.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020:

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong nâng cao hiệu quả quản lý, giải ngân vốn nước ngoài

Thứ Bảy, 21/11/2020|23:51

Chi bộ Vốn nước ngoài (VNN) là chi bộ trực thuộc Đảng bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT). Trong giai đoạn 2015-2019, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy NHPT và Chi bộ VNN, Ban VNN cũng như nghiệp vụ quản lý cho vay lại vốn nước ngoài tại NHPT tiếp tục được phát huy, mở rộng và trở thành một trong những hoạt động chính, quan trọng của NHPT với nhiều chương trình, dự án trong các lĩnh vực về hạ tầng giao thông, cải tạo lưới điện, cấp thoát nước, chế biến và xử lý rác thải, sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo,… Những chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn vay nước ngoài NHPT chịu rủi ro tín dụng đã và đang phát huy hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Đến 31/12/2019, Ban VNN đang quản lý 380 dự án cho vay lại vốn nước ngoài trong đó: 355 chương trình/dự án không chịu rủi ro tín dụng; 23 dự án chịu rủi ro tín dụng thuộc 6 chương trình mục tiêu và 02 dự án ODA Việt Nam cho vay ra nước ngoài, với tổng số vốn cam kết là 13.873,6 triệu USD, dư nợ tương đương khoảng 157.516,6 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 3,97% so với thời điểm 31/12/2018.

Công tác giải ngân giai đoạn 2015-2019 đạt kết quả tốt, trên cơ sở một mặt vừa đảm bảo công tác kiểm soát chi được chặt chẽ, kịp thời, mặt khác, thường xuyên bám sát báo cáo Bộ Tài chính khẩn trương ghi thu ghi chi cho các dự án. Tổng số vốn nước ngoài đã giải ngân trong giai đoạn 2015-2019 đạt khoảng 61.273,5 tỷ đồng, đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn này.

Phần lớn các dự án trọng điểm đều đang phát huy hiệu quả, trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Quy mô, chất lượng tín dụng đối với nghiệp vụ quản lý vốn nước ngoài trong giai đoạn này tiếp tục được duy trì ổn định với mức tăng trưởng dư nợ bình quân khoảng 3,2%/năm; tỷ lệ nợ quá hạn đến 31/12/2019 ở mức 1,63% tổng dư nợ; nợ xấu duy trì trong khoảng từ 2,09% - 3,67% tổng dư nợ vốn nước ngoài, tiếp tục khẳng định vị thế NHPT là cơ quan cho vay lại vốn nước ngoài lớn nhất Việt Nam khi chiếm trên 60% dư nợ cho vay lại.

Đạt được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng ủy NHPT, trực tiếp là Hội đồng quản trị, Ban điều hành; sự điều hành chủ động, quyết liệt của Chi ủy Chi bộ, sự vào cuộc và triển khai tích cực của tất cả cán bộ làm công tác quản lý vốn nước ngoài và các Chi nhánh, Sở Giao dịch trong toàn hệ thống NHPT, trong đó có vai trò và những nỗ lực đóng góp của tập thể cán bộ, đảng viên của Chi bộ VNN. Chi ủy Chi bộ đã chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ chuyên môn được giao, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng bộ NHPT, nhiệm kỳ 2015-2020.

Bên cạnh những thành tích đạt được trong công tác quản lý vốn nước ngoài giai đoạn 2015 - 2019, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý, giải ngân vốn nước ngoài qua NHPT còn tồn tại một số mặt hạn chế như tiến độ thực hiện dự án và giải ngân còn chậm (phần lớn các dự án ODA vay lại bị chậm tiến độ so với quyết định đầu tư do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan đã làm tăng tổng mức đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp đến cân đối nguồn vốn để trả nợ của dự án), tỷ lệ nợ quá hạn đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt với các dự án có dư nợ lớn. Những tồn tại trên nếu không được xử lý kịp thời sẽ tạo ra rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả nguồn vốn nước ngoài tại NHPT và cân đối nguồn trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả quản lý, giải ngân vốn nước ngoài tại NHPT đang trở thành vấn đề cấp thiết không chỉ đối với Chi bộ nói riêng và còn đối với hoạt động của cả hệ thống NHPT.

Đại hội Đại biểu lần thứ III, Đảng bộ NHPT nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra trong bối cảnh NHPT đang triển khai thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại hoạt động theo Đề án Chiến lược phát triển NHPT (Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/3/2013) và Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2021 (Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31/7/2019) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra nhiều giải pháp để khắc phục những tồn tại, khuyết điểm của hệ thống nói chung, trong đó, bao gồm với công tác quản lý nguồn vốn nước ngoài tại NHPT.

