Nhật ký thiên lý Trường Sa
Khi được phân công tham gia đoàn công tác đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, tôi hết sức bất ngờ và hạnh phúc. Đây là mơ ước của tôi từ lâu, nhưng cứ nghĩ rằng khó có dịp được đặt chân đến Trường Sa, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến đi này đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc.
Chuyển quà tặng của các địa phương, đơn vị cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa. |
* Ngày 3/5/2012...
Đúng 14 giờ, tất cả đoàn tập trung tại Hội trường Nhà khách của Quân chủng Hải quân tại số 1A, đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. HCM. Theo thông tin từ đồng chí chuẩn đô đốc Binh chủng Hải quân Đinh Gia Thật trong Hội nghị triển khai kế hoạch ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, đây là đoàn thứ 11 ra thăm đảo trong năm 2012. Đoàn có tổng số 190 đại biểu (có 32 nữ) đến từ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và 11 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL thuộc Quân khu 9 (trừ Kiên Giang đã tổ chức đi riêng). Tất cả đại biểu đều tin tưởng và yên tâm khi biết rằng tàu đưa đoàn đi thăm Trường Sa là tàu HQ 996, loại tàu lớn của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân. Tàu có độ rẽ nước trên 2.000 tấn, dài 70m, được trang bị tương đối hiện đại, đã nhiều lần đưa đón các đoàn cán bộ và nhân dân từ đất liền ra thăm Trường Sa an toàn. Các đại biểu còn được nghe phổ biến những quy định để đảm bảo an toàn trên suốt chuyến đi.
Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương triển khai kế hoạch thăm Quân, Dân Huyện đảo Trường Sa-Nhà giàn DK1 năm 2012 |
* Ngày 4/5/2012...
Lúc 8 giờ sáng, tàu rời cảng Cát Lái bắt đầu chuyến hành trình trên biển đưa đoàn cán bộ đi thăm Trường Sa. Tại cầu cảng, sĩ quan và chiến sĩ hải quân tiễn đưa đoàn rất lưu luyến và cảm động. Nhiều tấm ảnh lưu niệm được chụp và nhiều lời chúc đoàn lên đường may mắn, an toàn.
Từ cảng Cát Lái ra đến cửa biển Vũng Tàu - Cần Giờ dài khoảng 80km, tàu đi mất 5 giờ. Trừ thời gian ăn trưa và nghỉ ngơi, hầu hết đại biểu dành thời gian ra boong tàu để ngắm nhìn hai bên bờ sông Sài Gòn. Rất nhiều bến cảng và kho hàng hóa lớn đã và đang được xây dựng; những khu nuôi chim yến nằm san sát; những cánh rừng mắm, đước, dừa nước bạt ngàn; trên sông Sài Gòn, những con tàu vận tải lớn tấp nập ra vào các bến cảng.
Khoảng 13 giờ chiều, tàu ra đến cửa biển Vũng Tàu - Cần Giờ. Bắt đầu từ đây đoàn chính thức tạm biệt đất liền, bắt đầu chuyến hải trình đầy ý nghĩa đến thăm quần đảo Trường Sa thân yêu.
Đêm đầu tiên trên tàu, 19 giờ, chúng tôi dự buổi giao lưu văn nghệ giữa đoàn văn công tỉnh Đồng Tháp và đội văn nghệ của Ngân hàng Công thương với cán bộ, chiến sĩ hải quân trên tàu. Sân khấu dã chiến được dựng lên ngay trên boong. Không khí của buổi giao lưu thật sôi động. Nhiều bài hát ca ngợi hình tượng người lính đảo và tình yêu biển đảo quê hương đã được các ca sĩ nghiệp dư thể hiện với những cảm xúc thật dạt dào. Tôi thật ấn tượng và xúc động khi nghe ca khúc “Đàn ghi-ta một dây” ca ngợi cuộc sống đầy gian khổ, khó khăn nhưng cũng rất lãng mạn của người lính đảo Trường Sa. Một buổi giao lưu văn nghệ khó quên giữa biển trời thân yêu của Tổ quốc.
Giao lưu văn nghệ trên tàu |
* Ngày 5/5/2012...
Tàu tiếp tục hải trình đi về hướng Đông đến đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa.
