.
.

100% số xã, 99,47% số hộ dân có điện:

EVN đã cụ thể hóa thành công Nghị quyết Trung ương 7 khóa X

Thứ Ba, 29/10/2019|17:03

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn yêu cầu “cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, bảo đảm đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của dân cư nông thôn”. Trong hơn 10 năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã luôn đảm bảo điện đi trước một bước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Huy động nguồn lực lớn cho điện nông thôn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến và tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” diễn ra ngày 18/10/2019. Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đại diện Tập đoàn đón nhận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến và tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” diễn ra ngày 18/10/2019. Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đại diện Tập đoàn đón nhận.

Về bản Huổi Pu, xã Chiềng Bôm (Thuận Châu, Sơn La) những ngày này, chúng tôi được cảm nhận niềm hân hoan, phấn khởi của người dân nơi đây khi hơn 1 năm trước đường điện quốc gia đã được kéo về bản. Có điện cũng đồng nghĩa với việc mở ra một cuộc sống mới cho bà con, thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Đồng chí Thào A Khá, Bí thư chi bộ bản Huổi Pu, cho biết: Trước đây, chưa có điện, cuộc sống sinh hoạt của bà con luôn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cập nhật tin tức qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, bà con được sử dụng điện lưới quốc gia, người dân ai cũng mừng, phấn khởi, nhiều nhà đã mua sắm tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy xay xát phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, các em nhỏ có ánh đèn thắp sáng để học vào buổi tối.

Đây là địa phương được đầu tư lưới điện từ Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020 cho các hộ dân chưa có điện do ngành Điện thực hiện.

Xác định cung cấp đủ điện cho khu vực nông thôn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của dân cư nông thôn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng thể hiện tính ưu việt của chế độ, đóng góp hiệu quả trong chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, hơn 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành trực tiếp của Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN đã huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.

Tổng số vốn đầu tư của EVN trong 10 năm, hơn 89.200 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 13.900 tỷ đồng; vốn đối ứng của EVN gần 4.600 tỷ đồng; nguồn vốn vay ODA của các Tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái Thiết Đức (KfW), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)... hơn 63.000 tỉ đồng (tương đương 3 tỷ USD).

Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: “Với số vốn đầu tư trên quy mô nguồn và lưới điện được mở rộng, tổng công suất của toàn hệ thống điện đến tháng 6/2019 đạt 53.326 MW (tăng gấp 2,55 lần so với năm 2010). Tỷ lệ số xã có điện tăng từ 98,6% (năm 2010) lên 100% (năm 2018) và số hộ dân có điện sử dụng tăng từ 97,31% tương ứng 19 triệu hộ (năm 2010) lên 99,47% tương ứng 27,41 triệu hộ (6/2019)”. 

Công nhân Tổng công ty Điện lực miền Nam đưa điện về cho đồng bào dân tộc Khmer tại Sóc Trăng
Công nhân Tổng công ty Điện lực miền Nam đưa điện về cho đồng bào dân tộc Khmer tại Sóc Trăng

Việc đầu tư phát triển điện nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện nông thôn từ mức độ chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ở mức cơ bản như phục vụ ánh sáng sinh hoạt và một phần sản xuất nhỏ đã tăng lên đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt và phát triển sản xuất với chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, du lịch, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực nông thôn.

10 năm trước đây, ở nhiều vùng nông thôn hệ thống lưới điện ở tình trạng xập xệ cột tre, cột gỗ, dây dẫn nhỏ, chắp vá không đảm bảo chất lượng, mất an toàn cung cấp điện do được xây dựng từ các tổ chức quản lý điện nông thôn, sau khi được ngành Điện tiếp nhận và đầu tư cải tạo nâng cấp, lưới điện đã được chỉnh trang, các hộ dân được cung cấp điện ổn định và an toàn.

“Bên cạnh việc đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, việc quản lý điện cũng được thay đổi đáng kể, từ nhiều mô hình quản lý điện nông thôn không đủ khả năng chuyên môn nghiệp vụ quản lý trước đây như Ban điện xã, Tổ điện dân lập, tư nhân đầu tư,… tới nay đã có trên 92% xã do ngành Điện quản lý bán điện trực tiếp, người dân được mua điện theo đúng giá qui định của Chính phủ và hưởng các dịch vụ điện trực tiếp do ngành Điện cung cấp ngày càng thuận tiện, nhanh chóng mang lại sự hài lòng của khách hàng ngày càng cao”, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết.  

Hình mẫu để các quốc gia trên thế giới học tập

Việc đưa điện về nông thôn rất khó khăn và nhà nước phải bù lỗ nhưng thể hiện tính ưu việt của chế độ ta
Mặc dù rất khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước vẫn tạo mọi điều kiện để đưa điện về nông thôn, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta.

Ông Văn Tiến Hùng, chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho biết: Việc Việt Nam đưa điện tới 100% số xã và 99,47% số hộ dân được sử dụng điện là một thành tựu lớn của Chính phủ Việt Nam nói chung và của EVN nói riêng. Tôi cũng có dịp đi nhiều nước nhận thấy với điều kiện kinh tế tương đương như Việt Nam, rất ít quốc gia trên thế giới có thể làm được như Việt Nam. Theo số liệu WB có được trung bình thế giới chưa đến 90% số hộ dân được sử dụng điện, của các nước có thu nhập trung bình là  90,9%, một số nước trong khu vực như Ấn Độ chỉ đạt 92,6%, Indonesia 97%, và Philipin là 93%, Campuchia 98,1%... Có thể nói đây là thành quả hết sức lớn lao mà Việt Nam đã làm được và hoàn toàn là hình mẫu để nhiều quốc gia học tập.

