Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023dự
Thực hiện công tác an sinh xã hội, an dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vĩ lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”... Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là kim chỉ nam trong hoạt động tư tưởng của Đảng ta. Tuy nhiên, sau 78 năm khi nước nhà độc lập, đất nước đã phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn đó nhiều khu vực, nhiều bộ phận nhân dân còn khó khăn. Đó là kẽ hở mà các thế lực thù địch tìm cách để làm mất uy tín của Đảng. Tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân các vùng khó khăn, an dân, củng niềm tin của dân với Đảng là một trong những giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại hiện nay.
"Ham muốn tột bậc" của Bác không chỉ là câu nói xuất phát từ đáy lòng mà còn là mục tiêu hành động nhất quán của Người, một người suốt đời vì nước, vì dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong giáo dục cán bộ và đảng viên, Người luôn nhắc nhủ: "Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng". Trong tư tưởng của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc, có sứ mệnh “giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. "Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác".
Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Ðảng ta, ước nguyện của Bác đã từng bước được hiện thực hóa. Tuy nhiên sau nhiều năm Người đi xa, nhiều điều vẫn còn chưa được thực hiện toàn diện và trọn vẹn. Trước khi Người đi xa, "Ðiều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Ðảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Kinh tế, xã hội Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đó, một số vấn đề tồn tại cũng đã bộc lộ. Đó là sự chênh lệch giàu nghèo, sự phân hoá nông thôn và thành thị, giữa nhiều vùng, nhiều khu vực dân cư chưa có sự phát triển đồng đều, đặc biệt là ở vùng đồng bào các dân tộc ở các vùng như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên... Cuộc sống của người dân những nơi này còn rất thiếu thốn, kinh tế giao thương chưa phát triển, cơ sở hạ tầng vật chất yếu kém. Người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các điều kiện về y tế, giáo dục cơ bản. Văn hoá xã hội sau 30 năm đổi mới đã có rất nhiều tiến bộ, cải tiến, nhưng ở nhiều vùng sâu vùng xa còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, tư tưởng bất bình đẳng nam –nữ còn rất nặng nề, người phụ nữ chưa được giải phóng, được bình đẳng... Chính những tồn tại này đã tạo nên những “lỗ hổng” trong niềm tin của người dân với Đảng, Chính phủ. Bởi chính như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Nhiều thế lực thù địch trong và ngoài nước đã lợi dụng một số những tồn tại đó để mua chuộc, chia rẽ, kích động người dân kém hiểu biết chống phá lại Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết trong nhân dân, làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc mà Đảng ta dày công xây dựng, gìn giữ. Những tồn tại đó cũng sẽ gây ra sự thiếu tin tưởng về sự lãnh đạo của Đảng của một số bộ phận đảng viên, dễ dẫn đến sự diễn biến, chuyển hoá tư tưởng của Đảng viên, tư tưởng so sánh với những nước thực hiện công tác an sinh phúc lợi xã hội tốt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định trách nhiệm của Đảng và Chính phủ là phải làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành; các cơ quan của Chính phủ: “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân... Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phải được ta đặc biệt chú ý”.
Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là sứ mệnh của Đảng; là mục tiêu và bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Để hoàn thành sứ mệnh cao cả ấy, cấp ủy và chính quyền các cấp cần luôn ghi nhớ lời Bác dạy để nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Với phương châm “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trong những năm qua, Đảng đã không ngừng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu; thực hiện tốt chính sách đối với người có công; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, sinh viên...; phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống nhân dân.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ đã đề ra Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với tổng số vốn là 41.449 tỷ đồng; Nhà nước cũng dành 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng… Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 1 đến 1,5% (còn khoảng 3,73 – 4,23%), trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%; chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên, đạt 8,6 bác sỹ và 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; làm tốt công tác y tế dự phòng.
Là một doanh nghiệp Nhà nước, coi trách nhiệm xã hội, thực hiện an sinh xã hội là một trong bốn sứ mệnh mà hệ thống theo đuổi, trong nhiều năm qua, BIDV đã luôn đi tiên phong trong hoạt động vì cộng đồng, dành nhiều nguồn lực, tâm sức để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. BIDV coi đó là trách nhiệm trong việc thực hiện các giải pháp để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ niềm tin với Đảng, Chính phủ của người dân. Đặc biệt, thực hiện sự vận động, chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương trong việc triển khai các hoạt động ASXH cũng như tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, BIDV đã nỗ lực trong việc triển khai các chương trình tài trợ ASXH đảm bảo đúng, trúng, hiệu quả trực tiếp đến đời sống của người dân. Để từ đó, người dân có thêm lòng tin với Đảng.
Thực hiện sự vận động của Đảng, Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về triển khai các chương trình xoá đói giảm nghèo, từ thiện xã hội, trong giai đoạn 2016-2022, BIDV đã dành hơn 1500 tỷ đồng để tài trợ các nội dung trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nhà đại đoàn kết, cứu trợ thiên tai, tặng quà tết cho người nghèo, hỗ trợ chính quyền và người dân vượt qua đại dịch Covid-19.
BIDV tài trợ xây dựng công trình trường học |
BIDV tặng nhà tình nghĩa cho đồng đồng Gia Lai |
Những ngôi trường học khang trang cho trẻ em vùng sâu vùng xa được học tập, cơ sở y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân nghèo, hàng vạn ngôi nhà cho người dân nghèo khó khăn an cư lạc nghiệp, người dân được hỗ trợ kịp thời khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, hàng vạn món quà tết ấm lòng người dân nghèo dịp tết đến xuân về, những dự án tài chính nông thôn tạo nguồn sinh kế lâu dài cho người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế... đã góp phần an dân, làm giảm bớt khó khăn cho người dân, củng cố và gia tăng niềm tin của người dân với Đảng, Chính phủ, ngăn chặn được sự mua chuộc của các thế lực thù địch nhằm kích động nhân dân chống phá đảng ta. Đặc biệt khi đối với người dân khu vực biên giới, việc tài trợ xây dựng cho đồng bào nghèo có được ngôi nhà ổn định còn là những “pháo đài” nơi biên giới, giữ vững thế trận lòng dân cũng như bờ cõi phên dậu của đất nước. Từng món quà tết dù nhỏ nhưng đã trở thành cánh én báo xuân về ấm lòng bà con đồng bào mỗi dịp tết đến xuân về từ chương trình Quà tết cho đồng bào nghèo của BIDV hàng năm đã ghi dấu ấn với cộng đồng. Những hoạt động như vậy của mỗi doanh nghiệp Nhà nước như BIDV cũng như nhiều đơn vị khác đã củng cố thêm lòng tin của người dân với Đảng, với chế độ.
BIDV tặng quà tết đồng bào nghèo |
Niềm tin của người Đảng viên đối với uy tín, sự lãnh đạo của Đảng được củng cố vững chắc hơn khi nhìn thấy những chính sách và sự vận động của Đảng được doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức... và toàn dân hưởng ứng thực hiện, hành động thiết thực. Người Đảng viên sẽ càng nâng cao nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng, loại bỏ những tư tưởng tự diễn biến, tự chuyển hoá, đồng thời cảnh giác, nhận biết được luận điệu xuyên tạc, bóp méo, phá huỷ uy tín của Đảng của các thế lực thù địch. Từ đó, người Đảng viên càng thêm có ý thức bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Có thể nói, tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống của nhân dân, an dân là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ niềm tin với Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại hiện nay. BIDV đã, đang và sẽ tiếp tục cần phát huy truyền thống thực hiện hoạt động an sinh xã hội trong nhiều năm qua, góp phần vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Đỗ Thị Hoa Quỳnh,
Trưởng phòng Ban Truyền thông và Thương hiệu,
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)