Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023
Đẩy mạnh truyền thông nội bộ góp phần quảng bá hình ảnh, gìn giữ và phát huy văn hóa doanh nghiệp Petrolimex
Trải qua lịch sử gần 70 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã trở thành một trong những Tập đoàn kinh tế mạnh, đóng vai trò trọng yếu trong đảm bảo cung cấp xăng dầu cho thị trường một cách liên tục, ổn định, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bước vào thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Petrolimex đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, trong đó thách thức phải vượt qua chính mình để tiến xa hơn được xác định là lớn nhất. Với định hướng đưa Petrolimex trở thành Tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam vươn tầm quốc tế, với các sản phẩm hướng tới là sản phẩm năng lượng sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường; luôn chủ động xây dựng và áp dụng mô hình quản trị hiện đại, minh bạch, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tự động hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh và điều hành. Để vươn tới mục tiêu chiến lược đó thì mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động Petrolimex đều phải được biết và hiểu sâu sắc về thông điệp, về nhiệm vụ và trách nhiệm của mình ở từng vị trí công tác, phải “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó giúp mọi người lao động trong toàn Tập đoàn hiểu, tin tưởng, gắn bó với Petrolimex, phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, dám nghĩ, dám làm vì mục tiêu chung là sự phát triển bền vững của Tập đoàn, đồng thời được tận hưởng những thành quả do mình đóng góp, cống hiến.
Do vậy, Petrolimex rất cần một giải pháp tổng thể, lâu dài để đưa các nội dung và thông điệp cần thiết của Tập đoàn đến toàn thể người lao động một cách nhanh nhất, chính xác nhất vào đúng thời điểm nhất, với mục tiêu định hình, phát triển và lan tỏa mọi giá trị cốt lõi của Petrolimex từ bên trong để rồi dành được sự tín nhiệm, chấp thuận của khách hàng và người tiêu dùng. Việc đẩy mạnh công tác truyền thông nội bộ tại Petrolimex chính là góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 07-CT/TW ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư (Khóa XII) về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới” và Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK ngày 28/4/2023 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương”.
Thực trạng công tác truyền thông
Trong thời gian qua công tác truyền thông tại Petrolimex đã có những bước tiến mạnh mẽ, có sự quan tâm đầu tư chuyển đổi cả về chất và lượng trong công tác truyền thông; đã nâng cao được tính chủ động trong công tác truyền thông, kịp thời khắc phục xử lý các vấn đề phát sinh tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của Petrolimex, cụ thể như: Một là việc triển khai đồng bộ hệ thống giao diện Website mới mang tính chuyên nghiệp, hiện đại; lượng tin bài của Petrolimex ngày càng tăng, chất lượng tin/bài/hình ảnh ngày càng cao, thông tin thông suốt từ trên xuống dưới. Hai là lượng truy cập, tương tác với Website và Fanpage Tập đoàn có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là trong những giai đoạn Tập đoàn tổ chức các hoạt động, sự kiện mang tính cạnh tranh, thi đua, khuyến mại, tích điểm thưởng… Ba là công tác phối hợp với cơ quan báo chí cũng mang tính chủ động và thực chất hơn. Petrolimex đã chủ động cung cấp thông tin để giúp cơ quan báo chí có góc nhìn và đánh giá đúng về vai trò, trách nhiệm và hiệu quả của Petrolimex, từ đó cung cấp cho độc giả những thông tin khách quan, trung thực. Bốn là Petrolimex luôn coi trọng và đề cao tính minh bạch trong quản lý điều hành, chất lượng sản phẩm là yếu tố được đặt lên hàng đầu, do vậy thương hiệu của Petrolimex luôn được các cơ quan quản lý Nhà nước, đối tác và người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, công tác truyền thông tại Tập đoàn vẫn còn một số hạn chế sau: Một là tính không đồng đều. Nhiều đơn vị còn trầm lắng, thiếu sự quan tâm, động viên, khích lệ, chỉ đạo và tạo điều kiện của người đứng đầu đơn vị trong công tác thông tin truyền thông. Hai là nguồn kinh phí dành cho công tác thông tin truyền thông còn hạn chế do vậy các giải pháp, ấn phẩm thông tin truyền thông chưa thực sự hấp dẫn, chưa sinh động và chưa có điều kiện để triển khai trên các phần mềm, nền tảng truyền thông công nghệ hiện đại. Ba là một phần quan trọng của đối tượng truyền thông là người lao động Petrolimex chưa thực sự được quan tâm để cung cấp đầy đủ thông tin. Bốn là số lượng cán bộ thực hiện công tác PR còn hạn chế, một số cán bộ tại các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác PR còn thiếu tính chủ động, chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Thực trạng công tác truyền thông nội bộ (TTNB) tại Petrolimex
Trong những năm qua, cùng với việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh từ Tổng công ty Nhà nước sang Tập đoàn kinh tế đa sở hữu, Petrolimex đã sớm quan tâm triển khai công tác TTNB tại Tập đoàn như: Công bố Văn hóa doanh nghiệp và ban hành bộ quy tắc ứng xử Petrolimex từ năm 2010; thường xuyên sử dụng các công cụ như Website, Fanpage Facebook, hệ thống email, văn bản hoặc các poster/standee để truyền thông về một sự kiện, tin tức hay một chính sách mới nào đó để đưa thông tin tới bạn đọc, người tiêu dùng… và trong đó có cả đối tượng là CBCNV-NLĐ Petrolimex. Thông qua các chương trình sơ kết, tổng kết hàng tháng/quý/năm để tổng kết, đánh giá các hoạt động, sự kiện, tin tức, vinh danh cá nhân và tập thể xuất sắc góp phần thực hiện công tác truyền thông nội bộ; tổ chức các cuộc thi, hội thao về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy; Hội thi bán hàng giỏi, văn minh thương mại; Hội diễn văn nghệ, thể dục thể thao… để tôn vinh và gắn kết CBCNV; tổ chức và kêu gọi CBCNV cùng tham gia trong việc thực hiện các hoạt động an sinh xã hội; các chương trình thiện nguyện vì cộng đồng, các hoạt động thể dục thể thao… mang lại nhiều cơ hội để đồng nghiệp cùng hợp tác và thân thiết với nhau hơn.
Mặc dù có một số hoạt động nên trên, tuy nhiên công tác TTNB tại Petrolimex chưa được quan tâm đầu tư một cách mạnh mẽ, chưa xây dựng chiến lược định hướng cho các hoạt động TTNB của Tập đoàn; chưa xác định mục tiêu, đối tượng, thông điệp truyền thông chính; chưa xác định nền tảng/kênh TTNB chủ lực; chưa xây dựng các sản phẩm, ấn phẩm truyền thông chuyên đề, định kỳ; thông tin truyền tải đa phần theo một chiều từ trên xuống. Nhiều thông tin từ Tập đoàn chưa được người lao động tiếp nhận hoặc khi được tiếp nhận thì không còn mang tính thời sự do sự chủ quan của cán bộ thực hiện tại đơn vị; chưa có phương pháp và công cụ đo tính cũng như nắm bắt được cảm nhận, suy nghĩ, tương tác của CBCNV đối với mỗi nội dung chính sách, chỉ đạo của Tập đoàn; nguồn kinh phí dành cho TTNB còn hạn chế. Ngoài ra cũng cần kể đến việc chưa có đội ngũ cán bộ thực hiện chuyên đề về truyền thông nội bộ.
Sự cần thiết đẩy mạnh TTNB tại Petrolimex
Nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 được đánh giá là tồn tại nhiều rủi ro lớn khi độ tăng trưởng và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm, trong khi đó nợ công tăng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Hơn nữa, đại dịch cũng đã làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế cũng như cách thức hoạt động kinh tế của các quốc gia với những hệ lụy trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, Đảng và Chính phủ đã có những chủ trương, định hướng và nhiệm vụ phát triển cụ thể trên các lĩnh vực, theo đó sẽ tác động đáng kể đến tương lai ngành xăng dầu nói chung và chiến lược phát triển của Tập đoàn Petrolimex nói riêng. Theo các dự báo, từ nay đến giai đoạn 2030 mức tăng trưởng hàng năm GDP Việt Nam vẫn đạt khoảng 6-7%/năm, do vậy nhu cầu về năng lượng (điện, than đá, xăng dầu) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vẫn sẽ duy trì ở mức cao với dự báo tăng trên 4%/năm. Chủ trương đổi mới mô hình phát triển kinh tế xã hội dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo, qua đó cần phát triển cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng thành tựu KH-CN; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó cho thấy, doanh nghiệp xăng dầu trong tương lai phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ để phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mục tiêu phát triển nguồn cung năng lượng sơ cấp được điều chỉnh theo hướng giảm tiêu thụ các sản phẩm năng lượng có nguồn hóa thạch (than đá, xăng dầu); nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia. Cùng với đó các phương tiện vận tải sử dụng động cơ điện, lai điện cũng sẽ ngày càng phát triển, chính vì thế ngành xăng dầu cũng cần chuyển hướng sang chiến lược kinh doanh với các sản phẩm năng lượng mới, năng lượng sạch để đáp ứng bối cảnh mới và phát triển bền vững.
Với sự thay đổi của môi trường sống và sự phát triển của công nghệ số, xu hướng truyền thông của doanh nghiệp nói chung và truyền thông nội bộ nói riêng cũng đã có nhiều thay đổi. Thuật ngữ “PR là sống – PR is live” xuất hiện để chỉ về tầm quan trọng của truyền thông trong mỗi doanh nghiệp và cả cá nhân. Trong công tác truyền thông, mạng xã hội đã thực sự chiếm ngôi đầu với nội dung phong phú, đa dạng, nhiều phá cách, dần hướng đến trung tâm là con người, coi trọng “người thật – việc thật – trải nghiệm thật”.
TTNB hướng đến các đối tượng nhân viên cụ thể, coi trọng cảm nhận, ý kiến sáng tạo của nhân viên, các sáng kiến luôn sẵn sàng được chia sẻ cùng với chế độ khen thưởng linh hoạt. Tất cả những điều đó giúp gắn kết các nhân viên trong doanh nghiệp một cách bền vững từ bên trong.
Với các nội dung nêu trên, cùng với đặc thù của Petrolimex về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, về quy mô, trình độ, đối tượng lao động…, nhằm đẩy mạnh công tác TTNB tại Petrolimex cần tập trung vào một số nội dung như sau:
Thứ nhất, Xác định thông điệp TTNB, gắn liền với mục tiêu chiến lược phát triển Tập đoàn.
Thứ hai, Xác định đối tượng TTNB.
Thứ ba, Xây dựng mục tiêu trọng tâm của TTNB, trong đó nâng cao nghiệp vụ truyền thông nội bộ nói riêng và nghiệp vụ PR nói chung từ Tập đoàn đến các đơn vị; giúp người lao động hiểu, tin tưởng, gắn kết, nâng cao hiệu quả; Phát huy sức mạnh truyền thống “để tiến xa hơn”; truyền tải mục tiêu, chiến lược phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn mới; lắng nghe, tiếp thu và khuyến khích, thúc đẩy người lao động phát huy sáng kiến xây dựng đơn vị, Tập đoàn; tham gia đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng truyền thông; góp phần chủ động ngăn ngừa tin giả (Fake News); giúp mang lại cho người lao động cảm giác hạnh phúc và tự hào khi là một phần của mái nhà chung Petrolimex…
Thứ tư, Đồng bộ và bài bản trong các giải pháp.
Thứ năm, Có giải pháp đo lường hiệu quả rõ ràng.
Trong thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục có các giải pháp đẩy mạnh truyền thông nội bộ như: Tăng cường vai trò của công tác truyền thông nội bộ từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung: thông điệp, sứ mệnh, tầm nhìn, bộ quy tắc ứng xử, văn hóa doanh nghiệp Petrolimex, chiến lược phát triển Tập đoàn…; Định kỳ tổ chức các hội nghị đối thoại giữa người lao động với lãnh đạo doanh nghiệp; Xây dựng diễn đàn để người lao động thoải mái chia sẻ về doanh nghiệp; Phát động các phong trào thi đua đẩy mạnh ý tưởng sáng tạo; Đẩy mạnh công tác đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên…
Với các nền tảng hiện có (website, fanpage facebook), cần bổ sung, đa dạng hóa các thư mục, chuyên mục định kỳ hướng tới người lao động. Hàng tháng/quý có thể lựa chọn các chuyên mục như: chuyên mục đào tạo; chuyên mục an toàn, PCCC; chuyên mục thi đua hiệu quả SXKD; chuyên mục sản phẩm năng lượng thân thiện môi trường; chuyển đổi số; chân dung CBCNV xuất sắc; công tác an sinh xã hội; sức khỏe người lao động; hội thi - hội thao; game tương tác… để tạo hiệu ứng thu hút, lan tỏa trong người lao động; bổ sung các kênh thông tin truyền thông nội bộ định kỳ hàng tháng trên website, fanpage facebook như: Bản tin hình, bản tin tiếng, các ấn phẩm, đặc san online… Nghiên cứu, áp dụng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ công tác truyền thông nội bộ: Workplace, Gapowork, Digital Office, App PLX…
Nguyễn Ngọc Tú, Ban Truyền thông và Quan hệ công chúng, Petrolimex