.
.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương:

Hội nghị Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mở rộng

Thứ Bảy, 23/02/2019|22:09

Ngày 22/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị mở rộng nhằm báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy Khối DNTW chủ trì Hội nghị.

Đến dự có các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc.

Đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy Khối DNTW chủ trì buổi làm việc
Đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy Khối DNTW phát biểu tại Hội nghị.

CVĐ ngày càng đi vào chiều sâu

Đánh giá kết quả thực hiện CVĐ trong năm 2018, đồng chí Nguyễn Thị Tiếp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động của Đảng ủy Khối DNTW cho biết: Trong năm 2018, Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động (CVĐ) của Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Cuộc vận động và chủ trương “các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau” đạt được những kết quả tích cực. Đã kiện toàn thành viên giam gia Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ; tham gia Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu; tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy Khối ban hành Kế hoạch số 60-KH/ĐUK, ngày 28/11/2018 lãnh đạo triển khai Kế hoạch số 653/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 19/10/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ về Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện CVĐ; ban hành Quyết định số 1530-QĐ/ĐUK, ngày 24/12/2018 kiện toàn Ban Chỉ đạo CVĐ của Đảng ủy Khối. Hướng dẫn Ban Chỉ đạo CVĐ của các đảng ủy trực thuộc tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 24/CT-TTg; Quyết định 634/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kết luận số 107-KL/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 01-CT/ĐUK của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo CVĐ đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn tiêu chí đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai trong toàn Khối từ năm 2018; triển khai Hướng dẫn công tác khen thưởng CVĐ và Đề án tổ chức biểu dương “Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu” trong thực hiện CVĐ; tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản của Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ; tham luận tại các Hội nghị, Hội thảo liên quan.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, các đảng ủy tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo CVĐ, tổ chức họp định kỳ theo đúng Quy chế quy định, ban hành Chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo hàng năm. Ban chỉ đạo tại các đảng ủy đã tham mưu với cấp ủy cụ thể hóa nội dung triển khai CVĐ trong nghị quyết, kết luận, chương trình công tác; rà soát, bổ sung chương trình hành động, kế hoạch để tiếp tục lãnh đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 01-CT/ĐUK của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối; ban hành các văn bản chỉ đạo về triển khai Cuộc vận động đến tổ chức đảng trực thuộc.

Ban chỉ đạo các đảng ủy đã nêu cao trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo doanh nghiệp, ngân hàng định hướng các hoạt động thông tin, tuyên truyền; chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát, vì vậy Cuộc vận động đã được triển khai thường xuyên, đi vào nền nếp, tạo được sự hưởng ứng của cán bộ, công nhân viên lao động trong Khối.

Các tổ chức chính trị - xã hội trong Khối nêu cao trách nhiệm trong công tác triển khai, phối hợp, nâng cao hiệu quả tuyên truyền và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiệu quả mang lại từ CVĐ đã làm thay đổi nhận thức, thói quen của cán bộ, công nhân viên, người lao động trong Khối và người tiêu dùng, đã chọn lựa mua hàng Việt Nam, nhờ đó thúc đẩy sản xuất hàng Việt, mở rộng thị trường hàng Việt nói chung, hàng của các doanh nghiệp trong Khối nói riêng.

đồng chí Nguyễn Thị Tiếp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động của Đảng ủy Khối DNTW báo cáo kết quả CVĐ năm 2018.
Đồng chí Nguyễn Thị Tiếp - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận, Phó Trưởng Ban thường trực 
Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động của Đảng ủy Khối DNTW báo cáo kết quả CVĐ năm 2018.

Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

Để CVĐ ngày càng trở nên thiết thực, công tác tuyên truyền tiếp tục được Ban Chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc Khối quan tâm, triển khai nghiêm túc thông qua 126 trang thông tin điện tử, báo, tạp chí và các hội nghị, buổi sinh hoạt chính trị, chuyên môn, các hoạt động đoàn thể của các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối, qua đó đã quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên, người lao động tại các phòng, ban, bộ phận phụ trách, đơn vị... nêu cao nhận thức, tự giác, gương mẫu trong tham gia, hưởng ứng thực hiện tốt Cuộc vận động. Nội dung tuyên truyền tập trung quán triệt, tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác quản lý, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tuyên truyền kết nối tiêu dùng; tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối; thông tin, phản ánh kết quả thực hiện Cuộc vận động của đơn vị, nêu gương các điển hình tiêu biểu trong hưởng ứng Cuộc vận động v.v… với nội dung thiết thực. Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Cao su lồng ghép tuyên truyền trong nội dung Trang tin Công đoàn Cao su với số lượng 3.400 tờ/tháng và Tạp chí Cao su phát hành 2 kỳ với 54.000 cuốn/tháng; Tổng công ty Hàng không Việt Nam với hơn 600 bài tuyên truyền và 1.300 bản tin online; Ngân hàng TMCP Công thương với 57 bài viết tuyên truyền; Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tham gia thực hiện các chương trình “Chương trình nông nghiệp sạch” trên VTV1, “Nông nghiệp hữu cơ”, “Nông nghiệp công nghệ cao”...

Ban chỉ đạo đã tham mưu cấp ủy lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như các chương trình phát động thi đua, tọa đàm, hội thảo, thi tìm hiểu về hàng hóa, sản phẩm thương hiệu Việt. Tiểu biểu như Tổng công ty Bưu điện VN tổ chức 46 khóa đào tạo cho tổng số 3.000 CBCNV về nghiệp vụ, quản trị, kỹ năng bán hàng và 40 khóa cho hơn 2.000 lượt lao động trực tiếp; Công đoàn Cao su đã phát động nhiều phong trào thi đua, có 955 sáng kiến làm lợi trên 17 tỷ đồng; 258 sáng kiến được áp dụng, 14 công trình do Công đoàn Đường sắt Việt Nam hoàn thành với trị giá 10 tỷ đồng...

Các đảng ủy trực thuộc đã tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị phát huy nội lực, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tăng cường sử dụng hàng Việt; tích cực nghiên cứu, cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các hoạt động nhằm giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; giữ vững và phát triển thị trường trong và ngoài nước, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, như Tập đoàn CN Than & Khoảng sản VN thực hiện đồng bộ các giải pháp gia tăng sản lượng và năng suất lao động, khai thác than lộ thiên tăng độ sâu lên 15-20m/năm, tăng sản lượng từ 10-20%/năm. Một số công trình tự động hóa như: Hệ thống tự động hóa băng tải giếng chính CT than Mạo Khê (giảm 70% nhân lực); tự động hóa tuyến băng tải lò XV-300 CT CP than Hà Lầm (giảm 40% nhân lực); hệ thống tự động hóa trạm quạt gió Công ty CP than Núi Béo (giảm 50% nhân lực); hệ thống tự động hóa tuyển Công ty CP than Vàng Danh (giảm 60% nhân lực). Gần 60% gói thầu của TĐ Điện lực VN thực hiện qua mạng, tiết kiệm chi phí tổ chức đấu thầu, thực hiện mục tiêu tiết giảm chi phí, tăng cường hiệu quả trong mọi khâu của quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh...

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về CVĐ, về chủ trương các doanh  nghiệp, ngân hàng trong Khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối tiếp tục tổ chức ký cam kết hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, cụ thể hóa bằng triển khai nhiều hợp đồng của các đơn vị thành viên trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, sản xuất nông lâm nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với trị giá hợp đồng hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2018. Hầu hết các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối đã nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng và nhu cầu thị trường; xác định nhu cầu và năng lực đáp ứng các sản phẩm, dịch vụ, khả năng liên doanh, liên kết của các đơn vị để từ đó xây dựng hình thức hợp tác, phối hợp, hỗ trợ, tổ chức ký kết giao ước thực hiện hoạt động liên kết, hợp tác hai bên, ba bên nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động. Trong đó, Đảng ủy Tổng công ty Viễn thông MobiFone xây dựng Kế hoạch tiếp tục triển khai thỏa thuận hợp tác với các đảng ủy trong và ngoài Khối trong năm 2018; Đảng ủy Tổng công ty Bưu điện đã tổ chức khảo sát, làm việc với 18 doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối, tổ chức ký kết hợp tác toàn diện được với 10 đơn vị, doanh thu cung cấp và sử dụng sản phẩm, dịch vụ giữa VNPost với các đơn vị trong Khối năm 2018 khoảng 340 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN triển khai ký kết hợp tác được thêm 11 doanh nghiệp, ngân hàng trong và ngoài Khối như: Ngân hàng TM Sài Gòn - Hà Nội, Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam, Tập đoàn Dệt May, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Ngoại thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...

