Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022:
Cán bộ, đảng viên Vietcombank học và làm theo gương Bác: Nỗ lực rèn đức, luyện nghề
Tháng 1/1965, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ ngân hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Cán bộ ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) luôn nỗ lực rèn luyện đạo đức và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng thiêng liêng của nền tiền tệ Việt Nam
Ngày 6/5/1951, tại Lán Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Sự kiện trọng đại này đã mở đầu cho quá trình phát triển nền tiền tệ độc lập và hoạt động của Ngân hàng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
71 năm qua, cán bộ ngành Ngân hàng luôn ghi nhớ những lời dạy của Người và tự hào vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng văn hóa quan trọng của nền tiền tệ Việt Nam, của ngành Ngân hàng Việt Nam. Đối với nền tiền tệ Việt Nam, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò vô cùng quan trọng, trở thành biểu tượng của một nền tiền tệ độc lập, tự chủ của Nhà nước Việt Nam mới.
Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ Cách mạng đã khẩn trương xây dựng một nền tiền tệ độc lập, với việc phát hành tiền Việt Nam trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, nền tiền tệ Việt Nam non trẻ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự phá hoại của thực dân Pháp và quân đội Tưởng Giới Thạch. Vì vậy, trong giai đoạn đầu (1945 - 1954), tiền Việt Nam chưa được sử dụng thống nhất ở cả ba miền đất nước, mà phải hình thành ba khu vực tiền tệ riêng biệt là Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Mặc dù phải lưu hành ba loại giấy bạc khác nhau ở ba miền, nhưng các tờ giấy bạc Việt Nam đều in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và được nhân dân tin tưởng gọi là “Giấy bạc Cụ Hồ”.
Trong giai đoạn cam go nhất của đất nước nói chung và ngành Ngân hàng Việt Nam nói riêng, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc, của nền tiền tệ Việt Nam. Hình ảnh Bác là biểu tượng của sự gắn kết ba miền, là một “bảo chứng” quan trọng cho giấy bạc Việt Nam trong điều kiện khó khăn cả về in ấn, phát hành và bảo quản tiền trong suốt giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn chiến tranh đầy cam go ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất quan tâm đến việc xây dựng và thống nhất nền kinh tế - tài chính độc lập, mà phương tiện thể hiện chính là nền tiền tệ cách mạng. Người đã dặn dò những cán bộ ngân hàng “các chú là chiến sĩ kinh tế - tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”.
Trong giai đoạn kháng chiến kiến quốc, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở hai miền Nam - Bắc rất khó khăn và biến động phức tạp, song nền tiền tệ Việt Nam vẫn đảm bảo tự chủ và vô cùng linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam. Trong giai đoạn khó khăn ấy, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy là một biểu trưng cao đẹp được lưu hành rộng rãi, góp phần làm tăng thêm ý chí và sức mạnh tinh thần để cán bộ ngân hàng cùng nhân dân cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thấm nhuần lời dạy của Bác và nhận thức được con người là yếu tố quyết định, là gốc rễ của mọi vấn đề, trong lịch sử 71 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Ngân hàng đã luôn chú trọng công tác đào tạo, giáo dục rèn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong 5 quan điểm phát triển - là yếu tố nền tảng, động lực cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam, là thành tố chính then chốt rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của ngành Ngân hàng so với khu vực và thế giới.
Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Văn hóa Vietcombank
Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và thực hiện Văn hóa Vietcombank là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng bộ, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Cán bộ, đảng viên Vietcombank luôn nỗ lực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chú trọng xây dựng chuẩn mực, quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thông qua việc tuyên truyền, phát động, lan tỏa việc học tập và vận dụng theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài việc đào tạo về kiến thức, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn cho cán bộ, Vietcombank còn coi trọng yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, coi việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài của mỗi cán bộ ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu phát triển ngân hàng an toàn, hiệu quả và bền vững.
Xác định hoạt động ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt, nhạy cảm, gắn liền với tiền, và luôn đối mặt với nhiều rủi ro thường trực, trong đó rủi ro đạo đức là nguy cơ ngày càng lớn. Đồng thời, là lĩnh vực đòi hỏi sự minh bạch và chuyên nghiệp cao, do đó, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ là điều hết sức quan trọng. Nguồn nhân lực yếu kém không chỉ tạo ra những hạn chế trong quản trị ngân hàng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro không lường trước. Chính vì thế, Ban lãnh đạo Vietcombank đã nhận định và đặt ra mục tiêu phải quản trị tốt, giảm thiểu nguy cơ rủi ro này thông qua giáo dục đạo đức nghề nghiệp và coi đó như một nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình hoạt động. Bên cạnh ban hành bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ và đảng viên, Vietcombank còn thiết lập một hệ thống kiểm soát đặc biệt từ những quy trình, quy định trong các hoạt động kinh doanh, thường xuyên thực hiện tập huấn, tổ chức các chương trình đào tạo cho tất cả các cán bộ từ những bộ phận làm việc trực tiếp với khách hàng, giao dịch viên, thủ quỹ, thẩm định hồ sơ, ra phán quyết tín dụng tới các bộ phận nghiệp vụ khác của ngân hàng.
