Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023
Vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức đối với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trong Khối Doanh nghiệp Trung ương
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức cho cán bộ, đảng viên, Người khẳng định: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”, đồng thời nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...”.
Tư tưởng của Người được Đảng ta thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng, Cương lĩnh chính trị, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận,… của Đảng. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, trước yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên không vững vàng về chính trị, không thống nhất về tư tưởng, không trong sạch về đạo đức, lối sống, không kiên định về hành động... toàn Đảng không thể đứng vững và nhất định không đảm đương được trọng trách lãnh đạo, cầm quyền, chế độ bị đe dọa và đất nước rất khó đứng vững và phát triển.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trương khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam nhằm phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Để đạt được mục tiêu đó, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhân sinh quan cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, củng cố và nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên vào con đường phát triển của đất nước; đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, phản động, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có 38 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 36 đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tài chính và 02 đảng bộ cơ quan với 1.446 đảng bộ cơ sở, 27 đảng bộ cấp cơ sở đảng ủy được thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở, 224 đảng bộ bộ phận, 5.380 chi bộ trực thuộc với 138.736 đảng viên. Đảng ủy Khối là cấp ủy trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương; là cấp ủy cấp trên trực tiếp của các đảng ủy tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước. Các tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ Khối hoạt động rộng khắp trong toàn quốc và một số ở nước ngoài; tổ chức đảng trong các đơn vị thành viên của tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị chủ yếu thuộc Đảng bộ Khối, một số tổ chức đảng còn lại trực thuộc cấp ủy địa phương. Các doanh nghiệp trong Khối gồm 09 tập đoàn kinh tế, 20 tổng công ty, 06 ngân hàng, 01 tổ chức tài chính nhà nước (trong đó có 22 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 14 tập đoàn, tổng công ty do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) .
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Khối và các cấp uỷ, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ nhận thức sâu sắc vị trí, vai tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, xây dựng quan điểm, lập trường và bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên, người lao động. Phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã đạt được kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch đến việc quán triệt, học tập các nghị quyết của Đảng cho cán bộ, đảng viên và người lao động.
Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ II, lần thứ III được thông báo nhanh ngay sau đại hội, hội nghị và được tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc thông qua các hội nghị trực tuyến (nhiều hội nghị mở điểm cầu tới cấp cơ sở; tài liệu được mã hóa bằng Code QR; các cấp ủy dành ½ ngày để đại biểu tự nghiên cứu tài liệu, viết thu hoạch; thảo luận, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động) và cụ thể hoá thành các chương trình, kết luận, quy định cụ thể và triển khai thực hiện. Do đó, việc học tập, quán triệt một số nghị quyết đã trở thành các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ.
Đảng ủy Khối lãnh đạo, chỉ đạo từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập lý luận chính trị trong điều kiện mới nhằm nâng cao trình độ nhận thức lý luận của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp uỷ đảng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kinh tế, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên. Đảng uỷ Khối hằng năm phối hợp tổ chức các lớp Cao cấp và Trung cấp lý luận chính trị; tổ chức lớp bồi dưỡng dự nguồn cho các đồng chí trong quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương; tổ chức các hội nghị thông tin chuyên đề cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt theo Quy định 164-QĐ/TW; phối hợp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện. Các đảng ủy trực thuộc tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ các mặt công tác xây dựng đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, bồi dưỡng nhận thức về Đảng theo phân cấp… Người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đã phát huy vai trò nêu gương trong học tập lý luận, coi đây là công việc thường xuyên, là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã chủ động tổ chức đào tạo, hội thảo chuyên sâu cung cấp cho cán bộ, nhân viên kiến thức về pháp luật, lý luận kinh tế, kiến thức về quản trị rủi ro, tăng cường chống gian lận, lừa đảo, tội phạm công nghệ cao,…
Cấp ủy đảng các cấp chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ; nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; phát huy vai trò của các Đảng bộ, chi bộ trong quản lý, giáo dục đảng viên. Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; phát huy vai trò giám sát, góp ý kiến nhận xét của các tổ chức chính trị - xã hội đối với phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới được quan tâm đẩy mạnh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Việc cam kết thực hiện tu dưỡng đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc trong bản cam kết hàng năm của mỗi cán bộ, đảng viên, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tế. Việc học tập Chuyên đề toàn khóa và chuyên đề hàng năm của Đảng ủy Khối được các đảng ủy nghiêm túc thực hiện, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, có chiều sâu; các tổ chức đảng thực hiện bài bản tại các kỳ sinh hoạt thường kỳ và sinh hoạt chuyên đề.