Trong nhóm các giải pháp về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ III, Đảng bộ NHPT nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ NHPT đã xác định nghiệp vụ quản lý vốn nước ngoài là một trong hai nghiệp vụ chính của NHPT trong giai đoạn 2020 - 2025, cần tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng quản trị tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, nghiên cứu mở rộng nghiệp vụ, tạo nguồn thu đảm bảo cân đối tài chính cho hệ thống, đồng thời, tập trung tháo gỡ một số thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với các dự án đã có kế hoạch giải ngân, đặc biệt là với các dự án bị chậm tiến độ, dở dang.

Để đảm bảo tăng trưởng và mở rộng quy mô đối với hoạt động vốn nước ngoài tại NHPT trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp ODA, quy mô các nguồn vốn ưu đãi được ủy quyền qua NHPT có xu hướng giảm dần, Nghị quyết Đại hội Chi bộ VNN, nhiệm kỳ 2020 - 2022 cũng xác định phương hướng chính cho hoạt động vốn nước ngoài trong giai đoạn này, cụ thể: Tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý các dự án vốn nước ngoài được Bộ Tài chính ủy quyền nhằm đảm bảo tăng trưởng dư nợ nghiệp vụ này trong mục tiêu chung của NHPT, trong đó, tập trung vào công tác thẩm định, thu hồi xử lý nợ và kiểm soát chi. Tăng cường hoạt động của mảng nghiệp vụ vốn nước ngoài NHPT chịu rủi ro tín dụng, qua đó từng bước, nâng cao hiệu quả tài chính, trình độ năng lực, bổ sung thêm nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu, đồng thời, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của nền kinh tế.

Để thực hiện được các mục tiêu, giải pháp được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ III, Đảng bộ NHPT nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Chi bộ VNN, nhiệm kỳ 2020 - 2022 trong điều kiện Chính phủ đã ban hành nhiều quy định mới để hướng dẫn Luật Quản lý nợ công ngày 23/11/2017 và Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019 theo hướng chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn đối với cơ quan cho vay lại, đòi hỏi Chi bộ và mỗi cán bộ Ban VNN cần phải nỗ lực và trách nhiệm rất cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao. Nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chi bộ về nâng cao hiệu quả quản lý, giải ngân vốn nước ngoài tại NHPT giai đoạn 2020 -2025, Chi bộ VNN xác định 3 nhóm giải pháp và 4 nhiệm vụ chính như sau:

Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý vốn nước ngoài tại NHPT

- Thứ nhất, về nhóm các giải pháp liên quan đến nghiệp vụ cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng

+ Tiếp tục hoàn thiện toàn bộ hệ thống Quy chế, Quy trình, văn bản hướng dẫn đối với nghiệp vụ cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ tại NHPT.Thường xuyên cập nhật quy định mới liên quan đến quản lý nguồn vốn nước ngoài, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhằm kịp thời điều chỉnh bổ sung văn bản hướng dẫn đối với toàn hệ thống, đảm bảo việc quản lý đúng chính sách, chế độ.

+ Nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định dự án cho vay lại thông qua việc cập nhật các mô hình tính toán của Nhà tài trợ; kịp thời báo cáo Bộ Tài chính những vướng mắc về hồ sơ do Chủ đầu tư cung cấp, đặc thù của từng dự án để có hướng dẫn, xử lý kịp thời, đúng quy định. Đối với một số dự án phức tạp, cần cử cán bộ đi khảo sát thực địa, làm việc với Chủ đầu tư làm cơ sở đánh giá sát sao tình hình dự án, tình hình Chủ đầu tư.

+ Kịp thời hỗ trợ các Chi nhánh, Sở Giao dịch trong tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến hồ sơ kiểm soát chi đối với các dự án NHPT không chịu rủi ro tín dụng được giao nhiệm vụ kiểm soát chi; đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thông báo ghi thu ghi chi kịp thời nhằm giải ngân tối đa nguồn vốn ODA, vay ưu đãi được ủy quyền qua NHPT.

+ Thường xuyên đôn đốc Chi nhánh và bám sát hơn nữa các dự án, Chủ đầu tư, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án cũng như việc trả nợ để hỗ trợ tháo gỡ, đồng thời phát hiện những rủi ro để kịp thời có những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa. Đối với những dự án gặp khó khăn trong việc trả nợ, cần chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Tài chính xem xét xử lý kịp thời.

