.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021:

"Cách mạng 4.0 tại Vietcombank - Vai trò lãnh đạo của Đảng - chìa khóa của sự thành công"

Chủ Nhật, 24/10/2021|23:05

Trước những diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới, khu vực tác động sâu rộng đến hội nhập kinh tế quốc tế của các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng, tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và sự nỗ lực điều hành của Chính phủ, kinh tế xã hội nước ta những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, hệ thống tài chính ngân hàng được củng cố và phát triển, nâng cao chuẩn mực quản lý, cải thiện chất lượng tài sản, xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực… Trong bối cảnh đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) luôn giữ vững vai trò là một ngân hàng tiên phong, nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, linh hoạt với những diễn biến của thị trường, đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng khách hàng.

Có được kết quả đó là nhờ trong những năm qua, Đảng bộ Vietcombank đã hành động với nguyên tắc bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và NHNN, đưa chính sách thành hành động cụ thể với quyết tâm cao để đạt được mục tiêu rõ ràng. Với sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác hoạch định chiến lược, toàn hệ thống Vietcombank đã đồng lòng nhất trí chinh phục hành trình “Vươn ra biển lớn”, tăng tốc kinh doanh, đón đầu xu thế mới trong công nghệ và quản trị ngân hàng, thực hiện thành công tầm nhìn và mục tiêu chiến lược đề ra. Đó là trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu chiến lược, Vietcombank đã xác định phương châm hành động cụ thể đi đến thành công, trong đó một nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết là trở thành ngân hàng dẫn đầu về chuyển đổi ngân hàng số, ứng dụng hệ thống công nghệ hiện đại bậc nhất, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, công nghệ Vietcombank đã có những bước đi mạnh mẽ, thể hiện bằng việc xây dựng và hiện đại hóa mô hình tổ chức, chiến lược kinh doanh và đặc biệt là cải thiện hệ thống hạ tầng ứng dụng CNTT nhằm tập trung xây dựng một kiến trúc công nghệ hiện đại tiên tiến, bắt đầu từ đổi mới hệ thống ứng dụng lõi, xây dựng kiến trúc hướng dịch vụ, phát triển kênh phân phối và nâng cao khả năng quản trị rủi ro. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đầu tư và ứng dụng các công nghệ nổi bật, phù hợp, nhằm nắm bắt cơ hội, mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đa dạng, tiện ích đến các đối tượng khách hàng.

Lãnh đạo Vietcombank, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Ngân hàng Nhà nước bấm nút khai trương Vietcombank Digital Lab vào năm 2016 thể hiện sự đầu tư mạnh mẽ của Vietcombank cho công nghệ và khả năng ứng dụng công nghệ số trong cung ứng các dịch vụ ngân hàng với mục tiêu lớn nhất chính là hướng tới sự hài lòng cho khách hàng khi được trải nghiệm đồng nhất các dịch vụ trên tất cả các các kênh giao dịch của ngân hàng, từ truyền thống đến hiện đại.
Lãnh đạo Vietcombank, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Ngân hàng Nhà nước bấm nút khai trương Vietcombank Digital Lab vào năm 2016, thể hiện sự đầu tư mạnh mẽ của Vietcombank cho công nghệ và khả năng ứng dụng công nghệ số trong cung ứng các dịch vụ ngân hàng, với mục tiêu lớn nhất chính là hướng tới sự hài lòng cho khách hàng khi được trải nghiệm đồng nhất các dịch vụ trên tất cả các các kênh giao dịch của ngân hàng, từ truyền thống đến hiện đại.

 

Nâng cao năng lực quản trị, củng cố cơ sở hạ tầng công nghệ - chuẩn bị nền tảng cho Cách mạng 4.0

 

