.
.

Làm dân vận phải hiểu lòng dân

Thứ Hai, 15/10/2012|19:47

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "...Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954). Ảnh tư liệu TTXVN.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954). Ảnh tư liệu TTXVN.

Ngày 15/10, là ngày kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2012).

82 năm qua, đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ công tác vận động quần chúng. Ở mọi thời điểm, mọi lĩnh vực, công tác vận động nhân dân luôn giữ vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành bại của cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "...Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Trong tình hình mới, công tác vận động quần chúng lại càng cần thiết. Sự cần thiết ấy đặt ra nhiệm vụ nặng nề hơn cho những người làm công tác vận động quần chúng, góp sức vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Những năm qua đã có nhiều điểm sáng trong công tác vận động quần chúng. Mỗi địa phương có cách làm mỗi khác, nhưng cùng với mục đích, vì quyền lợi của nhân dân, vì sự đồng thuận cao trong xã hội.

Ở TP HCM là cán bộ dân vận kiên trì thuyết phục các chủ nhà trọ không tăng giá điện, giá nước, giúp đỡ hơn 1,2 triệu người lao động, sinh viên nghèo.

Ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là vận động thành công gần 10.000 hộ dân trong diện thu hồi đất.

Ở Đà Nẵng là việc di dời hơn 90.000 hộ dân, trong đó có đến gần một nửa là giải tỏa trắng.

Không chỉ làm tốt công tác vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai, nhiều nơi còn có cách làm hay, sáng tạo, tạo niềm tin của người dân vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực vào các phong trào của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn gần 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến đất đai chưa được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở; vẫn còn hàng triệu lượt người dân đến các trụ sở tiếp dân của Đảng, Nhà nước để khiếu nại, tố cáo.

Vì sao cùng hệ thống chính trị, cùng chịu sự điều chỉnh của hệ thống văn bản pháp luật mà hiệu quả mỗi nơi mỗi khác? Thực tế đã cho thấy, ngoài những bất cập về cơ chế, chính sách đất đai cùng nhiều quy định khác thì vấn đề cốt lõi vẫn là con người. Con người được vận động và con người làm công tác vận động.

Đối với người được vận động. Nếu như tài sản hợp pháp bỗng nhiên mất đi, hoặc chỉ còn một phần chắc hẳn ai cũng xót xa, nuối tiếc. Nhưng nếu như được giải thích thấu đáo, hợp lý, hợp tình; nếu như thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ, được tôn trọng họ sẵn sàng cùng với chính quyền chia sẻ lợi ích, chia sẻ trách nhiệm.

Khi người dân đã hiểu đúng, hiểu đầy đủ sẽ tạo được sự tự giác, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước với chính quyền và đội ngũ cán bộ cơ sở.

Đối với người làm công tác vận động. Trong nhiều nguyên nhân khiến công tác vận động quần chúng chưa đạt yêu cầu có nguyên nhân trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ dân vận còn hạn chế.

Nếu như người vận động làm cho người dân hiểu chính sách pháp luật của Nhà nước. Nếu như chính quyền địa phương huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, khéo léo, kiên trì vận động. Nếu như phân tích được sự kết hợp hài hòa lợi ích của các bên. Nếu như có sự minh bạch, công khai cho người dân cùng được biết, được bàn và được kiểm tra. Nếu như biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; Nếu như giải quyết kịp thời, có trách nhiệm với thắc mắc, kiến nghị của dân … thì chắc rằng không còn hành vi vi phạm pháp luật, không còn tình trạng “người dân kiên quyết giữ, chính quyền sử dụng quyền lực” như trong một số vụ việc gần đây.

Nói vậy để thấy rằng, bất kỳ thời điểm nào công tác vận động nhân dân luôn giữ vai trò quan trọng, nhiều khi có ý nghĩa quyết định trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Không đơn giản là "tuyên truyền", "vận động", công tác dân vận còn nhằm phát huy các sáng kiến, sáng tạo từ phía quần chúng nhân dân. Bởi vậy, người làm dân vận phải là người hội tụ nhiều phẩm chất mà không phải ai cũng có được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, người làm dân vận phải là người “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Theo Bác, người làm dân vận phải thật thà “nhúng” tay vào việc, cùng lao động, cùng chiến đấu, lăn vào cuộc sống hàng ngày của quần chúng để thực hiện mục đích của công tác dân vận.

Nếu “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” thì làm sao hiểu được dân, làm sao “vận” được dân. Người làm công tác dân vận còn phải là người làm gương cho quần chúng.

Phong cách làm việc ấy người cán bộ dân vận luôn cần phải có và nó càng cần thiết trong thời điểm hiện nay. Làm sao gần dân hơn, sống gắn bó với dân, giúp dân không vi phạm pháp luật và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.

Sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân, đưa ra những đề xuất hợp lý, hợp tình, người làm dân vận không chỉ góp phần khắc phục tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp như thời gian qua mà còn góp phần quan trọng làm ổn định trật tự xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần cùng dân vào sự nghiệp phát triển chung của cả nước.

Đàm Hoa (Theo VOV)

.
.
.
.