.
.

Xuân về với 62 huyện nghèo

Thứ Năm, 12/01/2012|21:24

(ĐUKDNTW) - Nghị quyết 30a của Chính phủ đã triển khai thực hiện được 3 mùa Xuân và vẫn như một luồng gió mới, giúp nâng cao đời sống người dân tại 62 huyện nghèo. Nhìn chung, kinh tế - xã hội tại các địa phương đều có bước phát triển rõ rệt nhất là hệ thống dịch vụ công cộng điện, đường, trường, trạm, chợ… Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 5%/năm, thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng đạt 6 triệu đồng/người...

"Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a, NHCSXH đã giải ngân 7.864 tỷ đồng, trong đó năm 2009 là 4.092 tỷ đồng, năm 2010 là 2.045 tỷ đồng và năm 2011 là hơn 1.727 tỷ đồng.

Tổng dư nợ tại các huyện nghèo đạt trên 8.492 tỷ đồng với hơn 492 nghìn khách hàng còn vay vốn, trong đó: Cho vay hộ nghèo đạt hơn 4.979 tỷ đồng, GQVL trên 174 tỷ đồng, hộ gia đình SXKDVKK 1.595 tỷ đồng...".

Tổng  số vốn ngân sách Trung ương đã bố trí để hỗ trợ thực hiện chương trình theo Nghị quyết 30a trong 3 năm qua (2009 - 2011) là 8.535 tỷ đồng, bình quân mỗi huyện được bố trí 130 tỷ đồng. Riêng năm 2011, trong điều kiện kinh tế đất nước gặp khó khăn nhưng Chính phủ vẫn ưu tiến bố trí 3.695 tỷ đồng cho 62 huyện nghèo, tăng 2 lần so với năm 2010. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, dự án khác, các chương trình sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư của Trung ương trên địa bàn đã ưu tiên bố trí vốn cho 62 huyện nghèo trong 3 năm khoảng 22.000 ỷ đồng. Tại Hội nghị sơ kết chương trình 30a, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Nghị quyết 30a ra đời đã khắc phục một phần những hạn chế, tồn tại trong thực hiện giảm nghèo. Cụ thể, việc chỉ đạo đã trọng tâm trọng điểm, quyết liệt, tập trung ưu tiên đối với các vùng nghèo, xã nghèo. Các giải pháp giảm nghèo đối với 62 huyện cũng toàn diện hơn, gồm cả hỗ trợ sản xuất, đào tạo nâng cao dân trí, đầu tư cơ sở hạ tầng tạo đà để các huyện nghèo, vùng nghèo vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, qua việc triển khai Nghị quyết 30a, các Bộ, ngành Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm trong việc thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững. Chỉ tính riêng nguồn vốn hỗ trợ từ 40 Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước, doanh nghiệp cam kết nhận giúp đỡ 62 huyện nghèo là gần 1.500 tỷ đồng.

Năm 2008, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, tổng nhu cầu nhà ở cần hỗ trợ trên địa bàn 62 huyện nghèo được phê duyệt là 85.134 căn nhà với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp, Quỹ vì người nghèo các địa phương và đóng góp của họ hàng, dòng tộc hộ nghèo, đến nay, các huyện đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm ở 62 huyện nghèo với tổng số 82.814 nhà, đạt 97% theo kế hoạch.

Ngoài ra còn rất nhiều các chính sách hỗ trợ khác được triển khai đồng bộ và có hiệu quả như giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí đối với các huyện nghèo...

 

Ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Chương trình giảm nghèo quốc gia cho biết, với Nghị quyết 30a, nhóm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, để hộ nghèo có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống đã được tính toán, thiết kế đảm bảo để "người nghèo, hộ nghèo đa phần là đồng bào các DTTS trên địa bàn sống được từ lâm nghiệp". Đó là nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, khai hoang phục hóa, làm ruộng bậc thang, phát triển chăn nuôi... qua đó tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, không du canh, du cư phá rừng trồng nương rẫy. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành có liên quan tập trung nghiên cứu hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các huyện thực hiện một cách đồng bộ. Thúc đẩy thực hiện hiệu quả nhóm chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Giảm nghèo nhanh, nhưng cần xem xét tính bền vững trước những tác động từ lạm phát, suy giảm kinh tế, thiên tai lụt bão. Đưa chỉ tiêu giảm nghèo, trồng rừng, khai hoang phục hóa đất sản xuất, dạy nghề, XKLĐ hộ nghèo vào Nghị quyết HĐND các cấp hàng năm.

Có thể nói, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%/năm, là con số ấn tượng, nếu biết rằng trong giai đoạn 2006 - 2010, tỷ lệ giảm nghèo bình quân cả nước cũng chỉ 2%/năm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa xác nhận: "Nếu không có quyết sách đầu tư, hỗ trợ từ Nghị quyết 30a cho 62 huyện nghèo thì việc phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất nông, lâm nghiệp vẫn rất khó khăn". Theo Ban chỉ đạo Trung ương, tỷ lệ nghèo trung bình trên địa bàn 62 huyện nghèo đã giảm xuống còn 37%, giảm bình quân 5%/năm, theo chuẩn nghèo cũ, đạt mục tiêu giảm số hộ nghèo xuống dưới mức 40% như Nghị quyết đặt ra.

 Hữu Bắc

.
.
.
.