VNPT xây dựng Hệ thống Quản trị rủi ro để phát triển bền vững
Trước những tác động của suy thoái kinh tế do những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như chiến tranh thương mại gây ra, khái niệm quản lý rủi ro (Risk management) trong doanh nghiệp được biết đến rộng rãi hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng một hệ thống quản lý rủi ro được tổ chức tốt và vận hành hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững và vượt qua những biến động. Thời gian qua, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã sớm nghiên cứu sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào công tác quản trị rủi ro không chỉ ở mảng hoạt động sản xuất kinh doanh với các nghiệp vụ đặc thù, mà đơn vị còn tiến hành quyết liệt ở cả lĩnh vực kiểm soát quyền lực và quản trị rủi ro trong công tác cán bộ.
Từ nhận thức đến hành động
Hiện VNPT đang đồng hành cùng 53/63 UBND tỉnh, thành phố trong triển khai dịch vụ VT-CNTT; tiếp cận, giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh Smart City tại 28 tỉnh/thành phố. |
Có thể hiểu, quản trị rủi ro là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, những ảnh hưởng bất lợi của nó, đồng thời tìm cách biến rủi ro thành những cơ hội thành công. Nhận thức rõ điều đó, Tập đoàn VNPT đã và đang xây dựng và triển khai Hệ thống Quản trị rủi ro doanh nghiệp (QTRR-DN) tại Tập đoàn. Đây là bước đi cần thiết, an toàn và mang tính bền vững; điều này càng có ý nghĩa đặc biệt trước giai đoạn chuyển mình vô cùng quan trọng của VNPT - từ một doanh nghiệp viễn thông truyền thống sang lĩnh vực CNTT và nội dung số.
Để việc quản trị rủi ro được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, từ cuối năm 2017 đến giữa năm 2018, VNPT đã triển khai 2 khóa đào tạo hướng dẫn triển khai rà soát rủi ro phân cấp phân quyền và 23 buổi hội thảo phân tích sâu về ma trận RACI (biểu đồ phân công trách nhiệm và kiểm soát thời gian để hoàn thành một dự án tối ưu) cho các đơn vị trực thuộc. Qua đó, đã có 49 quy trình cấp 2 đã được phân tích, trong đó có 14 quy trình hiện hành khi đó của VNPT và 35 quy trình được phân tích dựa trên khung quy trình chuẩn eTOM cho hoạt động cung cấp các dịch vụ viễn thông.
Tiếp đó, đầu tháng 5/2018, Tập đoàn VNPT đã ban hành Quyết định quy định về QTRR-DN, hệ thống hóa thành Quy trình và Sổ tay hướng dẫn bài bản để phổ biến rộng rãi trong toàn Tập đoàn, tới từng người lao động nhằm cụ thể hóa trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị, cá nhân trong công tác QTRR-DN, giúp tạo cơ sở để tạo cảnh báo sớm, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra của các rủi ro có tác động tiêu cực và nắm bắt các cơ hội có liên quan đến các hoạt động đặc biệt của Tập đoàn, đó là: xây dựng chính sách kinh doanh, hoạt động lập chiến lược, kế hoạch kinh doanh, dự báo tài chính thuộc phạm vi trách nhiệm của Tổng Giám đốc Tập đoàn; Hoạt động đầu tư và quản lý dự án. Quy định này được áp dụng đối với Văn phòng và các Ban chuyên môn nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn cũng như mạng lưới rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố.
Có thể nói QTRR-DN là công cụ hữu hiệu trong quản trị mục tiêu, tăng tính giám sát của người đứng đầu, phân cấp phân quyền rõ ràng tại Tập đoàn, từ đó tạo tính minh bạch, công khai. Đây là hoạt động quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của VNPT cũng như các doanh nghiệp trong nền kinh tế số.
Quản trị rủi ro từ SXKD đến vấn đề nhân sự
Từ cuối tháng 9/2018, Đảng ủy Tập đoàn VNPT đã ban hành Chương trình hành động số 3609-Ctr/ĐUTĐ về thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Từ đó VNPT đã triển khai thành công nhiệm vụ tái cơ cấu, tạo sự chuyển hướng mạnh mẽ trong quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất kinh doanh theo định hướng chiến lược VNPT 4.0; đồng thời tổ chức thực hiện và áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại đã và đang mang lại cho Tập đoàn những vị thế mới.
