.
.

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 02-2022

Thứ Ba, 08/02/2022|21:58

I – TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

Cả nước đón Tết Nhâm Dần vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, tuyệt đối an toàn 

Sáng 8/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 8/12/2021 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022 và Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.Theo báo cáo tổng hợp chung, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TW, Chỉ thị số 35/CT-TTg; sớm chỉ đạo ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Tết Nhâm Dần phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thăm, chúc Tết ở 63 tỉnh, thành phố, tặng quà các đối tượng chính sách, người lao động không về quê ăn Tết; thăm, chúc Tết các xã, bản biên giới, đồn biên phòng, các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, trực làm nhiệm vụ trong thời gian Tết. Các cấp, ngành, địa phương đã tăng cường tuyên truyền về những thành tựu của đất nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội dịp Tết; quốc phòng, chủ quyền biên giới, lãnh thổ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Việc quan tâm chăm lo, chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nhâm Dần đã tạo khí thế phấn khởi, vui tươi, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2022.

Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh cấp ủy, chính quyền các cấp đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị 11-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần  2022, nhân dân vui Xuân đón Tết, vừa phát triển sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhân dân cả nước đón Tết vui tươi, lành mạnh, không khí đoàn kết, tương thân tương ái, tuyệt đối an toàn, đồng tình và càng tin tưởng vào Đảng. Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhanh chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường, đảm bảo hoạt động công vụ diễn ra thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân; không để xảy ra tình trạng ăn Tết kéo dài, lơ là công việc, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Các cấp, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tổ chức thực hiện hiệu quả Kết luận số 20-KL/TW, ngày 16/10/2021 của Trung ương về kinh tế-xã hội năm 2021-2022, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách năm 2022. Các cấp ủy, chính quyền tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (năm 2022-2023) theo Kết luận số 25-KL/TW, ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị; trọng tâm là tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ "Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;" chuẩn bị các điều kiện cần thiết, phương án cụ thể để tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, học sinh, sinh viên trở lại trường học, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, đánh bạc và các tệ nạn xã hội khác. Về nhiệm vụ sắp tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý phải tiếp tục dự báo tình hình, nắm chắc các khả năng tình huống có thể xảy ra để có biện pháp đối phó, không chủ quan. Tiếp tục triển khai chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 11 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phòng, chống dịch không để tái phát; tổ chức cho học sinh đến trường phải tuyệt đối an toàn. Các nhiệm vụ trọng tâm đã nêu ra phải triển khai thực hiện. Từng cơ quan, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phải lập kế hoạch cụ thể của năm 2022, làm một cách bài bản, có chương trình, lộ trình, phân công, kiểm tra và yêu cầu thời hạn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, phải phát huy vai trò của các cơ quan tham mưu, nắm được việc, tổ chức phối hợp chặt chẽ; đồng thời cần quan tâm đến công tác mặt trận, tư tưởng, văn hóa, báo chí; tăng cường đi cơ sở phải có kết quả thiết thực, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất

Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước và căn cứ vào công tác chuẩn bị, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội khóa XV đã triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất từ ngày 4-11/1/2022, nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, có tính chất cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính và ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch Covid-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội. Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 - 10 làn xe, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần và đã được điều chỉnh lại gồm 8 dự án thành phần được đầu tư bằng vốn đầu tư công, chỉ còn 3 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ.

Phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày 20/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 21, kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và cho ý kiến về Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, trong năm 2021, mặc dù trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo mới được kiện toàn, bổ sung, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, sâu sát, với nhiều đổi mới của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; sự quyết tâm, tích cực, trách nhiệm của các thành viên; sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng, nên hầu hết các công việc theo Chương trình công tác của Ban đã được triển khai thực hiện nghiêm túc và hoàn thành theo kế hoạch.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020). Nhất là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 81.290 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân; nhất là đã hoàn thành thanh tra chuyên đề diện rộng việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư, đấu thầu thuốc chữa bệnh; việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại 3 tập đoàn, tổng công ty. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, kiểm toán được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực.

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, đảm bảo thực chất, hiệu quả; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công,…; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Ngay những ngày đầu xuân Nhâm Dần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, động viên các lực lượng thi công các dự án cao tốc thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trong quá trình kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ băn khoăn, trăn trở: Sau 20 năm cả nước chỉ có được khoảng 1.000 km đường cao tốc; các dự án đầu tư công thường chậm hơn so với các dự án đầu tư theo hình thức PPP; các dự án PPP thì có đơn giá trên dưới 100 tỷ/km, trong khi các dự án đầu tư công thì trên dưới 200 tỷ/km; năm 2022 có lượng vốn đầu tư công rất lớn, do đó phải đổi mới tư duy, đổi mới phương thức, cách làm mới có thể đáp ứng được; nguyên vật liệu gồm cát, đá, sỏi đất là tải sản của Nhà nước, song giao cho tư nhân quản lý, làm mất thế chủ động, nảy sinh tiêu cực; việc giới hạn góp vốn của nhà đầu tư...

Theo Thủ tướng, từ thực tiễn cho thấy một số bài học cần rút ra như: Các chủ thể tham gia vào các dự án đang triển khai bao gồm các chủ đầu tư, chủ quản đầu tư, các nhà thầu, các địa phương, chính phủ và cơ quan các cấp phải thực hiện nghiêm các quy định, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc; tin tưởng, giao trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực, nâng cao trình độ cán bộ các cấp. Các cơ quan phối hợp tổ chức tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Giải phóng mặt bằng nhanh, gọn; tái định cư phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ và năm sau cao hơn năm trước. Xử lý tốt về việc cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Việc thưởng phạt phải nghiêm minh. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các chủ thể liên quan dự án. Hạn chế việc một dự án có quá nhiều nhà thầu.

Trên cơ sở phân tích, Thủ tướng đề nghị các chủ thể liên quan phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành trước kế hoạch ít nhất 1 quý. Thực hiện nghiêm các quy chuẩn, quy trình, quy định; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào thực hiện các dự án; Nghiên cứu thay đổi biện pháp thi công để đạt hiệu quả hơn; Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình và nghiệm thu đúng quy trình, quy định; Thực hiện mọi giải pháp để tiết kiệm đầu tư cả về mặt thời gian; Có cơ chế tận dụng nguồn lực cho các dự án.

 II - TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI VÀ CƠ SỞ

Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương

* Ngày 24/01/2022, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối chủ trì Hội nghị. Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến vào các dự thảo về công tác cán bộ của một số đảng ủy trực thuộc; kế hoạch công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2022 và một số nội dung khác.

