ nhau trong công tác, trong học tập, trong sinh hoạt hằng ngày, lúc đồng đội ốm đau, khó khăn, kể cả khi mắc sai lầm, khuyết điểm. Thương yêu đồng chí là phải “luôn luôn chú ý đến công việc của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa”, chứ không phải là “lúc họ có sai lầm cũng cứ nể nang không thiết thực phê bình, thiết thực sửa đổi, sợ mất lòng”. Thương yêu đồng chí “không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc” mà phải “giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm”. Để củng cố đoàn kết nội bộ trên nền tảng của “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, chỉ có xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, chúng ta mới chung sức chung lòng xây dựng đoàn kết nội bộ chặt chẽ, vững chắc.

Đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng nói chung và trong từng nội bộ doanh nghiệp nói riêng. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường với sự canh tranh diễn ra ngày càng gay gắt thì vấn đề đoàn kết lại càng có ý nghĩa to lớn, nó không chỉ là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi đảng viên mà còn là nhiệm vụ của toàn doanh nghiệp để  hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Dương Thanh Thủy - Chi Bộ 4, Đảng ủy bộ phận Công ty PTS Hà Tây

Đảng bộ Petrolimex

.
.
.
.