Các sản phẩm, dịch vụ và tiện ích về Viễn thông - CNTT của Tập đoàn VNPT ngày càng lan tỏa rộng trong cuộc sống và được người dân tin dùng. |
Không chỉ quản trị rủi ro trong các hoạt động SXKD, Tập đoàn VNPT cũng đã bắt đầu thực hiện công tác này đối với cả vấn đề nhân sự, nguồn lực lao động và đặc biệt là đối tượng cán bộ – người đứng đầu. Ngày 5/9/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn VNPT đã ban hành Nghị quyết số 4911-NQ/ĐUTĐ “Về kiểm soát quyền lực và quản trị rủi ro trong công tác cán bộ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam”.
Điều này xuất phát từ việc đánh giá, nhìn nhận rõ thực trạng cũng như yêu cầu của công tác cán bộ trong tình hình mới. Công tác cán bộ của Tập đoàn VNPT thời gian qua đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, từng bước đi vào nề nếp và đã đạt được một số kết quả nhất định. Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định để tổ chức thực hiện; tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động cán bộ được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn, có tính thực tiễn, công khai, dân chủ; việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới và năng lực quản trị, năng lực thực tiễn được quan tâm, gắn với chức danh, vị trí quản lý, điều hành của cán bộ. Tuy nhiên nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ của Tập đoàn chưa thật sự mạnh, độ tuổi bình quân tương đối cao; một số chưa theo kịp với yêu cầu quản lý, điều hành; việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ để chuẩn bị chuyển giao, thay thế có đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, hoặc còn tình trạng né tránh; quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ có lúc, có nơi chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Những bất cập đó có thể là nguyên nhân dẫn đến những rủi ro về uy tín, sự lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền của một số cán bộ lãnh đạo; tạo điều kiện cho quyền lực dễ bị lợi dụng trong tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà, người thân không đảm bảo tiêu chuẩn, không đáp ứng nhu cầu quản lý, không đúng quy trình, quy hoạch. Nguyên nhân còn ở chỗ nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, đặc biệt là những người đứng đầu đơn vị về cán bộ và công tác cán bộ chưa thật sự đầy đủ, còn mang tính cá nhân, thời vụ và có tình trạng nước đến chân mới nhảy. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong công tác này còn thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên, chưa cụ thể hóa đến từng đơn vị và chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý.
Tập đoàn VNPT vừa chính thức khánh thành Nhà máy sản xuất sợi quang đầu tiên tại Đông Nam Á, đánh dấu bước chuyển lớn cho doanh nghiệp Việt trong việc chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và sử dụng sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin. |
Chính vì vậy, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương và Chương trình hành động số 21-CTr/ĐUK của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã thống nhất ban hành Nghị quyết về “Kiểm soát quyền lực và quản trị rủi ro trong công tác cán bộ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam”. Theo đó, về quan điểm chỉ đạo thì việc kiểm soát quyền lực và quản trị rủi ro - đặc biệt đối với người chủ trì, người đứng đầu đơn vị trong công tác cán bộ là nhằm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch; tạo sự công bằng, đảm bảo đoàn kết, khuyến khích sự sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và vị thế của đơn vị, của Tập đoàn.
Gắn với hoạt động SXKD đặc thù của Tập đoàn, việc kiểm soát quyền lực và quản trị rủi ro trong công tác cán bộ phải gắn chặt, song hành với nhiệm vụ tái cấu trúc Tập đoàn và triển khai thực hiện Chiến lược VNPT 4.0. Đảng ủy Tập đoàn, cấp ủy các cấp và người đứng đầu các đơn vị trong Tập đoàn phải là hạt nhân, là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể và người lao động để kiểm soát quyền lực và quản trị rủi ro trong công tác cán bộ, quản lý của Tập đoàn.