* Trước đó, tại Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối được tổ chức ngày 12/01, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến vào các dự thảo về việc: bầu Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025; Công tác cán bộ của đơn vị trực thuộc; Xếp loại chất lượng cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp ban Đảng ủy Khối trở lên năm 2021; Khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên năm 2021; Xếp loại chất lượng tổ chức đảng, tập thể cá nhân lãnh đạo, quản lý năm 2021; Chương trình công tác năm 2022 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và một số nội dung khác.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

Ngày 13/01/2022, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với 25 điểm cầu. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối nhấn mạnh: Năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát trên diện rộng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động. Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, thống nhất, đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự đồng tình của nhân dân trong cả nước, kinh tế nước ta vẫn đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong nước tăng 2,58%, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1,6 triệu tỷ đồng, kinh tế vĩ mô được giữ vững ổn định, cơ bản đạt những cân đối lớn của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Đảng uỷ Khối và cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Đảng uỷ Khối được tổ chức nghiêm túc, chất lượng, phù hợp với tình hình và đặc thù của Đảng bộ Khối. Việc theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên người lao động, dư luận xã hội được các cấp uỷ đảng thực hiện kịp thời và có hiệu quả, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng bộ. Công tác thông tin, tuyên truyền luôn bám sát tình hình thực hiện công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tích cực triển khai xây dựng và hoàn thiện các đề án sửa đổi, bổ sung Quy định 287, 288, Quyết định 219 trình Ban Bí thư theo nhiệm vụ được giao năm 2021; tập trung tham mưu hoàn thiện Đề án, Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương trình Bộ Chính trị ban hành. Thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy các đảng ủy trực thuộc và quy hoạch cán bộ, lãnh đạo quản lý doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2026. Kịp thời thực hiện công tác kiện toàn, bổ sung cấp uỷ, Ban Thường vụ, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối được triển khai thực hiện thường xuyên; các cuộc kiểm tra, giám sát cơ bản thực hiện đúng quy trình, quy định, góp phần giữ vững và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn Đảng bộ.

Về công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với các đợt giãn cách xã hội liên tiếp ảnh hưởng nặng nề tới mọi hoạt động của xã hội, Đảng uỷ Khối và cấp uỷ các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp trong Khối đẩy mạnh triển khai các giải pháp “Vừa phòng chống dịch - vừa sản xuất kinh doanh” và “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh của cả nước, đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh chính của toàn Khối đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, mà không cần điều chỉnh kế hoạch, tăng cao so với năm 2020, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước; đảm bảo việc làm, duy trì và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong Khối ước đạt gần 1,55 triệu tỷ đồng, vượt 43,5% so với kế hoạch và tăng 8% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế của các đơn vị (bao gồm cả các ngân hàng) trong Khối ước đạt trên 157,9 nghìn tỷ đồng, vượt 43% so với kế hoạch và tăng 27,2% so với năm 2020; nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 212,8 nghìn tỷ đồng, vượt 2% so với kế hoạch và bằng 96,6% so với năm 2020.

Toàn Khối tham gia ủng hộ, hỗ trợ bằng tiền, hiện vật khác và các sản phẩm, dịch vụ quy đổi thành tiền cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của cả nước là 32.188 tỷ đồng, trong đó ủng hộ Quỹ Vắc-xin 3.177 tỷ đồng; hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh; ủng hộ các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã chủ động đề xuất chủ trương, triển khai hỗ trợ giảm phí, giảm giá, giảm lãi suất… và nhiều hoạt động khác để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục, giảm bớt những khó khăn do đại dịch gây ra với tổng giá trị ước lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của cả nước, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện. Chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã bám sát sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa thiệt hại trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tích cực chung tay cùng cả nước tham gia phòng chống dịch và các chính sách an sinh xã hội với nhiều sáng kiến, việc làm cụ thể, thiết thực, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu các cấp ủy đảng thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương cần tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời tin tưởng, phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Đảng uỷ Khối sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa, liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa; các cấp uỷ đảng đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực cao hơn nữa để quyết tâm phấn đấu hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2022 đã đề ra, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ thăm, chúc Tết thợ mỏ

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Quảng Ninh, sáng ngày 26/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, công nhân, lao động ngành than tại Công ty than Đèo Nai, TP.Cẩm Phả. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành tích của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong năm 2021 - thành tích cao nhất trong những năm trở lại đây. Thủ tướng ghi nhận công tác chăm lo của lãnh đạo TKV đối với đội ngũ công nhân, thợ lò, từ việc đảm bảo việc làm, thu nhập và an sinh xã hội cho gần 10 vạn người lao động đến việc tổ chức các chuyến xe đưa đón thợ lò và gia đình về quê ăn Tết...

Năm 2022, thách thức, khó khăn sẽ còn lớn hơn, phức tạp hơn nhiều, vì thế, Thủ tướng yêu cầu ngành than và tỉnh Quảng Ninh cần chủ động, chuẩn bị chu đáo trong mọi diễn biến. Về nhiệm vụ của ngành than thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh năng lượng và tăng trưởng cao hơn năm 2021; đảm bảo sản xuất an toàn, có an toàn mới sản xuất; bảo vệ tốt môi trường trong sản xuất và đổ thải mỏ; chăm lo tốt hơn đời sống của công nhân lao động nhất là thợ lò, gia đình công nhân nghèo, gia đình có con em công nhân bị tai nạn lao động; phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử hào hùng ngành Than trong giai đoạn mới…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TKV và ngành điện phải có chiến lượng phát triển ổn định, lâu dài trong 5 năm và 10 năm tới; yêu cầu ngành Than phải chống tiêu cực, tham nhũng trong thất thoát tài nguyên; giải quyết bất hợp lý trong cạnh tranh giá bán, thuế xuất nhập khẩu mặt hàng than. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng quà cho công nhân lao động giỏi và lao động có hoàn cảnh khó khăn của ngành than.

Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương thăm, tặng quà cán bộ, nhân viên VNA và ACV

Ngày 28/1/2022, Đoàn công tác của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương do đồng chí Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà và chúc Tết cán bộ, nhân viên và người lao động Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang làm việc, trực Tết tại sân bay quốc tế Nội Bài trong những ngày cuối năm.

Để chủ động, linh hoạt thích ứng đảm bảo tốt hoạt động kinh doanh, VNA đã hoàn thành từ sớm công tác chuẩn bị nguồn lực phục vụ cao điểm Tết Nhâm Dần. Các chuyến bay đưa người dân về quê ăn Tết được VNA phục vụ an toàn, chu đáo và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, VNA vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch toàn diện từ mặt đất đến trên không, khẳng định tiếp tục thực hiện những chuyến bay với tiêu chí “An toàn là số một”. Trong đó, sức khỏe của hành khách, người lao động và cộng đồng luôn được ưu tiên bảo vệ tuyệt đối. Tại mỗi điểm đến, Đoàn công tác đã thăm hỏi tình hình công tác, sức khỏe cán bộ, nhân viên, người lao động đang công tác tại đơn vị. Đồng thời, biểu dương những nỗ lực, cũng như kết quả đạt được của đơn vị trong năm 2021 và gửi lời chúc sức khỏe đến toàn thể người lao động VNA và ACV. Trong dịp Tết Nguyên đán, ai cũng mong muốn về đón Tết sum vầy cùng gia đình nhưng do đặc thù công việc, các nhân viên ngành Hàng không tại đây phải trực Tết, quản lý, vận hành, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đi lại, phục vụ nhân dân.

Chia sẻ khó khăn với ngành Hàng không và người lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong năm qua, đồng chí Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương gửi lời chúc sức khỏe đến toàn thể người lao động, đón Tết vui tươi đầm ấm bên gia đình, người thân và mong rằng cán bộ, nhân viên, người lao động tại các đơn vị trực thuộc VNA và ACV tiếp tục cố gắng, chủ động vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với những lời động viên, chúc Tết, đồng chí Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tặng quà cho cán bộ, người lao động VNA và ACV đang làm việc tại sân bay Nội Bài. 

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tặng quà Tết cho hộ nghèo tỉnh Bắc Kạn

Chiều ngày 17/01, Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Long Hải- Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà Tết cho hộ nghèo tỉnh Bắc Kạn. Đoàn công tác đã tặng 500 suất quà Tết cho hộ nghèo tỉnh Bắc Kạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn trong năm 2021. Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải; chia sẻ khó khăn với người dân, đặc biệt là các hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đồng chí chúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, đầm ấm. Tin tưởng rằng, từ kết quả đã đạt được, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả trên tất cả các mặt, ngày càng phát triển.

Trước đó, Đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông).

Một số hoạt động nổi bật của các đơn vị trong Khối dịp Tết Nhâm Dần 2022

* Chuyến nhập dầu thô đầu năm mới

Sáng ngày 01/02/2022 (tức mùng Một Tết Nhâm Dần), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nhập chuyến dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại phao rót dầu không bến một điểm neo (SPM). Đây là chuyến nhập dầu thô đầu tiên của năm Nhâm Dần 2022. Hơn 113 nghìn m3 dầu thô từ mỏ Bạch Hổ được tàu chở dầu Apollo của Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí PVTrans vận chuyển và nhập dầu theo đường ống để bơm dầu cho NMLD Dung Quất trong thời gian khoảng 24h. Chuyến nhập dầu thô đầu năm mới Nhâm Dần đã diễn ra trong thời tiết mát mẻ, thuận lợi, góp phần vào sự thành công trong quá trình nhập dầu và vận hành Nhà máy ổn định, an toàn, liên tục.

* TKV tiêu thụ hơn 26.000 tấn than ngày mùng 1 Tết

Ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần, tại Cảng Cẩm Phả, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức bốc rót, tiêu thụ hơn 26.000 tấn than chào mừng Xuân Nhâm Dần 2022. Nhân dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký và lãnh đạo Tập đoàn đã tặng quà, chúc Tết công nhân, cán bộ các đơn vị làm nhiệm vụ trong dây chuyền bốc rót than ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần và Thuyền trưởng tàu Việt Thuận 235-01 và tàu VINACOMIN 05.

Năm 2022 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch, về thị trường, nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết của cán bộ, công nhân viên Tập đoàn và sự hỗ trợ rất lớn từ các địa phương, nơi các đơn vị của TKV đang sản xuất kinh doanh, tin rằng Tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn thành tốt kế hoạch đã đặt ra, thực hiện mục tiêu tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh và sự phát triển của TKV. Việc đón tàu "xông” Cảng Cẩm Phả và rót những tấn than đầu tiên tiêu thụ trong ngày đầu Năm mới Xuân Nhâm Dần 2022 có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho công tác tiêu thụ than được may mắn, hanh thông, thực hiện hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất và tiêu thụ than của TKV trong năm 2022.

* Tàu hoả đông kín chỗ trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết

Sau nghỉ Tết Nhâm Dần, hàng nghìn người dân từ các tỉnh theo tàu về các ga lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang... các đoàn tàu kín chỗ phục vụ người dân trở lại thành phố.

Từ ngày 4/2 (tức mùng 4 Tết), các chuyến tàu về Hà Nội đã đông khách hơn, nhưng không kín chỗ. Tùy mác tàu, lượng khách từ 200 - 400 người/đoàn tàu, đông nhất là tàu Vinh - Hà Nội và Hải Phòng - Hà Nội, có đoàn gần 500 hành khách. Tuy nhiên, ngày 7/2 các chuyến tàu về ga gần như đã kín khách, chủ yếu chỉ còn vài ghế phụ. Đông nhất là tàu Hải Phòng LP6 về ga Hà Nội trưa nay có hơn 1.000 khách, các tàu như SE36 Vinh - Hà Nội, tàu Thống nhất SE8 về trong chiều, tối cùng ngày cũng hơn 400 khách/đoàn tàu bao gồm cả ghế phụ, gần kín phương án chỗ. Trước đó, ngành Đường sắt cho biết, giai đoạn sau nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến ngày 13/2/2022, ngoài 4 mác tàu Thống nhất chạy hàng ngày gồm SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 sẽ chạy thêm nhiều tàu khu đoạn để phục vụ người dân trở về Hà Nội, TP.HCM học tập, làm việc, sinh sống.

* Vietnam Post: Nhiều đơn vị làm việc xuyên Tết, đảm bảo thông suốt các hoạt động bưu chính

Với sự chủ động và linh hoạt, ngay trong ngày 31/01/2021 (29 Tết), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã tổ chức 07 chuyến xe đột xuất để chuyển phát thành công các văn bản tài liệu KT1 hỏa tốc, đảm bảo phục vụ thông tin liên lạc của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong suốt dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần.  Theo báo cáo, nhu cầu sử dụng các dịch vụ bưu chính trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng mạnh trên cả nước, đặc biệt là nhu cầu chuyển phát hàng hóa. Với việc bố trí lực lượng và phương tiện chuyển phát hợp lý, thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trước, trong và sau Tết Nhâm Dần 2022, toàn bộ số lượng hàng hóa, bưu gửi của khách hàng đã được chuyển phát an toàn tới tận tay người nhận trước Tết Nguyên đán. Các hoạt động khai thác, trao đổi chuyến thư trong nước và quốc tế của Bưu điện Việt Nam đã bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày mùng 3 Tết Nhâm Dần. Trong lĩnh vực phát hành báo, tạp chí Tết, Vietnam Post đã phát hành trên 464 nghìn tờ/cuốn với trọng lượng vận chuyển đạt gần 192 tấn.

Trong thời gian các ngày giáp Tết Nguyên đán, yêu cầu gửi, nhận tiền tăng so với ngày thường, đặc biệt đối với dịch vụ chuyển trong nước và chuyển tiền COD. Sản lượng phát hành và phát trả dịch vụ chuyển tiền trong nước hàng ngày bình quân đạt hơn 30 nghìn phiếu; Lượng tiền luân chuyển đạt khoảng 100 tỷ mỗi ngày. Sản lượng chuyển tiền quốc tế các ngày giáp tết tăng so với bình quân các ngày trước Tết (khoảng 90 phiếu đến/ngày), tổng số tiền đến khoảng 40.000 USD/ngày. Phiếu chuyển tiền COD trong các ngày giáp tết trung bình đạt hơn 400.000 phiếu với số tiền thu hộ đạt hơn 200 tỷ đồng; các dịch vụ tiết kiệm Bưu điện cũng tăng cao hơn so với ngày thường. Số lượng giao dịch bình quân đạt hơn 8.000 giao dịch với số tiền nhận trả hàng ngày gần 900 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo an toàn cho hơn 3.2 triệu người hưởng, Vietnam Post đã thực hiện chi trả gộp 2 tháng (tháng 1,2/2022) lương hưu và trợ cấp BHXH tại 63 tỉnh, thành phố với số tiền gần 28 ngàn tỷ đồng. Đồng thời hoàn thành chi trả kèm tiền quà tết từ UBND các tỉnh, thành phố tới người hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng hoàn thành chi trả tiền trợ cấp ưu đãi người có công và tiền quà tết cho các gia đình chính sách tháng 1 và 2/2022 đối với 50 tỉnh đã triển khai với số tiền chi trên 2.737 tỷ đồng.

* EVN đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong dịp Tết

Trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần từ ngày 29/1/2022 đến hết ngày 6/2/2022 (tức từ ngày 27 tháng Chạp năm Tân Sửu đến ngày mùng 6 Tết Nhâm Dần), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ nhân dân cả nước vui đón Xuân Nhâm Dần. Căn cứ các số liệu thống kê, công suất và sản lượng điện tiêu thụ tính trên cả nước vào dịp Tết đều giảm mạnh so với ngày thường trước Tết. Tính trung bình trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện Quốc gia trung bình ngày chỉ ở mức khoảng 24.700 MW, sản lượng tiêu thụ điện ở mức khoảng 485 triệu kWh/ngày. Mức tiêu thụ điện trung bình ngày toàn quốc trong kỳ nghỉ Tết thấp hơn khoảng 29% về công suất và thấp hơn 30% về sản lượng so với mức trung bình ngày của tuần trước Tết. Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm trước thì mức tiêu thụ điện trung bình ngày toàn quốc của kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 vẫn cao hơn khoảng 8% về công suất đỉnh và cao hơn 16% về sản lượng so với Tết Tân Sửu 2021.

Nhờ sự tích cực chủ động chuẩn bị của EVN và các đơn vị thành viên về phương án chi tiết đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, tổ chức ứng trực tăng cường, sẵn sàng nhân lực và phương tiện, vật tư thiết bị xử lý sự cố, phòng chống cháy nổ, nên trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, các nhà máy điện cùng toàn bộ hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối đã vận hành an toàn, ổn định. Trong dịp nghỉ Tết vừa qua cũng được ghi nhận không xảy ra tai nạn lao động về điện, không có hiện tượng cháy nổ điện. Các đơn vị trong toàn EVN đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các Cơ quan chức năng của địa phương, chủ động triển khai các phương án ứng phó với mọi tình huống diễn biến dịch bệnh để đảm bảo duy trì vận hành an toàn, liên tục hệ thống điện quốc gia.

*Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp triển khai chương trình Xuân Biên giới - Tết biển đảo năm 2022

Tiếp nối các hoạt động tình nguyện mùa đông năm 2021, xuân tình nguyện năm 2022, nhằm lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia tới người dân tại các địa phương khó khăn trên cả nước, đặc biệt tại các vùng biên giới, hải đảo, chung tay góp phần bảo vệ, dựng xây quê hương, đất nước, ngày 18 - 19/01/2022, Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp tỉnh đoàn Lào Cai tổ chức Chương trình “Xuân biên giới - Tết hải đảo” năm 2022 tại tỉnh Lào Cai.

Chương trình “Xuân biên giới - Tết biển đảo” diễn ra các hoạt động an sinh xã hội như: Hỗ trợ kinh phí xây dựng 20 nhà nhân ái trị giá 01 tỷ đồng; bàn giao, gắn biển công trình thanh niên cấp Khối cho công trình nâng cấp, sửa chữa Trường Mầm non, Tiểu học Sơn Hà, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, trị giá 135 triệu đồng; khánh thành 01 nhà nhân ái cho gia đình ông/bà Tẩn San Mẩy, thôn Tả Ngảo, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, trị giá 50 triệu đồng; trao tặng 500 túi quà an sinh (trị giá 250.000đ/túi); thăm và tặng 20 suất quà cho các học sinh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Lào Cai; thăm và tặng 20 suất quà cho thanh niên công nhân tại Nhà máy Luyện Đồng Bản Quan và Mỏ Đồng Sinh Quyền huyện Bát Xát. Nguồn kinh phí do các cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương đóng góp và hỗ trợ.

Trong khuôn khổ Chương trình, đoàn công tác cũng tới thăm và tặng quà cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Bản Lầu tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai; tặng quà gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực biên giới, qua đó góp phần sẻ chia yêu thương, ấm áp nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. Tổng giá trị các hoạt động an sinh xã hội tại Chương trình trị giá 01 tỷ 350 triệu đồng.

Các đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối triển khai nhiệm vụ năm 2022

* Ngày 14/12, Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Cơ quan, Đảng bộ, Công đoàn năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. 

Báo cáo tổng kết công tác năm 2021 tại Hội nghị đánh giá, trong bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm, kéo dài; với sự biến động về nhân sự chủ chốt của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối; bám sát sự lãnh đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, các ban, đơn vị Đảng ủy Khối và tập thể cán bộ, đảng viên, nhân viên Cơ quan Đảng ủy Khối đã chủ động thích ứng linh hoạt, đổi mới sáng tạo, quyết tâm triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chương trình công tác và các nhiệm vụ đột xuất được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy Khối giao. Với khối lượng công việc rất lớn: 172 nội dung công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao (trong đó có 159 công việc đã hoàn thành, 13 công việc đang thực hiện theo kế hoạch).

Nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, xuyên suốt của Đảng ủy Khối đã được các ban, đơn vị tham mưu xây dựng hoàn thiện, như: Ban hành Quy chế làm việc, Chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban hành Chương trình công tác của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối; Nghị quyết nhiệm vụ công tác năm, Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2021. Ban hành Nghị quyết về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Nhìn chung, tập thể cán bộ, đảng viên, nhân viên Cơ quan Đảng ủy Khối đã rất chủ động triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; chất lượng công tác tham mưu của các ban, đơn vị Cơ quan Đảng ủy Khối ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công việc; đồng thời thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Cơ quan Đảng ủy Khối.

Đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối, Thủ trưởng Cơ quan Đảng ủy Khối yêu cầu cán bộ Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thực hiện với tinh thần: Đoàn kết - Kỷ cương - Gương mẫu - Trách nhiệm - Hiệu quả; yêu cầu các ban, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tích cực tham mưu với Thường trực Đảng ủy Khối những công việc quan trọng như tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục những mặt công tác còn hạn chế của đơn vị trong năm 2021; đồng thời, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2022 của Đảng ủy Khối và của Cơ quan, Đảng ủy Cơ quan và Công đoàn Cơ quan Đảng ủy Khối để lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022, tạo sự chuyển biến ngay từ việc xây dựng kế hoạch, nghị quyết, chương trình công tác và quyết liệt trong triển khai thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác quán triệt, thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Năm 2022 ghi dấu ấn kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối, các ban, đơn vị cần có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số tại Cơ quan Đảng ủy Khối.

* Năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giải ngân trên 80.000 tỷ đồng cho hơn 2 triệu lượt hộ vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 608.700 lao động, 1.357 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và trả lương cho hơn 379.000 người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19… Đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 256.324 tỷ đồng, tăng 22.779 tỷ đồng so với cuối năm 2020, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 24.702 tỷ đồng.

Với mạng lưới hoạt động phủ khắp toàn quốc, hoạt động giao dịch xã tiếp tục được duy trì ổn định, hiệu quả, an toàn, NHCSXH đã giải ngân trên 80.000 tỷ đồng cho hơn 2 triệu lượt hộ vay vốn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 247.970 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2020, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 209.875 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2020, hoàn thành 100% kế hoạch, với gần 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Gắn liền với việc tăng trưởng dư nợ, việc nâng cao chất lượng tín dụng được chú trọng thực hiện. Đến 31/12/2021, tỉ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,7% tổng dư nợ.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, toàn hệ thống tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch trong toàn hệ thống. Tập trung tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao ngay từ đầu năm, gói tín dụng chính sách ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023 và các chính sách tín dụng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

* Năm 2021, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) với sự quyết tâm, nỗ lực chung của toàn hệ thống, tập trung tối đa mọi nguồn lực vừa nghiêm túc thực hiện phòng chống dịch COVID-19, vừa tích cực, tiên phong triển khai nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ khách hàng, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, hiệu quả, đạt được kết quả đáng khích lệ: đạt và vượt 4/4 chỉ tiêu công tác xây dựng Đảng đề ra tại Nghị quyết Đảng bộ, hoàn thành toàn diện 9/9 chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021. Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Agribank đạt 1,68 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,58 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam; lợi nhuận đạt 14,5 ngàn tỷ đồng; đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định, tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có đóng góp nhiều nhất đối với ngân sách Nhà nước.

Tổng kết năm 2021, Agribank vinh dự đón nhận các danh hiệu thi đua cao quý do Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước trao tặng: Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ Thi đua của Chính phủ; Cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước và các danh hiệu thi đua hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Agribank trao tặng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2021.

Năm 2022, Agribank phát động phong trào thi đua với chủ đề “Người lao động Agribank đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhiệm vụ kinh doanh năm 2022” trên toàn hệ thống. Bước vào năm thứ 34 trong quá trình hoạt động, toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn hệ thống Agribank quyết tâm nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng nhau dựng xây Agribank ngày càng phát triển, đưa hình ảnh, thương hiệu Agribank đến gần hơn với mọi người dân, góp phần thực hiện thành công Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia theo quyết định của Chính phủ; cùng các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đóng góp tích cực phát triển nền kinh tế, xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng.

* Năm 2021, hầu hết các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt và vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) và HĐQT giao: Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu huy động vốn theo đúng định hướng; huy động vốn thị trường I đạt gần 1.154.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Tỉ trọng huy động vốn không kỳ hạn (KKH) bình quân đạt 32,2%, tăng 3,3 điểm % so với năm 2020. Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả; kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng; dư nợ tín dụng đạt khoảng 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020, góp phần cung ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đồng thời tuân thủ giới hạn tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN. 

Vietcombank kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng: Tỉ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%; tỉ lệ nợ xấu ở mức 0,63%. Ngân hàng trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 - sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Tỉ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (424%); doanh số thanh toán và sử dụng thẻ tăng 19,2% so với 2020… Đáng chú ý, trong năm 2021, Vietcombank tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình chịu tác động của dịch COVID-19. Tổng dư nợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là xấp xỉ 10.540 tỷ đồng… Tổng số tiền lãi lũy kế hỗ trợ khách hàng năm 2020-2021 là 10.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, Vietcombank tiếp tục đồng hành, sẻ chia và hỗ trợ khách hàng một cách thiết thực thông qua việc miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên kênh ngân hàng số VCB Digibank, mang đến cho khách hàng sự thuận tiện trong trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. Trong năm 2021, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí đầu ngành về nộp ngân sách nhà nước với số tiền xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Ngoài hoạt động kinh doanh, Vietcombank cũng đóng góp cho công tác an sinh xã hội và phòng chống dịch COVID-19 gần 723 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Vietcombank phấn đấu đạt một số chỉ tiêu như: Tổng tài sản tăng 8%, tín dụng tăng 12%, tỉ lệ nợ xấu dưới 1,5%, lợi nhuật trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2021.

* Đến 31/12/2021, các chỉ tiêu kinh doanh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, tổng tài sản khối Ngân hàng thương mại đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với 2020, giữ vững vị thế là Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,61 triệu tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2020, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020, tuân thủ giới hạn tín dụng NHNN giao (12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng. Nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng bền vững, dư nợ bán lẻ tăng 25% so với năm 2020, dư nợ SME và FDI tương ứng tăng 15% và 21%. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,81%, giảm 0,73% so với năm 2020, đảm bảo mục tiêu NHNN giao năm 2021 (<1,6%). Tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82% so với năm 2020. Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Lợi nhuận đạt kế hoạch năm 2021 NHNN giao; Các tỷ lệ an toàn đảm bảo đúng quy định; Chỉ số định hạng tín nhiệm quốc tế được nâng cao.

Phát huy những kết quả đã đạt được, BIDV quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 như: Nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong toàn hệ thống đảm bảo vận hành hoạt động kinh doanh an toàn, thông suốt; tăng trưởng tín dụng đúng định hướng của Chính phủ, NHNN, gia tăng quy mô gắn với chuyển dịch nền khách hàng bền vững; điều hành cân đối vốn linh hoạt, hiệu quả, an toàn; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; gia tăng hiệu quả bền vững trên cơ sở tối đa hóa nguồn thu, quản trị chi phí hiệu quả, cải thiện hoạt động đầu tư và nâng cao năng lực tài chính; nâng cao năng lực quản trị điều hành; thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số; xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; cân đối nguồn lực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng chủ trương, quy định của Chính phủ, NHNN; thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng với vai trò là định chế tài chính lớn trong hệ thống...

* Trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn gặp nhiều khó khăn, Đảng ủy Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã lãnh đạo đơn vị nỗ lực triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2021 hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Doanh thu cả năm ước đạt 7.213 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch. Trong đó: Doanh thu cổ tức ước đạt 4.409 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch; doanh thu bán vốn ước đạt 1.390 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 933 tỷ đồng, gấp 3 lần kế hoạch; doanh thu tài chính ước đạt 1.404 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế: ước đạt 8.563 tỷ đồng, bằng 259% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 9.577 tỷ đồng.

Trong công tác an sinh xã hội, Tổng công ty đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần chung tay phòng chống dịch Covid-19. SCIC đã thực hiện giải ngân 216 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, các lĩnh vực tài trợ chính bao gồm: tài trợ Quỹ Vắc-xin và các hoạt động phòng chống Covid-19 (200 tỷ đồng), tài trợ viện phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Nhi Trung ương; xây nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, phòng chống xâm nhập mặn và triều cường ở một số tỉnh phía Nam.

* Trong năm 2021, Đảng bộ Tập đoàn Bảo Việt đã lãnh đạo triển khai đồng bộ công tác xây dựng Đảng, tổ chức quán triệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối DNTW lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025; công tác chính trị tư tưởng được giữ vững; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; chỉ đạo kiện toàn về mô hình tổ chức của Tập đoàn; lãnh đạo Công đoàn, Đoàn Thanh niên Tập đoàn triển khai nhiều phong trào hoạt động thiết thực, gắn với nhiệm vụ kinh doanh; tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ gần 40 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Năm 2022, Đảng ủy Tập đoàn tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh, giữ vững vị trí số 1 trên thị trường về doanh thu, thị phần của các lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Toàn Tập đoàn phấn đấu doanh thu hợp nhất đạt 52.300 tỷ đồng, tăng trưởng 7,7% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.865 tỷ đồng; LNST hợp nhất đạt 1.500 tỷ đồng. Triển khai Chiến lược phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2035. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Quan tâm lãnh đạo tới hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội. Chỉ đạo công tác Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp nhiệm kỳ 2022 - 2027. Tích cực quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, người lao động, đảm bảo thu nhập, việc làm và các chế độ phúc lợi. Tăng cường các hoạt động văn hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá nâng cao giá trị thương hiệu Bảo Việt.

* Tái cơ cấu thành công, VIMC 'bứt phá' mạnh mẽ

Từ một doanh nghiệp Nhà nước luôn nằm trong "top đầu" về thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, bằng việc tái cơ cấu quyết liệt, toàn diện, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã bứt phá mạnh mẽ và đạt được kết quả rất tích cực trong năm 2021 với mức lãi gấn 5,5 lần kế hoạch.

Tính chung, năm 2021, doanh thu của VIMC ước đạt 19.604 tỷ đồng (tăng 124% cùng kỳ 2020, đạt 129% kế hoạch 2021), lợi nhuận tăng trưởng ước đạt mức kỷ lục với 3.750 tỷ đồng. Năm ngoái, VIMC lỗ tới 145,3 tỷ đồng, thì bước sang năm 2021, tổng công ty này “đại thắng” với mức lãi đã tăng 554%.

Sau giai đoạn tái cơ cấu toàn diện (2013-2015), VIMC đã hồi phục và duy trì ổn định được năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa của quốc gia. Hiện tại, vốn hóa của VIMC trên thị trường chứng khoán tính đến ngày 31/12/2021 là 36.617 tỷ đồng. Tổng số lao động khoảng 12.447 lao động, thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ tái cơ cấu, quy mô của VIMC được thu gọn, tập trung nguồn lực trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải và phát triển các hoạt động cốt lõi. Qua đó, VIMC đẩy mạnh hiệu quả dịch vụ chuỗi, cung ứng cho khách hàng các gói dịch vụ tổng thể, ưu việt trên cơ sở liên kết và phát huy thế mạnh của các lĩnh vực chính.

* Nhờ sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt và sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đạt được kết quả đáng khích lệ, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế) ước đạt: 48.980 tỷ đồng, bằng 116,2% so với kế hoạch năm, tăng 30,3% so với thực hiện năm 2020; doanh thu ước đạt 51.200 tỷ đồng, bằng 116% so với kế hoạch năm, tăng 24% so với thực hiện năm 2020; lợi nhuận ước thực hiện năm 2021 cộng hợp toàn Tập đoàn lãi 1.726 tỷ đồng, tăng hiệu quả 3.852 tỷ đồng so với thực hiện năm 2020; đảm bảo việc làm cho gần 20 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân hơn 9,7 triệu đồng/người/tháng.

Đảng ủy Tập đoàn đã triển khai thực hiện tốt các công tác về chính trị tư tưởng, công tác dân vận và lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, công tác kiểm tra giám sát, công tác phòng chống tham nhũng, công tác tổ chức cán bộ, công tác cơ sở đảng và đảng viên. Đảng bộ Tập đoàn có tổng số 31 chi, đảng bộ trực thuộc. Năm 2021 có 31 chi, đảng bộ cơ sở thực hiện đánh giá, xếp loại; kết quả đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 22,58%; hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm 67,74%; hoàn thành nhiệm vụ chiếm 9,68%. Công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo các đoàn thể quần chúng tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt, bám sát chủ trương, định hướng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm, năm 2021 kết nạp được 81 quần chúng ưu tú vào đảng, vượt 62% so với kế hoạch đề ra.

Năm 2022, Đảng ủy Tập đoàn chủ trương bám sát sự lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, tập trung lãnh đạo chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc và các doanh nghiệp thành viên thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trên các mặt công tác; Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ có hiệu quả các mặt công tác về tái cơ cấu doanh nghiệp, thoái vốn, cổ phần hóa, công tác đầu tư các dự án, công tác an sinh xã hội, việc làm và thu nhập cho người lao động; công tác chính trị tư tưởng,  kiểm tra giám sát, công tác dân vận và các tổ chức đoàn thể; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2022, lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương (11/4/2007- 11/4/2022) và 15 năm Ngày thành lập Đảng bộ Tập đoàn (08/10/2007-  18/10/2022).

* Đảng bộ Tập đoàn CN Cao su Việt Nam-CTCP (VRG) đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2021 trong bối cảnh đối mặt nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, Tập đoàn đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra.

Về công tác sản xuất kinh doanh, ước thực hiện năm 2021: tổng doanh thu toàn Tập đoàn 28.500 tỷ đồng (vượt 6% KH); lợi nhuận trước thuế 6.100 tỷ đồng (vượt 7% KH); nộp ngân sách Nhà nước 3.200 tỷ đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Tập đoàn đã nỗ lực nâng thu nhập cho người lao động. Cụ thể, tổng số lao động của Tập đoàn là 84.679 người, thu nhập bình quân ước đạt 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với năm 2020. 

Về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ VRG thường xuyên đổi mới, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ; quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW để đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần nghiêm túc, hiệu quả. Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên…

VRG dự báo năm 2022 còn nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tạo nên sức ép cho hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) đối với doanh nghiệp trong đó có Tập đoàn, nhiệm vụ đặt ra cho hệ thống chính trị của Tập đoàn từ Công ty mẹ đến các đơn vị thành viên là rất lớn. Đảng bộ Tập đoàn tập trung tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát phù hợp với tình hình mới đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị năm 2022 và tạo cơ sở cho việc tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn khóa IX.

* Trước tình hình Dịch Covid-19 tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, có thời điểm chuỗi cung ứng gạo từ thu hoạch, vận chuyển, sản xuất, xuất khẩu...bị đứt gẫy, tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên và Bộ máy điều hành Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) đã có những giải pháp cụ thể, linh hoạt, phù hợp trong từng thời điểm để chỉ đạo triển khai hoạt động kinh doanh. Kết quả năm 2021 Tổng công ty đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao, kinh doanh tiếp tục có lãi.

Tổng doanh thu ước đạt 16.232 tỷ đồng, đạt 108% so với KH, Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 331 triệu USD, đạt 120% KH, Lợi nhuận trước thuế ước đạt 282 tỷ đồng, đạt 105 % KH, Nộp ngân sách Nhà nước đạt 296 tỷ đồng, triển khai thực hiện Phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới Tổng công ty theo lộ trình đã được phê duyệt, năm 2021 Tổng công ty đã hoàn thành việc cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Muối Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên Lương thực Lương Yên, các đơn vị đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu, được cấp đăng ký doanh nghiệp để hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 01/7/2021.

Năm 2022, thị trường nông sản thế giới chắc chắn sẽ có thêm nhiều biến động, còn nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi phía trước, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 có khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Tổng công ty xác định tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh để giữ vững vị thế là doanh nghiệp lớn về chế biến, kinh doanh lương thực, nông sản của Việt Nam trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường. Kinh doanh lương thực, tham gia tiêu thụ lương thực hàng hóa của nông dân, góp phần bình ổn thị trường trong nước, xuất khẩu lương thực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và điều tiết kinh tế vĩ mô. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển năm 2022 gắn với việc thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt. Xây dựng phương án sắp xếp doanh nghiệp theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tưởng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025./.

* Ngày 14/01/2022, tại Hà Nội, Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 bằng hình thức trực tuyến tới các điểm cầu.

Trong năm 2021, công tác Đoàn và phong trào thanh niên Khối Doanh nghiệp Trung ương có nhiều đổi mới, linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Khối. Toàn Khối đã giới thiệu 4.782 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp, trong đó 1.501 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào “Thanh niên xung kích đổi mới, sáng tạo nâng cao năng suất, hiệu quả Doanh nghiệp” được triển khai có hiệu quả, các cấp bộ Đoàn trong Khối đã đăng ký, đảm nhận thực hiện 3.596 công trình, phần việc thanh niên (đạt 180%), 26.230 ý tưởng, trong đó có 2.394 đề án nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất (đạt 120 %), làm lợi cho doanh nghiệp gần 95 tỷ đồng. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần chống dịch như chống giặc, chung tay cùng cả nước vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19; phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong công tác hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, Ban Thường vụ Đoàn Khối đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn đồng loạt triển khai các Chương trình “Triệu túi an sinh”, “Triệu bữa cơm”, “Siêu thị trực tuyến 0 đồng”; “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch”,… với 33.280 túi an sinh được trao, tặng tới người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong Khối Doanh nghiệp Trung ương và trên địa bàn cả nước, tổng giá trị các hoạt động ước tính là hơn 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Đoàn Khối cũng tích cực chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tiếp tục triển khai các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Tổng trị giá các hoạt động trong công tác tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện an sinh xã hội tại các cơ sở Đoàn trong Khối năm 2021 đạt hơn 63,1 tỷ đồng (đạt 210%). Tại Hội nghị, 33 tập thể được Trung ương Đoàn và Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương tặng cờ thi đua và Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2021.

* Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, đặc biệt là trước tình trạng thiếu nguồn người hiến máu diễn ra đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm góp phần hỗ trợ tình trạng thiếu máu tại các cơ sở y tế trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thiết thực thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 -2027, ngày 24/01/2022, tại Hà Nội, Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp Viện huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức Chương trình Hiến máu tình nguyện Khối Doanh nghiệp Trung ương với chủ đề “Doanh nghiệp Trung ương - Trao gửi yêu thương”. Chương trình đã thu hút được sự tham gia của hơn 1.500 đồng chí cán bộ, đoàn viên thanh niên đến từ 33 cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Tính đến cuối ngày 24/01, Ban tổ chức đã thu được gần 1.000 đơn vị máu. Đây là hoạt động thiết thực và đầy ý nghĩa nhân văn trong bối cảnh nguồn máu dự trữ điều trị tại các bệnh viện trên cả nước đang giảm mạnh và có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng do tác động của dịch COVID-19. Hoạt động tham gia hiến máu tình nguyện của cán bộ, đoàn viên thanh niên Khối Doanh nghiệp Trung ương sẽ góp phần cung cấp nguồn máu cho các bệnh viện trong quá trình cấp cứu và điều trị các bệnh nhân nặng, Qua chương trình hiến máu tình nguyện góp phần tuyên truyền ý nghĩa cao đẹp của hiến máu, nhân rộng, lan tỏa hình ảnh đẹp của đoàn viên thanh niên, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sự sẻ chia, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng của tuổi trẻ Khối Doanh nghiệp Trung ương đối với người bệnh trong giai đoạn khó khăn.

Cũng tại Chương trình, 05 tập thể và 05 cá nhân đã vinh dự nhận Bằng khen của BCH Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện Đoàn Khối DNTW giai đoạn 2020 - 2021.