Sự quyết liệt trong chỉ đạo của Đảng bộ Vietcombank trước yêu cầu “thay đổi để thành công” thể hiện rõ nét trong việc chỉ đạo sát sao công tác triển khai hàng loạt dự án chuyển đổi, nâng cao năng lực quản trị ngân hàng. Nhận thức tầm quan trọng của các dự án công nghệ với chiến lược phát triển lâu dài của Vietcombank, Đảng ủy, Ban lãnh đạo Vietcombank đã thành lập Ban chỉ đạo các dự án công nghệ, trong đó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT chỉ đạo trực tiếp; các thành viên đều là Thành viên HĐQT và Ban Điều hành cấp cao của ngân hàng. Các dự án khi triển khai đều được tối thiểu 01 thành viên HĐQT/Ban Điều hành trực tiếp tham gia với vai trò Giám đốc dự án, chịu trách nhiệm cao nhất về tình hình triển khai và tiến độ dự án. Những hạn chế, chậm trễ trong quá trình triển khai đều được phân tích, đánh giá chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời, đồng thời những phương thức quản trị và xu hướng mới, tiên tiến về công nghệ của mỗi dự án đều được Ban lãnh đạo sẵn sàng đưa vào áp dụng từ rất sớm, đạt được những thay đổi về chất để đưa Vietcombank lên tầm cao mới. Dưới sự lãnh đạo quyết liệt cùng tinh thần chấp nhận thay đổi, sẵn sàng đổi mới của Đảng ủy Vietcombank, trong năm 2019-2021 Vietcombank đã triển khai thành công hàng loạt các dự án nâng cao năng lực quản trị mà điển hình là Dự án Core Banking và Chương trình Basel II. 

Dự án Core Banking (Dự án chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi) - Dự án lớn nhất và có phạm vi ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của ngân hàng. Dự án đã được trực tiếp Tổng Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy Vietcombank giữ vai trò Giám đốc dự án sát cánh điều hành cùng hai Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật và nghiệp vụ; huy động và tập trung nguồn lực toàn hệ thống, phát huy tối đa sức sáng tạo và trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban lãnh đạo Vietcombank, dự án đã triển khai thành công vào tháng 1/2020 với những con số kỷ lục: Số lượng ứng dụng tích hợp nhiều nhất (hơn 100 ứng dụng), thời gian chuyển đổi nhanh nhất, khách hàng được liên tục duy trì dịch vụ 24/7 trong thời gian chuyển đổi… Dự án đã giúp Vietcombank có những bước chuyển mình mạnh mẽ, có lợi thế cạnh tranh khác biệt, đặc biệt là nền tảng có tính mở rộng cao, dễ dàng nâng cấp và tích hợp các hệ thống khác, sẵn sàng cho quá trình số hóa ngân hàng để tiến tới mô hình ngân hàng số độc lập trong tương lai. Kết quả triển khai dự án “New Core Banking” cũng là hành động thiết thực trong hoạt động điều hành của Vietcombank chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ Vietcombank nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu là ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất, Đảng bộ và Ban lãnh đạo Vietcombank đã xác định phải kiên trì để Vietcombank đạt được chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế. Chương trình Basel II - quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế đã được trực tiếp Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị chỉ đạo, Tổng Giám đốc giữ vai trò Giám đốc dự án, chỉ đạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao gồm các nhóm triển khai chuyên trách do các thành viên Ban Điều hành phụ trách trực tiếp. Trong suốt quá trình triển khai, Đảng bộ, Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành giám sát thường xuyên, đánh giá và chỉ đạo kịp thời để giải quyết các vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Chương trình Basel II triển khai thành công và cùng với hàng loạt các hệ thống ứng dụng quản trị nội bộ đưa vào sử dụng đã tạo bước đột phá trong cơ chế giám sát và dự báo, phục vụ đắc lực cho công tác điều hành của ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế. Vietcombank nhận được quyết định công nhận của Ngân hàng Nhà nước về việc đáp ứng chuẩn mực Basel II theo Thông tư 41 sớm một năm so với quy định, đánh dấu thành tựu quan trọng trong lộ trình triển khai Basel II của Vietcombank, tạo đà cho Vietcombank trở thành ngân hàng dẫn đầu về tuân thủ chuẩn mực tài chính quốc tế. Không dừng ở đó, Ban lãnh đạo Vietcombank cũng đã điều chỉnh tầm nhìn, đặt ra ngay kế hoạch tiếp tục triển khai Basel II theo tiêu chuẩn nâng cao, tiến tới mục tiêu Vietcombank trở thành ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn Basel III. 

