Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022:
Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Người đặt nền móng phát triển thị trường Viễn thông Việt Nam
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922-23/11/2022) và 77 năm truyền thống Ngành Bưu Điện, Ban Biên tập trân trọng giới thiệu bài viết về Cố Thủ tướng đối với sự hình thành và phát triển của thị trường Viễn thông Việt Nam.
Trong những ngày này, cả nước ta đang hướng về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt - 23/11/1922, từ trần ngày 11/6/2008. Từng giữ chức Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau đó là Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 8/8/1991 đến 25/9/1997) đúng trong thời kỳ kinh tế xã hội khủng hoảng nghiêm trọng và đang tìm lối ra cho con đường đổi mới, bằng những quyết sách đột phá của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã giúp đất nước từng bước xoá bỏ cơ chế tập trung bao cấp, thực hiện cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập với thế giới. Bưu Điện là một trong những ngành đã tranh thủ làn gió mới đó để thực hiện bứt phá, tăng tốc phát triển.
Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Bưu Điện là ngành tiên phong mở lối, vượt qua khó khăn, trở ngại do cấm vận, ký hợp đồng hợp tác làm ăn với các nước phương tây, từng bước giải quyết được các thách thức lớn nhất của Ngành ở thời kỳ này là: vốn đầu tư, công nghệ, con người.
30 năm về trước - ngày 26/10/1992, khi Tổng cục Bưu Điện mới được thành lập lại (chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về), Nguyên Tổng cục trưởng Đặng Văn Thân, các Phó Tổng cục trưởng: Mai Liêm Trực, Đỗ Trung Tá là các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Ngành thường xuyên báo cáo và tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của ông Sáu Dân (tên gọi khác của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) để có các quyết sách phát triển ngành.
Ít ai biết rằng năm 2022 này, Nguyên Tổng cục trưởng Đặng Văn Thân cũng đã tròn 90 tuổi. Ông Sáu Dân quê ở Vũng Liêm, Vĩnh Long; ông Ba Thân quê ở Giồng Trôm, Bến Tre. Cả hai ông đều tham gia cách mạng từ khi tuổi còn trẻ và đều có những cống hiến xuất sắc cho đất nước, đặc biệt ở hai ông có sự giống nhau đó là sự quyết liệt, ý chí tiến công và dấn thân. Có lẽ cái sự giống và hợp nhau đó của người đứng đầu Chính phủ và vị tư lệnh Ngành đã tạo thành cú hích cho Bưu Điện tăng tốc phát triển nhiều năm liên tục sau đó.
Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt nghe lãnh đạo ngành Bưu Điện báo cáo về định hướng phát triển cáp quang. |
Trao đổi với Ban Biên tập Bản tin VNPT Net, ông Đỗ Trung Tá nhớ lại: Tổng cục Bưu Điện được tái lập là chủ trương của Đảng, Chính phủ mà trực tiếp là Quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhằm kiện toàn chức năng quản lý Nhà nước của Ngành, tách và phân định rõ chức năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với chức năng quản lý Nhà nước.
Quá trình chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đòi hỏi phải có phương thức quản lý, đảm bảo tính năng động, sáng tạo của những tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ trong hành lang pháp luật. Điều này được thể hiện rất rõ trong lĩnh vực kinh tế. Những khái niệm về các tổ chức sản xuất, kinh doanh “trực thuộc bộ”, “bộ chủ quan” đã tỏ ra lỗi thời, cản trở sản xuất phát triển. Thay vì sản xuất theo chỉ tiêu kế hoạch do Bộ giao trước kia, doanh nghiệp phải tự tìm hiểu nhu cầu của thị trường, phải tự tổ chức sản xuất với chất lượng do người tiêu dùng yêu cầu, tiêu thụ được sản phẩm và phải tự đảm bảo doanh thu để giải quyết đời sống cho cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp và phát triển sản xuất. Chính vì vậy, mà Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra biện pháp quan trọng: “Chấm dứt sự can thiệp trực tiếp của bộ quản lý ngành và các bộ chức năng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên”. Tham khảo mô hình của một số quốc gia, đặc biệt là Singapore, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam là phát triển kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và chi phối, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có các quyết định mở đường cho sự phát triển nhanh và năng động của các ngành, các lĩnh vực.
Ngày 7/5/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt Quyết định số 91/TTg chuyển Tổng công ty Bưu chính Viễn thông thành tập đoàn kinh doanh của Nhà nước. Ngày 29/4/1995, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 249/TTg thành lập Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam trực thuộc Chính phủ. VNPT cùng với các Tổng công ty khác hình thành nên các “quả đấm thép”, trọng yếu của nền kinh tế - các Tổng Công ty 90, 91 ra đời trong bối cảnh như vậy.
Việc thành lập các doanh nghiệp chủ lực đồng bộ với việc hình thành thị trường có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bắt đầu mở ra cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển. Ngay trong năm 1995, Thủ tướng cũng đã quyết định cho ra đời Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn và Công ty Viễn thông Quân đội. Sau nhiều năm ngành Bưu chính viễn thông chỉ có VNPT, giờ đây thị trường đã bắt đầu khởi sắc, bắt đầu các cuộc chạy đua khi có các doanh nghiệp khác cùng tham gia. Không chỉ thành lập thêm các doanh nghiệp khác nhau để thúc đẩy phát triển thị trường viễn thông, mà ngay trong lòng VNPT, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đề nghị phải tạo sự cạnh tranh ngay trong nội bộ, đặc biệt là lĩnh vực thông tin di động và khi Công ty VMS (Mobiphone) được thành lập vào năm 1993, thì 3 năm sau Công ty GPC (Vinaphone) cũng đã ra đời.
Trả lời phỏng vấn của Báo Đầu tư (baodautu.vn, ngày 04/2/2022), Nguyên Tổng cục trưởng Mai Liêm Trực khẳng định: Việc phá bỏ độc quyền viễn thông ở Việt Nam thành công có ảnh hưởng rất lớn từ tư duy của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từ năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người sớm có tư duy mở cửa thị trường viễn thông, xoá bỏ độc quyền bằng việc định hướng, nên có thêm một vài công ty khác.
Sẽ là khiếm khuyết khi nói đến lịch sử phát triển công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và Internet nói riêng ở Việt Nam mà không đề cập vai trò quyết định của Nghị quyết của Chính phủ số 49/CP “Về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong năm 90” do Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt ban hành ngày 4/8/1993. Với mục tiêu đến cuối những năm 90 là: “Xây dựng hệ thống các máy tính và các phương tiện truyền thông được liên kết với nhau trong các mạng với những công cụ phần mềm đủ mạnh và các hệ thông tin, cơ sở dữ liệu có khả năng phục vụ các hoạt động quản lý Nhà nước và hoạt động huyết mạch của nền kinh tế. Một số hệ thông tin trong nước được ghép nối với các mạng thông tin quốc tế”.
Triển khai Nghị quyết, ngày 6/5/1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 221/TTg thành lập Ban Chỉ đạo Chương Quốc gia về CNTT gồm 13 thành viên, đại diện cho 10 Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VNPT Đỗ Trung Tá trong một buổi báo cáo Cố vấn BCH Trung ương Đảng Võ Văn Kiệt. |
Một nội dung cũng vô cùng quan trọng, vinh dự và đáng ghi nhớ cho CNTT và Internet Việt Nam đó là tháng 4/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có hộp thư điện tử (email) đầu tiên tại Việt Nam. Sau rất nhiều cố gắng của các chuyên gia của Bộ KHCN, Tổng cục Bưu Điện mới xử lý được tên miền Việt Nam (.VN) và thiết lập được email của Thủ tướng là vvkiet@badinh.ac.vn.
Đầu năm 1997, ngành Bưu điện đã làm xong 2 cổng ra mạng quốc tế, khi được phép của Chính phủ có thể hòa mạng ngay, ngày 5/3/1997 Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt Nghị định 21/CP, ban hành “Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập sử dụng mạng Internet ở Việt Nam”. Đến ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức mở cổng quốc gia với mạng thông tin toàn cầu Internet. Việc xuất hiện Internet và các dịch vụ mới là cơ hội bùng nổ, đồng thời cũng là sức ép đối với lãnh đạo ngành Bưu Điện về mở cửa thị trường. Và rồi chỉ trong một ngày, Tổng cục trưởng Mai Liêm Trực ký 4 giấy phép cho 4 nhà khai thác Internet là VDC, FPT, NetNam, Saigonnet và sau đó là Viettel.
Tiếp theo đó, năm 1998, công nghệ VoIP xuất hiện. Đến ngày 3/2/2000, Tổng cục trưởng Mai Liêm Trực ký giấy phép cho Viettel mở dịch vụ VolP - điện thoại qua Internet. Đây là lần đầu tiên có điện thoại giá rẻ, cũng là lần đầu tiên có nhà khai thác thứ hai tham gia thị trường viễn thông ngoài VNPT.
Giờ đây, mỗi khi nhắc nhớ đến CNTT, Internet những ngày đầu, mọi người đều coi Nghị quyết 49/CP, ngày 4/8/1993 của Chính phủ là nền tảng và “Cha đẻ” - chính xác hơn là người trực tiếp chỉ đạo việc triển khai quyết liệt đưa Internet vào Việt Nam - không ai khác chính là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Kỷ niệm 100 ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là dịp CBCNV VNPT Net hướng về 77 năm truyền thống ngành Bưu Điện, 30 năm tái lập Tổng cục Bưu Điện, 20 năm thành lập Bộ Bưu chính - Viễn thông, 15 năm thành lập Bộ Thông tin - Truyền thông. Những quan điểm, tư tưởng, chủ trương và các quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với ngành Bưu Điện đã để lại những dấu ấn quan trọng, những bài học vô cùng quý báu cho không chỉ cho đội ngũ hiện tại mà cho cả các thế hệ tương lai của Ngành, đặc biệt trong hành trình của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mà cốt lõi là thực hiện chuyển đổi số. Ở ông Sáu Dân - Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hội tụ lý tưởng và nhiệt huyết của một người cộng sản luôn đặt lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết. Không say sưa với những thắng lợi mà luôn tìm tòi theo cách nghĩ khám phá, đột phá, sáng tạo; luôn day dứt về nguy cơ tụt hậu của đất nước, về sự tăng trưởng bền vững của nước nhà; làm sao khơi dậy, phát huy mọi nguồn lực, tranh thủ mọi cơ hội, bứt phá đưa đất nước phát triển nhanh hơn, sánh vai cùng với các quốc gia, dân tộc hùng cường trên thế giới./.
Đinh Hồng Quang
Chánh văn phòng Tổng Công ty Hạ tầng mạng