Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020:
Đảng ủy SCIC: Tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp
Một trong những đặc thù của DNNN đó là vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng. Tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước là hạt nhân chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh.
Cùng với sự ra đời và đi vào hoạt động của SCIC từ năm 2005, Đảng ủy Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) đã nhanh chóng thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của SCIC. Xác định rõ Đảng bộ vững mạnh là nền tảng cho mọi thành công, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ủy SCIC thực hiện nghiêm túc, toàn diện và đạt kết quả tốt trên các mặt công tác: giáo dục chính trị, tư tưởng; tổ chức, bộ máy, cán bộ; kiểm tra, giám sát; dân vận và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội của SCIC, công tác văn phòng cấp ủy. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý, chủ chốt của SCIC có bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của Đảng. Nhiều nghị quyết hành động đã được Đảng ủy SCIC ban hành, bám sát thực tiễn, đề cao vai trò tiên phong và sáng tạo của đội ngũ đảng viên, cán bộ nòng cốt, cụ thể hóa việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong toàn Tổng công ty. Qua đó, Đảng bộ SCIC đã thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện về tư tưởng, tổ chức, kiểm tra, giám sát, dân vận, các tổ chức chính trị - xã hội; thành lập các ban chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong Đảng bộ. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp nhận doanh nghiệp, thoái vốn, đầu tư vốn và quản trị doanh nghiệp... tại các đơn vị thành viên Tổng công ty; kịp thời đề xuất, kiến nghị, báo cáo với lãnh đạo các cấp nhằm từng bước tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn và công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ...
Đồng hành cùng doanh nghiệp
15 năm hình thành và phát triển, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.068 doanh nghiệp, với tổng giá trị vốn nhà nước (theo vốn điều lệ) hơn 21.969 tỷ đồng, trong đó có 19 Tổng công ty và tập đoàn, 34 Công ty Trách nhiệm hữu hạn một, hai thành viên, trong đó có một số tập đoàn, Tổng Công ty quy mô lớn: Vinamilk, Tập đoàn Dệt May (Vinatex), Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi), Tổng Công ty Thép…Ngay sau khi tiếp nhận vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, SCIC đã tiến hành phân loại doanh nghiệp thành các nhóm; kiện toàn hệ thống Người đại diện; củng cố Hội đồng Quản trị, Ban điều hành, Ban Kiểm soát; tách chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc/Giám đốc; cử cán bộ SCIC tham gia đại diện vốn nhà nước, kiêm nhiệm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát tại một số doanh nghiệp lớn, phức tạp; biệt phái cán bộ của SCIC tham gia HĐQT, ban điều hành, trực tiếp đến làm việc tại một số doanh nghiệp và các dự án đang triển khai.
Thông qua vai trò cổ đông năng động, SCIC đã chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu, xử lý các tồn tại tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động, điển hình như: Vinaconex, Thương mại Tràng Tiền, Viettracimex, Công ty TNHH MTV ĐT&PT HPI, Constrexim...Bên cạnh đó, SCIC đã kết nối và mở ra một xu hướng hợp tác mới không chỉ trong các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam mà còn trong cộng đồng các doanh nghiệp thuộc danh mục đầu tư của SCIC mà câu chuyện hợp tác chiến lược về xây dựng, phát triển sản phẩm mới giữa một bên là Vinamilk - doanh nghiệp đứng đầu về sản xuất sữa và DHG Pharma - doanh nghiệp đứng đầu về dược phẩm là một ví dụ cho thấy ngày càng rõ hơn vai trò kết nối của các cổ đông lớn của SCIC.
Những biến động thị trường cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi người đại diện vốn nhà nước, đồng thời cũng là những nhà quản trị doanh nghiệp phải có những thích ứng linh hoạt, kịp thời. Khi nền kinh tế có độ mở ngày càng lớn, nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi quan trọng, trong đó có cơ cấu cổ đông. Không chỉ có cổ đông nhà nước là SCIC, cổ đông nước ngoài ở một số doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cổ phần lớn, thậm chí cao hơn cả SCIC, rồi cổ đông thuộc khu vực tư nhân, cổ đông cá nhân có tiềm lực…Làm tròn vai trong một tổ chức đa dạng như vậy, với những mục tiêu, lợi ích khác nhau, quả thực không hề đơn giản với những người đại diện vốn nhà nước. Nhận thức được điều đó, trong công tác Người đại diện vốn, Đảng ủy SCICđã thống nhất, chỉ đạo bằng các nghị quyết chuyên đề, tập trung vào việc kiện toàn và bồi dưỡng cho đội ngũ người đại diện, trợ lực cho họ làm tốt vai trò của mình để họ thực sự trở thành những “cánh tay nối dài” của SCIC ở các doanh nghiệp làm việc ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả, khi đó đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới có cơ hội được nảy nở, sinh sôi.