Đứng phía sau nhưng đóng vai trò nền tảng của những thành công của các dự án chuyển đổi và công cuộc chuyển đổi ngân hàng số hướng tới sự trải nghiệm và hài lòng của khách hàng là các dự án xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin - nền tảng xử lý, lưu trữ và truyền tải dịch vụ. Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy và Ban Điều hành Vietcombank trong công tác chuyên môn công nghệ thông tin, việc đầu tư đúng hướng và hiệu quả trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, hoàn thiện quy trình quản trị hệ thống công nghệ, áp dụng các chuẩn mực an toàn bảo mật quốc tế (PCIDSS, 3DS, ITSM, IAM…) là nhân tố quan trọng đảm bảo hệ thống công nghệ của Vietcombank hoạt động an toàn, ổn định, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu phát triển ứng dụng phục vụ thực thi chiến lược.

 

Tập trung tối đa nguồn lực chuyển đổi công nghệ số - khẳng định ngân hàng tiên phong trong cách mạng 4.0

 

Song song với hoạt động kinh doanh theo chức năng của một ngân hàng thương mại, Vietcombank cũng là một trong những ngân hàng luôn tiên phong trong việc triển khai chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực tài chính và xã hội hóa dịch vụ ngân hàng. Đứng trước những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW theo đó xác định quan điểm chỉ đạo: Chủ động, tích cực tham gia; Nắm bắt tận dụng kịp thời các cơ hội; Phát huy tối đa các nguồn lực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện chương trình hành động theo Nghị quyết số 52-NQ/TW, tại Quyết định số 749/QĐ-TTg v/v phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số toàn diện, bao gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó có ngành tài chính ngân hàng, được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát triển với hai nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngân hàng. Thứ hai, xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững, triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Đảng bộ Vietcombank đã thực hiện quán triệt về mặt nhận thức, đóng vai trò quan trọng về mặt định hướng, chỉ đạo toàn hệ thống chủ động và tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp nói chung và phát triển công nghệ, chuyển đổi số tại Vietcombank nói riêng. Toàn thể cán bộ, người lao động Vietcombank dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ban Điều hành đã nỗ lực không ngừng nhằm góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Đảng ủy và Ban Điều hành Vietcombank đã có những định hướng đúng đắn, chỉ đạo tập trung nghiên cứu, tận dụng các thành tựu công nghệ nổi bật nhằm nâng cấp toàn diện hệ thống ngân hàng số, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Trong năm 2020, ngay sau khi vừa hoàn thành dự án Core Banking, chỉ với 5 tháng nỗ lực triển khai, Vietcombank đã ra mắt dịch vụ ngân hàng số hoàn toàn mới mang tên VCB-Digibank dành cho khách hàng cá nhân trên cơ sở hợp nhất các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking. Lần đầu tiên tại Việt Nam, khách hàng có điều kiện trải nghiệm một dịch vụ thanh toán số đồng nhất trên tất cả các loại thiết bị, truy cập nhanh chóng, thiết kế hiện đại, tiện lợi, đảm bảo an toàn bảo mật cho khách hàng. Việc nâng cấp toàn diện hệ thống ngân hàng số tạo tiền đề phục vụ hoạt động thanh toán điện tử của xã hội, thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Với hơn 15 triệu khách hàng thường xuyên, Vietcombank đóng vai trò lớn trong hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; đây là trách nhiệm vô cùng lớn trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Từ ngày 01/06/2021, Vietcombank chính thức ra mắt dịch vụ Mở tài khoản trực tuyến với công nghệ đột phá, giúp khách hàng mở tài khoản vào bất cứ thời điểm nào, tại bất kỳ đâu, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, không phải đến ngân hàng.
Từ ngày 01/06/2021, Vietcombank chính thức ra mắt dịch vụ Mở tài khoản trực tuyến với công nghệ đột phá, giúp khách hàng mở tài khoản vào bất cứ thời điểm nào, tại bất kỳ đâu, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, không phải đến ngân hàng.