- Thứ hai, nhóm giải pháp liên quan đến nghiệp vụ cho vay lại chịu rủi ro tín dụng

+ Xây dựng lộ trình thay đổi mô hình hoạt động để phù hợp với thông lệ quốc tế và cải thiện tình hình tài chính để đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Luật quản lý nợ công và Nghị định 97/2018/NĐ-CP. Theo đó, tổ chức tín dụng được thực hiện nghiệp vụ này phải được Ngân hàng Nhà nước thẩm định và được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn 01 bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

+  Tận dụng sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ, Bộ Kế hoạch & đầu tư, Bộ Tài chính và các nhà tài trợ nước ngoài như Quỹ khí hậu xanh (GCF), WB, AFD, JICA để huy động, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các hoạt động tăng cường năng lực, hỗ trợ tài chính, trước mắt là triển khai Đề án Ngân hàng xanh và đăng ký thành công trở thành Cơ quan thực hiện quốc gia (NIE) của Quỹ Khí hậu xanh (GCF).

+ Đẩy mạnh công tác lựa chọn, thẩm định các dự án mới chịu rủi ro tín dụng, đảm bảo việc thẩm định dự án chặt chẽ, đúng quy định, lựa chọn được các dự án có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cho vay lại, tối ưu hoá nguồn vốn hiện có của các Chương trình/hạn mức vay vốn nước ngoài NHPT chịu rủi ro tín dụng.

+ Hướng dẫn, xử lý kịp thời đối với đề nghị giải ngân các nguồn vốn NHPT chịu rủi ro tín dụng đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định và hỗ trợ tối đa để dự án hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch.

- Thứ ba, nhóm các giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn đối với cán bộ thực hiện nghiệp vụ quản lý vốn nước ngoài tại đơn vị

+ Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nghiệp vụ tại Ban VNN và Chi nhánh, Sở Giao dịch thông qua tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý vốn nước ngoài; các hội thảo chuyên đề về quản lý tài sản bảo đảm đối với các dự án vốn nước ngoài, kiểm soát chi, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến nghiệp vụ quản lý vốn nước ngoài...

+ Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho việc theo dõi, dự báo và quản trị rủi ro các dự án vốn ngước ngoài; xây dựng hệ thống các báo cáo điện tử phục vụ công tác đối chiếu số liệu định kỳ với Bộ Tài chính theo quy định và hỗ trợ kết nối cơ sở dữ liệu với Cục quản lý nợ & Tài chính đối ngoại nhằm cắt giảm thời gian tổng hợp, rà soát, đối chiếu, điều chỉnh số liệu giữa NHPT với Bộ Tài chính.

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động của Chi bộ

Để phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động của Chi bộ, Chi ủy chi bộ cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ, trong đó, tổ chức quán triệt đầy đủ nội dung của Nghị quyết Đại hội Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ III, Đảng bộ NHPT nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết Đại hội Chi bộ VNN, nhiệm kỳ 2020 – 2022 và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đến toàn bộ đảng viên, người lao động trong Chi bộ để nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ cũng như trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chi ủy chi bộ lãnh đạo tổ chức triển khai các giải pháp được nêu trong Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, giải pháp đã được thống nhất trong Nghị quyết; thường xuyên rà soát công việc, đánh giá định kỳ để chỉ đạo sát sao công việc thường xuyên, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân, thu nợ hàng năm được Hội đồng quản trị giao, cũng như chương trình công tác theo phê duyệt của Tổng Giám đốc NHPT.

Chi ủy chi bộ phân công, quy định trách nhiệm cụ thể đối với các đồng chí ủy viên, lãnh đạo Ban và lãnh đạo các phòng thuộc đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát thực hiện theo các lĩnh vực nghiệp vụ; thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ tại Chi bộ, thường xuyên nắm bắt tình hình thực hiện các mảng công việc để có chỉ đạo, giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Chủ động báo cáo với Đảng ủy NHPT những vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền để có giải pháp xử lý kịp thời, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các Bộ, ngành trong quá trình phối hợp xử lý các công việc chuyên môn nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan cho vay lại vốn nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ III, Đảng bộ NHPT nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết Đại hội Chi bộ VNN, nhiệm kỳ 2020 – 2022 còn rất nhiều việc phải làm, xong mỗi cán bộ, đảng viên trong Chi bộ VNN đều không ngừng nỗ lực rèn luyện về mọi mặt, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định vai trò và vị trí của Chi bộ đối với hoạt động của hệ thống NHPT cũng như đóng góp một phần sức lực nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Chi bộ Vốn nước ngoài - Đảng bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam

.
.
.
.