.
.

Không để “chảy máu” tài nguyên

Thứ Ba, 21/08/2012|14:41

Thực hiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đông đảo doanh nghiệp tham gia dẫn đến tình trạng "cung" vượt quá "cầu". Trong khi đó việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan vừa chậm lại vừa thiếu. Nạn khai thác bừa bãi khoáng sản không chỉ gây thất thoát, "chảy máu" tài nguyên mà đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Đã đến lúc cần đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường...

vvvvv
Dây chuyền khai thác than tại Công ty Tuyển than Cửa Ông.

 

Cấp phép tràn lan

Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ trong 3 năm, từ tháng 10-2005 đến tháng 8-2008, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã cấp 3.495 giấy phép khai thác, gấp hơn 7 lần số lượng TƯ cấp trong 12 năm (TƯ cấp là 478 giấy phép khai thác). Tính đến ngày 1-7-2011, cả nước hiện có 4.201 giấy phép khai thác khoáng sản các loại và có khoảng gần 2.000 doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ.

Theo cảnh báo của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, việc phát triển nhanh cả về số lượng doanh nghiệp và thành phần kinh tế tham gia hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản đã kéo theo những tổn hại về môi trường và thất thoát tài nguyên. Đánh giá của Ủy ban chỉ rõ, công tác cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên thực tế còn nhiều tồn tại và bất cập, nhiều vướng mắc chưa được giải quyết ảnh hưởng đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản và bảo vệ môi trường. Số lượng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu. Trong đó, tổn thất tài nguyên khoáng sản là rất lớn, nhất là các địa phương có biên giới, có cảng thì tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô khá nhiều. Khoáng sản bị khai thác trái phép diễn ra rất phổ biến (51/63 tỉnh, thành phố), chủ yếu là vàng sa khoáng, vàng gốc, thiếc, quặng sắt, wonfram, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Qua thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản từ năm 2008 trở lại đây, các cơ quan chức năng đã xử phạt gần 20 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản. Riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỷ đồng.

Mặt khác, từ năm 2005, việc cấp phép khai thác khoáng sản được phân cấp mạnh cho địa phương, vô hình trung đã tạo điều kiện dễ dãi cho một số tỉnh, thành phố trong việc cấp phép. Lại không được kiểm tra, giám sát, có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng trái quy định của pháp luật, cấp chồng lên cả quy hoạch của TƯ. Nhiều giấy phép cấp không đúng đối tượng, một số đơn vị có tiềm năng khai thác, chế biến khoáng sản không được cấp giấy phép, trong khi đó nhiều tổ chức, cá nhân không hoạt động trong lĩnh vực này, không có nhân lực và trang thiết bị thì lại được cấp giấy phép. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuyển nhượng giấy phép khai thác khoáng sản gây khó khăn cho việc quản lý và phát sinh nhiều vấn đề. Trước thực tế đó, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị cần làm rõ thực trạng khai khoáng tràn lan do năng lực bộ máy hay do chạy theo lợi ích của địa phương, doanh nghiệp, cá nhân trong bộ máy quản lý nhà nước? Cần kiểm tra xem 4.000 giấy phép đã cấp sai, đúng thế nào, từ đó đề xuất Chính phủ rà soát; nếu sai thì dừng, thu hồi giấy phép, xử lý cán bộ.

Sớm bịt kẽ hở

Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chênh lệch mức thu thuế tài nguyên của các loại khoáng sản từ mức thấp đến cao là quá xa. Cụ thể, than 4-20%, dầu thô 4-40%, đất hiếm 12-25%, kim loại 7-25%, phi kim 3-15% đã dẫn đến việc áp dụng có lúc, có nơi tùy tiện. Hơn nữa, việc tính thuế khoáng sản do đơn vị khai thác tự khai nên số lượng khai để nộp thuế không biết là bao nhiêu, dẫn đến tình trạng thất thoát về tài nguyên không thể đo đếm. Nhiều đại biểu còn chỉ ra rằng doanh nghiệp khi khai thác khoáng sản thường không trả tiền trách nhiệm mà doanh nghiệp phải trả khi khai thác từ môi trường. Nếu kiểm soát không tốt khâu này, nhất là việc phê duyệt các đánh giá tác động môi trường, các giải pháp môi trường tham nhũng rất có thể xảy ra và hậu quả không thể lường hết.

Trong cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trên lĩnh vực quản lý và khai thác khoáng sản được tổ chức cách đây hơn một năm, các đại biểu tham dự đã đưa ra cảnh báo tham nhũng trong quản lý, khai thác khoáng sản ở Việt Nam đã đến mức báo động, việc thất thoát tài nguyên khoáng sản và ô nhiễm môi trường đang gây ra nhiều vấn đề trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Do vậy, trước mắt, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý khoáng sản từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến đến tiêu thụ. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi một loạt luật, trong đó có Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản... theo hướng tăng cường hiệu lực các cơ quan quản lý nhà nước, phân công, phân cấp rõ ràng.

Tài nguyên khoáng sản thuộc về mọi công dân. Để bảo vệ môi trường và sự công bằng giúp mọi người dân được hưởng lợi từ tài nguyên, trước hết cần bắt đầu từ việc xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh.

                                                                                                                                Theo HNM

.
.
.
.