.
.

Hội thảo khoa học "Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững"

Thứ Ba, 13/10/2020|18:58

Ngày 12/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững”.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Tham dự Hội thảo có hơn 200 các đồng chí đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, bí thư các đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu; góp phần điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định an ninh, chính trị. Các doanh nghiệp nhà nước hiện đang chi phối hoặc có ảnh hưởng lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của quốc gia như: Năng lượng, tài chính, tín dụng, ngân hàng, viễn thông, lương thực, dịch vụ hàng không... Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trong nhiều năm qua, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước chưa được cải thiện nhiều. Công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước còn bất cập.

Nhận thức rõ về vị trí, vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về “tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Nhìn chung, các doanh nghiệp nhà nước đã từng bước thực hiện theo đúng chủ trương Nghị quyết 12 NQ/TW, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh. Về cơ bản, các cơ chế, chính sách hiện nay đã bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, tiến trình cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Việc niêm yết, đăng ký cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán còn chưa thực hiện được nhiều; việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương còn nhiều khó khăn, thách thức.

đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc HVCTQG Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Mặc dù còn nhiều bất cập, nhưng không vì những yếu tố đó mà phủ nhận tầm quan trọng của khu vực này. Điều quan trọng là cần xác định đúng vai trò, chức năng của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh, quốc phòng… để có những chủ trương, chính sách phù hợp; cần tránh cả hai thái cực, đó là chuyển từ chỗ bảo vệ sự độc quyền của doanh nghiệp nhà nước đến chỗ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành sự độc quyền của các tập đoàn kinh tế tư nhân. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động phải theo nguyên tắc thị trường; phải đảm đương sứ mệnh kép: vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế. Vì vậy, các doanh nghiệp nhà nước cần xây dựng được mô hình quản trị hiện đại, theo những chuẩn mực chung của thế giới, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và hội nhập với thị trường khu vực và toàn cầu…

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương  phát biểu tại Hội thảo.
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo,  đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nêu rõ, thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước đã đảm trách vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như: Tài chính-ngân hàng, dầu khí, điện, than, khai khoáng, viễn thông, giao thông vận tải, cung ứng xăng dầu, lương thực…

Đáng chú ý, ở thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, bằng quá trình đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạt động hiệu quả, thể hiện được vai trò nòng cốt, dẫn dắt và đảm bảo giữ vững một số cân đối lớn của nền kinh tế, có đóng góp quan trọng trong xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước.

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, năm 2020, cùng cả nước chống đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp nhà nước trong Khối đã thực hiện các nhiệm vụ cung cấp hóa chất, vật tư, thiết bị phòng, chống dịch; đặc biệt đã thực hiện miễn, giảm các loại phí, giá dịch vụ, sản phẩm để ổn định thị trường, hỗ trợ đời sống nhân dân và hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế với tổng giá trị lên tới 24 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, thực hiện công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. các doanh nghiệp nhà nước trong Khối đi đầu triển khai thực hiện, trong 5 năm qua, tổng kinh phí hỗ trợ triển khai các chương trình an sinh xã hội, các chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững lên tới trên 9 nghìn tỷ đồng; đồng thời nhận hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp cho 54/62 huyện nghèo trong cả nước…

Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cũng thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp nhà nước còn một số hạn chế, yếu kém như: Hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh còn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; công tác quản trị còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu quản trị doanh nghiệp hiện đại; còn nhiều yếu kém trong quản lý và sử dụng đất đai, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng trong một số doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, tầm quan trọng và những kết quả, đóng góp to lớn của doanh nghiệp nhà nước cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là rõ ràng, không thể phủ nhận.

Với hơn 30 tham luận gửi và trình bày tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận hai nhóm vấn đề: thứ nhất, đánh giá vị trí, vai trò và đóng góp của DNNN, đặc biệt là vai trò của DNNN trong các lĩnh vực then chốt như: tài chính – ngân hàng, năng lượng, giao thông, viễn thông, lương thực,… thứ hai, làm rõ thực trạng cơ chế, chính sách hiện nay đối với phát triển khu vực DNNN, trong đó đánh giá những ưu điểm, hạn chế, những điểm nghẽn về chính sách cùng nguyên nhân, để từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với khu vực DNNN, góp phần bảo đảm tính chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước theo đúng chủ trương của Đảng. Đồng thời, đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất một số giải pháp nhằm khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, tạo khuôn khổ, hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN. Nghiên cứu, rà soát sửa đổi cơ chế quản lý, giám sát và thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện sở hữu nhà nước, hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp một cách rõ ràng hơn, phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay, làm cơ sở cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động, tận dụng được thế mạnh của các doanh nghiệp lớn, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQTbNgân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam phát biểu tham luận.
Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tham luận tại Hội thảo.
Đồng chí Đặng Ngọc Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam phát biểu tham luận.
Đồng chí Đặng Ngọc Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam phát biểu tham luận.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

P.V

.
.
.
.