Sáng sớm, rất nhiều đại biểu tập trung ra boong tàu, mũi tàu, leo lên cả nóc cabin tàu để chờ cơ hội được ngắm và chụp ảnh bình minh trên biển Đông của Tổ quốc. Nhưng rất tiếc vì mặt trời bị che khuất bởi nhiều đám mây ở đường chân trời. Trong đoàn có nhiều phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí với nhiều loại máy ảnh, máy quay phim hiện đại, đắt tiền. Các đại biểu cũng đều có máy ảnh cá nhân đủ loại. Nhưng tất cả đều có điểm chung là tự tay mình chụp lại, quay lại tất cả những thứ xung quanh, trên biển, trên tàu, từ cabin tàu cho đến nhà bếp, hành lang, phòng nghỉ, boong tàu... nhằm lưu giữ thật nhiều những kỷ niệm đặc biệt của chuyến đi.
Buổi chiều, khi mọi người đang nghỉ ngơi trong phòng thì bộ phận trực tàu thông báo trời sắp có mưa to, đề nghị mọi người lấy quần áo đang phơi trên boong phía đuôi tàu. Mẫu thông báo ngắn và kịp thời đó thể hiện sự quan tâm hết sức chu đáo của các chiến sĩ hải quân phục vụ trên tàu. Giống như sự quan tâm của người thân trong nhà.
Buổi tối, do trời mưa nên không thể tổ chức văn nghệ trên boong, đoàn văn công tỉnh Đồng Tháp thông báo tổ chức đờn ca tài tử ngay tại hành lang khu phòng nghỉ. Tuy không gian chật hẹp nhưng thật vui. Các đại biểu (nhất là các đại biểu khu vực phía Bắc) không ngớt vỗ tay tán thưởng cho những bài vọng cổ ca ngợi biển, đảo quê hương.
Trong đêm tàu tiếp tục tăng tốc để đến đảo Đá Lớn sớm hơn dự kiến nhằm tránh thời điểm nước biển rút cạn vào buổi chiều gây trở ngại cho việc tiếp cận đảo và đưa đón đại biểu lên đảo. Mọi người đều mong thời gian trôi qua thật nhanh để sớm đến với đảo Đá Lớn thân yêu.
Đảo Đá Lớn. Ảnh: B.T |
* Ngày 6/5/2012
8 giờ sáng, mọi người trên tàu đã bắt đầu nhìn thấy đảo Đá Lớn. Từ xa nhìn đảo thật nhỏ nhoi giữa biển khơi. Khi được lên thăm đảo, được trò chuyện với các chiến sĩ trên đảo, chứng kiến cuộc sống của các anh, tôi cũng như mọi người đều hiểu rằng đảo có tên là Đá Lớn không chỉ vì phần chìm của đảo khá lớn mà còn vì ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo sắt đá của dân tộc thể hiện qua từng chiến sĩ ở đảo.
Đảo Đá Lớn thuộc bãi đá ngầm của nền san hô ngập nước nằm ở tọa độ 10003’42’’N và 113051’06’’E. Vào những tháng mùa khô thời tiết rất khắc nghiệt, ngày nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, đây lại là thời kỳ trời yên, biển lặng nên rất thuận tiện cho tàu thuyền đi lại, làm ăn trong khu vực. Đảo Đá Lớn cùng với các đảo khác tạo thành hệ thống lá chắn vững chắc bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung bộ.
Các đại biểu lên thăm đảo thắp nén hương tại phủ thờ Bác Hồ trên đảo. Mọi người đều cảm thấy yên lòng hơn khi có Bác luôn ở bên cạnh tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ.
