Khắc phục hạn chế, yếu kém bắt đầu từ thể chế, cơ chế
Trong phiên chất vấn sáng 14/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu để khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, sáng 14/11 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Với trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, cá nhân Thủ tướng đã nhìn nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ về tất cả những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong quản lý, điều hành trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có những yếu kém, khuyết điểm trong giám sát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Ưu tiên nâng cao năng lực, chất lượng xây dựng thể chế
Trong những giải pháp khắc phục trọng tâm được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra tại phiên chất vấn sáng nay, giải pháp nâng cao năng lực và chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế luật pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế, cơ chế, luật pháp được xác định là quan trọng nhất.
Theo Thủ tướng, yếu kém, hạn chế lớn nhất trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là ở nội dung xây dựng thể chế, cơ chế luật pháp.
“Có những thể chế, cơ chế luật pháp do Chính phủ xây dựng đề nghị Quốc hội thông qua, hay do chính Chính phủ vừa ban hành đã có những điểm không phù hợp, không sát cuộc sống, phải sửa đổi, bổ sung”, Thủ tướng nêu lên những bất cập cần tập trung khắc phục.
"Có những thể chế, cơ chế đã ban hành nhưng chờ nghị định, thông tư hướng dẫn, nên chậm đi vào cuộc sống; khi có hướng dẫn thì không đúng tinh thần; có những cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng thực thi không hiệu quả; đã ban hành, sau một thời gian không còn phù hợp, nhưng chậm sửa đổi. Ngoài ra, còn có tình trạng thực tế cuộc sống xuất hiện những nội dung đòi hòi phải có thể chế, cơ chế để điều chỉnh, để thúc đẩy phát triển hoặc ngăn chặn tiêu cực nhưng khi xây dựng thì rất chậm chạp".
Việc tăng cường, nâng cao năng lực dự báo, phân tích, đánh giá tình hình, năng lực phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường năng động, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, là nhóm giải pháp thứ hai Thủ tướng đề cập.
“Quản lý nhà nước phải quản lý bằng quy hoạch, kế hoạch, nhưng ngay quy hoạch, kế hoạch không phù hợp, không sát, kém chất lượng thì sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí đầu tư, làm chậm, cản trở tiến trình phát triển của đất nước” Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý trong xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch để quản lý, điều hành.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.
“Không làm tốt việc này, thì hiệu lực, hiệu quả điều hành của Chính phủ không đảm bảo được, và thực tế đây là khuyết điểm lớn của Chính phủ”, ông nói.
Nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống tổ chức của Chính phủ, bộ máy hành chính các cấp cũng được coi là trọng tâm trong thời gian tới. “Sức mạnh trước hết từ bộ máy tổ chức. Vừa qua đã cơ bản thực hiện được nhiệm vụ nhưng vẫn còn khiếm khuyết. Cần làm tốt với tinh thần tinh gọn, hiệu quả, làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức, không để lĩnh vực nào mà không có cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý chính, tránh tình trạng một việc hai ba người; làm rõ phân công, phân cấp, giao quyền để đề cao trách nhiệm, phát huy năng động, sáng tạo của cấp dưới, đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp trên, của Trung ương”.
Thủ tướng coi việc đề cao trách nhiệm, nâng cao đạo đức, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu, noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt trong thời gian tới.
Nhiệm vụ trọng tâm cuối cùng được Thủ tướng đề cập là thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tốt trách nhiệm của tập thể, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
“Nghiêm túc, nâng cao năng lực lắng nghe ý kiến góp ý của cán bộ, Đảng viên, của nhân dân, của các chuyên gia trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực giải đáp, giải trình để qua đó chịu sự giám sát của nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để khắc phục hạn chế yếu kém, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, Chính phủ đã có chương trình, kế hoạch cụ thể với tinh thần đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
"Không thoái thác nhiệm vụ được Đảng giao phó"
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) về "văn hóa từ chức", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm ông theo Đảng, hoạt động cách mạng. Là một cán bộ, Đảng viên, Thủ tướng đã nghiêm túc kiểm điểm, báo cáo đầy đủ với Đảng, với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về bản thân mình.
"Trong 51 năm qua tôi không xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Mặt khác, tôi cũng không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi".
"Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực khả năng, cả về sức khỏe, thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi. Đảng lãnh đạo, quản lý trực tiếp tôi, hiểu rất rõ về tôi. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ. Trung ương phân công, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội", Thủ tướng bày tỏ.
Theo Chinhphu.vn