.
.

Những nẻo đường "30A"

Thứ Sáu, 17/02/2012|21:44

Anh Bùi Văn Khích, Phó Tổng giám đốc Vinacomin, người gắn bó và rất tâm huyết với Chương trình 30A ngay từ đầu, kể cho chúng tôi nghe: “Trong hội nghị triển khai Nghị quyết 30A, về việc trợ giúp các huyện Anghèo, theo báo cáo toàn quốc có 61 huyện nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết và phân công các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trợ giúp, mỗi doanh nghiệp từ một đến hai huyện. Nhưng khi rà soát lại, thấy huyện Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang cũng rất nghèo, đi lại khó khăn, Thủ tướng đã gợi ý Vinacomin nhận trợ giúp thêm. Vinacomin trở thành doanh nghiệp giúp đỡ nhiều huyện nghèo nhất trong cả nước”.

Quả thật, có đi đến tận nơi mới thấy hết cái khó của Mèo Vạc. Từ thành phố Hà Giang lên Cao nguyên đá Đồng Văn, vượt qua cổng trời với độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển, đi vào địa phận huyện Quản Bạ, xuyên qua huyện Yên Minh, cắt qua một phần huyện Đồng Văn mới vào địa phận huyện Mèo Vạc. Anh Sùng Minh Sính, Bí thư Huyện uỷ, một người con dân tộc Mông, khi tiếp chúng tôi đã nói: “Trước đây huyện Đồng Văn đã nghèo, Mèo Vạc lại là vùng khó nhất của Đồng Văn được tách ra, núi đá trùng điệp chiếm ba phần tư diện tích, cả huyện không có một dòng sông, một con suối, lại có những hang Caster sâu gần 1.000m, nước mưa chảy xuống bị hút hết, nên cả huyện rất thiếu nước  trồng trọt và sinh hoạt, giá một khối nước có lúc lên đến trên một trăm nghìn đồng, hầu như tất cả chỉ trông vào nước mưa, được dự trữ trong các “bể trời”, bể tự xây. Cây lương thực chủ yếu là cây ngô, đậu tương, cây chất bột có củ, được mùa hay không chủ yếu nhờ Trời có “mưa thuận, gió hoà” hay không. Đồng bào người Mông trong huyện chiếm gần 80% dân số, có tập quán chỉ sinh sống ở trên núi cao, với suy nghĩ “để được gần Trời, Trời thấy và thấu hiểu cho”, rất khó để định canh, định cư”.
 
Chị Vũ Thị Thái Thơ, Phó phòng chính sách - Ban NTX tâm sự với chúng tôi: “Mình sinh ra và lớn lên ở thành phố, có điều kiện nên thực sự chưa biết nhiều về cuộc sống của đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong một lần đi lên Mèo Vạc theo Chương trình 30A, thấy một gia đình người Mông ở cheo leo trên sườn núi, mọi người rẽ vào thăm, trong nhà có một người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ và năm, sáu đứa trẻ. Nhà cửa tuyềnh toàng, không bàn ghế, chỉ có một tấm phản, một cái sào treo mấy bộ quần áo đã cũ, bếp liền trong nhà leo lắt ánh lửa, bên trên có một cái giá tre để trơ ít bắp ngô. Nhìn người phụ nữ đoán là đã nhiều tuổi, mình hỏi: “Thưa bà, cháu thấy nhà mình đông người, vậy hàng ngày ăn uống thế nào?” Người phụ nữ nói tiếng Kinh chưa rõ: “Chỉ còn ít bắp ngô đó để làm mèn mén, hết là đói, lại nhờ Nhà nước cứu trợ để chờ mùa tới thôi, nước ở đây cũng hiếm lắm”. “Thế các cháu đây có được đi học không”, người phụ nữ khẽ lắc đầu. Mình lại hỏi tiếp: “Năm nay bà bao nhiêu tuổi ạ”, “ba tám tuổi”, mình buột miệng: “ Vậy bà còn kém cháu sáu tuổi”. Mọi người cười vui.
 
Lần đầu tiên tôi được đi thăm các huyện nghèo là đến Ba Bể (Bắc Cạn). Thời điểm đó vào đầu mùa rét, mấy anh em rẽ vào một trường dân tộc nội trú, các em học sinh dân tộc ít người chạy ra đón, nhiều em chỉ phong phanh một cái áo sơ mi đã cũ. Anh Khích nói với mọi người: “Trên này tối đến trời lạnh lắm, nên tôi đã trao đổi với bên Đoàn Than, quyên góp và mua 200 chiếc chăn bông để tặng các cháu”. Nhìn các em học sinh đón nhận những chiếc chăn ấm, khuôn mặt thơ ngây, rạng rỡ, ai cũng cảm thấy ấm lòng đôi chút.
 
Ba Bể cũng là một huyện rất nghèo, địa hình chủ yếu là đồi núi xen lẫn những khối núi đá vôi, đất nông nghiệp chỉ chiếm 9,8% tổng diện tích toàn huyện, đồng bào người Mông mỗi năm chỉ trồng được một vụ ngô, người Tày, Nùng và Dao có khá hơn đôi chút. Huyện mong muốn, trước hết là xoá nhà tạm cho bà con, tiếp đó là xây dựng các trạm xá ở các xã, vì người bệnh để đi lên huyện và lên tỉnh rất xa, đường giao thông lại khó khăn, nhiều trường hợp không cấp cứu kịp thời, và để xoá nghèo, phát triển bền vững cũng cần đào tạo được nguồn nhân lực.
 
Thấu hiểu được suy nghĩ và nguyện vọng của nhân dân hai huyện, ngay trong năm đầu tiên Vinacomin đã tập trung kinh phí vào việc xoá nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, sau gần 3 năm đã xoá được gần 1.400 nhà dột nát. Cùng với những căn nhà mới, những ngôi trường mới, những trạm xá mới cũng được mọc lên hoặc được nâng cấp. Tại Mèo Vạc, đó trường trung học cơ sở thị trấn và nhà lớp học dân tộc nội trú của ba xã biên giới. Tại Ba Bể cũng là những phòng học cho học sinh dân tộc nội trú và bốn trạm xá mới cho các xã Đồng Phúc, Mỹ Phương, Chu Hương, Phúc Lộc. Những phụ nữ Mông, phụ nữ Dao, đã có thể yên tâm lên nương, lên rẫy, vì các em nhỏ đã có lớp học nội trú, đã có trường học gần nhà.
 
Từ đỉnh Lang Biang nhìn lên phía bắc, chúng ta thấy một vùng đất cao, nhiều sườn dốc và khô cằn, đó là địa phận của huyện Đam Rông (Lâm Đồng), một huyện nghèo Vinacomin nhận trợ giúp. Công trình đầu tiên được xây dựng bằng nguồn vốn của 30A là chợ trung tâm xã Đarsal, đây là nguyện vọng có từ rất lâu của bà con các dân tộc, muốn có nơi thuận tiện để trao đổi và mua bán hàng hoá. Gặp chúng tôi, một chị hồ hởi nói: “Bây giờ có chợ rồi, không phải đi xa xuống huyện nữa, vui lắm, thích lắm”. Trọng tâm của Đam Rông là xây dựng các trường học để đào tạo nguồn nhân lực và trung tâm y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Chính vì thế, tại đây đã có 5 ngôi trường được xây thêm ở các xã Rô Men, Đạknàng, ĐạTông, Đạrsal và hai trạm xá tại Đạknàng, ĐạTông, nhà công vụ thuộc trung tâm y tế huyện. Anh Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch huyện nói: “Đồng bào các dân tộc huyện Đam Rông rất biết ơn CNVC tập đoàn Than - Khoáng sản, với sự giúp đỡ của Tập đoàn, chúng tôi sẽ phấn đấu thoát nghèo trước thời hạn Chính phủ yêu cầu”.
 
Ngoài việc trực tiếp hỗ trợ kinh phí bằng tiền để xoá nhà ở dột nát, xây trường học, trạm xá, chợ cho 3 huyện nghèo, trong hơn 2 năm qua, Tập đoàn đã trực tiếp tuyển dụng hàng trăm con em các dân tộc 3 huyện nghèo vào học nghề tại các trường cao đẳng nghề mỏ của Tập đoàn theo hệ A, tức là được hỗ trợ toàn bộ kinh phí học tập và ăn, ở tại trường, được bố trí việc làm ổn định  sau khi tốt nghiệp tại các doanh nghiệp thành viên của Vinacomin.
 
Thoát nghèo nhanh và phát triển bền vững là nguyện vọng của đồng bào các dân tộc các huyện còn khó khăn, cũng là quyết tâm của Đảng và Chính phủ. Những người thợ mỏ Vinacomin thấu hiểu điều đó, gần 3 năm qua đã chung tay, góp sức với mong muốn nhanh chóng giảm bớt khó khăn cho đồng bào vùng nghèo. Số kinh phí 90 tỷ đồng chưa phải là nhiều, nhưng đã góp một phần nhỏ bé vì một cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
 

LÊ NGỌC DŨNG 

.
.
.
.