“Tôi nhớ lại cách đây hơn 12 năm (năm 2007) Chủ tịch WB ngay sau khi nhậm chức đã đến Việt Nam và đi thăm dự án năng lượng nông thôn, Chủ tịch WB đã đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong chương trình điện khí hóa nông thôn. Sau đó đã có nhiều nước trong khu vực cũng như ở châu Phi đã đến Việt Nam tìm hiểu và học tập để triển khai điện khí hóa nông thôn tại nước họ”, ông Hùng cho biết.

Để có được thành công như vậy, theo chuyên gia của WB có ba yếu tố quyết định: Một là sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam cũng như tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương hoạch định chính sách bền vững, hiệu quả để mục tiêu được thực hiện có lộ trình, ưu tiên khu vực nào trước. Thứ 2, Việt Nam đã đưa ra chiến lược điện khí hóa nông thôn rất hoàn thiện với chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm”, từ đó đã huy động được toàn bộ lực lượng cũng như sức mạnh tập thể trong công cuộc điện khí hóa nông thôn. Thứ 3, EVN với vai trò là doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên để mục tiêu sớm đạt được.

Công nhân Công ty Điện lực Bắc Kạn băng rừng, vượt núi đi khảo sát cấp điện cho hộ dân.
Công nhân Công ty Điện lực Bắc Kạn băng rừng, vượt núi đi khảo sát cấp điện cho hộ dân.

Tuy nhiên, chuyên gia WB cũng phân tích những khó khăn trong quá trình điện khí hóa nông thôn EVN gặp phải là: Vốn đầu tư, đặc biệt đối với các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, do mật độ dân cư thấp, địa hình khó khăn, nên suất đầu tư để kéo lưới cho một hộ nhiều nơi lên đên trên 100 triệu đồng/hộ, đây là số tiền rất lớn và là thách thức không nhỏ đối với EVN.

Thứ 2, hiệu quả kinh tế thấp, do vốn đầu tư cao cho mỗi hộ, nhưng lượng điện năng tiêu thụ rất thấp, có những hộ chỉ dùng chưa đến 10.000 đồng/tháng, trong khi chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, quản lý vận hành tốt kém hơn rất nhiều nên EVN gần như phải bù lỗ.

Thứ 3, do dân cư phân tán, địa hình chia cắt, mưa bão lũ thường xuyên nên công tác vận hành bảo dưỡng, thu tiền điện là rất khó khăn và tốn kém đối với EVN nên đòi hỏi nguồn nhân lực lớn hơn, cản trở quá trình tăng năng suất lao động.

Làm gì để 100% số hộ dân có điện?

Theo Bộ Công Thương, mặc dù tỷ lệ số hộ dân cần có điện từ nay đến năm 2020 rất nhỏ, chỉ 0,53% nhưng đây là những địa phương khó khăn nhất của đất nước nằm ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, số hộ dân sống thưa thớt, rải rác, nằm quá xa lưới điện quốc gia nên đầu tư cấp điện có chi phí quá lớn, suất đầu tư cao, khó có thể huy động và điều tiết được nguồn vốn để đầu tư đồng bộ, dàn đều giữa các vùng, miền.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: “Đầu tư lưới điện nông thôn là đầu tư hạ tầng, trong khi lượng điện tiêu thụ tại các vùng nông thôn ít, doanh thu bán điện thấp nhưng khối lượng và chi phí vốn đầu tư quá lớn. Hầu hết các dự án cấp điện nông thôn không đảm bảo tính khả thi về kinh tế-tài chính nên khó vay vốn của các tổ chức trong và ngoài nước, ngoại trừ các nguồn được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế”.

Cùng với việc đưa điện về nông thôn, ngành Điện còn tích cực tuyên truyền để người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Cùng với việc đưa điện về nông thôn, ngành Điện còn tích cực tuyên truyền để người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Chính vì vậy để phấn đấu đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, EVN chú trọng vào công tác nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Nghiên cứu đầu tư cấp điện với dạng năng lượng khác như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, kết hợp mặt trời ắc qui… đối với các thôn bản chưa có điện, đó là những nơi dân cư phân bố thưa thớt, quá xa nguồn điện, suất đầu tư cao không thể cấp điện bằng nguồn lưới điện quốc gia.

Cùng với đó, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối bố trí vốn Ngân sách nhà nước để thực hiện được mục tiêu của Chương trình “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013-2020” theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 và Quyết định 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Chính phủ.

Đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành làm việc với các tổ chức quốc tế tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi và có chính sách của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho EVN và các Tổng công ty Điện lực để thực hiện các dự án đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn đáp ứng được mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoải ra, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng trong nước có chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn đầu tư để cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả phục vụ thúc đẩy phát triển sản xuất của của các hộ dân.

EVN cũng đề nghị UBND các tỉnh ưu tiên bố trí vốn ngân sách hàng năm của tỉnh để thực hiện đầu tư cấp điện cho các hộ chưa có điện khi ngân sách Trung ương chưa bố trí vốn, lồng ghép các nguồn vốn như Chương trình 30a, Chương trình 135... để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới vì các dự án này mang tính công ích, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội nên không thể vay vốn thương mại để đầu tư.

Bùi Xuân Tiến (EVN)

.
.
.
.