Như cánh chim không mỏi…
Hết Công trình Thủy điện Sơn La rồi lên Lai Châu, giờ đây là công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng và công trình điện khí Dung Quất ở Quảng Ngãi. Đó là những công trình mà anh Phạm Hồng Phương – Giám đốc Ban QLDA Điện 1 luôn được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tin tưởng giao trọng trách là “cánh chim đầu đàn” đi đến vùng đất mới để xây dựng công trình nguồn điện cho đất nước.
Và thành quả luôn dành cho những người đúng hẹn khi các công trình anh được giao trọng trách đều về đích trước so với kế hoạch đề ra. Trong vinh quang đó là không ít khó khăn, vất vả, sự hi sinh của vị “tướng” ở 2 công trình thủy điện lớn nhất đất nước này.
“Ăn núi ngủ rừng”
Anh Phạm Hồng Phương (mũ đỏ) giới thiệu với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về Công trình Nhà máy thủy điện Lai Châu, tháng 7/2016. Ảnh đơn vị cung cấp. |
Nhiều đồng nghiệp đều đánh giá anh là người bản lĩnh, trí tuệ, không ngại khó, ngại khổ, chấp nhận hy sinh và luôn “cháy” hết mình vì công việc. Và chính cái khí chất ấy đã giúp công trường anh đã kinh qua luôn đoàn kết, thống nhất ý chí đưa công trình về đích đúng và trước hẹn.
Phạm Hồng Phương sinh ngày 19/8/1969 tại Hải Dương. Với nụ cười hiền hậu, ánh mắt sáng, dáng người tầm thước, nước da sạm đen vì nắng mưa công trường, chất giọng từ tốn, khiêm nhường, anh kể về quãng thời gian gần 15 năm “ăn núi ngủ rừng” ở nơi “chảo nắng, túi mưa” trên 2 công trình thủy điện trọng điểm.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Phương được nhận vào làm việc tại Ban Chuẩn bị đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sau do yêu cầu sắp xếp của tổ chức chuyển thành Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La (từ cuối năm 2018 đổi thành Ban QLDA Điện 1).
Anh Phương nhớ lại: Năm 2003, khi con trai anh chưa đầy 6 tháng tuổi, anh nhận quyết định của lãnh đạo lên công trình Thủy điện Sơn La. Không chần chừ, anh xách ba lô lên đường. Trước khi đi anh hứa với vợ lên công trường vài ba năm rồi sẽ lại về với gia đình.
Anh tham gia Ban quản lý dự án từ ngày đầu là một cán bộ kỹ thuật, đến Tổ trưởng, Phó phòng Kỹ thuật. Sau đó, do yêu cầu công việc cũng như sự phân công của cấp trên, anh lần lượt kinh qua các vị trí Phó phòng Kinh tế, Phó phòng Vật tư thiết bị rồi Phó giám đốc cơ sở tro bay (nguyên liệu chính để thực hiện đổ bê tông đầm lăn phục vụ công trình thủy điện Sơn La và trở thành một trong những yếu tố quan trọng giúp công trình về đích sớm 3 năm so với kế hoạch); Trưởng phòng Kế hoạch rồi Phó Giám đốc Ban và Giám đốc Ban.
Anh Phạm Hồng Phương (thứ 3 từ trái sang) nhận Huân chương Lao động hạng Nhì vì có thành tích xuất sắc xây dựng công trình NMTĐ Lai Châu, năm 2015. Ảnh: Xuân Tiến |
Cũng bởi đã được trui rèn, trưởng thành từ thực tế nên Phạm Hồng Phương hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả mà người “lính thủy điện” sẽ phải đối diện, vượt qua nếu muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó trước hết là các dự án thủy điện hầu hết nằm ở nơi thâm sơn cùng cốc, núi thẳm rừng sâu, đi xây dựng thủy điện là đi khai phá một vùng đất mới. Tuy nhiên, cái nghiệp thủy điện cũng cho người ta cái sự tự hào. Và với anh, đó trước hết là sự khẳng định thành công trong cái nghiệp của mình. Sau đó là sự khẳng định mình đã huy động được sức mạnh tập thể để cùng nhau chung lưng góp sức giải quyết khó khăn, thách thức đi đến thành công của công trình thủy điện Sơn La khi về đích trước so với Nghị quyết của Quốc hội là 3 năm và tiết kiệm chi phí cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.
Vì nguồn sáng của đất nước
Sau khi hoàn thành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, năm 2010, EVN đã quyết định triển khai thi công xây dựng NMTĐ Lai Châu. Một trong những vấn đề đầu tiên được lãnh đạo EVN đưa ra là phải có một cán bộ quản lý làm tổng chỉ huy trực tiếp trên công trường. Lúc này anh Phương có 2 lựa chọn, một là về Hà Nội làm ở một ban chuyên môn của EVN. Hai là lên Lai Châu để triển khai Dự án. Là Đảng viên, không chần chừ, anh chọn con đường khó khăn, thử thách hơn là lên công trình thủy điện Lai Châu.
Nhớ lại những ngày đầu có mặt trên công trình xây dựng thủy điện Lai Châu, anh Phương tâm sự: Bước lên vùng đất Nậm Nhùn, Lai Châu làm thủy điện là vô cùng khó khăn, khắc nghiệt. Sóng điện thoại không có, đường sá đi lại khó khăn khi phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ mới có thể đi từ thị xã Mường Lay vào tới công trường. Anh Phương cho biết, khi lên công trường lãnh đạo Tập đoàn đã sắp xếp cho anh ở thị xã Mường Lay và hàng ngày đi vào công trình làm việc. Nhưng vì đường sá cách trở, đi lại khó khăn, nếu ở ngoài Mường Lay sẽ không có nhiều thời gian để làm việc. Vậy nên anh quyết định ở công trường cùng với anh em. Thời gian đầu, lán trại là nhà tạm, rất chật chội. Ngủ thì chỉ có mấy chiếc giường tầng xếp san sát, không lối đi với khoảng 30 người. Phải 8 tháng sau, với sự nỗ lực của cả tập thể, công trường mới bắt đầu có cơ sở vật chất tương đối.
Anh Phạm Hồng Phương (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang phải) được Đảng bộ Khối DNTW tôn vinh là điển hình tiên tiến giai đoạn 2011-2015. Ảnh: Xuân Tiến |
“Khó khăn, thiếu thốn về vật chất đã đành, nhưng cái khổ lớn nhất mà người làm thủy điện phải đối diện lại là cuộc sống xa gia đình. Nhiều người vì nhiệm vụ đã phải bám trụ tại công trường nhiều tháng trời. Vợ ốm, con đau có khi cũng không thể về, chỉ biết gọi điện thoại hỏi thăm được mấy câu rồi thôi. Việc lớn, việc nhỏ vì thế đều phó mặc cho người vợ ở nhà. Mình làm lãnh đạo vì thế càng phải gương mẫu, càng phải đi đầu để động viên, khích lệ anh em” - anh Phương nói.
Bởi suy nghĩ như vậy nên người ta thấy, vào những đợt cao điểm, Phạm Hồng Phương “ăn dầm ở dề” mấy tháng trời trên công trình. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa anh đều có mặt ở những điểm “nóng” nhất để trực tiếp làm việc với các nhà thầu, đơn vị thi công tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ của dự án. Rồi có những khi, người ta còn thấy anh trắng đêm trên công trường, thức cùng anh em để kiểm tra, giám sát các hạng mục thi công.
Sau hơn 5 năm thi công, từ khi được giao tổng chỉ huy trên công trường Thủy điện Lai Châu, anh chưa một lần lỗi hẹn với lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành và EVN khi đưa ra các cam kết về tiến độ công trình như phát điện tổ máy 1, tổ máy 2, tổ máy 3 – tổ máy cuối cùng để toàn bộ công trình hoàn thành vào tháng 12/2016, vượt trước tiến độ 1 năm so với kế hoạch đề ra và giúp tiết kiệm chi phí cho nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng.
Anh Phương cho biết thêm: Sau khi hoàn thành công trình thủy điện Lai Châu, Ban đã sắp xếp, tái cơ cấu lại mô hình cho tinh gọn để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với mục tiêu xây dựng Ban thành một ban quản lý dự án chuyên nghiệp, nhiều kỹ sư của Ban được đưa đi đào tạo các chuyên ngành chuyên sâu về nhiệt điện, năng lượng tái tạo để đáp ứng yêu cầu mới. Đến nay, Ban QLDA NMTĐ Sơn La xưa đã được thay đổi mô hình tổ chức và đổi tên thành Ban QLDA Điện 1 có chức năng chuẩn bị sản xuất cho các dự án nguồn điện khi được EVN giao nhiệm vụ; tư vấn quản lý dự án, tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán các công trình nguồn điện và các công trình lưới điện…
Kể từ khi thành lập mới, Ban QLDA Điện 1 do anh Phương làm giám đốc đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục tin tưởng giao cho Ban thực hiện dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng, Dự án Trung tâm Điện lực Dung Quất. Ngoài ra đã hoàn thành tư vấn giám sát, tư vấn kỹ thuật cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi (Lâm Đồng) và đang thực hiện tư vấn giám sát cho một số đập thủy lợi sử dụng bê tông đầm lăn theo hợp đồng ủy thác của EVN.
Với những nhiệm vụ mới được giao, cánh chim không mỏi ấy sẽ lại tiếp tục lĩnh ấn tiên phong để để đi xây dựng công trình điện, mang lại nguồn sáng cho đất nước.
Xuân Tiến (EVN)