Nước ngọt trên đảo là vô cùng quý giá. Tiêu chuẩn của mỗi chiến sĩ chỉ được 5 lít nước/ngày dùng cho cả tắm, giặt, vệ sinh cá nhân. Các chiến sĩ phải hứng từng giọt nước mưa, nâng niu trữ lại để dành cho mùa khô, sử dụng tiết kiệm để không phải nhận tiếp nước từ đất liền. Nước ngọt quý nên rau xanh cũng quý. Các chiến sĩ tận dụng những khoảng trống trên đảo để trồng rau. Những vườn rau nhỏ được che chắn cẩn thận để tránh gió biển và được chăm sóc hàng ngày nên dù thời tiết khắc nghiệt nhưng các luống rau vẫn xanh tốt, dường như để đáp lại công sức của các chiến sĩ.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương-Phó Bí thư ĐUK, Trưởng đoàn Đại biểu Đảng bộ Khối thăm và tặng quà cán bộ, chiến sỹ Đảo Đá Lớn |
* Ngày 7/5/2012
Chia tay đảo Đá Lớn, đoàn chúng tôi tiếp tục đến với xã đảo Sinh Tồn, nằm ở tọa độ 90053’12’’N và 114019’42’’E thuộc khu vực phía Bắc Trường Sa, là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa. Đảo có chiều dài 390m, rộng 110m. Theo ông Đinh Trong Thắm, Chủ tịch UBND xã đồng thời là Đảo trưởng, sở dĩ đảo mang tên Sinh Tồn là vì đảo được ngư dân biết đến từ rất sớm và ít biến đổi trước sóng, gió. Hơn nữa, một số loại cây mọc tự nhiên trên đảo có sức sống rất mãnh liệt như cây phong ba, cây bão táp, rau muống biển… mặc dù trên đảo không có nước ngọt. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các thế hệ chiến sĩ nên hiện nay thảm thực vật trên đảo rất phát triển. Nhiều giống cây mang từ đất liền ra trồng sinh trưởng rất tốt, tạo bóng mát và cảnh quan rất đẹp trên đảo.
Ngoài các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, xã đảo Sinh Tồn còn có 7 hộ dân đang sinh sống, 1 nhà văn hóa, 1 lớp tiểu học có 5 học sinh (trong tổng số 10 trẻ em trên đảo) đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5, 1 ngôi chùa nhỏ với 2 nhà sư.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương cùng Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối thăm và tặng quà cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Đảo Sinh Tồn |
Đồng chí Trần Thanh Khê-Ủy viên Ban TV, Trưởng ban Tuyên giáo ĐUK, Phó trưởng đoàn đại biểu Đảng bộ Khối, thăm tặng quà các cháu thiếu nhi Đảo Sinh Tồn |
Buổi chiều, đoàn chia tay xã đảo Sinh Tồn để đến thăm đảo đá Len Đao. Cảm động nhất là cảnh tạm biệt đoàn của tất cả sĩ quan, chiến sĩ, cán bộ xã, tất cả hộ dân, 2 nhà sư và các em nhỏ, tóm lại là toàn bộ cư dân trên đảo. Tất cả đều ra tận bến thuyền của đảo, vẫy tay chào tạm biệt đến khi đoàn đã đi rất xa.
Đảo đá Len Đao là 1 trong 12 đảo chìm của Việt Nam, cùng với 2 đảo Cô Lin và Gạc Ma (Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép) tạo nên một cụm đảo có hình tam giác. Đảo nằm ở tọa độ 09046’48’’N và 114022’12’’E. So với các đảo khác thì đảo đá Len Đao là điểm trấn giữ quan trọng và rất phức tạp hiện nay. Bởi, đảo chỉ cách đảo Gạc Ma 5,5 hải lý, có thể nhìn thấy bằng mắt thường các hoạt động dân sự và quân sự của phía Trung Quốc.
Sự kiện ngày 14/3/1988 còn in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam khi đảo bị thế lực nước ngoài xâm lược một cách trắng trợn. Thiếu úy Trần Văn Phương, một sĩ quan trẻ chỉ huy lực lượng chốt giữ trên đảo khôn khéo thực hiện đúng đối sách, kiên quyết, dũng cảm chống lại, anh đã quấn chặt lá quốc kỳ quanh người, biểu tượng chủ quyền của Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu một mất, một còn không cân sức đó, thiếu úy Trần Văn Phương cùng với 63 đồng đội khác đã anh dũng hy sinh. Máu thịt của các chiến sĩ đã quyện chặt với mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng giống như các đoàn khác, tất cả đại biểu đã tập trung lên boong tàu để tham dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh. Những nén hương được thắp lên cho hương hồn các chiến sĩ được sưởi ấm giữa lòng biển quê hương. Những đóa hoa cúc vàng được thả gởi xuống biển đã kết thành một vòng nguyệt quế kính dâng lên các anh. Các anh mãi mãi là người chiến thắng, mang lại niềm kiêu hãnh và sự vinh quang cho Tổ quốc. Các anh hãy yên nghỉ, các thế hệ người Việt Nam yêu Tổ quốc sẽ tiếp bước các anh chắc tay súng bảo vệ chủ quyền và tiếp sức xây dựng biển đảo quê hương ngày thêm vững chắc, tươi đẹp.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương cùng Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối thăm và tặng quà cán bộ, chiến sỹ Đảo Len Lao |
* Ngày 8/5/2012
Rời đảo đá Len Đao, tàu HQ 996 đưa đoàn chúng tôi đến thăm đảo Nam Yết. Đảo nằm ở tọa độ 10010’54’’N, 114021’36’’E thuộc khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Nam Yết là một trong những đảo giữ vị trí chiến lược của quần đảo. Về phía Nam 11 hải lý (20,4km) là đảo Ba Bình (đảo có diện tích lớn nhất Trường Sa) do Đài Loan đang chiếm giữ, về phía Đông 7 hải lý là đảo Ga Ven do Trung Quốc đang chiếm giữ. Đảo Nam Yết có hình bầu dục, dài khoảng 600m, rộng khoảng 125m, có diện tích lớn thứ ba của quần đảo Trường Sa (sau đảo Ba Bình và đảo Trường Sa Lớn).