Lãnh đạo Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, sửa đổi, bổ sung kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong Khối nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng và nhu cầu kinh doanh, thị trường. Nhiều tập đoàn, tổng công ty chỉ đạo các đơn vị thành viên lập kế hoạch sản xuất, mua sắm đầu tư trong đó ưu tiên và nâng cao tỷ trọng sử dụng dịch vụ, sản phẩm trong nước; tổ chức các Hội nghị để cung cấp thông tin sát thực, kịp thời về đơn vị sản xuất, sản phẩm cũng như tìm hiểu, nắm bắt các nhu cầu, phản hồi, đánh giá của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ đang cung cấp đồng thời cập nhật danh mục hàng hóa trong nước sản xuất trên trang thông tin điện tử về công tác đấu thầu; thường xuyên tiến hành thống kê, lập danh mục các dịch vụ của các đơn vị, xây dựng các giải pháp khai thác hiệu quả các nguồn lực, liên kết sản xuất giữa các đơn vị trực thuộc với nhau. Chỉ đạo việc xây dựng thương hiệu Việt, giữ vững, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; với hệ thống chi nhánh, công ty thành viên trải rộng khắp cả nước đã cung cấp hàng trăm nghìn sản phẩm đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng, nhiều sản phẩm có chất lượng cao hơn hàng ngoại nhập từng bước chiếm lĩnh làm chủ được thị trường nội địa, được người tiêu dùng đánh giá cao như xi măng, thép xây dựng, dệt may, hóa chất, gạo, giấy, dịch vụ bưu chính, viễn thông, hàng không, đường sắt,... Các ngân hàng thương mại cổ phần luôn tiên phong thực hiện chủ trương, chính sách tiền tệ của Đảng, Nhà nước, tích cực góp phần điều chỉnh lãi suất, tỷ giá, tài trợ vốn các dự án kinh tế, công trình trọng điểm quốc gia; kinh doanh dịch vụ có hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước; liên kết với các đối tác là doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ trong nước để thúc đẩy bán chéo, cung cấp cho khách hàng các gói sản phẩm hiện đại như: cho vay mua sắm tài sản (nhà, ô tô, thiết bị nội thất…); phát hành thẻ đồng thương hiệu với các đơn vị cung cấp hàng hóa, trung tâm thương mại, đơn vị lưu trú, dịch vụ ăn uống,...

Taị Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến hay cũng như đưa ra những giải pháp cụ thể để CVĐ ngày càng thiết thực thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng các sản phẩm nội địa; đưa ra các giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt về địa bàn vùng sâu, vùng xa, nông thôn, khu công nghiệp, các khu đô thị và cách tổ chức các hoạt động bán hàng khuyến mại; tổ chức điều tra, khảo sát thị trường.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy Khối khẳng định, việc triển khai CVĐ trong toàn Đảng bộ Khối DNTW đã đạt những kết quả tích cực, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân. 33 đơn vị kinh doanh trong Khối đã khẳng định trong việc chiếm lĩnh thị trường trong nước, ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau; giữ được vị trí, vị thế trên trường quốc tế.

Công tác thông tin, truyền thông, quảng bá hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, tôn vinh, biểu dương sản phẩm tiêu biểu được đẩy mạnh thông qua việc đấu tranh, phê phán các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tiến tới tổng kết 10 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong năm 2019, đồng chí đề nghị, Ban Chỉ đạo CVĐ của Đảng ủy Khối cũng như các đảng ủy trực thuộc cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với các hình thức, nội dung cụ thể phù hợp với mỗi đơn vị, sản phẩm, dịch vụ; phát huy trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo để thực hiện CVĐ hiệu quả nhất. Bên cạnh việc kiểm tra giám sát, Ban Chỉ đạo cần làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng để kịp thời động viên, khích lệ các đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp tích cực trong triển khai thực hiện CVĐ, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi sử dụng hàng Việt. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, cần tạo điều kiện, động lực, khuyến khích từng doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, thay đổi công nghệ, xây dựng thương hiệu, thị trường để sản phẩm, dịch vụ ngày càng chất lượng và cạnh tranh.

P.V

.
.
.
.