TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 8-2021
I – TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ NỔI BẬT TRONG NƯỚC
Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 05/7 đến ngày 08/7/2021, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ ba, thảo luận và quyết định về các nội dung: Tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 -2020 và dự kiến kế hoạch 5 năm 2021-2025; xem xét, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; Quy định thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; về cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước và phương án giới thiệu bổ sung nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 2 đến Hội nghị Trung ương 3 và các nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4; báo cáo tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19; xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ và một số vấn đề quan trọng khác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc vào các tờ trình, báo cáo và các nội dung của hội nghị. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua nghị quyết của hội nghị.
Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, phát huy kết quả quan trọng đã đạt được của năm 2020 và những tháng đầu năm 2021; nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021; chung tay quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; tiếp tục tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Nội dung Thông_báo Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được đăng tải trên Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối).
Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID - 19
Sau 9 ngày (từ 20-28/7) làm việc liên tục, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra với nhiều vấn đề được xem xét, quyết định.
Cụ thể, tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét các báo cáo: Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, xác nhận tư cách ĐBQH khóa XV; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Quyết định về công tác nhân sự trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: Quyết định số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cơ cấu tổ chức và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán TAND Tối cao; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch, một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Quốc hội thông qua các nghị quyết về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025: phát triển kinh tế-xã hội, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, đầu tư công trung hạn; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019; hai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022; thành lập đoàn giám sát chuyên đề và thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua, đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được sử dụng các hình thức nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền để quy định, tổ chức triển khai các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
II - TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI VÀ CƠ SỞ
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021
Ngày 14/7/2021, tại Hà Nội, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 4 (mở rộng) sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm bằng hình thức trực tuyến, kết nối tới 23 điểm cầu trong toàn Đảng bộ Khối. Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Đảng ủy Khối và cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp trong Khối đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm vừa duy trì ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh, vừa chủ động phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp và cộng đồng, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Tổng doanh thu các tập đoàn, tổng công ty trong Khối ước đạt 717,48 nghìn tỷ đồng, tăng 4,43%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 76,45 nghìn tỷ đồng, tăng 77,7%; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 114,53 nghìn tỷ đồng, tăng 3,21% so với cùng kỳ năm 2020.
Ghi nhận kết quả đạt được của các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu các cấp ủy đảng thuộc Đảng bộ Khối tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chú trọng nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; sử dụng có hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các chính sách, biện pháp bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội để vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, góp phần nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm thu nhập, việc làm cho người lao động và làm nòng cốt đi đầu trong thực hiện công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho tập thể Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương vì đã có thành tích xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2020 của Đảng ủy Khối; trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020; trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng” cho các cá nhân trong Đảng bộ Khối.
Cơ quan Đảng ủy Khối triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021
Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Cơ quan, Đảng bộ và Công đoàn 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các ban, đơn vị Đảng ủy Khối đã tập trung tham mưu với Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đạt kết quả tốt. Bám sát Nghị quyết công tác, Chương trình công tác năm 2021, Đảng ủy Cơ quan đã lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ trực thuộc tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên tích cực, chủ động trong công việc, chú trọng nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất, đổi mới phương thức làm việc, thực hiện có hiệu quả chủ đề năm công tác 2021 “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đẩy mạnh thực hiện chuẩn mực đạo đức, lối sống và văn hóa công sở; chủ động, tích cực bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và chất lượng tham mưu của cán bộ, đảng viên, công chức cơ quan Đảng ủy Khối”.
Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy Cơ quan và Chương trình công tác đề ra, Ban Chấp hành Công đoàn đã kịp thời kiện toàn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn Cơ quan nhiệm kỳ 2019 - 2024. Chất lượng các phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối, Thủ trưởng Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đề nghị tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động Cơ quan Đảng ủy Khối tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, chú trọng tham mưu xây dựng các đề án sửa đổi, bổ sung các Quyết định, Quy định của Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp đảm bảo chất lượng; kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai Chương trình hành động của Đảng ủy Khối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK, ngày 07/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tại Hội nghị, Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã chúc mừng đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối, Thủ trưởng Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương được bầu vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XV.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung các Quy định, Quyết định, Quy chế của Trung ương về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp nhà nước
Trong tháng 7/2021, Ban Chỉ đạo xây dựng các đề án sửa đổi, bổ sung các Quy định, Quyết định, Quy chế của Trung ương về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp nhà nước đã tổ chức hội nghị để triển khai nhiệm vụ liên qua đến các nội dung trên.
* Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định 196-QĐ/TW và Quyết định 197-QĐ/TW làm việc với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Ban cán sự Đảng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, từ khi thành lập Đảng bộ Khối đến nay, Đảng ủy Khối đã tập trung kiện toàn mô hình tổ chức đảng trực thuộc theo Quy định 196-QĐ/TW, ngày 24/11/2008 của Ban Bí thư về mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước. Đến nay, cơ cấu tổ chức đảng ở các doanh nghiệp trong Khối ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp.
Thực hiện Quyết định số 197-QĐ/TW, ngày 24/11/2008 của Ban Bí thư, nhiều cấp ủy doanh nghiệp đã ký quy chế phối hợp công tác với cấp ủy địa phương nơi có đơn vị thành viên (đến nay các đảng ủy trực thuộc đã ký được 123 quy chế với cấp ủy địa phương, trong đó ký với tỉnh ủy, thành ủy 65 quy chế, ký với huyện ủy, quận ủy 13 quy chế, ký với đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh 45 quy chế). Qua đó củng cố mối quan hệ với cấp ủy địa phương, tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng ủy các tập đoàn, tổng công ty đối với cấp ủy, doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc; góp phần cùng cấp ủy địa phương lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Tuy nhiên, một số tổ chức đảng, lãnh đạo doanh nghiệp phối hợp chưa tốt với cấp ủy địa phương về công tác cán bộ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung như nghiên cứu, đánh giá mô hình và tên gọi của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước; việc quy định về mô hình tổ chức đảng, điều kiện, thẩm quyền thành lập theo Quy định 196-QĐ/TW cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu; đề xuất các tiêu chí của từng mô hình tổ chức đảng với từng loại hình doanh nghiệp nhà nước; những vướng mắc cần tháo gỡ qua thực tiễn việc thực hiện Quyết định số 197-QĐ/TW.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu thành viên Tổ Biên tập tiếp thu ý kiến các đại biểu; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục phân tích, tổng kết sâu sắc hơn việc thực hiện các Quyết định, Quy định của Ban Bí thư theo hướng tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đảm bảo doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt của kinh tế nhà nước.
* Hội nghị Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định số 219-QĐ/TW, ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương với ban cán sự đảng bộ, ngành và đảng đoàn các cơ quan Trung ương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định của Ban Tổ chức Trung ương về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định số 219-QĐ/TW, ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương với Ban cán sự đảng bộ, ngành và đảng đoàn các cơ quan Trung ương. Ban Chỉ đạo gồm 12 đồng chí, do đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các đồng chí thành viên, tổ chức chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định 219-QĐ/TW, trình Ban Bí thư vào tháng 11/2021.
Các đại biểu đã thảo luận, góp ý vào một số dự thảo: Kế hoạch xây dựng Đề án, quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, thông báo phân công nhiệm vụ các thành viên Tổ Biên tập và đề cương báo cáo tổng kết việc thực hiện Quyết định số 219-QĐ/TW.
* Hội nghị Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định 287-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ) và Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định 288-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó Nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống, được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 287, 288 Chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã nghe công bố các Quyết định của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định 287-QĐ/TW và Quy định 288-QĐ/TW. Theo đó, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án có nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, tổng kết việc thực hiện Quy định 287-QĐ/TW và Quy định 288-QĐ/TW để xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung trình Ban Bí thư xem xét, ban hành Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ cũng như Quy chế mới về phối hợp công tác. Bên cạnh đó, đánh giá đúng kết quả thực hiện Quy định 287, 288; xác định những khó khăn, vướng mắc, những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn trong quá trình thực hiện; đồng thời tham mưu, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, xây dựng dự thảo Quy định mới thay thế Quy định 287, 288.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tại các điểm cầu đã cho ý kiến vào một số dự thảo: Kế hoạch xây dựng Đề án, Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, Thông báo phân công nhiệm vụ các thành viên Tổ Biên tập và Đề cương báo cáo tổng kết việc thực hiện Quy định số 287-QĐ/TW và Quy định số 288-QĐ/TW.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 287, 288 tiếp thu các ý kiến của các đại biểu và yêu cầu Tổ Biên tập hoàn thiện để sớm ban hành các văn bản dự thảo. Xây dựng Đề án phải đảm bảo khoa học, chất lượng, đúng tiến độ; nội dung Quy định mới phải phù hợp với Điều lệ Đảng và các nghị quyết, quy định của Đảng cũng như các văn bản của Trung ương về công tác tổ chức, xây dựng Đảng trong doanh nghiệp.
