Đánh giá hiệu quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ
Trong 2 ngày 10 - 11/4/2012, tại thành phố Huế, Hội đồng Dân tộc Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc đã tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả của Chương trình giảm nghèo nhanh bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Hội thảo đã đánh giá sau 3 năm thực hiện, từ nguồn ngân sách Trung ương và các chương trình, dự án, 62 huyện nghèo trong cả nước đã được đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này, các địa phương đã xây dựng 83.000 nhà ở hỗ trợ hộ nghèo, đầu tư xây dựng hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học, công trình trung tâm cụm xã…
Các huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trung bình ở 62 huyện nghèo giảm xuống còn 37%, bình quân thu nhập đầu người tăng từ 2,5 triệu đồng/năm lên trên 6 triệu đồng/người/năm. Các đại biểu cho rằng thời gian qua, một số nơi đã tích cực chỉ đạo phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào, bước đầu đã có những mô hình sản xuất có hiệu quả; một số địa phương đã làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, công tác tuyên truyền vận động, tư vấn, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động được quan tâm; có sự tăng cường nhân lực cho các huyện nghèo...
Hội thảo cũng chỉ ra những tồn tại trong quá trình thực hiện, đó là việc ban hành một số văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành ở Trung ương còn chậm, chồng chéo, bất cập; một số chính sách chưa được cụ thể hóa, gây khó khăn cho việc thực hiện ở các địa phương; việc rà soát, lập kế hoạch, xây dựng đề án giảm nghèo bền vững của các huyện nghèo còn chậm so với Nghị quyết 30a; số hộ nghèo ở các huyện đã giảm nhưng chưa thật bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện còn cao... Nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối với 62 huyện nghèo giai đoạn 2011-2015, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 25%. Bên cạnh đó, các địa phương gắn mục tiêu thực hiện Nghị quyết 30a với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo; tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng để phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư. Nghị quyết 30a của Chính phủ là cơ hội tạo ra nguồn lực đầu tư rất lớn để tăng cường một bước về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH; xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Có 62 huyện nghèo được thụ hưởng Chương trình 30a gồm có 869 xã và thị trấn thuộc 20 tỉnh, trong đó có 753 xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn II. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện phối hợp hỗ trợ 03 huyện thuộc tỉnh Lào Cai là Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai. Tính đến nay, NHPT đã thực hiện hỗ trợ phát triển bền vững tỉnh Lào Cai cụ thể như sau: giải ngân vốn vay đầu tư dài hạn hơn 2.000 tỷ đồng, tín dụng xuất khẩu gần 100 tỷ đồng, hỗ trợ sau đầu tư hơn 5 tỷ đồng, phát hành chứng thư bảo lãnh cho dự án đầu tư gần 213 tỷ đồng...Đầu tư vào các dự án, công trình xây dựng nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm, nguyên liệu và hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu như trên nhằm khai thác triệt để, khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh tại vùng sâu vùng xa... Hàng năm sẽ tạo ra việc làm cho hàng ngàn người lao động tại địa phương, tăng thu cho ngân sách tỉnh khoảng 1.500- 2.000 tỷ đồng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời, NHPT cũng đã hỗ trợ cho 3 huyện nghèo tỉnh Lào Cai tổng giá trị cả bằng tiền và hiện vật gần 94 tỷ đồng để Ban Chỉ đạo 30a Lào Cai lồng ghép nguồn hỗ trợ của NHPT với các nguồn kinh phí khác của Địa phương đáp ứng: làm nhà mới (xoá nhà tạm) 1656 ngôi nhà đạt tỷ lệ 100% nhà ở mới cho đồng bào nghèo tại 3 huyện; xây mới gần 1.000 lò sấy nông sản, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, giống cây trồng, vật nuôi mới làm thay đổi tập quán canh tác cũ cho hàng ngàn người lao động; Hoàn thành xây dựng cơ bản nhiều công trình, cung cấp dụng cụ chứa nước sạch cho gần 200 hộ dân và các trường học, trạm y tế; trồng và chăm sóc 50 ha rừng thay thế nương rẫy khám và chăm sức khoẻ miễn phí cho hơn 2500 lượt người nghèo; các nhu cầu về đời sống tinh thần khác cho người nghèo, bộ đội biên phòng./.
Trần Hải