Không chỉ dừng ở việc cung cấp dịch vụ truyền thống của một ngân hàng thương mại, Đảng ủy Vietcombank luôn nhận thức rõ sứ mệnh của ngành tài chính trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Ngay từ giữa năm 2019, Ban lãnh đạo Vietcombank đã quyết liệt chỉ đạo các bộ phận công nghệ thực hiện tìm hiểu, song hành cùng Văn phòng chính phủ trong quá trình xây dựng và cung cấp giải pháp thanh toán cho cổng Dịch vụ công quốc gia. Tại sự kiện khai trương hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai thanh toán trực tuyến với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, mở ra cơ hội gắn kết, phát triển thanh toán điện tử giữa Vietcombank với người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động hành chính, dịch vụ công. Đồng thời, để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), Vietcombank tiếp tục là Ngân hàng đầu tiên triển khai việc định danh khách hàng theo cơ chế xác thực một lần (SSO); hợp tác với Cục cảnh sát giao thông, Tổng cục thuế, Bảo hiểm xã hội triển khai các dịch vụ nộp trực tuyến phí vi phạm giao thông, nộp thuế cá nhân, lệ phí trước bạ, nộp tiền bảo hiểm xã hội trên Cổng DVCQG. Tháng 8/2020, tại buổi họp báo ra mắt dịch vụ công thứ 1.000, Vietcombank là ngân hàng duy nhất phối hợp với Tổng Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp các dịch vụ công thứ 998, 999 và 1.000 tới công dân và doanh nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở nâng cấp toàn diện hệ thống ngân hàng số, Vietcombank liên tục mở rộng hợp tác thanh toán với các địa phương trên cả nước, các Sở, Ban, Ngành, Tổng cục thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước; các đối tác chứng khoán, điện, nước, trường học, bệnh viện, bảo hiểm,… góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia đồng thời đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Khẳng định chiến lược phát triển là ngân hàng đi đầu trong cuộc Cách mạng 4.0 tại Việt Nam, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Vietcombank cũng đã có những bước đi tiên phong cho công cuộc chuyển đổi số. Tháng 8/2019, Vietcombank đã đưa Trung tâm Ngân hàng số đi vào hoạt động, minh chứng cho sự quyết liệt trong chỉ đạo và hiện thực hóa mục tiêu của Vietcombank trong phát triển toàn diện công tác số hóa hoạt động ngân hàng. Các xu hướng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và vạn vật kết nối đều đã được Ban lãnh đạo chỉ đạo đưa vào nghiên cứu phát triển, cụ thể hóa bằng các sáng kiến theo từng giai đoạn. Hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng kể trên cho thấy vai trò, tầm quan trọng và tầm nhìn đúng đắn của Đảng bộ, Ban lãnh đạo Vietcombank. Việc tập trung vào chiến lược chuyển đổi nhanh và mạnh, nâng cao hiệu quả công việc hướng tới khách hàng, … đã và đang phát huy những nguồn lực của Vietcombank trong công cuộc chuyển mình về mặt công nghệ, thực hiện tốt các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao cho. Toàn thể hệ thống Vietcombank đã đang và sẽ tiếp tục nỗ lực giữ vững vai trò của người dẫn đầu, hiện thực hoá mục tiêu “Ngân hàng dẫn đầu về chuyển đổi số” góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Tiếp tục hành trình của “Người dẫn đầu”

Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) đều mang những sứ mệnh của nó trong từng giai đoạn và cuộc CMCN lần thứ 4 với trọng tâm là nền tảng công nghệ số và tích hợp công nghệ thông minh chắc chắn sẽ tác động sâu sắc đối với nền kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia và tác động trực tiếp đến lĩnh vực tài chính. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là nghị quyết toàn diện, tổng thể của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam khi chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng cộng sản Việt Nam khi coi “Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng’’. Cuộc CMCN 4.0 mang đến những cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc mở rộng phạm vi hoạt động và tạo dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế, đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức với ngành ngân hàng nói chung và Vietcombank nói riêng, trong đó phải kể đến công tác phòng ngừa, ứng phó rủi ro về công nghệ thông tin, an ninh bảo mật, tội phạm công nghệ. 

Để tận dụng tối đa cơ hội, sẵn sàng đương đầu thách thức và hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, Vietcombank đã xác định chủ động hội nhập cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi không chỉ đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức mà còn không thể thiếu vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, sáng suốt, quyết liệt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự đồng lòng thống nhất, quyết tâm cao độ của tập thể Đảng bộ Vietcombank cũng như các cán bộ nhân viên của Vietcombank; góp phần hiện thực hóa mục tiêu, xây dựng thành tựu công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng trong tương lai và tạo dựng thương hiệu Vietcombank, thương hiệu ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế với vị thế của “Người dẫn đầu”.

Lê Thị Việt Thảo - Chi bộ 33 (Phòng Quản lý các Đề án công nghệ) 

Đảng bộ Trụ sở chính Vietcombank

 

 

.
.
.
.