Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020:
Tự chủ mạng truyền dẫn quang để kinh doanh các dịch vụ trên nền di động băng rộng
Khi cuộc Cách mạng 4.0 đang từng bước thay đổi cách thức thế giới vận hành thì những doanh nghiệp trong ngành viễn thông như MobiFone càng phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội để dẫn dắt thị trường. Một trong những yếu tố giúp MobiFone tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng tập khách hàng và phát triển thị phần là phải tự chủ mạng truyền dẫn quang để kinh doanh các dịch vụ trên nền di động băng rộng.
Theo đánh giá từ Tổ chức dữ liệu toàn cầu (GlobalData), ước tính nhu cầu về dịch vụ dữ liệu băng rộng tại Việt Nam trong năm 2020 là 2 triệu Terabytes, đến cuối 2024 sẽ là 6 triệu Terabytes. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng mạng 4G và 5G trong các ứng dụng Công nghiệp 4.0 và thành phố thông minh, như sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh và y tế điện tử ngày càng cao, đòi hỏi các nhà mạng viễn thông phải sở hữu hạ tầng chất lượng, đủ khả năng để đón đầu các xu hướng này.
Ngày 10/3/2020, MobiFone ra thông báo đã thử nghiệm thành công mạng 5G tại 04 thành phố gồm TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, đánh dấu bước ngoặt lớn tại sân chơi công nghệ tầm cỡ, không chỉ ở Việt Nam mà là khu vực và toàn thế giới, đồng thời chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc triển khai mạng 5G cùng các ứng dụng dịch vụ liên quan đến khách hàng.
Tại Đại hội Đại biểu lần thứ II Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông MobiFone, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong phần tham luận đóng góp ý kiến để Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông MobiFone triển khai định hướng phát triển, tăng năng lực cạnh tranh, đồng chí Nguyễn Ngọc Trịnh - Bí thư Đảng ủy Trung tâm Mạng lưới MobiFone miền Bắc đã nhận định, việc đáp ứng nhu cầu băng thông tốc độ cao, độ trễ thấp cho các dịch vụ của cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số phục vụ khách hàng trong thời gian tới là nhiệm vụ hàng đầu của MobiFone.
“Để đạt được mục tiêu chủ động xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp trên cả nước với tốc độ cao và chất lượng vượt trội, Tổng công ty cần nghiên cứu ban hành nghị quyết chuyên đề đẩy mạnh đầu tư quang hóa mạng truyền dẫn, hướng tới 90% số điểm phát sóng sử dụng cáp quang, trong đó 70% thuộc sở hữu của MobiFone”, đồng chí Nguyễn Ngọc Trịnh đề xuất. Bên cạnh đó, MobiFone cần chú trọng triển khai các giải pháp sau:
Thứ nhất, MobiFone cần hoàn thiện quy hoạch chi tiết mạng truyền dẫn với hạ tầng là mạng cáp quang, bao gồm đường truyền dẫn quốc tế lên tới 2400 Gbps; mạng đường trục DWDM trên toàn bộ 63 tỉnh/thành; mạng DWDM express dung lượng lên tới 4000 Gbps; mạng metro cho truyền dẫn nội tỉnh toàn quốc, đáp ứng kết nối 5Gbps cho trạm 5G.
Việc thứ hai, cần làm là xây dựng chương trình triển khai quang hóa trong 5 năm tới và kế hoạch cụ thể từng năm để thực hiện đầu tư.
Thứ ba, MobiFone cần chuyển dịch cơ cấu đầu tư truyền dẫn một cách phù hợp, giảm dần đầu tư viba, tăng cường tự đầu tư cáp quang.
Tiếp đó, cần lựa chọn công nghệ cáp quang, công nghệ thiết bị mạng truyền dẫn all IP đồng bộ, chất lượng tiên tiến; xây dựng mô hình vận hành khai thác, tối ưu hóa mạng cáp quang theo xu hướng điều hành tập trung, xử lý phân tán.
Cuối cùng là yếu tố cốt lõi của mọi tổ chức, vần đề con người. MobiFone sẽ cần phải xây dựng đội ngũ có chuyên môn sâu về công nghệ truyền dẫn để làm chủ cũng như tiếp tục phát triển mạng lưới.
Khi thực hiện tốt các giải pháp trên, MobiFone sẽ tự chủ mạng truyền dẫn quang và sở hữu được một hạ tầng mạng cáp quang của riêng mình. Từ đó, phục vụ tốt cho kinh doanh dịch vụ di động, đặc biệt là dịch vụ data, giúp nâng cao vị thế cạnh tranh của thương hiệu MobiFone, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài của MobiFone. Đồng thời, tạo tiền đề để kinh doanh dịch vụ mới, tiềm năng trên nền mạng truyền dẫn như: truyền dẫn băng thông rộng (FTTx), wifi trên nền di động,… Hơn thế, MobiFone sẽ sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghệ mạng 5G mới, và các dịch vụ trên nền di động 5G như: Internet vạn vật (IoT), điều khiển tự động,… cũng như chủ động được về mạng lưới, tự chủ vận hành khai thác.
Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ở phạm vi toàn cầu, thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia mục tiêu 2025, tầm nhìn 2030, tiến tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số, MobiFone đang nỗ lực chuyển đổi số, trở thành một doanh nghiệp viễn thông - Công nghệ thông tin, cung cấp đa dịch vụ. Những đề xuất của Đảng bộ Trung tâm Mạng lưới miền Bắc sẽ giúp MobiFone tự chủ về mạng truyền dẫn. Hiện tại, MobiFone vẫn đang tích cực, chủ động hợp tác với các đối tác chiến lược trong lĩnh vực cung cấp các tính năng internet băng thông rộng di động. Cùng lợi thế sở hữu hệ sinh thái đa dạng và cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại, MobiFone quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện khát vọng kinh tế số, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ cao và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững tại Việt Nam.
Đảng ủy Trung tâm mạng lưới MobiFone miền Bắc