.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023:

Giải pháp nào để khắc phục tình trạng né tránh, ngại va chạm trong thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên hiện nay

Thứ Sáu, 03/11/2023|17:29

Trải qua chặng đường dài hơn 90 năm lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang xây dựng Khối đại đoàn kết ngày càng mạnh mẽ tạo nên những thành công trong công cuộc đổi mới đất nước phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và ngày nay càng khẳng định được uy tín vững chắc trên trường quốc tế. Để có được những thành tựu như hôm nay Đảng ta đã xác định được mục tiêu đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức là sức mạnh vô địch của đảng cộng sản. Như Lê-nin đã khẳng định: Đảng “phải có sự thống nhất ý chí hết sức chặt chẽ, tuyệt đối” đó là sự đoàn kết thống nhất là sức mạnh to lớn của Đảng. Nhận biết được tầm quan trọng đó, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu luôn được Đảng ta chú trọng là công tác tự phê bình và phê bình một biện pháp căn bản để xây dựng, củng cố đoàn kết thống nhất của đảng là quy luật phát triển của đảng. Theo lời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” đây cũng là vũ khí sắc bén, là phương thức quan trọng trong lãnh đạo và cầm quyền của Đảng ta, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được ban hành và đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Công tác tự phê bình và phê bình được thực hiện đúng đắn, nghiêm túc sẽ đáp ứng đúng mục tiêu là nhằm giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách công tác, phát triển trí tuệ, nâng cao năng lực của cán bộ, đảng viên; làm cho bản thân và đồng chí của mình không ngừng tiến bộ. Qua đó, làm rõ những nguyên nhân dẫn tới sai lầm và cách khắc phục phải gắn với điều kiện cụ thể của tổ chức đảng và gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với từng cán bộ, đảng viên; giúp họ trở thành những cán bộ, đảng viên tốt, đồng thời để người khác biết mà tránh những sai lầm, khuyết điểm tương tự. Từ đó, xây dựng tinh thần đoàn kết trong tổ chức đảng ngày càng gắn bó mật thiết; các thiếu sót, khuyết điểm được chỉ ra được sửa chữa kịp thời, làm cho cấp ủy, tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trong thời gian vừa qua, tổ chức đảng, các cấp ủy đã tiếp thu và thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và tại Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; cùng lúc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, chú trọng kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có khuyết điểm. Cụ thể, tổ chức đảng, các cấp ủy luôn có kế hoạch cụ thể đối với đánh giá cán bộ, đảng viên; luôn quan tâm dành thời gian thỏa đáng cho công tác tự phê bình và phê bình để kiểm điểm cấp mình và trực tiếp tham dự, chỉ đạo đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý; thực hiện theo dõi, kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Nhờ vậy, tự phê bình và phê bình trở thành hoạt động thường xuyên góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe từng bước ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu đơn vị; qua đó, xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Bên cạnh ghi nhận những tiến bộ trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, ở tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Tình trạng tự phê bình và phê bình nhiều nơi còn mang tính hình thức; còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu. Một số trường hợp như là cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao; việc phê bình không nêu rõ sai lầm khuyết điểm, không tập trung vào những vấn đề như chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc mà thường tập trung đánh giá về cá tính, thói quen; hoặc lợi dụng phê bình để biến thành những cuộc tranh cãi và thành cuộc trả thù cá nhân; cán bộ, đảng viên chưa tham gia nhiều trong việc thảo luận đóng góp sinh hoạt chi bộ… Thực tế cho thấy, hệ luỵ của những hạn chế này ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên, chưa sát với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, dẫn đến những sai sót khác trong công tác cán bộ và xây dựng tổ chức đảng. Từ đó, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và giảm sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên. Có thể thấy, nguyên nhân là do nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện chưa nghiêm, chưa có cơ chế bảo vệ người đấu tranh phê bình.

Giải pháp trong thực hiện tự phê bình và phê bình của các cấp

Để việc tiến hành tự phê bình và phê bình được đạt hiệu quả hơn nữa tổ chức đảng và cấp uỷ cần tập trung triển khai các giải pháp như sau:

Một là, cần tăng cường giáo dục nâng cao trình độ lý luận chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để cán bộ, đảng viên có đủ năng lực và trình độ để nhận thức đúng và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vừa có đủ bản lĩnh để nhận thức đúng bản chất, hiểu rõ lý do, mục đích, đối tượng, phương pháp, thái độ của tự phê bình và phê bình; dám nhìn thẳng vào sự thật, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với những sai trái. Vì thế, các tổ chức đảng cần xem việc tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ lý luận chính trị luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu, nhằm trang bị nhưng kiến thức cơ bản cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ đó, có thể nắm được cơ bản nội dung Chủ nghĩa Mác-Lênin, những hiểu biết về tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng nhằm giúp họ có thể xác định đúng nội dung, lựa chọn đúng hình thức tự phê bình và phê bình. 

