.
.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Thứ Năm, 07/03/2013|21:48

Ngày 07/3/2013, tại Thủ đô Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đến dự có các đồng chí:  Nguyễn Thiện Nhân – Phó thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc – Phó bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương…

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Phó thủ tướng Chính phủ, thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Học viện Bưu chính Viễn thông sáng 7-3-2013
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Phó thủ tướng Chính phủ, thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Học viện Bưu chính Viễn thông sáng 7-3-2013

 

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là đơn vị đầu tiên và điển hình của cả nước trong việc gắn kết giữa Nghiên cứu với Đào tạo và Sản xuất kinh doanh trong 1 số Tổng công ty lớn của Nhà nước theo tinh thần Hội nghị lần 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII. Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) đã tiên phong, chủ động xây dựng Đề án và trình Chính phủ xin thành lập Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trên cơ sở sáp nhập các đơn vị Nghiên cứu, Đào tạo của Ngành Bưu điện (Trường Đại học thông tin liên lạc được thành lập năm 1953, Viện Khoa học kỹ thuật Buu điện được thành lập năm 1966, và một số đơn vị khác…) để thực hiện gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh.

Sau quá trình xây dựng và trưởng thành, đến nay, Học viện có trụ sở chính đặt tại Thủ đô Hà nội và có: 02 cơ sở đào tạo tại TP. Hà nội và TP. Hồ Chí Minh với 13 khoa đào tạo Đại học và sau Đại học với quy mô trên 28 nghìn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh; 01 Trung tâm đào tạo Quốc tế thực hiện đào tạo chất lượng cao và liên kết đào tạo với các Trường Đại học nước ngoài; 02 Trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn là Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông 1 (tại Hà nội) và Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông 2 (tại TP. Hồ Chí Minh) thực hiện đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ và bổ túc kỹ năng cho cán bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt nam và các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp khác ở trong và ngoài nước với quy mô trên 10 nghìn lượt người/năm; 03 Viện nghiên cứu khoa học đầu ngành là Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện; Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông và Viện Kinh tế Bưu điện.

Học viện thực hiện mô hình gắn kết giữa Đào tạo (trường Đại học), Nghiên cứu khoa học (Các Viện nghiên cứu đầu ngành) và Sản xuất kinh doanh (mạng lưới của doanh nghiệp và nhu cầu xã hội). Hoạt động nghiên cứu của Học viện được thực hiện bởi các Viện nghiên cứu chuyên ngành hoạt động tự chủ với 100% đề tài đều do doanh nghiệp đặt hàng và các kết quả nghiên cứu đều được áp dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Tập đoàn VNPT) nên hoạt động nghiên cứu của Học viện vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn và luôn theo kịp với các thay đổi của công nghệ, luôn bám sát được với thực tiễn của mạng lưới. Những năm qua Học viện đã thực hiện hàng nghìn hợp đồng khoa học và chuyển giao công nghệ với các đơn vị trong và ngoài nước. Nguồn thu từ hoạt động Khoa học công nghệ của Học viện hiện đã đạt gần 30% tổng nguồn thu (vượt 25% chỉ tiêu đề ra của Chính phủ tại Nghị quyết 14/2005/NQ-CP cho các Trường Đại học Việt Nam vào năm 2020).

Qua thực tiễn hoạt động, Học viện đã cơ bản tiếp cận giải quyết được vấn đề tồn tại lớn mà nhiều Trường đại học của Việt nam đang gặp phải, đó là liên kết được các yếu tố: Cơ sở đào tạo - Doanh nghiệp và xã hội - Viện nghiên cứu - Cơ sở đào tạo/nghiên cứu khác.  

Là đơn vị Nghiên cứu, Đào tạo công lập nhưng ngay từ ngày đầu thành lập đã không hưởng kinh phí từ ngân sách Nhà nước, vượt qua những khó khăn ban đầu của mô hình thí điểm với hệ thống cơ chế chính sách chưa đồng bộ, đến nay Học viện đã hoàn toàn tự chủ, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, tự trang trải toàn bộ kinh phí (bao gồm cả khấu hao đầu tư) nhưng vẫn là tổ chức Công lập, phi lợi nhuận. Việc chuyển nhanh sang tự chủ chính là điểm đột phá cơ bản mang tính chất quyết định để Học viện thực hiện chiến lược “đào tạo và nghiên cứu phải thật sự đáp ứng theo nhu cầu xã hội”, qua đó khẳng định và nâng cao vị thế, thương hiệu, chất lượng giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học trước xã hội.

Tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động, đồng chí Giám đốc Học viện 
PGS. TS. Hoàng Minh khẳng định mô hình Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là mô hình của tổ chức nghiên cứu và đào tạo mới, tiêu biểu ở Việt Nam: Đơn vị Nghiên cứu, Đào tạo công lập chất lượng cao, hoạt động hoàn toàn tự chủ và phi lợi nhuận, khác với hai mô hình chủ yếu hiện nay là mô hình Trường Đại học công lập hoạt động còn chưa được thật sự tự chủ và mô hình Trường Đại học tư thục hoạt động còn vì mục tiêu lợi nhuận. Trên thực tiễn, mô hình vừa có Trường Đại học, vừa có Viện nghiên cứu, hoạt động tự chủ theo định hướng đáp ứng các nhu cầu xã hội của Học viện đã tiệm cận với mô hình của các trường Đại học nghiên cứu có uy tín trong khu vực và trên Thế giới hiện nay.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân định hướng để Học viện sẽ đi đầu trong việc đào tạo sinh viên ra trường có thể sự dụng thành thạo tiếng anh trong công việc…
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân định hướng để Học viện sẽ đi đầu trong việc đào tạo sinh viên ra trường có thể sự dụng thành thạo tiếng anh trong công việc…

Học viện đã tiên phong đi đầu trong việc chủ động mở thêm một số ngành đào tạo mới lần đầu tiên được tổ chức đào tạo ở Việt Nam như: ngành Công nghệ Đa phương tiện, ngành An toàn Thông tin... nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin cho các ngành, các tổ chức Chính phủ và doanh nghiệp.

Thông qua các chương trình, các dự án hợp tác quốc tế của Tập đoàn VNPT, Học viện đã tiếp thu, làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các đối tác, các nhà sản xuất công nghiệp, các Viện nghiên cứu về Viễn thông và CNTT trên thế giới như  Hoa kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Nga, Hàn quốc, Cộng hòa Áo...

Học viện cũng thực hiện các đề tài nghiên cứu về tiêu chuẩn, định mức, đo lường chất lượng mạng lưới. Học viện đã chủ trì xây dựng phương án và thực hiện 500 đợt đo kiểm chất lượng mạng lưới. Phần lớn các thiết bị Viễn thông, Công nghệ thông tin phức tạp, đa dạng của các nhà cung cấp trên thế giới được Học viện kiểm tra, đánh giá trước khi đưa vào khai thác chính thức trên mạng lưới Viễn thông Việt nam, trong đó có nhiều thiết bị có công nghệ rất cao như tổng đài điện tử, hệ thống chuyển mạch mềm, các thiết bị vệ tinh, hệ thống thông tin di động 3G… Hiện nay, Học viện là đơn vị chủ lực, nòng cốt của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam có đủ trình độ kỹ thuật, có đủ đội ngũ và kinh nghiệm trong việc thực hiện tối ưu mạng vô tuyến của các mạng di động 2G và 3G.

Phát biểu tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động sáng 7-3, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh những thành tựu xuất sắc của Học viện trong thời gian vừa qua và con số 96% sinh viên tốt nghiệp Học viện tìm được việc làm là những con số ấn tượng. Học viện đã đi đầu trong một số mã ngành mới và những ngành này sẽ là những ngành mũi nhọn của lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam. Phó thủ tướng cũng định hướng để Học viện sẽ đi đầu trong việc đào tạo sinh viên ra trường có thể sự dụng thành thạo tiếng anh trong công việc…

Danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hôm nay vừa là niềm tự hào, là vinh dự, động lực dành cho các thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, công nhân viên Học viện Công nghệ BCVT qua các thời kỳ và cũng là trách nhiệm to lớn mà Đảng, Nhà nước, Ngành tiếp tục tin tưởng, giao phó cho Học viện trong giai đoạn phát triển mới.

Khánh Vân

.
.
.
.