.
.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương:

Khảo sát tình hình thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng tại một số tập đoàn, tổng công ty

Thứ Hai, 28/05/2012|17:30

Vừa qua, thực hiện Công văn số 650-CV/ĐUK của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về việc báo cáo đánh giá tình hình 8 năm thực hiện Luật thi đua, Khen thưởng, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Quang Dương - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương dẫn đầu đã đi khảo sát về tình hình thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng tại một số tập đoàn, tổng công ty như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VinaTex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VinaChem), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)...

Đoàn công tác Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về tình hình thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng
Đoàn công tác Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về tình hình thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng

Theo đó, đại diện lãnh đạo bộ phận Thi đua, Khen thưởng đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình 8 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng tại đơn vị. Nhìn chung, trong những năm qua, các tập đoàn, tổng công ty đã nghiêm túc triển khai, quán triệt tới cấp ủy và lãnh đạo đơn vị thành viên các quy định của Đảng, Nhà nước về đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến; các phong trào thi đua tại các tập đoàn, tổng công ty đã tạo động lực, giúp đơn vị có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ, góp phần quan trọng khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Việc quan tâm, chú trọng chỉ đạo phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, động viên cán bộ, công nhân viên và người lao động cống hiến tại các tập đoàn, tổng công ty đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Công tác thi đua, khen thưởng và việc thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng được tổ chức thực hiện nghiêm túc đã thực sự trở thành động lực quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi tập đoàn, tổng công ty nhằm thúc đẩy, động viên người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác trong từng thời kỳ.

Đoàn công tác Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương làm việc với
Đoàn công tác Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam 

Trong các phong trào thi đua yêu nước, nhiều tập thể, cá nhân điển hình đã được lựa chọn đề xuất khen thưởng ở các cấp, trong đó một số tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước xét tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động… Việc xét tặng được thực hiện đúng các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Đánh giá về mặt tích cực của Luật Thi đua, Khen thưởng với phong trào thi đua và công tác khen thưởng, đại diện Phòng Thi đua Khen thưởng của PVN, cho rằng: Sau khi Luật Thi đua, Khen thưởng đi vào cuộc sống đã đánh dấu một bước phát triển và đổi mới kể cả về nhận thức và hoạt động của công tác thi đua, khen thưởng. Luật Thi đua, Khen thưởng đã được các cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên quán triệt, nhận thức rõ từ đó tạo ra những chuyển biến rõ rệt, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy được khẳng định và nâng cao, công tác thi đua khen thưởng đảm bảo kịp thời, khách quan, công bằng, dân chủ, đúng đối tượng nên đã phát huy tác dụng, động viên được tinh thần nỗ lực phấn đấu trong thi đua, lao động, sản xuất, làm thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực về nhận thức, lối sống, tác phong làm việc, có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học… tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thi đua, khen thưởng cũng như là cơ sở để phát động các phong trào thi đua, thực hiện công tác khen thưởng trong Tập đoàn đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, đại diện Phòng Thi đua Khen thưởng của PVN cho biết thêm: Giữa quy định của Luật và thực tế triển khai vẫn còn những bất cập như quy định về tỉ lệ đề xuất và khen thưởng danh hiệu cá nhân, theo đó phần lớn các đơn vị căn cứ vào tỉ lệ để đề xuất số lượng người được khen thưởng mà bỏ qua phần quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất đối với công tác thi đua, khen thưởng là thành tích cá nhân của mỗi người, dẫn tới việc cùng đạt một doanh hiệu khen thưởng như nhau, nhưng thành tích của người này khác xa hoặc chênh lệnh nhiều so với thành tích của người khác, nhưng tỉ lệ vẫn còn thì đơn vị vẫn đề xuất. Quy định về hồ sơ đề nghị xét thưởng còn mang nặng tính chất thủ tục hành chính, làm mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều thủ tục còn rườm rà và là cơ sở để phát sinh tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng. Ngoài ra, Luật cũng chưa quy định cụ thể về sự phối hợp giữa các Cơ quan, Ban, Ngành trong việc tổ chức các phong trào thi đua, dẫn đến hiện tượng trùng lặp, chồng chéo; công tác hướng dẫn, tổ chức thực hiện phong trào thi đua thực sự chưa đi vào nề nếp…

Còn đại diện lãnh đạo của VinaTex thì có ý kiến đề xuất: Cần điều chỉnh lại tuyến trình khen. Bởi hiện nay, khen từ Bằng khen Chính phủ trở lên phải qua Bộ, thời gian trình lâu, làm ảnh hưởng đến tính kịp thời của việc khen thưởng. Vì vậy, các mức khen thưởng cho Công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và mức khen cao hơn (từ Huân chương Độc lập trở lên với các đơn vị thành viên Công ty mẹ) thì mới phải qua Bộ. Nên hạn chế các chương trình tôn vinh (thương hiệu, doanh nghiệp tiêu biểu…), bởi hình thức này mang yếu tố thương mại và làm ảnh hưởng đến tính tích cực của khen thưởng, đồng thời quy định khoảng cách thời gian (từ 3-5 năm) cho một hình thức tôn vinh. Cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng để phong trào thi đua và công tác tổng kết các phong trào thi đua không mang tính hình thức.

Phát biểu tổng kết chuyến khảo sát, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhấn mạnh: Trong 8 năm thực hiện Luật Thi đua Khen thưởng, các tập đoàn, tổng công ty đã phát động được nhiều phong trào thi đua ý nghĩa, thiết thực, nhân rộng được nhiều điển hình tiên tiến, có tác dụng nêu gương và thúc đẩy tinh thần lao động, đặc biệt là các phong trào thi đua trên các công trình trọng điểm của quốc gia. Công tác thi đua, khen thưởng tại các tập đoàn, tổng công ty làm rất bài bản, đúng Luật đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ đối với cán bộ, công nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo chiến lược phát triển của đơn vị trong từng thời kỳ. Đồng chí cũng đề nghị các bộ phận thi đua, khen thưởng tại các tập đoàn, tổng công ty cần tập hợp những kiến nghị, vướng mắc trong thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng tại đơn vị mình và gửi về Đảng ủy Khối để trình lên Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương vào thời gian tới, để Luật Thi đua, Khen thưởng thực sự đi vào cuộc sống và trở nên đồng bộ, có hiệu quả thiết thực.

Lan Hương

.
.
.
.