Cách đây hơn 37 năm, đảo Nam Yết là trung tâm chỉ huy của ngụy quyền Sài Gòn trên quần đảo Trường Sa. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân, một bộ phận lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã tiến ra giải phóng Trường Sa. Sau khi giải phóng các đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, lực lượng của ta tiến công giải phóng đảo, hệ thống phòng thủ của địch nhanh chóng bị tan rã. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, đảo Nam Yết được giải phóng hoàn toàn. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc thể hiện cho ý chí quyết chiến, quyết thắng đã phần phật tung bay trên mốc chủ quyền trong nắng, gió Trường Sa.
Trên đảo không có nước ngọt tự nhiên. Đất trên đảo chủ yếu là cát san hô nên rất khó trồng được các loại cây ăn quả, rau, chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như phong ba, bàng vuông, mù u… Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các chiến sĩ, đã từng bước cải tạo đất bề mặt đảo, sử dụng hiệu quả đất trồng cây chuyển từ đất liền ra, nên thảm thực vật của đảo khá phát triển. Hiện nay, đảo có nhiều gốc cây cổ thụ cho bóng mát, nhiều cây ăn quả cho trái ngọt như dừa, xoài, đu đủ và nhiều loại rau xanh, góp phần cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Đặc biệt, chất đất của đảo rất phù hợp với cây nhàu, loại cây mà người lính đảo gọi là “cà phê dại”.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đảo Nam Yết đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu chiến đấu của các đơn vị đóng trên đảo. Xung quanh đảo có hệ thống kè chắn sóng kiên cố, bảo vệ đảo trước sóng gió, đồng thời cũng là hệ thống lô cốt phòng thủ vững chắc của đảo. Nguồn điện cung cấp cho đảo tương đối đa dạng, từ điện mặt trời, điện gió cho đến điện từ máy phát điện, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện trên đảo. Trên đảo có trạm thu phát tín hiệu truyền hình từ vệ tinh, đáp ứng nhu cầu theo dõi thông tin từ đất liền qua sóng truyền hình. Hệ thống các hầm chứa nước mưa cũng được xây dựng kiên cố với dung tích lớn, đảm bảo dự trữ đủ nước mưa dùng cho cả mùa khô.
Trong chuyến thăm đảo Nam Yết của đoàn, có một sự kiện có ý nghĩa lớn đối với đảo, đó là lễ bàn giao công trình Trung tâm văn hóa đảo Nam Yết do Ngân hàng Công thương Việt Nam tài trợ. Tổng trị giá công trình trên 60 tỷ đồng, trong đó, chi phí vận chuyển vật liệu xây dựng đã chiếm một nửa giá trị. Công trình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ trên đảo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ các giá trị văn hóa của đại đa số cán bộ, chiến sĩ.
Cắt băng khánh thành Trung tâm Văn hóa Đảo Nam Yết do Vietinbank tài trợ |
Chia tay đảo Nam Yết để tiếp tục hải trình đến thăm đảo Trường Sa Đông, chúng tôi đều khấp khởi mừng thầm trước sự lớn mạnh của đảo, xứng đáng là một trong những lá chắn vững chắc trong hệ thống phòng thủ bảo vệ chủ quyền của quần đảo Trường Sa.
Các nữ đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước cột mốc chủ quyền trên đảo Nam Yết. |
* Ngày 9/5/2012
5 giờ, Trường Sa Đông hiện lên lung linh trong ánh bình minh. Từ xa trông đảo như một hòn ngọc nhô lên giữa biển khơi. Trường Sa Đông nằm ở tọa độ 08056’06’’N và 112020’54’’E. Chiều dài của đảo khoảng 200m theo hướng Đông - Tây, chiều rộng ở nửa phía Đông của đảo khoảng 60m, nửa phía Tây khoảng 15m. Diện tích của đảo khá nhỏ nên không gian dành cho các công trình xây dựng không nhiều.
Mặc dù nền đất trên đảo chủ yếu là san hô, lại không có nước ngọt, nhưng cây cối trên đảo vẫn xanh tốt, tạo cảnh quang thoáng mát trên đảo. Các chiến sĩ trên đảo cho biết, khi các lực lượng hải quân đầu tiên lên đóng quân thì đảo chỉ là bãi cát san hô cằn cỗi, nhưng nhờ nỗ lực, phấn đấu chắt chiu từng giọt nước ngọt để tưới cây của các thế hệ chiến sĩ, đã phủ lên đảo một màu xanh của sự sống. Cây bàng quả vuông là loại cây chủ lực trên đảo. Theo các chiến sĩ, thời gian này là mùa hoa bàng nở, hoa thường nở vào ban đêm, rất đẹp nhưng cũng rất mau tàn. Nhiều đại biểu và phóng viên đi theo đoàn tranh thủ chụp lại vẻ đẹp tinh khiết của những đóa hoa nơi đầu sóng ngọn gió này.
Đảo Trường Sa Đông |
Hệ thống các trạm điện gió và điện năng lượng mặt trời trên đảo được đầu tư khá đầy đủ, hiện đại, đảm bảo được nguồn điện phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiếu sáng và sinh hoạt trên đảo. Với sự thông minh, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, các chiến sĩ trên đảo đã thiết kế thành công lò ấp trứng gia cầm đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Do đó, đảo luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong việc tăng gia sản xuất, chăn nuôi.
Trước khi chia tay với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, tất cả mọi người, không ai bảo ai, đều đến thắp những nén hương trước 3 ngôi mộ chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên đảo. Tuổi đời các anh còn rất trẻ, lứa tuổi đẹp nhất của một đời người. Các anh đã hy sinh cả cuộc đời tuổi trẻ tươi đẹp của mình cho Tổ quốc. Các anh sẽ mãi là hình ảnh đẹp, là niềm tự hào trong lòng chúng tôi và mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Xin cầu nguyện cho các anh nơi lòng biển cả sâu thẳm luôn được ấm lòng và mãi mãi giữ gìn sự bình yên của biển trời Tổ quốc thân yêu.
Buổi chiều, tiếp tục hải trình, chúng tôi đến thăm đảo Đá Tây, 1 trong 12 đảo đá ngầm ở Trường Sa. Đảo nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa tại tọa độ 08005’30’’N và 112013’06’’E. Đảo có dạng hình quả trám, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Chiều dài của bãi Đá Tây khoảng 9,1km, chiều ngang khoảng 5,6km, ở giữa có hồ hình vành khuyên với độ sâu từ 18 - 35m, rất thuận tiện cho tàu cá của ngư dân vào tránh bão. Do đó, để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày, cùng với hải quân ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo, Bộ NN&PTNT đã xây dựng một cụm dịch vụ kinh tế, khoa học với diện tích 3.000m2. Đây là nơi cung cấp nước ngọt miễn phí, bán dầu, thực phẩm và thu mua hải sản cho các tàu đánh cá của ngư dân, giúp họ giảm chi phí cho mỗi chuyến ra khơi.
Công trình “Góp đá xây Trường Sa” do Báo Tuổi Trẻ phát động |
Khi đến thăm đảo Đá Tây, đoàn chúng tôi được chiêm ngưỡng một căn nhà 3 tầng kiên cố vừa được một đơn vị công binh hải quân xây xong. Đó là một trong những công trình đầu tiên hiện thực hóa các nguồn lực đóng góp từ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Báo Tuổi Trẻ phát động trong thời gian qua. Đứng trên ban công của căn nhà mới, rộng rãi, vững chắc, hướng ra biển, hít một hơi thật sâu vào lồng ngực cả nắng và gió biển trong lành, lòng tôi cảm thấy thật sảng khoái, tự hào trước sự lớn mạnh của đảo Đá Tây nói riêng và cả quần đảo Trường Sa nói chung. Chắc chắn sẽ còn nhiều và nhiều hơn nữa những công trình hạ tầng được xây dựng từ tấm lòng yêu mến Trường Sa của mọi người dân yêu nước. Qua đó, góp phần đưa Trường Sa trở thành huyện đảo vững mạnh, phát triển về mọi mặt, xứng đáng là vùng đất tiền tiêu ở phía Đông của Tổ quốc.