Ngân hàng là lĩnh vực đòi hỏi sự minh bạch và chuyên nghiệp cao, do đó, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ ngân hàng là điều hết sức quan trọng. Hơn bao giờ hết, Vietcombank luôn coi trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp và coi đó như một nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu. Đạo đức được coi như một tiêu chí tiên quyết trong công tác tuyển dụng cán bộ. Trong các khóa đào tạo nhân viên mới, Vietcombank cũng đưa vào giới thiệu các nội dung của “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” được Hiệp hội Ngân hàng ban hành ngày 25/02/2019 cùng với bộ quy tắc ứng xử của Vietcombank nhằm nâng cao ý thức cho đội ngũ cán bộ ngành ngân hàng về tầm quan trọng và sự cần thiết thường xuyên phải tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử tốt đẹp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những kiến thức và kỹ năng phục vụ cho công việc, khóa đào tạo còn giới thiệu thông tin về “Văn hóa Vietcombank” với mục tiêu giúp cán bộ nắm được những nguyên tắc đạo đức cơ bản, các giá trị văn hóa cốt lõi của Ngân hàng, từ đó định hình tiêu chuẩn ứng xử văn minh, thanh lịch, biết cách xây dựng hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp.
Thông qua các buổi sinh hoạt riêng tại đơn vị, các tổ chức Đảng và các chi nhánh trong toàn hệ thống Vietcombank đã tổ chức học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách linh hoạt và hiệu quả tới các đảng viên, thu hút đông đảo cán bộ, người lao động tham gia. Các đơn vị luôn chú trọng xây dựng hình ảnh người cán bộ có tinh thần trách nhiệm, có năng lực công tác, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Mỗi cán bộ đảng viên, đoàn viên tích cực học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng sống…
Bên cạnh đó, Đảng ủy Vietcombank đã lãnh đạo các tổ chức Đảng trực thuộc tổ chức nhiều hành trình Về nguồn tại các di tích lịch sử gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, các đảng viên và quần chúng ưu tú, người lao động của đơn vị đã được ôn lại những câu chuyện thực tế về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những bài học quý giá về đạo đức, lối sống, tư tưởng của Người để hiểu sâu sắc hơn, nhận thức đầy đủ hơn và thực hiện tốt hơn.
Những nỗ lực của Vietcombank trong việc đẩy mạnh rèn luyện phẩm chất đạo đức tác phong giao dịch trong toàn thể đảng viên và người lao động đã đem lại những kết quả tốt đẹp. Trong nhiều năm qua, phong cách, tác phong giao dịch và đạo đức của cán bộ ngân hàng Vietcombank đã được khách hàng ghi nhận. Khách hàng đến và gắn bó với Vietcombank không chỉ bởi những sản phẩm dịch vụ chất lượng tốt và phù hợp mà còn bởi từ phẩm chất của cán bộ Vietcombank.
Hiện nay, bên cạnh nhiều cơ hội, cán bộ ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới, như sự phát triển mạnh mẽ của ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, thị trường lao động mở rộng phạm vi ra toàn thế giới, trình độ lao động đòi hỏi ngày càng cao, hay những mặt trái của nền kinh tế thị trường có những tác động tiêu cực đến đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng… nên cán bộ ngân hàng cần phải nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, trung thực, năng động, sáng tạo và trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để vừa phát triển cơ quan, đơn vị, đảm bảo quyền lợi của người lao động, vừa phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ hiệu quả và đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp và khó lường, ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung và Vietcombank nói riêng tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngân hàng: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” vẫn còn nguyên giá trị và càng quý giá. Các thế hệ cán bộ Vietcombank luôn ghi nhớ lời Bác dạy và lấy làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động, để tu dưỡng, học tập và rèn luyện đạo đức, xây dựng Vietcombank phát triển bền vững, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ./.
Trần Thanh Hương, Trung tâm Dịch vụ khách hàng VCB