Bài tham dự Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022
Dấu ấn 20 năm triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ở Thủ đô Hà Nội trong 2 thập kỷ qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố.
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam tặng cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội là đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua năm 2021. |
Năm 2006, gia đình bà Ngô Thị Lan là hộ nghèo của xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Chồng mất sớm, mình bà nuôi 3 con còn nhỏ đang đi học, bà đã được Hội đoàn thể và Tổ Tiết kiệm và vay vốn giúp đỡ, hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đông Anh để nuôi bò. Gia đình khó khăn, vất vả, các con vừa đi học, vừa hỗ trợ mẹ cắt cỏ, chăn bò nhưng cháu nào cũng học giỏi. Năm 2007, con gái lớn của bà Lan là Lê Thị Huệ thi đỗ đại học Y Hà Nội. May mắn Chính phủ có chương trình tín dụng cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bà được tổ bình xét, UBND xã xác nhận và NHCSXH huyện phê duyệt cho vay 47,6 triệu đồng. Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã giúp cho ước mơ làm bác sỹ của chị Lê Thị Huệ thành hiện thực. Do kết quả học tập xuất sắc, chị Huệ được Trường Đại học Y giữ lại làm giảng viên, sau đó được cử đi học tập và nghiên cứu tại Nhật; hiện chị đã nhận bằng Tiến sỹ. Lần lượt năm 2009, 2011, các con thứ 2, thứ 3 của bà Huệ lần lượt lại được NHCSXH huyện Đông Anh cho vay vốn để chi phí học tập các trường Cao đẳng Bách Khoa và Đại học Sư phạm. Tổng số tiền chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn NHCSXH huyện Đông Anh giải ngân cho gia đình bà Huệ để trang trải chi phí học tập cho 3 con đi học lên đến gần 118 triệu đồng. Nhờ chịu khó làm ăn và các con chăm ngoan, chịu khó học tập nên gia đình bà Lan đã thoát nghèo, các con có việc làm và thu nhập ổn định và trả hết nợ cho ngân hàng. Đặc biệt, năm 2012, bà Lan đã được các thành viên trong tổ tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn khu 6 xã Thụy Lâm. Quệt giọt mồ hôi lăn trên trán, bà Lan phấn khởi cho hay: “Giờ tôi rất vui sướng và tự hào khi tiếp tục đồng hành cùng NHCSXH huyện Đông Anh giúp đỡ những gia đình khó khăn như gia đình tôi trước đây, vượt lên hoàn cảnh, thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới trên quê hương Đông Anh.
Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn quận Đống Đa, ông Đỗ Hồng Việt - một thương binh ở phường Hàng Bột tự hào chia sẻ: “Là một thương binh, sau khi rời quân ngũ, tôi về công tác tại Công ty cổ phần lắp máy điện nước và xây dựng. Do sức khỏe yếu nhiều bệnh nên tháng 5/2004 tôi được nghỉ hưu trước tuổi, gia đình tôi có 3 người: hai vợ chồng và một cô con gái ở chung nhà với bố mẹ đẻ và các anh chị em tại căn hộ rất chật chội, chỉ có 22m2 tại phố Phố Tôn Đức Thắng, Phường Hàng Bột, Quận Đống Đa. Tôi luôn mơ ước gia đình có căn hộ riêng, có phòng cho con gái học tập. Thật may mắn, năm 2019, ước mơ của tôi đã thành sự thật.Nhờ có sự giúp đỡ từ UBND phường Hàng Bột, Hội Cựu chiến binh, Tổ TK&VV và cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội quận Đống Đa, tôi đã được vay vốn 300 triệu đồng cùng với số tiền dành dụm tôi đã đủ tiền mua một căn hộ chung cư Nhà ở xã hội tại phường Kiến Hưng – quận Hà Đông. Nguồn vốn vay này thật vô cùng quí giá đối với gia đình tôi nói riêng và những người lao động thu nhập thấp có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở nói chung. Nó là bước ngoặt và thay đổi cuộc sống gia đình tôi trong hoàn cảnh khó khăn nhất, các cụ đã nói “an cư mới lạc nghiệp”, lúc này con gái tôi đang học lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp và ôn thi đại học, thật đáng mừng khi cháu đã có phòng riêng, có góc học tập tốt phấn đấu để ôn thi tốt nghiệp và thi đại học và cũng chính từ căn nhà mới này cháu đã đạt kết quả tốt thi đỗ vào trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khóa 2021 – 2026, gia đình tôi thật sự sung sướng và hạnh phúc khi đã có căn nhà của riêng mình bằng chính nguồn lực của gia đình và một phần giúp đỡ từ nguồn vốn vay nhà ở xã hội của Ngân hàng CSXH quận Đống Đa’’.
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm câu chuyện về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong hành trình 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được trình bày tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các chương trình tín dụng chính sách của Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã giúp cho hàng nghìn hộ gia đình như nhà ông Việt, bà Lan thoát nghèo, cải thiện đời sống, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Những con số biết nói
Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ là 334 tỷ đồng, đến nay, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đang có dư nợ tại 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 12.746 tỷ đồng với gần 254 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 12.412 tỷ đồng (gấp 38,3 lần) so với thời điểm nhận bàn giao. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm là 10.147 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 80%; dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt là 2.599 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20%.