Các cấp ủy Đảng đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, về giải quyết đúng đắn các mối quan hệ phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Triển khai truyên truyền, phổ biến các nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp thông qua báo, tạp chí, bản tin nội bộ của doanh nghiệp về những nội dung cốt lõi và mới trong các văn kiện; phản ánh sinh động kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết tới cán bộ, đảng viên, người lao động. Trong 4 năm (2019-2022) đã có hơn 3.000 tác phẩm tham gia Giải Búa Liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương, nội dung đề cập đến nhiều vấn đề lớn được Trung ương và Đảng ủy Khối đặc biệt chú trọng, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người lao động trong toàn Đảng bộ Khối. Các cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí Trung ương tuyên truyền, góp phần giữ vững uy tín, thương hiệu doanh nghiệp và làm cho công luận hiểu đúng hơn vai trò, vị trí, sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạp chí Điện tử Đảng ủy Khối và các tạp chí, trang tin của các đảng bộ trực thuộc xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền thường xuyên và kịp thời; mỗi năm có hàng nghìn tin, bài, phóng sự đã được đăng tải.
Đảng ủy Khối lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ trực thuộc đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng về văn hóa và văn hóa doanh nghiệp; 38/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá công sở. Nhiều doanh nghiệp xây dựng được nội dung, thiết chế văn hoá doanh nghiệp với nhiều mô hình, cách làm hay, phù hợp với điều kiện cụ thể theo ngành/lĩnh vực trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, yêu lao động, có trách nhiệm và gắn bó với doanh nghiệp; góp phần tăng cường sự thống nhất về nhận thức, ý thức và cách thức hành động trong quá trình tạo dựng và phát triển thương hiệu, bản sắc riêng của từng doanh nghiệp, ngân hàng.
Đảng ủy Khối và các cấp ủy đảng chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống “Diễn biến hòa bình”; kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa để chống phá đảng, nhà nước theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII là nhiệm vụ quan trọng trong nghị quyết công tác hằng năm. Ban Chỉ đạo 35 các cấp tập trung chỉ đạo quản lý chặt chẽ các phương tiện truyền thông nội bộ, mạng xã hội của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; tăng cường định hướng thông tin, chấn chỉnh kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ đoàn kết nội bộ. Quản lý và đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc lập và sử dụng mạng xã hội trên Internet theo Quy định số 85-QĐ/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 99-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đảng uỷ Khối đã đưa vào hoạt động Trang mạng xã hội của Ban Chỉ đạo 35 (Fanpage Dấu son); huy động sự tham gia của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên và hệ thống các tạp chí, bản tin, trang thông tin điện tử, nhất là các Fanpage các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối để tuyên truyền đến người lao động và cộng đồng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát (trong đó có các nội dung về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với NQTW 4 về xây dựng Đảng và các quy định về trách nhiệm nêu gương, giữ gìn đạo đức, lối sống; về học tập lý luận chính trị; về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,…): Cấp ủy các cấp đã kiểm tra 2.623 tổ chức Đảng và 18.412 đảng viên (trong đó có 4.576 cấp ủy viên), giám sát chuyên đề đối với 14.197 đảng viên (trong đó có 3.466 cấp ủy viên); thi hành kỷ luật đảng đối với 17 tổ chức đảng và 633 đảng viên (trong đó có 100 cấp ủy viên). Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 17 tổ chức Đảng và 102 đảng viên (qua đó kết luận 8 tổ chức đảng và 42 đảng viên vi phạm đến mức phải kỷ luật); thi hành kỷ luật đảng đối với 01 tổ chức đảng và 59 đảng viên.
Công tác chính trị, tư tưởng đã góp phần nắm bắt, giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề bức xúc về tư tưởng, gắn kết chặt chẽ công tác tư tưởng với các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng Đảng và doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; góp phần quan trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu và vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp. Việc thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong toàn Đảng bộ Khối có ý nghĩa rất quan trọng, khơi dậy niềm tin và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và hành động, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần hoàn thành thắng lợi công tác xây dựng đảng và lãnh đạo nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Khối.
Bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương và Chính phủ về phát triển doanh nghiệp nhà nước và xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, Đảng ủy Khối đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận chuyên đề về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, triển khai đến các tổ chức đảng để thực hiện trong toàn Đảng bộ và chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động sát hợp với điều kiện thực tiễn và đặc thù của các doanh nghiệp. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước trong Khối Doanh nghiệp Trung ương luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như: tài chính - ngân hàng, dầu khí, điện, than, khai khoáng, viễn thông, giao thông vận tải, cung ứng xăng dầu, lương thực,... vừa bảo đảm nền tảng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và xuất khẩu. Các DNNN đã thể hiện rõ vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, là công cụ quan trọng để thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ứng phó với những biến động của thị trường, giữ vững các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô; đi đầu trong tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.
Trong các lĩnh vực dầu khí, điện, than, các tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Than - Khoáng sản là những trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng trưởng cao, liên tục của nền kinh tế trong suốt những năm qua. Tập đoàn Dầu khí phát hiện, khai thác và làm gia tăng giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam bảo đảm cung ứng xăng dầu đến khắp mọi miền đất nước; Tập đoàn Điện lực Việt Nam bảo đảm đưa điện đến 100% số xã, đến cả các đảo xa, đưa chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng thứ 27/190 quốc gia, vượt trên cả các quốc gia phát triển, giàu có hơn nhiều. Trong lĩnh vực viễn thông, các tập đoàn, tổng công ty như: VNPT, Mobifone là những trụ cột vừa bảo đảm phát triển hạ tầng viễn thông liên lạc hiện đại, cung ứng các dịch vụ viễn thông chất lượng cho xã hội, vừa dẫn dắt sự phát triển của ngành viễn thông, công nghệ thông tin quốc gia theo kịp thế giới, đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Trong các lĩnh vực giao thông vận tải, bưu chính,... các doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt bảo đảm cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho xã hội như đi lại, vận chuyển hàng hoá, bưu phẩm bằng đường hàng không, đường sắt, đường biển đến mọi nơi trên thế giới, mọi vùng miền trong nước, kể cả các thôn, bản vùng sâu, vùng xa hẻo lánh nhất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc,... là nòng cốt trong phát triển ngành cao su và bảo đảm an ninh lương thực, tiêu thụ lúa gạo cho hàng triệu nông dân. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) với tổng tài sản và dư nợ tín dụng chiếm trên 50% toàn hệ thống ngân hàng, đóng vai trò bảo đảm cung ứng kịp thời nguồn vốn để phát triển kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng là lực lượng tiên phong thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, tỷ giá nhằm giữ ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hệ thống tín dụng - ngân hàng, là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường và góp phần thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Các DNNN trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, hàng không,... đều là những đơn vị dẫn đầu ngành về trình độ công nghệ hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, nhiều đơn vị đạt mức năng suất và hiệu quả hoạt động vượt trội trong ngành, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu rất cao, đạt từ 15 - 35%/năm.
Trong các thời điểm đất nước gặp khó khăn do các biến động từ môi trường quốc tế hay do thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp nhà nước luôn là công cụ mạnh để Nhà nước, Chính phủ điều tiết, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội trong nước. Cùng cả nước chống đại dịch Covid-19, các DNNN trong Khối đã thực hiện các nhiệm vụ giải cứu đồng bào từ các vùng dịch trên thế giới, cung cấp hoá chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch, đặc biệt đã thực hiện miễn, giảm các loại phí, giá dịch vụ, sản phẩm để ổn định thị trường, hỗ trợ đời sống nhân dân và hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế với tổng giá trị trên 69 nghìn tỷ đồng (trong đó ủng hộ Quỹ vắc xin với số tiền 3.177 tỷ đồng). Đồng thời quan tâm đầu tư, triển khai các dự án phát triển sản xuất kinh doanh tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ (hỗ trợ 54/62 huyện nghèo) và các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn cả nước với tổng số tiền 40.652 tỷ đồng.
Các DNNN cũng đồng thời hỗ trợ xây dựng đồng bộ hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, mạng lưới viễn thông, hệ thống thủy lợi nội đồng,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương khó khăn, biên giới, hải đảo và cải thiện đời sống nhân dân. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tuyển dụng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 20 nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tiên phong, chủ lực trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là gia đình chính sách, góp phần quan trọng vào thành tựu xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của nước ta.
Một số tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Cao su, Xăng dầu,... có hoạt động liên quan mật thiết đến quốc phòng, an ninh quốc gia, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh tại các vùng biên giới, vùng biển đảo, đến hoạt động quốc phòng, an ninh. Lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức và huấn luyện tốt tại các DNNN cũng có ý nghĩa quan trọng trong tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là với các đơn vị đóng chân ở các địa bàn nhạy cảm, phức tạp. Các DNNN cũng giữ vai trò trọng yếu trong bảo đảm an ninh trong các lĩnh vực thiết yếu của đất nước, như: an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tiền tệ,… để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của đất nước. Các doanh nghiệp, ngân hàng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kết quả sản xuất kinh doanh có mức tăng trưởng khá, cơ bản hoàn thành và vượt các chỉ tiêu quan trọng do nghị quyết đại hội các nhiệm kỳ đề ra. Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối từ năm 2007 - 2023 như sau:
Giai đoạn 2007 - 2010, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng đã gặt hái được nhiều kết quả tốt và tăng trưởng cao. So với năm 2007, cuối năm 2010: vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đạt 949.329 tỷ đồng, tăng 75,5%; lợi nhuận trước thuế đạt 95.955 tỷ đồng, tăng 41,7%; nộp ngân sách nhà nước đạt 148.095 tỷ đồng, tăng 126,6%.
Giai đoạn 2010 - 2020, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đạt 1.486.591 tỷ đồng, tăng 56,6% so với năm 2010 và tăng 174,8% so với năm 2007; lợi nhuận trước thuế đạt 162.861 tỷ đồng, tăng 69,7% so với năm 2010 và tăng 140% so với năm 2007; nộp ngân sách nhà nước đạt 254.908 tỷ đồng, tăng 72,1% so với năm 2010 và tăng 290% so với năm 2007. Tổng số lao động năm 2020 là 725.214 người, giảm 129.779 người so với năm 2010, do thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa tại các doanh nghiệp trong Khối.
Giai đoạn 2020 - 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau bởi dịch Covid-19 và những biến động phức tạp trong khu vực và quốc tế, có doanh nghiệp bị lỗ, giảm vốn chủ sở hữu, nhưng các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và các nhiệm vụ chính trị được giao. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng đều tăng, thể hiện hiệu quả kinh doanh, bảo toàn và phát triển triển vốn nhà nước. Tổng doanh thu tăng trưởng từ 1.426.134 tỷ đồng lên 2.083.788 tỷ đồng (tăng 46,1%); lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 123.275 tỷ đồng lên 213.836 tỷ đồng (tăng 73,5%); nộp ngân sách tăng trưởng từ 220.374 tỷ đồng lên 244.629 tỷ đồng (tăng 11%); vốn chủ sở hữu tăng trưởng từ 1.566.544 tỷ đồng lên 1.745.151 tỷ đồng (tăng 11,4%); tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty tăng từ 2.762.548 tỷ đồng lên 2.937.467 tỷ đồng (tăng 6,3%), tổng tài sản của các ngân hàng tăng từ 6.263.074 tỷ đồng lên 8.156.688 tỷ đồng (tăng 30,2%).
6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu ước đạt 976 nghìn tỷ đồng (đạt 54,3% kế hoạch năm, bằng 95,5% so với cùng kỳ năm 2022); lợi nhuận trước thuế ước đạt 85 nghìn tỷ đồng (đạt 55% kế hoạch năm, bằng 55% so với cùng kỳ năm 2022); nộp ngân sách nhà nước ước đạt 121 nghìn tỷ đồng (đạt 68,1% kế hoạch năm, bằng 85% so với cùng kỳ năm 2022).
Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Trong thời gian tới, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp góp phần xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cụ thể:
Một là, luôn nhận thức đúng đắn, đầy đủ vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Thực hiện nghiêm việc học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng. Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các hình thức tuyên truyền. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thường xuyên đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch. Coi trọng giáo dục tinh thần nêu gương gắn với giáo dục “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; phát huy tính tích cực, tự giác tự rèn luyện đạo đức, lối sống, luôn phát huy vai trò nêu gương trong thực hành đạo đức. của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Hai là, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày, gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW (khoá XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Coi đó là giải pháp hữu hiệu để không ngừng hoàn thiện phẩm chất đạo đức trong sáng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Thứ ba, thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; đẩy mạnh việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong mỗi cán bộ, đảng viên.
Thứ tư, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát một cách toàn diện, có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng vi phạm. Quá trình thực hiện bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, phương châm, phương pháp; kiên quyết chống mọi biểu hiện hình thức, không thực chất trong thực hiện.
Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn hiện nay thực sự là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và các doanh nghiệp, ngân hàng thực sự trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.
Chi bộ Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương