.
.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường

Thứ Sáu, 03/08/2012|21:34

Ngày 3/7 tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã diễn ra Hội thảo khoa học “Doanh nghiệp nhà nước và vai trò kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hội thảo do Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội phối hợp tổ chức.

Tham dự Hội thảo có GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; TS. Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội; Hoàng Long Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hải Dương; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, học viện, trường đại học, các doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương cùng đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu.

GS.TS Phùng Hữu Phú; PGS.TS Vũ Văn Phúc; TS. Phạm Viết Muôn; TS. Nguyễn Hồng Sơn; ông Hoàng Long Quang đồng chủ trì Hội thảo.
 

                  Hội thảo khoa học “Doanh nghiệp nhà nước và vai trò kinh tế nhà nước
                    trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. 
(Ảnh: ĐH)

 

Cuộc Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp những luận cứ lý luận và thực tiễn về doanh nghiệp nhà nước và vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm phục vụ Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) vào tháng 10 năm 2012 tới đây.

Những năm qua, để giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đất nước, kinh tế nhà nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn nhận được sự “ưu ái” từ các cấp quản lý với kỳ vọng tạo sự ảnh hưởng, chi phối, lan tỏa đến các hoạt động kinh tế - xã hội; tạo động lực nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; định hướng, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp theo mục tiêu của Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế đã cho thấy những hạn chế của các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục lộ diện, đặt ra những vấn đề cần phải sớm giải quyết như: hoạt động kém hiệu quả, kém năng động; biểu hiện của dấu hiệu độc quyền trong kinh doanh; công tác quản lý sản xuất, kinh doanh chậm được đổi mới; cơ chế quản lý còn nhiều bất cập… Những hạn chế trên của các doanh nghiệp nhà nước xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Song, nguyên nhân quan trọng nhất là ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp chưa tốt; tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại vào sự bảo hộ của Nhà nước và chính sách quản lý điều hành của Nhà nước còn nhiều bất cập… Trước thực trạng đó, việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần được xem là nhu cầu bức thiết và cần thực hiện một cách quyết liệt hơn để khu vực doanh nghiệp nhà nước thực sự là trụ cột của nền kinh tế quốc dân.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú đánh giá, vấn đề đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước không phải bây giờ mới được đặt ra. Trên thực tế, từ những năm 1990 đến nay, công việc này đã được triển khai khá mạnh mẽ và đã đem lại những kết quả tích cực, đồng thời cũng bộc lộ những yếu kém, khó khăn cần khắc phục. Lần này, vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước được đặt ra bức thiết hơn, với những yêu cầu cao và mới. Trước hết, tái cấu trúc là đòi hỏi bức xúc của bản thân các doanh nghiệp nhà nước để vượt qua những khó khăn, yếu kém, phấn đấu sản xuất, kinh doanh hiệu quả vì sự tồn tại và phát triển của chính doanh nghiệp nhà nước. Gắn theo đó, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước phải góp phần trực tiếp, với tư cách là một bộ phận quan trọng có vai trò nêu gương, vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước phải mạnh lên để thật sự đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và đủ sức ứng phó với những biến động, rủi ro của nền kinh tế toàn cầu, đứng vững và vượt lên trước sức ép cạnh tranh kinh tế khu vực, quốc tế ngày càng gay gắt, quyết liệt. Doanh nghiệp nhà nước phải mạnh lên để thật sự trở thành lực lượng vật chất quan trọng giúp Nhà nước thực hiện hữu hiệu vai trò quản lý, điều tiết kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh bức thiết. Tuy nhiên, vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước không đơn giản, vì nó liên quan đến nhiều vấn đề nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn cần được nghiên cứu, tổng kết nghiêm túc. Nó vừa đòi hỏi sự nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, bứt phá của các doanh nghiệp nhà nước, vừa đòi hỏi sự đổi mới, hoàn thiện chủ trương, chính sách, phương pháp, phương thức lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, và đồng thời cũng rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, đặc biệt là của giới thông tin đại chúng. 

 GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: ĐH

GS.TS Phùng Hữu Phú cũng nêu ra những vấn đề đã và đang đặt ra cần được làm rõ để đi đến thống nhất, đó là: Thứ nhất, về mặt nhận thức, xác định vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như thế nào là hợp lý nhất? Doanh nghiệp nhà nước cần phát triển ở những lĩnh vực nào, phạm vi đến đâu, theo những loại hình nào là phù hợp nhất? Tiêu chí nào để đánh giá chính xác hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội của các doanh nghiệp nhà nước? Thứ hai, về phía Nhà nước, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước tái cấu trúc đúng hướng, bền vững và hoạt động hiệu quả, cần thiết phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý, hệ thống cơ chế, chính sách; đổi mới phương pháp, phương thức quản lý như thế nào? Thứ ba, về phía các doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc là một bài toán lớn và khó, bao gồm hàng loạt phương trình nhiều ẩn số phải giải, từ định hướng chiến lược sản xuất, kinh doanh; tái cấu trúc mô hình tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp, đến vấn đề tổ chức lại lực lượng lao động và phương án nhân sự lãnh đạo; cổ phần hóa, chứng khoán hóa quá trình sản xuất, kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; giải quyết hài hòa các mối quan hệ bên trong doanh nghiệp, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác ở trong và ngoài nước. Mối quan tâm hàng đầu là làm thế nào để các doanh nghiệp nhà nước thực hiện thành công mục tiêu sáng tạo giá trị và lợi nhuận, đồng thời hoàn thành được những nhiệm vụ xã hội không thể thoái thác…

Với hơn 30 tham luận được gửi tới Hội thảo, các diễn giả tập trung thảo luận vào ba chủ đề lớn, đó là: Thứ nhất, đổi mới nhận thức về doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thứ hai, những vấn đề cấp thiết đặt ra trong việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước hiện nay; và ba là, vai trò và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Theo chương trình, Hội thảo sẽ diễn ra đến hết ngày 4/5./.

Theo DCSVN

.
.
.
.