Trong những tháng đầu năm 2020, cả thế giới đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Nền kinh tế tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng và Việt Nam cũng không là ngoại lệ, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó có SCIC và các doanh nghiệp có vốn của SCIC.
Ngay trong thời gian đầu của dịch bệnh, Đảng ủy và Ban Lãnh đạo Tổng công ty đã có những giải pháp trong việc phòng, chống dịch Covid-19: yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng; sử dụng hệ thống công nghệ thông tin trong hội họp, làm việc; hạn chế cử cán bộ đi công tác và dừng các chuyến công tác nước ngoài; xây dựng các kịch bản ứng phó với mọi tình hình diễn biến của dịch bệnh giúp hoạt động của SCIC diễn ra liên tục và bình thường, đồng hành cùng với doanh nghiệp có vốn của SCIC biến ‘’nguy thành cơ’’ vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 gây ra.
Theo nhận xét của Lãnh đạo một doanh nghiệp có vốn SCIC, SCIC có kinh nghiệm làm việc lâu năm với các đối tác nước ngoài đã phát huy vai trò phối hợp với các cổ đông nước ngoài trong công tác quản trị doanh nghiệp nhằm hài hoà được lợi ích của cổ đông, của doanh nghiệp, của người lao động và các bên liên quan. SCIC thường cụ thể hoá định hướng quản trị doanh nghiệp và sự trao đổi hợp tác giữa các cổ đông lớn thông qua đàm phán và ký kết thoả thuận cổ đông.
Với vai trò là cổ đông năng động, luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp,thông qua hệ thống người đại diện vốn, SCIC đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp rà soát kế hoạch sản xuất kinh doanh trình đại hội cổ đông năm 2020 thông qua trên cơ sở đảm bảo mục tiêu, lợi ích của cổ đông tại doanh nghiệp. Duy trì ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, linh hoạt về nguyên liệu sản phẩm, tồn kho và chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất trước tác động của dịch bệnh. SCIC đạt được sự thống nhất cao trong hệ thống người đại chọn giải pháp đối mặt với khó khăn và cùng tìm kiếm cơ hội trong khó khăn, và chính điều này đã tạo ra “trợ lực” không nhỏ cho nhiều doanh nghiệp nằm trong danh mục đầu tư của Tổng công ty.
Thành quả đạt được
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, SCIC đã nỗ lực chủ động và sáng tạo trong quá trình hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao: nhiệm vụ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn được triển khai theo đúng quy định của pháp luật, các chỉ tiêu tài chính lớn đều tăng trưởng ở mức khá, vốn chủ sở hữu tăng trưởng bình quân 11%/năm; tổng tài sản tăng trưởng bình quân 12%/năm; nộp NSNN tăng trưởng trung bình 13%/năm; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) tăng bình quân đạt 16,9%/năm; tỷ suất lợi nhuận/Tổng tài sản (ROA) tăng bình quân 16,2%/năm.
Với những nỗ lực của SCIC, đa số các doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận bàn giao đều có kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn so với trước khi nhận bàn giao về Tổng công ty. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của các doanh nghiệp trong danh mục của SCIC đạt 19% - cao hơn đáng kể so với mức bình quân chung của các DNNN, đặc biệt có một số doanh nghiệp ROE bình quân năm 2019 rất cao như : CTCP Sữa Việt Nam (35%), CTCP Viễn thông FPT (29%), CTCP FPT (23%); CTCP XNK Y tế DOMESCO (18,5%).Tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước giai đoạn 2006 - 2019 của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC đạt 38.813 tỷ đồng. Đến 31/12/2019, danh mục doanh nghiệp của SCIC còn 148 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước hơn 29.000 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 103.000 tỷ đồng.
