Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022:
Tập đoàn VNPT đóng góp lớn cho Cổng Dịch vụ Công quốc gia
Kể từ khi đưa vào vận hành, Cổng Dịch vụ Công quốc gia (DVCQG) với gần 4 nghìn dịch vụ công trực tuyến đã ngày càng tỏ ra dẹp bỏ những nghi ngại “hành là chính” lâu nay trong xã hội. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính một cửa, liên thông và hệ thống Dịch vụ hành chính công - Một cửa điện tử thực sự là cuộc cách mạng về cải cách thủ tục hành chính, làm lợi cho cả xã hội rất nhiều. Trong đó có sự đồng hành và đóng góp lớn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Nhiều lợi ích không chỉ tính ra bằng tiền
Cổng DVCQG được chính thức đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019, ban đầu với 6 phân hệ và cung cấp 7 chức năng chính, giúp theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công theo hướng cá nhân hóa thông tin người dùng, cung cấp nhiều tiện ích cho người dân. Sau 1 năm vận hành đã có gần 500 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 100 triệu lượt truy cập; hơn 27,5 triệu hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ trạng thái và gần 745 nghìn hồ sơ được xử lý trực tuyến. Cổng cũng đã tiếp nhận, xử lý hơn 9,7 nghìn phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 44,8 nghìn cuộc gọi tới. Thời điểm đó, theo đánh giá thì việc liên tục tích hợp thêm các dịch vụ công đã giúp nâng tổng chi phí tiết kiệm chi phí xã hội lên khoảng 8 nghìn tỷ đồng/năm. Như vậy, với 2.700 dịch vụ cung cấp cho người dân và doanh nghiệp ban đầu, đó cũng chỉ là con số tiết kiệm đong đếm được, còn chưa thể tính hết những lợi ích vô hình khác đối với cả xã hội.
Tới thời điểm này, Cổng DVCQG đã cung cấp khoảng 3.900 dịch vụ công trực tuyến tới mức độ 3 và 4 với gần 128 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện. Đơn cử lợi ích trong cải cách hành chính thời gian qua ở từng hàng mục cho thấy: Việc đơn giản hoá gần 5.000 thủ tục hành chính đã giúp tiết kiệm gần 30 nghìn tỷ đồng/năm; việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành - mới chỉ ở mức gần 56% đã giúp tiết kiệm gần 6 triệu ngày công, tương đương gần 894 tỷ đồng/năm. Việc cắt giảm mới chỉ 68% dòng hàng kiểm tra chuyên ngành đã giúp tiết kiệm hơn 12 triệu ngày công, tương đương gần 5.443 tỷ đồng/năm. Những con số này đã giúp tiết kiệm đáng kể cho ngân sách nhà nước, cũng chính là tiết kiệm chi tiêu từ nguồn tiền mà người dân và doanh nghiệp phải đóng góp.
Lấy sự hài lòng của dân là trung tâm
Nỗ lực thực hiện cải cách hành chính nhằm lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, với mục tiêu là cắt giảm, đơn giản hoá quy định; đổi mới tổ chức thực hiện và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quá trình triển khai. Với việc sử dụng triệt để năng lực của hệ thống Cổng DVCQG, Việt Nam đã gắn việc đơn giản hóa quyết thủ tục hành chính với số hóa toàn bộ trong các khâu tiếp nhận, giải quyết xử lý…. và hoàn toàn không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Người dân, doanh nghiệp được định danh mã số thống nhất trên môi trường điện tử trong các hoạt động giao tiếp với cơ quan nhà nước, nên chỉ phải cung cấp thông tin, dữ liệu một lần khi làm việc. Được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở…
Vậy những điều đó cho thấy gì? Tất cả những giao dịch tưởng như “vô hình” đó đã đem đến biết bao nhiêu lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. “Máy móc vô tình” nên chắc chắn không có cửa gì cho việc nhũng nhiễu, không có đường nào để người dân và doanh nghiệp phải “lót tay”, đặc biệt là việc không phải phải chạy đi chạy lại, chạy đôn chạy đáo gõ cửa các cơ quan quản lý nhà nước - vừa đỡ mất thời gian và công sức của dân, ở các khu đô thị lớn lại vừa không gấy thêm áp lực gây tắc nghẽn giao thông.
Cốt lõi trong giải quyết thủ tục hành chính
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, Tp. Hà Nội được chọn làm điểm, làm mẫu để tiến tới thực hiện trên quy mô 63 địa phương, với 700 đơn vị cấp huyện, 1.200 các sở, ngành và khoảng 10.000 đơn vị cấp xã.
Việc triển khai Đề án phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, với quy mô lớn, tiến hành trên phạm vi rộng, có sự phối hợp của nhiều bộ ngành và địa phương, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài. Đề án xác định lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển với những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bên liên quan trong quá trình triển khai.
Đề án gồm 5 nhóm tiện ích, cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong đó tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến là nội dung cốt lõi, tạo cơ sở thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ khác. Nhóm tiện ích về dịch vụ công, số hoá hồ sơ giấy tờ, chia sẻ dữ liệu chỉ tuy là 1 trong 5 nhóm tiện ích của Đề án, nhưng việc triển khai thành công sẽ tạo niềm tin và là cơ sở tiền đề cho phát triển kinh tế số, xã hội số và hết sức quan trọng cho triển khai 4 nhóm tiện tích còn lại.
Để triển khai nhóm tiện ích này, các bộ ngành và địa phương phải thực hiện khối công việc rất lớn, trong đó phải số hoá và cung cấp dịch vụ công tích hợp lên Cổng DVCQG khoảng 1.500-1.700 thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền, chưa kể theo ngành dọc tại các địa phương. Bên cạnh đó phải đổi mới bộ phận một cửa tại 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) trở thành trung tâm chuyển đổi số từ xã lên huyện, lên tỉnh và kết nối với hệ thống thông tin trên Cổng DVCQG.
Đây được coi là cuộc cách mạng về chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính khi được tiến hành đồng bộ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiệp vụ và ứng dụng CNTT, đưa dữ liệu dân cư vào phục vụ phát triển kinh tế xã hội, với việc tích hợp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp./.
Ngô Quang Thuấn - Chi bộ Trung tâm Truyền thông Vcomms
Đảng bộ Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông