.
.

Doanh nghiệp nhà nước đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Đắk Lắk

Thứ Hai, 19/08/2019|16:42

Ngày 16/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, do đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBQLV làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Lắk về tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW; Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch UBQLV cùng lãnh đạo Văn phòng, các Vụ chức năng của UBQLV và đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc.

Về phía Tỉnh ủy Đắk Lắk, có các đồng chí: Bùi Văn Cường -  Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh; các sở, ngành liên quan.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Kinh tế - xã hội của Đắk Lắk đạt nhiều kết quả tích cực

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, 7 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng sản phẩm xã hội đạt 21.634 tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 14.935 tỷ đồng, bằng 44,3% kế hoạch, tăng 26,3%. Thành lập mới 580 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 8.650 đơn vị. Thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chủ trương cho 22 dự án đầu tư với tổng vốn 11.236,5 tỷ đồng.

Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Trên thực tế, đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn; hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái có múi trái vụ.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đã chú trọng kêu gọi các dự án công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch nhằm gia tăng giá trị nông sản; may mặc, da giày. Đây là những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế khi tham gia CPTPP và giải quyết lao động lớn.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, trên địa bàn tỉnh có 18 dự án điện gió được nghiên cứu khảo sát, đề xuất dự án; có 24 dự án điện mặt trời công suất 2.500MWp được khảo sát, đề xuất dự án, trong đó có 5 dự án với tổng công suất 190MWp đã đưa vào vận hành.

Về kết quả sắp xếp doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý đến cuối tháng 6/2019 có 29 doanh nghiệp; số doanh nghiệp cổ phần hóa theo Quyết định số 58 của Chính phủ đang thực hiện các bước đúng quy định.

Đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp Nhà nước

Điểm lại lịch sử phát triển của ngành, đồng chí Trần Ngọc Thuận - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối DNTW, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, cây cao su đã có mặt tại Việt Nam hơn 120 năm. Vì thế, ngành công nghiệp cao su là một trong những ngành nghề có lâu đời, trải qua nhiều thăng trầm cùng với chiều dài lịch sử của đất nước.

Là đơn vị doanh nghiệp gắn bó lâu năm với tỉnh Đắk Lắk, VRG kiên định phát triển đồng thời 5 ngành nghề kinh doanh chính, bao gồm: trồng, chăm sóc và chế biến mủ cao su; sản phẩm công nghiệp cao su; chế biến gỗ; phát triển các khu công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Dù đang trải qua giai đoạn gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo Tập đoàn cũng như cán bộ công nhân viên đang nỗ lực sản xuất, lao động. Qua đó, thu nhập trung bình của người lao động đạt 6-10 triệu đồng/tháng.

Theo đồng chí Trần Ngọc Thuận, thời gian qua, lãnh đạo địa phương luôn ủng hộ và tạo điều kiện đầu tư, sản xuất - kinh doanh, vì thế VRG góp phần đóng góp vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT VRG có kiến nghị liên quan tới chủ trương quy hoạch đất đai, chuyển đổi cây trồng và công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm giúp Tập đoàn có được những hướng đi phát triển trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại buổi làm việc.

Chia sẻ những đóng góp về an ninh năng lượng với tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Dương Quang Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTW, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đã đảm bảo cung ứng điện cho toàn địa bàn. Theo đó, nhu cầu điện của tỉnh Đắk Lắk năm 2019 đạt 1.7 tỷ kWh. Nhu cầu điện của phát triển công nghiệp tăng trưởng mạnh trong 7 tháng đầu năm. Ngoài ra, EVN cũng hoàn thành tốt các công trình đầu tư, không phát sinh vướng mắc. 3 nhà máy thủy điện do EVN đầu tư đã hoàn thành đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Bên cạnh đó, EVN cũng tiếp tục đầu tư hệ thống lưới điện, các trạm biến áp, và các dự án năng lượng điện tái tạo để đảm bảo nhu cầu điện của địa phương.

Đồng chí Phan Xuân Thắng - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết, Tổng công ty có 21 đơn vị đóng tại Đắk Lắk, quản lý 18.404 ha đất tự nhiên, với tổng số lao động trên địa bàn tỉnh là 20.096 người. Doanh thu năm 2018 của Vinacafe đạt 1.849 tỷ đồng, tiền lương trung bình của người lao động đạt 4,2 triệu đồng/tháng, chưa kể thu nhập vượt khoán của người lao động nhận khoán.

Chủ tịch HĐTV của Vinacafe đã nhìn nhận thẳng thắn vào những khó khăn, vướng mắc tồn tại ở đơn vị về quản lý đất đai, vườn cây; chính sách truy thu tiền thuê đất nông nghiệp; cấp lại quyền sử dụng đất cho các đơn vị đã hoàn thiện công tác bàn giao đất về địa phương; hiện tượng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại các đơn vị trên địa bàn…

Là hai doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng là những doanh nghiệp hoạt động lâu năm tại tỉnh Đắk Lắk và cam kết đem những dịch vụ viễn thông chất lượng cao cho người dân địa phương.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐTV Mobifone Nguyễn Mạnh Thắng và Phó Tổng giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cũng chia sẻ tầm nhìn trong việc hỗ trợ UBND tỉnh Đắk Lắk về ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý hành chính, dịch vụ công, phúc lợi xã hội cho người dân cũng như xây dựng thành phố thông minh.

Là đơn vị cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp của doanh nghiệp và người dân, Petrolimex Nam Tây Nguyên trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội tỉnh Đắk Lắk. Theo Phó Tổng giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm, những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đều được UBND tỉnh Đắk Lắk lắng nghe, hỗ trợ giải quyết, qua đó, giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới trạm kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, UBND đã chỉ đạo Sở, Ban ngành trong vấn đề quản lý thị trường xăng dầu, ngăn chặn tình trạng làm ăn phi pháp, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối 
Doanh nghiệp Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Bày tỏ sự ấn tượng trước những đổi thay, phát triển của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng nhận định rằng, đóng góp vào thành quả đáng ghi nhận ấy, có một phần không nhỏ công sức của các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Với những sản phẩm trọng điểm như điện, xăng dầu hay cao su, cà phê… các doanh nghiệp đã đóng góp trực tiếp vào ngân sách, an ninh quốc phòng cho địa phương cũng như nâng cao an sinh xã hội cho người dân. Phó Chủ tịch mong muốn địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như trong công tác tái cơ cấu doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhấn mạnh, thời gian qua, UBQLV và Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương đã có sự phối hợp trong lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoạt động sản xuất kinh doanh, sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp; xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của các doanh nghiệp; lãnh đạo các đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối triển khai công tác xây dựng Đảng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước.

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, 6 Tập đoàn, Tổng công ty trong buổi làm việc cùng UBND tỉnh Đắk Lắk đã đóng góp tích cực về trách nhiệm chính trị, kinh tế và xã hội đối với địa phương.

Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đề xuất, thời gian tới, UBQLV phối hợp cùng UBND tỉnh Đắk Lắk và các doanh nghiệp liên quan tổ chức những hội thảo chuyên đề nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong những vấn đề cụ thể.

Đồng chí Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk báo cáo tình hình 
kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBQLV Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh vai trò của những Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước hoạt động tại Đắk Lắk như những đầu tàu kinh tế góp phần điều tiết và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh cũng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tỉnh Đắk Lắk trong thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh đề nghị tỉnh Đắk Lắk quan tâm thực hiện các giải pháp phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó cần sớm phê duyệt phương án sử dụng đất theo Nghị định số 118 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả của công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn chưa được phê duyệt; xử lý kịp thời các trường hợp xâm chiếm đất, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp; chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục tổ chức triển khai các nội dung đã được thống nhất tại Quy chế phối hợp trong công tác quản lý vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Đồng chí cũng đề nghị tỉnh Đắk Lắk xem xét xây dựng cơ chế phối hợp vận hành giữa các nguồn điện mặt trời và thủy điện trong khu vực để tối ưu việc khai thác hạ tầng lưới điện truyền tải, đảm bảo an toàn vận hành lưới điện khu vực.

Đồng chí Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, tiềm năng phát triển trong lĩnh vực trồng cây công ngiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch của tỉnh Đắk Lắk là rất lớn.

Nhận thức được những khó khăn, hạn chế của tỉnh về giao thông và nhân lực, đồng chí Bùi Văn Cường chia sẻ, hiện nay, tỉnh đang xin cơ chế đặc thù cũng như học hỏi một số địa phương để đổi mới cách thức thu hút đầu tư. Là một tỉnh còn nhiều hộ nghèo, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk mong muốn, trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục an sinh xã hội, giúp đỡ người dân phương thức xóa nghèo bền vững.

Đại diện tỉnh Đắk Lắk nhận hỗ trợ của các doanh nghiệp.
Đại diện tỉnh Đắk Lắk nhận hỗ trợ của các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, những năm qua, các doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có đóng góp lớn trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đây cũng là định hướng của tỉnh Đắk Lắk trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Theo đó, tỉnh tiếp tục ưu tiên, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp chủ lực; công nghiệp chế biến; năng lượng tái tạo. Để thực hiện lộ trình trên, tỉnh Đắk Lắk rất cần sự quan tâm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Nhân dịp này Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã hỗ trợ 500 triệu đồng cho tỉnh Đắk Lắk thực hiện công tác an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai.

P.V

.
.
.
.