* Ngày 10/5/2012
Buổi sáng, khi mặt trời tỏa ánh nắng chói chang xuống mặt biển nhấp nhô, tàu HQ 996 đã đưa đoàn chúng tôi cập bến đảo Trường Sa. Theo sự bố trí của Ban tổ chức chuyến đi, khoảng 2/3 số đại biểu sẽ xuống tàu vào thăm đảo Trường Sa và ăn trưa trên đảo, số còn lại sẽ tiếp tục hải trình thăm đảo Đá Lát.
Tàu HQ-996 chở Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối thăm Quân, Dân Huyện đảo Trường Sa-Nhà giàn DK1, cập đảo. |
Đá Lát là đảo đá ngầm nằm ở tọa độ 08040’42’’N và 111040’12’’E thuộc khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa. Đá Lát là đảo san hô chìm, khi thủy triều lên thì toàn đảo ngập nước, khi thủy triều xuống thấp thì các bãi san hô và đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước. Cũng giống như các đảo đá ngầm khác, vấn đề khó khăn nhất trên đảo là nước ngọt cho sinh hoạt và trồng rau, nhất là những tháng mùa khô. Các chiến sĩ trên đảo phải sử dụng nước rất khoa học và tiết kiệm.
Đảo Đá Lát. Ảnh: B.T |
Buổi chiều, chia tay các chiến sĩ ở đảo Đá Lát, tàu đưa chúng tôi quay trở lại thăm đảo Trường Sa. Đảo Trường Sa còn có tên gọi khác là Trường Sa Lớn. Sở dĩ có thêm tên gọi đó là vì đảo có diện tích phần nổi lớn thứ hai của quần đảo Trường Sa. Đảo Trường Sa nằm ở tọa độ 08038’30’’N và 111055’55’’E, thuộc khu vực phía Nam của quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 254 hải lý.
Nhìn từ xa, đảo có hình dáng như một tam giác vuông, có chiều dài 630m, chỗ rộng nhất là 300m. Khi thủy triều xuống thấp nhất, đảo cao từ 2,4 - 3m so với mặt nước biển. Mặt đảo bằng phẳng, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân của nhiều loài chim sinh sống trên đảo như hải âu, hải yến, vịt biển, cò và những loại chim di cư theo mùa. Trên đảo có nước lợ nằm ở độ sâu khoảng 2m, phù hợp cho tắm, giặt, tưới cây. Đây là quà tặng của thiên nhiên đối với đảo. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đã có thể tự sản xuất đảm bảo đủ lượng rau xanh và phần lớn thực phẩm phục vụ nhu cầu. Khu vực biển quanh đảo với nguồn hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều tàu đánh bắt xa bờ của các tỉnh. Ngoài ra, mỗi khi có bão, đau ốm hoặc cần những trợ giúp khác, ngư dân đến Trường Sa để tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh.
Về mặt đơn vị hành chính thì đảo Trường Sa là thị trấn - thủ phủ của huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Trên đảo hiện có 7 hộ dân đang sinh sống với tổng số 26 nhân khẩu. Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên đảo là UBND thị trấn Trường Sa với biên chế 5 cán bộ. Mỗi cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều chức danh, công việc khác nhau của UBND và các tổ chức đoàn thể. Ngoài trụ sở UBND thị trấn và khu dân cư được xây dựng khang trang, thoáng mát, trên đảo còn có các công trình dân sự, văn hóa tâm linh khác như trạm khí tượng thủy văn, hệ thống điện gió, điện mặt trời, hải đăng, nhà khách, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ, trạm y tế, chùa... Ngoài ra, một cầu cảng dài, vững chắc được đầu tư xây dựng từ năm 1994 có thể đón tàu có trọng tải lớn và các tàu cá vào neo đậu tránh trú bão.
Theo kết quả khảo cổ năm 1995 của Viện Khảo cổ học Việt Nam, từ xa xưa đã có người Việt đến sinh sống tại đây. Đây là căn cứ lịch sử và pháp lý không thể chối cãi khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Từ đó càng củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo và cả dân tộc quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, từng vùng biển chủ quyền mà ông cha đã để lại.