Ngoài ra, cần phải học tập bổ sung kiến thức toàn diện vì đó là cơ sở khoa học vững chắc để phân biệt phải trái, đúng sai trong tự phê bình và phê bình. Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng cho cán bộ, đảng viên gắn với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, khắc phục tác động ảnh hưởng của tư tưởng cơ hội, thực dụng và các tác động tiêu cực xã hội khác; nâng cao, bồi dưỡng kiến thức toàn diện, tiếp thu và sàng lọc thông tin đầy đủ, chính xác cho cán bộ, đảng viên để mọi người vừa có đủ bản lĩnh, dũng khí, hiểu biết, vừa có cái tâm trong sáng, trung thực, dám bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, làm cho ý kiến phê bình chính xác, có hàm lượng trí tuệ mang tính thuyết phục.

Hai là, đề cao ý thức tự giác, gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình của các cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy cơ sở. Cán bộ lãnh đạo phải tiên phong gương mẫu tự phê bình và tiếp thu phê bình. Cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt nếu có khuyết điểm, sau khi tự phê bình và được cấp dưới phê bình cần xác định thời gian khắc phục khuyết điểm. Song song đó, việc đề cao tính tự giác và gương mẫu của mỗi cấp ủy viên, của người đứng đầu cấp ủy là yếu tố quan trọng, quyết định đến nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình của cấp ủy cơ sở. Tính tự giác, gương mẫu của cấp ủy cơ sở không phải tự nhiên mà có, để có được nền tảng đó cần phải đút rút qua nhiều năm đòi hỏi về năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng tiếp thu học tập không ngừng và ý thức rèn luyện trong mỗi người.

Ba là, phát huy vai trò của tổ chức đảng, các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng tham gia phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”. Vì vậy, đối với từng cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm túc các quy định về tự phê bình và phê bình, chủ động thực hiện quyền được phê bình và chất vấn trong phạm vi tổ chức về hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng thuộc quyền quản lý; khắc phục tâm lý ngại tự phê bình và phê bình, né tránh hoặc nghe theo một chiều khi phê bình người khác. Hình thức tổ chức để cán bộ, đảng viên tham gia phê bình phải đa dạng. Bên cạnh các hình thức sinh hoạt Chi bộ định kỳ, hội nghị cán bộ… cần tổ chức một bộ phận tiếp nhận góp ý, phê bình để tạo thuận lợi cho cán bộ, đảng viên góp ý, phê bình. Để thực hiện, người đứng đầu tổ chức đảng, các cấp ủy cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nên thông qua viết bài về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nhất là phải có giải pháp ủng hộ, bảo vệ người phê bình. Kế tiếp, cấp ủy là nơi tập hợp, phân loại và chuyển đến tập thể hoặc cá nhân được góp ý và đồng thời báo cáo đến Đảng ủy cấp trên kết quả xử lý thông tin, biện pháp khắc phục sửa chữa khuyết điểm của tập thể hoặc cá nhân.

Cần kết hợp tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những cán bộ, đảng viên vi pham sau tự phê bình và phê bình. Có biện pháp xử lý đối với cán bộ, đảng viên có hành động không đúng đối với người phê bình thẳng thắn; kiến quyết xử lý những trường hợp lợi dụng phê bình chia rẽ nội bộ và trả thù cá nhân, lợi dụng phê bình để tuyên truyền những quan điểm sai trái.

Bốn là, thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình trong chế độ sinh hoạt chi bộ. Từ tình hình thực tiễn nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tổ chức đảng, chi bộ cần phải nhận thức đúng đắn, ý thức rõ trách nhiệm trong việc duy trì, thực hiện có nền nếp tự phê bình và phê bình thông qua sinh hoạt chi bộ hàng tháng là việc làm mang tính xây dựng, phát triển nội dung sinh hoạt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, đảng viên. Một mặt, giúp cấp ủy sớm phát hiện và đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy, cũng như của từng đảng viên, kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Mặt khác, cấp ủy được rèn luyện tinh thần dân chủ, tính tự giác, ý thức trách nhiệm trong sinh hoạt chi bộ. Có như vậy, vai trò lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu bảo đảm cho tổ chức đảng và đảng viên sau mỗi lần sinh hoạt đảng trưởng thành hơn về năng lực lãnh đạo, về nhận thức tư tưởng, tinh thần đoàn kết thống nhất ý chí và hành động, ý thức đấu tranh phê phán những sai trái và biểu hiện tiêu cực trong cơ quan, đơn vị.

Tóm lại, tự phê bình và phê bình góp phần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy hiệu quả cơ chế tổ chức lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, các cấp ủy cần tăng cường, kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức đảng, nói và làm theo nghị quyết, thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng khối đoàn kết thống nhất ý chí và hành động trong cơ quan, đơn vị… là những việc làm thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi, hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng./.

Lương Hoàng Trúc Lam - Đảng bộ VDB Cần Thơ

 

.
Các bài viết khác:
.
.
.