.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Xây dựng Đảng về đạo đức

Thứ Ba, 22/10/2019|10:19

Song song với nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng Đảng về đạo đức là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc  lần thứ XII, Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng về đạo đức, đây là điểm mới hết sức quan trọng, sự bổ sung này cho thấy Đảng ta đã nhìn thẳng xuất phát từ thực tế tình hình hiện nay với quyết tâm giải quyết triệt để và rất được nhân dân ủng hộ. Đây là lần đầu tiên, công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đặt lên ngang tầm với xây dựng Đảng về trong sạch, vững mạnh, về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Qua đó, nhằm tạo sự chuyển biến về chất để Đảng ta tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, lãnh đạo đất nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Xây dựng Đảng về đạo đức là hoạt động của các tổ chức Đảng, đảng viên về xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ đảng viên, tạo sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao ý thức tự giác rèn luyện, tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng; đấu tranh chống nhận thức và hành động phi đạo đức, các quan điểm sai trái, thù địch về đạo đức, lối sống, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 

Sinh thời, một trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để Đảng xứng đáng là đạo đức, là văn minh, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tuy Người chưa sử dụng khái niệm xây dựng Đảng về đạo đức, nhưng trên thực tế, tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức được thể hiện rất rõ trong cả tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người.

Không phải đến bây giờ Đảng ta mới nói đến vấn đề đạo đức trong công tác xây dựng Đảng mà sách “Đường Kách mệnh” - “cuốn giáo trình đầu tiên” do chính Nguyễn Ái Quốc biên soạn và giảng dạy cho các thanh niên yêu nước để vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết về “Tư cách một người cách mệnh”. Đó là một trong 15 vấn đề của cuốn sách và được viết ngay từ trang đầu với đầy đủ các mối quan hệ xác định của đạo đức: đối với tự mình, đối với người và đối với việc. 

Xây dựng đạo đức là xây dựng nền gốc tinh thần vững chắc của Đảng điều đó quyết định sức sống, sức chiến đấu của Đảng, bởi đó là mưu cầu tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân không chỉ là lý tưởng chính trị mà còn là đạo đức cao nhất, trước hết cho mọi chủ trưởng, đường lối của Đảng và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.

Trong thời gian qua có rất nhiều kẻ cơ hội, thiếu đạo đức đã luồn sâu, leo cao làm ảnh hưởng sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng làm suy giảm niềm tin của nhân đối với Đảng. Mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải ra quyết định xử lý nhiều cán bộ quản lý cấp Trung ương và lãnh đạo các địa phương. Tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018 đã công bố những con số thống kê ở mức báo động cực kỳ nghiêm trọng: “từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức Đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức Đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm (cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 60 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên BCH Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ Đảng 01 Ủy viên BCH Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị...”. Kéo theo đó là thiệt hại cho nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp hàng chục nghìn tỷ đồng. Những sai lầm họ phạm phải suy cho cùng đều xuất phát từ việc không giữ được phẩm chất đạo đức, tư cách của một Đảng viên cộng sản. Phải nhìn thẳng vào sự thật đó là một bộ phận không nhỏ các cán bộ, đảng viên đã có biểu hiện suy thoái về đạo đức và lối sống, cậy chức cậy quyền, nhũng nhiễu điều này không những làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, uy tín của Đảng mà giảm sút sức chiến đấu của Đảng. Do đó cấp thiết hiện nay là cần đẩy lùi ngăn chặn ngay suy thoái đạo đức đó để hoàn thiện mỗi cán bộ, đảng viên cũng là hoàn thiện phẩm chất đạo đức của Đảng cộng sản một Đảng cách mạng chân chính do Bác hồ sáng lập. Những tổn thất không lường đối với vận mệnh đất nước của Đảng của chế độ đang hiện hữu bởi tệ nạn tham nhũng, lãng phí, cửa quyền và tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của một số cán bộ, đảng viên. Mặc dù Đảng đã nhiều biện pháp để đầy lùi, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc lớn thời gian qua đem lại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng rất lớn và sâu sắc, nhưng để có thể giải quyết vấn đề gốc rễ thì mỗi đảng viên trong tổ chức Đảng cần phải nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của đạo đức cá nhân để từ đó không ngừng học tập, rèn luyện, “đức và tài” luôn có tầm quan trọng như nhau trong đánh giá cán bộ.