Đêm xuống, Trường Sa thật thanh bình và lung linh trong ánh điện đèn LED. Theo chương trình của Ban tổ chức, tối có buổi biểu diễn văn nghệ đặc biệt dành cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Và tất cả đã nắm chặt tay, cùng cất lên giai điệu hào hùng của bài hát Khúc quân ca Trường Sa: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/ Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta - Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua...”.
* Ngày 11/5/2012:
Chia tay đảo Trường Sa, điểm đảo cuối cùng trong chuyến hải trình, tàu HQ 996 đưa đoàn chúng tôi trở về đất liền. Trên đường về, chúng tôi ghé thăm nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam. Do điều kiện lên xuống nhà giàn rất khó và nguy hiểm nên Ban tổ chức đoàn lựa chọn và bố trí đại biểu, chia thành hai đoàn lên thăm hai nhà giàn DK1/16 và DK1/17 thuộc khu vực bãi ngầm Phúc Tần. Tôi được tham gia đoàn đại biểu lên thăm DK1/17.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương thăm và tặng quà cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1/16 |
Nhìn lại quá trình xây dựng và bảo vệ hệ thống nhà giàn DK1, mới thấy hết những khó khăn, gian khổ mà các chiến sĩ hải quân đã vượt qua. Ngày 3/7/1989, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nay là Chính phủ) đã ra Chỉ thị số 160/CT chính thức thành lập Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ thuộc sự quản lý hành chính của đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Và kể từ năm 1989, hệ thống các nhà giàn DK1 được xây dựng ngày càng hiện đại, vững chắc, chống chịu được gió bão. Tuy nhiên, cũng đã có những nhà giàn bị đổ sập trước sóng gió của biển cả, đã có những tấm gương anh dũng hy sinh để bảo vệ nhà giàn. Không ai quên được đêm 4/12/1990, một đêm oan nghiệt khi cơn bão số 10 tràn qua khu vực DK1 Phúc Tần, gió cấp 11, sóng dâng cao 14 - 15m đánh nghiêng nhà giàn 150. Lúc này, Trạm trưởng là Trung úy Bùi Xuân Bổng và Trạm phó chính trị là Trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã bình tĩnh chỉ huy các chiến sĩ rời nhà giàn, còn các anh bám trụ liên tục điện báo về Sở chỉ huy. Đến phút cuối cùng, khi nhà giàn sập, các anh mới rời vị trí. Trong đêm bão tố đó, 3 trong 8 chiến sĩ, trong đó có Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, đã mãi mãi yên nghỉ trong lòng biển quê hương. Các anh đã anh dũng hy sinh để biển trời Tổ quốc mãi xanh tươi, giàu đẹp.
Đồng chí Trần Thanh Khê cùng Đoàn đại biểu làm việc với Nhà giàn DK1/17 |
* Ngày 12/5/2012
Tàu HQ 996 nhẹ lướt trên sóng biển lô nhô đưa đoàn chúng tôi trở về đất liền. Đến 17 giờ thì về đến Vũng Tàu. Tàu neo lại để Ban tổ chức đoàn làm công tác tổng kết, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích và thưởng thức đêm biểu diễn văn nghệ cuối cùng của chuyến đi.
Tất cả các đại biểu đều tập trung lên boong tàu, trên gương mặt mỗi người đều hiện rõ niềm vui, niềm tự hào vì được tham gia chuyến đi đặc biệt này. Nhưng điều quan trọng mà tôi cũng như các đại biểu cảm thấy tự hào là vì đã hoàn thành một nhiệm vụ là mang tình cảm của các tầng lớp nhân dân ở đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa. Đồng thời chia sẻ phần nào những nhọc nhằn, gian khổ, hy sinh của những con người kiên trung, gan dạ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền nơi đầu sóng ngọn gió để đất liền thân yêu mãi mãi bình yên và không ngừng phát triển.
* Ngày 13/5/2012
Sáng sớm, tàu nhổ neo rời Vũng Tàu theo sông Sài Gòn về cảng Cát Lái kết thúc chuyến hành trình thành công và đầy ý nghĩa đến với Trường Sa thân yêu.
Tạm biệt Trường Sa! Xin chúc Trường Sa không ngừng phát triển và mãi mãi là thành trì vững chắc của Tổ quốc trên biển Đông!
Nguyễn Bình Tân
Theo Bạc Liêu Online