Trong công tác thoái vốntính đến nay, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 1012 DN (trong đó, bán hết vốn tại 908 DN, bán một phần vốn tại 85 DN) và bán quyền mua tại 19 DN với giá vốn 11.515 tỷ đồng và thu về 48,033 tỷ đồng, kết quả thu được gấp 4,2 lần giá vốn. Trong đó, nhiều thương vụ thu được lợi nhuận cao cho nhà nước và được vinh danh tại các diễn đàn M&A. Thực tế, nhiều đợt bán vốn của SCIC đã trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư, tiêu biểu có thể kể đến các thương vụ thoái vốn.
Hoạt động đầu tư của SCIC đã được triển khai từng bước, theo hướng thận trọng, đảm bảo định hướng của Chính phủ và tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào SXKD tại doanh nghiệp; đạt hiệu quả tích cực, giúp bảo toàn giá trị và tăng trưởng vốn nhà nước. Với nguồn vốn điều lệ được cấp và nguồn lực tài chính đã tích lũy trong quá trình kinh doanh. Tính đến nay tổng giá trị giải ngân cho hoạt động đầu tư của SCIC đạt 28.451 tỷ đồng.Trong đó các khoản đầu tư đạt hiệu quả tốt có thể kể đến như đầu tư vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB); CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam; Công ty hạ tầng và Bất động sản Việt Nam VIID;Bên cạnh đó, SCIC còn đẩy mạnh việc đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để có những kết quả đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy SCIC đóng vai trò quyết định. Cùng với việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối DNTW và các nghị quyết của Trung ương, nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty, Đảng ủy SCIC đã ban hành các văn bản để cụ thể hóa việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong toàn Tổng công ty. Qua đó, Đảng bộ SCIC đã thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện về tư tưởng, tổ chức, kiểm tra, giám sát, dân vận, các tổ chức chính trị - xã hội; thành lập các ban chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong Đảng bộ. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp nhận doanh nghiệp, thoái vốn, đầu tư vốn và quản trị doanh nghiệp... tại các đơn vị thành viên Tổng công ty; kịp thời đề xuất, kiến nghị, báo cáo với lãnh đạo các cấp nhằm từng bước tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn và công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ.
Tại Đại hội Đảng bộ SCIC lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm,Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTƯ đánh giá dấu ấn quan trọng, nổi bật nhất của Đảng ủy SCIC trong nhiệm kỳ 2015-2020 là hầu hết các chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; thực hiện tốt các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới cơ chế quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai cơ cấu lại, đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Hướng đến tương lai
15 năm chưa phải là chặng đường dài, tạo lập được nền tảng bền vững song SCIC còn nhiều thách thức phải vượt qua. Trong giai đoạn tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai tiếp nhận, quản trị và cổ phần hóa, bán vốn trong điều kiện danh mục doanh nghiệp chuyển giao giảm dần cả về số lượng và giá trị, SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, hướng tới mục tiêu trở thành “nhà đầu tư của Chính phủ”. Với sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó, Đảng ủy SCIC xác định tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện;thực hiện tốt vai trò là một cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; đẩy mạnh tiến độ triển khai cổ phần hóa và bán vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ nhằm góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại DNNN; đầu tư kinh doanh vốn hiệu quả theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật; tập trung nguồn lực vào những ngành, lĩnh vực, dự án mang hiệu quả kinh tế và một số ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm mà Nhà nước cần tập trung đầu tư, nắm giữ chi phối và mang tính dẫn dắt của nền kinh tế; hướng tới mục tiêu trở thành tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp và hàng đầu của Chính phủ.
Đánh giá về hoạt động của SCIC, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình: “Ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả đầu tư của SCIC tiếp nhận, quản lý và nâng cao giá trị doanh nghiệp có hiệu quả; chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, đầu tư. SCIC phải phấn đấu trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ, bảo toàn được vốn và làm ăn có lãi. Phạm vi đầu tư theo quy định của pháp luật, trong đó chú trọng vào những lĩnh vực cốt lõi, có lợi thế, nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực chủ đạo của nhà nước như: công nghệ cao (viễn thông, công nghệ thông tin...), kinh tế số (hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu...); năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...); các dự án hạ tầng trọng điểm (cảng hàng không, đường bộ, đường sắt...). Bên cạnh đó, SCIC cần đa dạng hóa và sử dụng linh hoạt các hình thức đầu tư tùy thuộc vào tính chất của từng khoản đầu tư và tình hình cụ thể, tuân thủ quy định của pháp luật”./.
Chi bộ Đối ngoại – Truyền thông, Đảng bộ SCIC