Chúng ta phải thấm nhuần một điều, không có đạo đức mới sinh ra tham ô tham nhũng, không có đạo đức mới đi chạy chức chạy quyền nảy sinh nhũng nhiễu tiêu cực. Do đó phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có đầy đủ đạo đức của một người cách mạng chân chính khi đó có thể mới xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là các cấp chiến lược đủ phẩm chất uy tín và năng lực ngang tầm nhiệm vụ vì thế cần tập trung xây dựng Đảng về đạo đức đây là công việc gốc của Đảng không làm tốt việc này thì việc xây dựng chỉnh đốn Đảng khó đạt được kết quả như mong muốn.

Đạo đức cùng với năng lực tạo nên nhân cách của mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên. Trong mỗi tổ chức Đảng và trong toàn Đảng, nhân cách của từng đảng viên, của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy phản ánh diện mạo đạo đức, nhân cách của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên rằng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đạo đức là yếu tố làm nên sức mạnh của Đảng, tạo ra sự hấp dẫn cho Đảng đối với quần chúng và làm cho Đảng trở thành một Đảng chân chính, vĩ đại. Đặc biệt, khi Đảng trở thành một Đảng cầm quyền, hơn thế nữa, lại cầm quyền trong điều kiện kinh tế thị trường, thì vấn đề đạo đức của Đảng, nhất là việc làm thế nào để Đảng thật sự vững vàng, trong sáng về đạo đức là một vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài. Nếu lơ là trong xây dựng Đảng về đạo đức hoặc đồng nhất một cách giản đơn xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng với xây dựng Đảng về đạo đức, thì tất yếu sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường - đó chính là sự suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, lớp lớp đảng viên đã phấn đấu theo những giá trị đạo đức cao đẹp được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra như: trung với nước, hiếu với dân; cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư, làm xuất hiện những tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tiêu biểu cho đạo đức tốt đẹp của Đảng. Chính với những phẩm chất ấy, Đảng ta mới trở thành một Đảng cách mạng vững vàng, vượt qua mọi thử thách, được nhân dân tin yêu, lãnh đạo cả dân tộc làm nên những thắng lợi to lớn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Qua thực tiễn xây dựng Đảng trong nhiều năm, nhất là từ khi bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, cũng như qua sự đổ vỡ của một loạt Đảng cộng sản cầm quyền, chúng ta thấy, đạo đức đã trở thành một mặt rất quan trọng, cần phải quan tâm xây dựng để Đảng thực sự xứng đáng là Đảng cầm quyền, “là đạo đức, là văn minh”, lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp đổi mới. Nếu không nhận thức đầy đủ và làm tốt việc xây dựng Đảng về mặt đạo đức thì hậu quả khó lường trước được. Chính vì vậy,  công tác xây dựng Đảng về đạo đức thành một nội dung chủ yếu trong xây dựng Đảng không chỉ là vấn đề thực tiễn, mà còn là một phát triển lý luận về xây dựng Đảng trong điều kiện mới.

Phương châm hành động, thực hành lối sống và thái độ ứng xử, yêu cầu về đạo đức là phải trung thực, khiêm tốn, giản dị, trách nhiệm, có lòng chân thành, đức bao dung, tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Phải nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, đã nói thì phải làm, không được làm gì tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng, tới lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Phải biết trọng liêm sỉ, danh dự, khí tiết, trong sáng, chính trực, không có gì mờ ám, khuất tất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao sự gương mẫu, tính tiên phong “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người có đạo đức gương mẫu là người có đức hy sinh, có lòng vị tha, nhân ái, không vị kỷ, vụ lợi, vượt qua những cám dỗ tầm thường cá nhân chủ nghĩa, tuyệt đối không tham vọng quyền lực. Theo Bác, khó khăn của cuộc chiến đấu mới không phải chỉ ở tầm vóc và quy mô của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn ở chỗ mỗi người phải khắc phục những yếu kém của chính mình, chiến thắng “giặc ở trong lòng” mình, “giặc nội xâm” ở ngay trong tổ chức của mình. Đó là loại giặc “vô hình” nhưng rất mạnh. Nó “luôn luôn lẩn lút trong ta”, “khó thấy, khó biết”, “…việc đấu tranh với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần là một khó khăn, đau xót”. Vì vậy các cấp ủy phải xây dựng các cơ chế bảo đảm và phát huy vai trò của nhân dân, cán bộ trong công tác xây dựng Đảng, nhất là xây dựng đội ngũ đảng viên về phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần nêu gương và giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, cán bộ nhân viên./.
 
.
.
.
.