Công bố quyết định của Bộ Chính trị đối với 02 đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối DNTW
Ngày 3/7, Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang và tỉnh Bến Tre để công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, bổ nhiệm cán bộ đối với 02 đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
* Tại Tỉnh ủy Hậu Giang, đồng chí Trương Thị Mai trao Quyết định của Bộ Chính trị về việc đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 và thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank; điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
* Tại Tỉnh ủy Bến Tre, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao Quyết định số 156-QĐNS/TƯ của Bộ Chính trị, quyết định đồng chí Lê Đức Thọ thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 và thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam; điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Petrovietnam: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2021
6 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã bám sát kế hoạch, diễn biến tình hình thị trường, hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ chính được giao. Trong đó, sản lượng khai thác dầu đã hoàn thành kế hoạch 6 tháng ngay trong tháng 5/2021. Tính chung, sản lượng dầu thô, condensate vượt 15% so với kế hoạch, góp phần hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác quy dầu 6 tháng đạt 9,68 triệu tấn. Công tác sản xuất xăng dầu, phân đạm cũng vượt kế hoạch được giao.
Các chỉ tiêu tài chính đã hoàn thành vượt mức kế hoạch và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 299,3 nghìn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 6 tháng, tăng 22% so với cùng kỳ 2020; Nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 45,2 nghìn tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch 6 tháng, tăng 33% so với cùng kỳ 2020; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 21,3 nghìn tỷ đồng, vượt 165% kế hoạch 6 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.
6 tháng cuối năm 2021, Tập đoàn triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19; đảm bảo cân đối giữa sản lượng dầu và khí để hoàn thành chỉ tiêu sản lượng khai thác; đẩy mạnh mở rộng thị trường khí, các sản phẩm lọc hóa dầu, cũng như các sản phẩm khác; tiếp tục nâng cao công tác quản trị, thúc đẩy việc tháo gỡ các vướng mắc ở các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động SXKD của Tập đoàn; hiện thực hóa các chuỗi liên kết trong Tập đoàn và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị.
TKV vượt khó hoàn thành 54% kế hoạch năm
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” để cùng nhau đoàn kết vượt khó, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, đảm bảo đời sống, thu nhập cho người lao động.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2021, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn cơ bản vượt kế hoạch giao. Trong đó, than nguyên khai sản xuất 20,62 triệu tấn, đạt 54 % kế hoạch năm; than tiêu thụ đạt 22,54 triệu tấn, bằng 54% kế hoạch năm; tồn kho than giảm 1,8 triệu tấn; bốc xúc 89,81 triệu m3 đất đá, bằng 54 % kế hoạch năm. Các khối sản xuất khoáng sản, điện và vật liệu nổ công nghiệp đều hoàn thành từ 52-54% kế hoạch năm.
Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 63,91 ngàn tỷ đồng, đạt 52 % kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 8,5 ngàn tỷ đồng. Tiền lương bình quân đạt 13,1 triệu đồng/người/tháng, bằng 101% kế hoạch năm.
Tổng công ty Lương thực miền Bắc phấn đấu thực hiện thắng lợi "nhiệm vụ kép"
Những tháng đầu năm 2021, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và các đơn vị thành viên gặp nhiều khó khăn thách thức mới. Kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm giảm cả về sản lượng và giá trị. Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19 nên cước phí vận chuyển tàu biển, giá thuê container, chi phí logistic tăng cao, gây khó khăn, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng công ty đã phát huy vai trò lãnh đạo, thực hiện tốt các mặt công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị được giao. Hội đồng thành viên, Bộ máy điều hành Tổng công ty có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, mở rộng thị trường xuất khẩu, chủ động mua tạm trữ nguồn hàng xuất khẩu, điều hành có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành trên 50% các chỉ tiêu năm 2021 được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao.
Đảng ủy Tổng công ty đã nghiêm túc triển khai công tác xây dựng Đảng theo quy định, hướng dẫn của Đảng ủy Khối và chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc thực hiện đầy đủ các nội dung chương trình hành động, các văn bản thực hiện chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương và của Đảng ủy Khối đến toàn thể cán bộ đảng viên.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Đảng ủy Tổng công ty tập trung lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid 19 vừa phát triển kinh tế”, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chủ động nắm bắt tình hình thị trường xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường kinh doanh nội địa, đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2021 đề ra. Bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các điều kiện về việc làm, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong toàn đơn vị.
Tập đoàn Dệt May nỗ lực duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh
6 tháng đầu năm 2021, BCH Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ công tác năm 2021; chương trình công tác của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ để lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Tập đoàn xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động của đơn vị. Chất lượng sinh hoạt Đảng được nâng cao với những nội dung thiết thực góp phần quan trọng vào công tác chỉ đạo bảo đảm an toàn và duy trì sản xuất ổn định trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của Vinatex đã đạt kết quả tích cực. Theo đó, lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn hoàn thành trên 70% kế hoạch cả năm, tăng trưởng khoảng 190% so với cùng kỳ, bằng 140% cùng kỳ 2019 trước đại dịch, với đóng góp lớn từ ngành Sợi và sự ổn định ở mức gần tương đương trước dịch của ngành May.
Trong 6 tháng cuối năm, Đảng bộ Tập đoàn tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác Đảng tại cơ quan Đảng bộ Tập đoàn. Lãnh đạo đơn vị hoàn thành “mục tiêu kép” với các chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu doanh thu đạt trên 17 nghìn tỷ đồng, tương đương 117% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 100% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao; lợi nhuận đạt trên 750 tỷ đồng, tương đương 107% kế hoạch và đạt 126% so với cùng kỳ năm 2020.
VRG chú trọng bảo vệ sức khỏe người lao động
Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã và đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả. 6 tháng đầu năm, VRG đã đạt được doanh thu 10.193 tỉ đồng (so với cùng kỳ năm 2020 đạt 149,6%), lợi nhuận trước thuế ước tính 1.988 tỉ đồng (so với cùng kỳ năm 2020 đạt 204,9%), thu nhập bình quân người lao động đạt hơn 6,7 triệu đồng/người/tháng (so với cùng kỳ năm 2020 đạt 121%).
Ngoài công tác chỉ đạo liên tục, kịp thời và nhanh chóng, VRG chủ động làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Campuchia và lãnh đạo các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Gia Lai để trao đổi, thống nhất trong việc hỗ trợ xuất, nhập cảnh và cách ly đối với lao động người Việt Nam đang làm việc ở các dự án phát triển cao su của VRG tại Lào và Campuchia. VRG đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021 toàn bộ người lao động sẽ được xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Các ngân hàng trong Khối triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng
* Vừa qua, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm cho các khách hàng chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
VietinBank đồng thời triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi được cân đối từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thiết yếu của người dân và doanh nghiệp. VietinBank dự kiến tổng số tiền lãi và phí VietinBank hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 trên 2.000 tỷ đồng và cả năm lên tới trên 6.000 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm 2020 đến 30/6, VietinBank đã hỗ trợ cho vay mới khoảng 590.000 tỷ đồng, hạ lãi suất cho gần 7.500 khách hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, dư nợ đang được miễn giảm lãi suất là 260.000 tỷ đồng, tổng số tiền lãi thực đã hạ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đến nay là gần 4.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VietinBank đã miễn giảm nhiều loại phí để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn với tổng số tiền hỗ trợ trên 500 tỷ đồng.
Thời gian tới, VietinBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi được cân đối từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thiết yếu.
* Từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã liên tục triển khai 07 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai.
Trong đó, riêng năm 2020 Vietcombank đã hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng là 3.290 tỷ đồng. Kể từ 01/01/2021 đến 30/6/2021, tổng số tiền lãi Vietcombank đã giảm cho khách hàng là 2.115 tỷ đồng.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương, nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Đối với khách hàng doanh nghiệp, giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 09 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; giảm lãi suất tới 1%/năm cho các khách hàng còn lại. Đối với khách hàng cá nhân, giảm lãi suất tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống (Không áp dụng với các khoản dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khác như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản…).
Đây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với qui mô khoảng 1.800 tỷ đồng. Đồng thời, Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 06 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng.
* Từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành.
Cụ thể, BIDV giảm lãi suất cho vay trên số dư hiện hữu đối với: (i) Các khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải….); (ii) Các khách hàng tại các chi nhánh thuộc vùng dịch, doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn; (iii) Các khách hàng suy giảm trong hoạt động kinh doanh.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, BIDV đã triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi với tổng quy mô lên đến 368 nghìn tỷ đồng và đã chủ động giảm thu nhập 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng nhằm phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, 6 tháng cuối năm, BIDV dự kiến tiếp tục hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng nguồn lực hỗ trợ lên đến 3.600 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ giảm lãi suất cho vay 2.000 tỷ đồng đối với dư nợ hiện hữu và 1.600 tỷ đồng đối với dư nợ cho vay mới. Như vậy, tổng nguồn lực BIDV dự kiến hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2021 lên tới 6.100 tỷ đồng.
* Phát huy vai trò và trách nhiệm của ngân hàng thương mại chủ lực trong thực hiện chính sách tiền tệ, đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã dành hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch Covid-19.
Ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp hơn từ 2% - 2,5% so với lãi suất cho vay thông thường với quy mô hơn 300.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng lớn, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp FDI. Chương trình giảm lãi suất cho vay kéo dài đến hết ngày 31/12/2021 và được áp dụng rộng rãi tại 2.300 điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Agribank cũng đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ như: Cơ cấu lại nợ gốc và lãi; miễn phí chuyển tiền trong nước và ủng hộ hơn 130 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19;.…Như vậy, với việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay, lần thứ 5 liên tiếp đã thể hiện vai trò tiên phong, quyết liệt của Agribank trong việc chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép”: đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế.
BIDV và VNPT ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện, giai đoạn 2021 - 2026
Ngày 7/7/2021, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2021 - 2026, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh, tạo ra các sản phẩm kinh doanh, mô hình kinh doanh mới cung cấp và giá trị mới cho khách hàng, trên nguyên tắc các bên cùng có lợi.
Theo đó, BIDV cam kết tiếp tục đồng hành cùng VNPT xây dựng và phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, gắn liền với cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngoài ra, BIDV và VNPT tiếp tục sử dụng hệ thống rộng khắp của mỗi bên để hợp tác quảng bá thương hiệu, bán chéo sản phẩm dịch vụ của nhau, triển khai đề án Ngân hàng đại lý và hợp tác cung ứng dịch vụ Mobile Money trong thời gian sớm nhất sau khi nhận được giấy phép của Ngân hàng nhà nước. Bên cạnh đó, tận dụng tối đa ưu thế của mỗi bên để cùng phát triển, thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn hợp tác chiến lược 2021 - 2026 tạo ra giá trị, lợi ích cho hai bên, cộng đồng và xã hội.
Hai bên tin tưởng rằng với sự hỗ trợ tích cực trong việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tài chính hiện đại, ưu việt của BIDV, VNPT và các đơn vị thành viên sẽ hoạt động kinh doanh có hiệu quả và ngày càng phát triển.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chúc mừng sự hợp tác giữa BIDV và VNPT. Trong giai đoạn 2021 - 2026, hứa hẹn 2 đơn vị sẽ hỗ trợ nhau hiện thực hóa những kế hoạch đột phá; thực hiện tốt sứ mệnh chủ lực, tiên phong triển khai chương trình Chuyển đổi số Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ và góp phần triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như chủ trương của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương “Các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau” ngày càng thiết thực, hiệu quả. Đồng chí mong rằng, sự hợp tác này sẽ tạo ra các sản phẩm mới, tiện ích cho xã hội; có các giải pháp trong lĩnh vực chuyển đổi số, văn hóa kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hàng không, Đường sắt tiếp tục vận chuyển lực lượng y tế đến các tỉnh phía Nam
* Vừa qua, 26 y bác sĩ, điều dưỡng của tỉnh Bắc Ninh đã lên đường vào Bình Dương chống dịch. Đoàn cùng trang bị y tế được Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hỗ trợ vận chuyển gấp trên chuyến bay duy nhất của hãng từ Hà Nội đi TP.HCM.