Petrovietnam ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới

Ngay từ ngày đầu thành lập, nhãn hiệu đầu tiên của ngành Dầu khí đã được phác thảo và đưa vào sử dụng với hình ảnh ngọn lửa màu đỏ, trên nền biển xanh và đế là chữ PETROVIETNAM. Ngọn lửa màu đỏ tựa đuốc cháy ngày đêm - tượng trưng cho ngành dầu khí; Ngọn lửa 2 nhánh uốn thành chữ V (Việt Nam), tạo dáng hình chữ S thân quen của bản đồ đất nước với nền màu xanh nước biển nhắc nhớ khởi nguồn thành công của ngành dầu khí Việt Nam từ biển khơi - thềm lục địa Tổ quốc.

Trải qua thời gian, logo Dầu khí đã được tinh chỉnh cân đối hài hòa hơn nhưng vẫn giữ nguyên bố cục. Đặc biệt, trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và tiếp cận chiến lược chuyển đổi số đã đặt ra yêu cầu cho logo Petrovietnam vừa kế thừa tính truyền thống nhưng thể hiện được sự năng động, hiện đại. Những giá trị cốt lõi nguyên bản được khai thác và ứng dụng nhuần nhuyễn song hành cùng với những đổi thay của kỷ nguyên mới, vừa tôn vinh những giá trị văn hóa Petrovietnam, vừa khẳng định vai trò tiên phong của một tập đoàn công nghiệp, năng lượng trong thời đại mới.

Logo Petrovietnam đã được thay đổi với một diện mạo mới, là một thể thống nhất, kết hợp giữa biểu tượng ngọn lửa đỏ và hàng chữ màu xanh PETROVIETNAM - tên giao dịch quốc tế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Dòng chữ PETROVIETNAM màu xanh biển bố cục chặt chẽ, đồng nhất về phông chữ thể hiện sự mạnh mẽ, vững chãi như những chân đế giàn khoan; màu xanh biển cũng thể hiện vùng hoạt động đặc trưng của Petrovietnam gắn với sứ mệnh góp phần bảo vệ, giữ gìn bình yên cho Tổ quốc.

Ngọn lửa đỏ thể hiện năng lượng tràn đầy, tinh thần nhiệt huyết, tiên phong; ngọn lửa bay lên, chuyển động, thích ứng linh hoạt trong xu thế chuyển dịch năng lượng,cũng là thời kỳ chuyển đổi số; ngọn lửa được cách điệu dáng hình đất nước Việt Nam một lần nữa khẳng định sự gắn kết không thể tách rời truyền thống của những “người đi tìm lửa” với khát vọng vươn lên của cả dân tộc.

Việc Petrovietnam ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mớilà một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Đề án Tái tạo Văn hóa Petrovietnam, được kỳ vọng sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh một Petrovietnam năng động, thân thiện, thích ứng với các xu thế phát triển mới của thế giới, thể hiện tâm thế sẵn sàng cho việc hiện thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh của ngành dầu khí Việt Nam.

III - TIN THAM KHẢO

Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2022

Sáng 5/1, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết công tác năm 2021; triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022.

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2021 đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi do đại dịch Covid-19…, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí Lãnh chủ đạo chốt, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, hợp lực, đồng hành và giám sát hiệu quả của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 8 trọng tâm, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 193 nhiệm vụ cụ thể; vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ước cả năm đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84% so với năm trước; các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế tăng 2,58%. Thu ngân sách Nhà nước cả năm đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt dự toán (16,4%); bội chi ngân sách Nhà nước ước dưới 4%, thấp hơn so với dự toán Quốc hội quyết định (4% GDP). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; trong đó xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2021 tăng 9,2%, đặc biệt vốn tăng thêm tăng mạnh trên 40% thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam...

Trong năm qua, Chính phủ cũng tập trung hơn cho công tác xây dựng thể chế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng...

Năm 2022, bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 171 nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả 15 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội. Chính phủ đề ra 82 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực bên cạnh 15 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao.

Chính phủ cũng xây dựng Nghị quyết, tập trung về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 nhằm nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19....

Chương trình giao lưu nghệ thuật 'Mãi mãi niềm tin theo Đảng'

Tối 16/1, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Mãi mãi niềm tin theo Đảng” lần thứ 16 nhằm chào mừng 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022).

Chương trình nghệ thuật gồm 2 phần với chủ đề: Đảng là đạo đức, là văn minh; xây dựng chỉnh đốn Đảng để xứng với niềm tin, đem đến những tiết mục ca múa nhạc ngợi ca cách mạng, sống mãi cùng năm tháng, để mừng xuân dâng Đảng. Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, thể hiện sinh động quá trình hơn 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, để toàn dân cùng hiểu, thêm trân trọng những giá trị trường tồn của dân tộc và vai trò chèo lái con thuyền đất nước đến với bến bờ vinh quang, sáng lạn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 92 năm qua.

Nhằm tôn vinh và trao tặng những đảng viên tiêu biểu xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Ban Tổ chức lựa chọn và trao cho 30 đảng viên tiêu biểu được khen thưởng tại Chương trình, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có 07 đồng chí.

Thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

Chiều ngày 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Những kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý toàn dân thông qua mã định danh cá nhân. Góp phần khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành và địa phương. Tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu. Góp phần nâng cao năng lực quản trị quốc gia gia bằng kỹ thuật số, chuyển đổi thông minh.

Với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, Thủ tướng tin tưởng những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai hiệu quả Đề án và của Bộ Công an trong vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý Căn cước công dân sẽ được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực, nhiệt tình ủng hộ; góp phần xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về người dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, Chính phủ số, công dân số; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

IV - VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI

Nghị quyết 01/NQ-CP: Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". 

Hướng dẫn về việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19

Hiện nay, nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã biểu dương, khen thưởng và trình khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để công tác khen thưởng đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng đối tượng, đúng thành tích, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành Hướng dẫn số 121/HD-BTĐKT, ngày 13/01/2022 công tác khen thưởng thành tích phòng, chống đại dịch COVID-19,

Quyết định về việc ban hành Quy chế hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng

Ngày 15/12/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Quyết định số 937- QĐ/BTGTW về việc ban hành Quy chế hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng.

Thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác Tuyên giáo năm 2022

Ngày 17/01/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Thông báo số 137-TB/BTGTW về ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác Tuyên giáo năm 2022.

Chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối năm 2022

Thực hiện Chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối xây dựng   Chương trình  kiểm tra, giám sát năm 2022. 

Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Quy định số 37 QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021; căn cứ Hướng dẫn số 37-HD/BTGTW, ngày 11/01/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngày 26/1/2022, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành  Hướng dẫn số 01-HD/ĐUK nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức kỷ niệm một số ngày lễ và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2022, ngày 13/01/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 38-HD/BTGTW và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (01/02/1902-01/02/2022).

 BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

-----------------------------

 

 

.
.
.
.