Những mục tiêu cụ thể mà việc ban hành Nghị quyết này cũng đã được chỉ rõ là hướng tới: Xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý các cấp của Tập đoàn nâng cao tính Đảng và ý thức tuân thủ pháp luật; trách nhiệm và sự gương mẫu của Người đứng đầu, đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả; Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, quản lý các cấp của Tập đoàn chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn, có năng lực quản trị; bảo đảm nguồn cán bộ đủ năng lực để tiếp nhận sự chuyển giao, thay thế các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp một cách vững vàng, không bị động; Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ, quản lý từ cấp 3 trở lên giai đoạn 2021- 2025 đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu nhiệm vụ; trong đó đến năm 2022 có 70% đơn vị quy hoạch đủ số lượng nhân sự/chức danh (tối thiểu 02, tối đa 04 nhân sự/chức danh); sau năm 2022 có 100% đơn vị quy hoạch đủ số lượng nhân sự/chức danh; có từ 30% - 40% nhân sự trẻ trong danh sách quy hoạch; Xây dựng, ban hành bộ tiêu chí đánh giá, quản trị rủi ro trong công tác cán bộ của Tập đoàn để phòng ngừa, xử lý hiện tượng lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền (tham nhũng quyền lực) trong công tác cán bộ.
Thay vì phải nhập hoàn toàn từ nước ngoài, VNPT tiến tới mục tiêu xuất khẩu sợi quang sang một số thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á. |
Để thực hiện tốt công tác này, Đảng ủy Tập đoàn VNPT cũng đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để các cấp ủy đảng cùng thực hiện. Đó là việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động, nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết của việc kiểm soát quyền lực và quản trị rủi ro trong công tác cán bộ, quản lý của Tập đoàn; Xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực phải được kiểm soát bằng chính quyền lực; Minh bạch, công khai về nhu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ; xác minh, xử lý kịp thời, hợp lý, công khai, không thiên vị những thông tin phản ánh về cán bộ và công tác cán bộ; Xử lý việc bố trí, tuyển dụng, bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn, không đúng quy trình, không xuất phát từ nhu cầu quản lý - hoặc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà, người thân của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị, vi phạm các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán tại các đơn vị trong Tập đoàn; Kiểm điểm, xử lý, làm rõ trách nhiệm những người đứng đầu khi để cán bộ dưới quyền (do mình bổ nhiệm hoặc đề xuất bổ nhiệm) bị xử lý kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến chức trách, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác được giao; Quy định chặt chẽ và thực hiện đúng, nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ các cấp, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ; cùng với công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, phản biện, chất vấn, giải trình, truy vấn trách nhiệm… phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, khoa học và hiệu quả.
***
Có thể nói, công tác QTRR-DN của Tập đoàn VNPT thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Bộ phận chuyên trách về QTRR-DN đã được tổ chức ở tất cả các đơn vị, các điều phối viên rủi ro có trình độ chuyên môn nghiệp vụ... song việc thực hiện còn mang tính bị động, chưa thực sự triển khai gắn sát với yêu cầu quản trị của từng đơn vị. Tới đây, như chỉ đạo của Hội đồng Thành viên Tập đoàn, việc làm QTRR-DN sẽ phải đơn giản hóa và phổ thông hóa các quy trình để làm sao để người lao động dễ hiểu, dễ thực hiện. Công tác QTRR-DN sẽ không dừng lại ở việc tăng cường truyền thông, mà còn phải được giao thực hiện đến các bộ phận, cá nhân trong đơn vị thông qua công việc.
Qua 10 năm, phong trào Nụ cười VNPT đã thực sự trở thành động lực tinh thần lớn với đội ngũ người lao động trên toàn mạng lưới, giúp nâng cao năng suất lao động, nhân lên sức mạnh tổng hòa với tinh thần thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo..., đóng góp thiết thực cho kết quả SXKD và sự chuyển mình mạnh mẽ của Tập đoàn. |
Việc nhận diện, phân tích, đánh giá và xử lý rủi ro sẽ được quán triệt và chủ động thực hiện ở tất cả các đơn vị, gắn với mục tiêu chiến lược của Tập đoàn và mục tiêu SXKD hàng năm. Việc hoàn thiện và đưa vào triển khai phần mềm QTRR-DN cũng đang được nhanh chóng thực hiện để tạo công cụ hỗ trợ, giảm thời gian, công sức cho các đối tượng tác nghiệp đồng thời tăng tính trách nhiệm, sự giám sát trong triển khai thực hiện. Về đào tạo, toàn thể đội ngũ CBCNV trong Tập đoàn cũng đã được học tập một cách hết sức chủ động qua hình thức e-Learning trên mạng – cùng với các khóa học chuyên môn, nghiệp vụ khác trên hệ thống. Tại đây, CBCNV có thể tham gia nhiều khóa học khác nhau cũng như làm các bài test giúp nâng cao kiến thức chuyên ngành, trong đó nội dung về QTRR-DN hiện đã có đến module cập nhật nhất./.
Chí Bằng