Nhân viên hội sở Chi nhánh giao dịch với khách hàng. |
Qua 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, Thành phố đã tập trung nguồn lực qua NHCSXH triển khai cho vay được trên 2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 42.896 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 30.474 tỷ đồng, dư nợ bình quân chung của 17 chương trình tín dụng là 39 triệu đồng/khách hàng, tăng 37 triệu đồng/khách hàng so với thời điểm nhận bàn giao, trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 43,5 triệu đồng/hộ, tăng 42,5 triệu đồng/hộ so với thời điểm nhận bàn giao.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của Thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, góp phần giúp cho trên 243.000 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 814.000 lao động, giúp cho gần 147.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 746.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và 11.375 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ cấu nguồn vốn có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách Thành phố và quận, huyện, thị xã ủy thác qua NHCSXH. Từ nguồn vốn nhận bàn giao ban đầu là 349 tỷ đồng, đến 30/9/2022 tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đạt 12.792 tỷ đồng, tăng 12.442 tỷ đồng (gấp 36,7 lần) so với nguồn vốn nhận bàn giao, bình quân mỗi năm tăng 624 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt 6.367 tỷ đồng, tăng 6.347 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, bình quân mỗi năm tăng 317 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,7% trên tổng nguồn vốn.
Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH thành phố hiện đang có dư nợ tại 03 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đến 30/9/2022 là 6.363 tỷ đồng với trên 130 nghìn khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 50% trên tổng dư nợ cho vay. Trong đó, dư nợ từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác là 5.626 tỷ đồng và dư nợ từ nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác là 737 tỷ đồng. Trong 20 năm qua, thông qua nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố đã giải ngân cho trên 580 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, thu hút, tạo việc làm ổn định cho trên 630 nghìn lao động, hỗ trợ xây dựng trên 11 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo.
Đoàn viên thanh niên Chi nhánh với phong trào an sinh xã hội, trong ảnh: xây nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo tại huyện Ba Vì. |
Điều này đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh nguồn vốn được bổ sung từ ngân sách Thành phố, 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều quan tâm bố trí chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay các đối tượng thụ hưởng, trong đó, một số địa bàn có số dư nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH lớn như: Nam Từ Liêm 79 tỷ đồng; Cầu Giấy 67 tỷ đồng; Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm 57 tỷ đồng; Hà Đông 57 tỷ đồng; Bắc Từ Liêm gần 56 tỷ đồng; Thanh Xuân 43 tỷ đồng…
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, góp phần thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mô hình tổ chức hoạt động hiệu quả
Mô hình tổ chức quản trị của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của nước ta, đáp ứng yêu cầu tập trung nguồn lực xã hội, tăng hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thực hiện xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách. Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện bộ máy điều hành tác nghiệp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời, quan tâm xây dựng được đội ngũ cán bộ đảm bảo về chất lượng, giỏi một việc, biết nhiều việc, nỗ lực vượt khó với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao. Tổng số cán bộ chuyên môn nghiệp vụ tại Chi nhánh NHCSXH Thành phố hiện là 344 người, bình quân mỗi PGD cấp huyện có 11 cán bộ; Đảng bộ NHCSXH Thành phố có 33 Chi bộ trực thuộc với 295 Đảng viên, chiếm tỷ lệ 85,7% trên tổng số cán bộ toàn đơn vị. Đội ngũ cán bộ tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội thường xuyên được quan tâm bồi dưỡng đạo đức và nghiệp vụ, đảm bảo tốt về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát với dân, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù phù hợp với hệ thống chính trị của Việt Nam
Phương thức cho vay chủ yếu tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội được Chi nhánh NHCSXH Thành phố thực hiện trên cơ sở Văn bản liên tịch ký kết với tổ chức chính trị - xã hội cấp Thành phố, cấp huyện, Hợp đồng ủy thác ký với tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và Hợp đồng ủy nhiệm ký với Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ TK&VV dưới sự chứng kiến tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và Trưởng thôn/Tổ trưởng Tổ dân phố, Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua đã góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời. Thông qua phương thức cho vay này, tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức Hội được mở rộng, phong phú, uy tín của các Hội đoàn thể được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.
Trong những năm qua, vai trò của Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố trong triển khai tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở ngày càng được nâng lên, vừa góp phần giúp chuyển tải kịp thời các thông tin về chủ trương, tín dụng chính sách xã hội đến với nhân dân, vừa phát huy vai trò giám sát trong bình xét, lựa chọn đối tượng cho vay tại Tổ TK&VV, giám sát người vay sử dụng vốn, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý những trường hợp phát sinh dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn trong quá trình sử dụng vốn của người vay cũng như phối hợp với Tổ, Hội, NHCSXH và các cơ quan liên quan trong việc đôn đốc người vay trả nợ khi đến
Tín dụng chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Trong những năm trở lại đây, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với việc bố trí riêng nguồn lực từ ngân sách Thành phố để chuyển vốn qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố cho vay người lao động và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phục hồi sản xuất, khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện kịp thời các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng trên địa bàn như chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2022 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ gồm chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các chương trình tín dụng đã được triển khai kịp thời, hiệu quả, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội tặng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội. |
Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, trở thành công cụ, giải pháp có tính lâu dài, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các Chương trình, Kế hoạch, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong từng giai đoạn, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng.
Trong thời gian tiếp theo, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH thành phố phối hợp với các Sở ngành, cơ quan liên quan tập trung nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia và Kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong từng giai đoạn, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn. Quan tâm phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tín dụng của Đảng, Chính phủ, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ ngày càng có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Với những thành tích nỗi bật đã đạt được, tại hội nghị tổng kết 20 năm số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 trên địa bàn thành phố, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã vinh dự được Thành ủy trao tặng bức trướng: “Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo”./.
Thu Hiền - Phó phòng KHNVTD Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội