.
.

Năm nay lạm phát “đẹp như mơ”?

Chủ Nhật, 14/07/2013|10:18

 

Quốc hội đặt mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay tối đa là 8%; Chính phủ đặt mục tiêu CPI tăng trong khoảng 6 - 7%, nhưng cố gắng giữ ở mức 7% nhằm bảo đảm tăng trưởng GDP ở mức 5,5%.

Trong 6 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 2,4% - mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Câu hỏi đặt ra là CPI năm nay dừng lại ở con số nào? Có “đẹp như mơ” hay không là chủ đề được nhiều chuyên gia kinh tế tập trung thảo luận tại Hội thảo Diễn biến giá cả thị trường và dự báo cả năm 2013 vừa được Viện Kinh tế tài chính, Bộ Tài chính tổ chức.


Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

 

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long chỉ ra 7 nguyên nhân khiến CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp gồm, các cấp, các ngành tích cực triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP; giá lương thực, nhiên liệu trên thị trường thế giới giảm; tỷ giá tương đối ổn định; giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI giảm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp; tín dụng tăng trưởng chậm; và sức mua của người dân suy yếu.

“CPI thấp không phải do hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động cao hay do giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm mà do nội lực của nền kinh tế chưa được phục hồi (GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,9% - thấp hơn so với mức tăng 4,93% của năm 2012); doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sức mua yếu khiến hàng tồn kho chất đống với chỉ số tồn kho lên đến hơn 75% thay vì mức thông thường là 65%”, ông Long bình luận.

Trong khi các tổ chức kinh tế quốc tế như JPMorgan Chase dự báo, CPI của Việt Nam năm nay là 6,1% - thấp hơn so với dự báo của Standard Chartered là 7,2% nhưng cao hơn khá nhiều so với dự báo của ANZ là 5,5% thì ông Long vẫn mạnh dạn dự báo CPI năm nay sẽ dao động từ 6,5% đến 7% - một con số mong đợi của các cơ quan hoạch định chính sách.

Lý do để đưa ra dự báo trên, theo ông Long, chi phí lãi vay chiếm 24% giá vốn sản xuất hàng hóa, với nỗ lực giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thì giá vốn sản xuất cũng giảm tương ứng, là cơ hội để doanh nghiệp giảm giá bán, giải phóng hàng tồn kho, cắt lỗ để bước vào chu kỳ kinh doanh mới.

Ông Long cho rằng, một khi giá giảm sẽ kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất, cộng với các giải pháp hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ thị trường và đẩy nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản đang được Chính phủ ráo riết thực hiện thì khả năng năm nay sẽ đạt được mục tiêu: “Tăng trưởng cao hơn năm 2012, lạm phát dưới 8%”.

“Nhưng lạm phát rất nhạy cảm, dễ bị phá vỡ và một khi lạm phát bùng phát trở lại sẽ rất khó kiểm soát, vì vậy cần phải tập trung kiềm chế lạm phát ngay khi chỉ số này ở mức thấp”, ông Long cảnh báo.

“Với diễn biến CPI trong 6 tháng đầu năm cho thấy, lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và hoàn toàn có thể kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012 (tăng 6,81%)”, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê tự tin.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ số hàng hóa chung trên thị trường thế giới năm nay giảm 2%, chỉ số giá năng lượng giảm 3%, giá hàng lương thực và thực phẩm giảm 2%.

Như vậy, yếu tố chi phí đẩy không tác động lên CPI của Việt Nam trong năm nay. Và đây, cũng là lý do khiến các chuyên gia kinh tế Việt Nam khá tự tin khi dự báo CPI năm nay rất thấp, và nhiều khả năng đạt được “con số trong mơ”.

Tuy nhiên, trên thực tế thì diễn biến giá cả của Việt Nam không hoàn toàn phụ thuộc vào mặt bằng giá cả thế giới. Và chính điều này khiến bà Ngọc lo ngại.


Bà Đỗ Thị Ngọc, Tổng cục Thống kê
Bà Đỗ Thị Ngọc, Tổng cục Thống kê

 

Bởi ngoại trừ yếu tố khách quan nội tại trong nước tác động lên CPI trong 6 tháng cuối năm như kim ngạch nhập khẩu tăng trở lại do hoạt động sản xuất đang có dấu hiệu phục hồi sẽ tác động đến tỷ giá VND/USD; thực hiện chính sách nới lỏng tín dụng để kích cầu đầu tư… thì việc tăng lương tối thiểu thêm 100 ngàn đồng (từ 1,05 triệu đồng lên 1,15 triệu đồng/tháng) và Hà Nội cùng với TP.HCM điều chỉnh giá học phí, viện phí cũng tác động rất lớn đến CPI.

Theo tính toán của bà Ngọc, nếu Hà Nội và TP.HCM tăng viện phí sẽ khiến CPI tăng thêm 0,7 điểm phần trăm, cộng với việc TP.HCM điều chỉnh tăng học phí khiến CPI tăng thêm 0,75 điểm phần trăm nữa.

“Ngoài ra, do giá thực phẩm bán ra của người sản xuất rất thấp nên đã có rất nhiều người treo ao, bỏ chuồng, không chăn nuôi nữa. Nếu nguồn cung thực phẩm mà thiếu (lương thực và thực phẩm chiếm tỷ trọng 39,93% trong rổ hàng hóa tính CPI) sẽ tác động rất mạnh lên chỉ số CPI trong 6 tháng cuối năm”, bà Ngọc lo ngại.

“Chúng ta có thể đi tới một ý kiến quan trọng rằng, Chính phủ nên có những cam kết mạnh mẽ trong việc chống lạm phát ngay cả khi lạm phát đang khá thấp và ổn định. Vì lạm phát thấp thực tế là sự cân bằng không bền vững và rất dễ bị phá vỡ, trong khi lạm phát cao luôn có khuynh hướng quay trở lại”, bà Ngọc nói.

(baodautu.vn)

.
.
.
.