Đoàn gồm các y bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, chuyên gia đến từ khoa Khám bệnh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Nội, X-Quang, Siêu âm… Sự hỗ trợ của đoàn y bác sĩ đến từ Bắc Ninh cũng như các tỉnh thành trên cả nước trong giai đoạn này là hết sức cấp thiết để miền Nam sớm đẩy lùi Covid-19.
Để đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch của cả nước, Vietnam Airlines hiện vẫn duy trì chuyến bay từ Hà Nội đi TP.HCM, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh và yêu cầu của nhà chức trách. Các chuyến bay của hàng không Quốc gia góp phần quan trọng vận chuyển lực lượng đi chống dịch cũng như vận tải hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, trang bị thiết yếu giữa các địa phương. Trong đó, lực lượng đi chống dịch được hãng ưu tiên bố trí khẩn trương.
Tính từ đầu tháng 7 đến nay, tổng số y bác sĩ, nhân sự y tế trên cả nước được Vietnam Airlines hỗ trợ vận chuyển vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam là 1.400 người. Ngoài ra, hàng chục tấn hàng y tế đã được Vietnam Airlines vận chuyển miễn cước vào phía Nam, như vắc-xin Covid-19, máy lọc máu, bộ kit xét nghiệm, đồ bảo hộ, khẩu trang,…
* Chung tay cùng cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, ngày 26/7 ngành Đường sắt đã vận chuyển 31 cán bộ y tế của tỉnh Hà Tĩnh tham gia hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Bình Dương.
Đội ngũ cán bộ y tế gồm: 11 bác sỹ, 17 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên đến từ các cơ sở y tế trong tỉnh: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh; Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh; Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh; BVĐK thành phố Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh; BVĐK các huyện Lộc Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Khê đều đã được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng COVID-19. Những cán bộ y tế Hà Tĩnh được cử đi Bình Dương đều có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong điều trị, lấy mẫu và phòng, chống dịch.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã bố trí các chuyến tàu chuyên biệt vận chuyển hơn 1.500 hành khách là bà con nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh trở về quê hương. Công tác đón tiếp, phục vụ người dân được chuẩn bị chu đáo, thực hiện đúng nguyên tắc 5K, đảm bảo an toàn chống dịch.
Bưu điện Việt Nam đồng hành cùng các tỉnh, thành phố chống dịch
Thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước với cộng đồng, những ngày qua Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã luôn gắn bó, đồng hành cùng người dân các tỉnh, thành phố đang quyết liệt chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Tại TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, nước mắm, đặc biệt là rau xanh… cùng các mặt hàng tiêu dùng khác tăng rất cao. Tại 179 điểm bán hàng thiết yếu, hàng hóa luôn được Bưu điện Thành phố bổ sung, sẵn sàng đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân. Việc mở điểm bán hàng tại bưu cục giúp người dân có thêm một địa điểm mua hàng thuận tiện mà không phải chờ đợi hay xếp hàng lâu như khi đến siêu thị hay kênh bán online. Người dân khi đến bưu cục mua hàng đều phải thực hiện nghiêm quy định 5K.
Không chỉ tại TP.HCM, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu cũng như chia sẻ với các cơ quan chức năng của các tỉnh phía Nam trong việc bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, Bưu điện Việt Nam còn triển khai 281 điểm bán hàng thiết yếu, bình ổn giá tại các địa phương khác, nâng tổng số điểm bán lên 460 điểm. Điển hình như, Bưu điện tỉnh Khánh Hòa tổ chức 130 điểm bán hàng bình ổn giá, Bình Dương 84 điểm, Bà Rịa-Vũng Tàu 53 điểm, Phú Yên 14 điểm,…
Trong thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ đẩy nhanh việc tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá tại nhiều tỉnh thành khác nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân khi mua hàng, giảm tải áp lực cho các siêu thị, cửa hàng, góp phần hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa và đảm bảo yếu tố giãn cách, an toàn phòng chống dịch.
Bảo Việt triển khai nhiều hoạt động thiết thực gắn kết cộng đồng
Với tinh thần quyết tâm cao, cùng cả nước “chống dịch như chống giặc”, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Bảo Việt đã chung tay ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu vắc-xin để triển khai tiêm chủng miễn dịch trên diện rộng cho toàn dân, cụ thể: Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ ủng hộ 30 tỷ đồng, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt ủng hộ 2 tỷ đồng, Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt ủng hộ 500 triệu đồng,… Trước đó, Tập đoàn Bảo Việt cũng đã ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 số tiền 4 tỷ đồng để chung tay cùng người dân cả nước sớm chiến thắng dịch Covid-19.
Ngoài ra, Tập đoàn Bảo Việt và đơn vị thành viên cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế… đồng hành cùng đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân cả nước.
III - TIN THAM KHẢO
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Nghị quyết quyết nghị mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nghị quyết nêu rõ các chỉ tiêu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết yêu cầu, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước theo chức năng của mình xây dựng chương trình hành động của nhiệm kỳ, kế hoạch cụ thể cho từng năm của nhiệm kỳ, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội; cuối năm 2023 báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết giữa nhiệm kỳ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật giám sát và động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết nhấn mạnh, Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 -2025 đạt kết quả cao nhất.
Thủ tướng quyết định bổ sung hơn 1.500 tỷ đồng phòng, chống dịch COVID-19
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 cho Bộ Quốc phòng để phòng, chống dịch COVID-19.
Số kinh phí trên bổ sung cho Bộ Quốc phòng là để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao (tiếp nhận công dân cách ly y tế tập trung; kiểm soát, ngăn chặn người nhập cảnh trên toàn tuyến biên giới; xét nghiệm, phòng, chống dịch tại các địa phương…); chi trả chế độ đặc thù phòng, chống dịch theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 9/2/2021.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định của pháp luật có liên quan, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo
Ngày 16/7, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm nêu rõ, mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư với tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, tác động đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, song toàn ngành tuyên giáo đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, nhạy bén, sáng tạo, tích cực đổi mới phương thức điều hành. Toàn ngành tuyên giáo đã chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, hệ thống ban tuyên giáo các cấp đang tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai nghiêm túc Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và xây dựng kế hoạch tổ chức nghiên cứu, học tập chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, chuyên đề năm 2021 đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ban Chỉ đạo 35 các cấp đã chủ động tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, gỡ bỏ, xử lý và phản bác thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội; lan tỏa, chia sẻ hàng triệu bài viết, bình luận, hình ảnh, video clip thông tin tích cực, chính thống,... góp phần quan trọng tổ chức thành công các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.
Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị toàn ngành tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời, cần cụ thể hóa nội dung Kết luận 01-KL/TW và các chuyên đề gắn với nhiệm vụ chính trị, giải quyết hiệu quả các khâu đột phá, các vấn đề trọng tâm, bức xúc của từng địa phương, đơn vị; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức học tập, tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, nhất là với thế hệ trẻ; đa dạng hóa các hình thức quán triệt, tuyên truyền chuyên đề cho phù hợp, hiệu quả cao nhất trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; tham mưu cấp ủy quan tâm chỉ đạo nhân rộng gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác; đồng thời coi trọng công tác kiểm tra, giám sát.
Doanh nghiệp đánh giá cao mức độ hữu ích của các chính sách hỗ trợ
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến hết tháng 7 năm 2021, các bộ ngành, chính quyền cấp tỉnh đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành gần 100 văn bản về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, VCCI kiến nghị xây dựng và ban hành Nghị quyết tổng thể về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cho giai đoạn mới 2021-2025. Theo đó, cần nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025; có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, như tiếp tục chính sách tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh. Đối với các chính sách đã ban hành, cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch COVID-19.
IV - VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI
Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động triển khai kịp thời nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay với diễn biến rất phức tạp, khó lường ở khá nhiều địa phương, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, đời sống, sức khỏe của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình cấp bách hiện nay, ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Trước đó, ngày 21/7/2021, Thường trực Ban Bí thư đã có Điện về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi: Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương. ngày 20/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP phiên họp chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.
Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS
Ngày 06/7/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
Hướng dẫn học tập Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng
Ngày 27/7/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 16-HD/BTGTW về học tập Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Tiêu chí phân loại DNNN thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 22/2021/QĐ - TTg quy định Tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet
Ngày 19/7/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Công văn số 990- CV/BTGTW về việc tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet.
Hướng dẫn tuyên truyền không xâm hại động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm
Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 13-HD/BTGTW về tăng cường tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK
Ngày 13/7/2021, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ban hành Kế hoạch số 16-KH/ĐUK về tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK, ngày 07/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần
Ngày 29/6/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 12-HD/BTGTW tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (8/1891 - 8/2021).
BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG
-----------------------------