Để ngành Logitics Việt Nam không thua trên sân nhà
Các tập đoàn kinh tế trên thế giới thường quan tâm đến chi phí logistics trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Quốc gia nào có chi phí logistics thấp, đó là lợi thế cạnh tranh. Song, hiện chi phí logistics của nước ta cao hơn nhiều so các nước trong khu vực và chưa phát triển.
Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Đông Nam Á (AFFA) đã giành cho phóng viên Báo điện tử Chính phủ xung quanh vấn đề đẩy mạnh phát triển ngành Logistics Việt Nam.
Ông Đỗ Xuân Quang. |
Thưa ông, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ông có thể đánh về vai trò và tiềm năng phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam trong những năm qua ?
Ông Đỗ Xuân Quang: Logistics có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Sự phát triển của ngành logsitics sẽ tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa và cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do vậy, Logistics được xem như chiếc đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện chi phí logistics ở nước ta cao hơn rất nhiều so các nước trong khu vực. Trong khi chi phí logistics nước ta chiếm khoảng 25% GDP thì Nhật Bản chi phí logistics chỉ chiếm 11%/GDP, Singapore 8%, Malaysia 13%, Indonesia 13%...
Để nhận thức đúng vai trò của Logistics, cần hiểu rõ bản chất đầy đủ của logistics. Logistics rộng lớn hơn giao nhận và kho vận rất nhiều. Nó bao gồm một chuỗi dịch vụ từ quản lý nguyên vật liệu đầu vào, tổ chức sản xuất, đóng gói bao bì, thủ tục hải quan, phân phối, cứu hộ, tổ chức vận chuyển đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng... Xu hướng hiện nay là tích hợp nhiều dịch vụ tạo thành một sản phẩm có chất lượng và chi phí hiệu quả nhất. Vì thế, logistics có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế.
Hiện Việt Nam đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đây là cơ hội để tất cả các ngành kinh tế - trong đó có logistics, phát triển. Tuy nhiên, là một người tâm huyết và lăn lộn với nghề đã gần 20 năm, tôi thấy sự phát triển của ngành logistics chưa đúng tầm, đúng tốc độ với những thuận lợi này.
Có nhiều nhận xét cho rằng các doanh nghiệp logistics Việt Nam hoạt động còn manh mún và đang “thua trên sân nhà”, ý kiến của ông về việc này?
Ông Đỗ Xuân Quang: Thực ra, chúng ta chưa nắm được hết các lợi thế từ ngay chính thị trường nội địa. Thực tế, sự thiếu đồng bộ của các phương thức vận chuyển (thường được gọi là hành lang đa phương thức) đang tạo ra sự tắc nghẽn dòng dịch chuyển logistics, làm tăng chi phí và hạn chế sự phát triển của ngành logistics toàn diện trên phạm vi cả nước.
Trên các trục đường bộ của ta không được thiết kế đúng theo tiêu chuẩn để có thể kết hợp tốt các phương thức vận tải bằng đường biển, đường sông, đường bộ và đường hàng không. Hệ thống đường sắt quá lạc hậu, còn hệ thống cầu đường thì cũng chưa được thiết kế để vận chuyển hàng hóa. Đường hàng không thì năng lực vận chuyển thấp, mùa cao điểm không đủ máy bay.v.v.
Tiếp đến chúng ta còn yếu về nguồn nhân lực; trình độ quản lý non trẻ; chưa đầu tư đúng tầm về công nghệ thông tin vào việc quản lý và điều hành; các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của ngành chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng tầm.... Chính những điểm yếu cơ bản nêu trên là nguyên nhân làm chúng ta mất đi những lợi thế ngay chính từ “sân nhà” của mình.
Vậy đâu là thế mạnh của ngành Logistics Việt Nam?
Ông Đỗ Xuân Quang: Chúng ta đang có rất nhiều lợi thế. Thứ nhất, hệ thống kho bãi, các doanh nghiệp Việt Nam đang sở hữu phần lớn kho bãi phục vụ trong ngành logistics, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đều phải thuê hoặc liên kết, liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam. Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước hiểu được thị trường, tâm lý khách hàng, vị trí địa lý, thời tiết, văn hóa của người bản địa hơn doanh nghiệp nước ngoài. Thứ ba, về nhân sự, lao động Việt Nam thông minh, nhanh nhạy nên dễ dàng nắm bắt các quy trình, công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Thậm chí, doanh nghiệp Việt Nam có thể thuê các chuyên gia là người nước ngoài làm việc.
Mới nhìn vào bức tranh toàn cục thì thị phần dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện nay doanh số đa phần thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài; nhưng nếu nhìn sâu vào từng doanh nghiệp logistics của Việt Nam, ta sẽ thấy sự phát triển, vươn lên từng ngày.
Theo ông, làm thế nào để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững?
Ông Đỗ Xuân Quang: Để ngành logistics Việt Nam có thể đạt được sự cân bằng về thị phần thì cần phải quy về “bài toán” đất nước chúng ta đang ở giai đoạn phát triển nào để tìm ra đáp án chính xác cho các chiến lược đồng bộ.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng đầu tư công nghệ, quy mô, đổi mới phương thức kinh doanh để có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nước ngoài. Cần nhận thức đầy đủ về logistics để từ đó khai thác hoàn thiện các dịch vụ gia tăng của chuỗi cung ứng và cần phải đầu tư đào tạo nguồn nhân lực.
Cá nhân tôi mong muốn logistics ở Việt Nam được nhìn nhận đúng, từ đó phát triển bền vững và đuổi kịp các nước trong khu vực. Hiệp hội Logistic Việt Nam đã thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển. Hiện nay, Viện đang phối hợp với Liên đoàn các hiệp hội Giao nhận Đông Nam Á (FIATA), Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) mở các chương trình đào tạo chuyên ngành logistics theo chuẩn quốc tế. Đây là mô hình tốt để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển.
Xuất nhập khẩu ngày càng phát triển mở ra cho ngành logistics những cơ hội đầy tiềm năng, Theo ông cần phải có những chiến lược cụ thể nào để các doanh nghiệp logistics Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội này?
Ông Đỗ Xuân Quang: Thay đổi tập quán kinh doanh. Đó chính là điều cần làm đầu tiên với tất cả các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đáng tiếc, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 115 tỷ USD nhưng lượng hàng hóa cần vận chuyển và sử dụng các dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 20%-25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Vì sao như thế? Vì thói quen xuất giá FOB (Free On Board) làm cho xuất khẩu của nước ta càng nhiều thì đội tàu nước ngoài càng mạnh và nhiều đơn đặt hàng. Chính phủ đã có những chính sách nhằm thay đổi phương thức trên, như thưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu theo giá CIF (Cost Insurance, Freight) nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Chỉ nhìn vào khoảng 80% đơn hàng xuất khẩu giá FOB, 20% giá CIF cho thấy phần lớn sản lượng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta là do các tập đoàn nước ngoài thực hiện.
Tiếp theo, cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa hai ngành kinh tế mũi nhọn là xuất nhập khẩu và logistics để khối lượng hàng hóa vận chuyển trong nước 60-70 triệu tấn/năm, khối lượng vận chuyển ra nước ngoài 170-180 triệu tấn/năm không rơi vào tay các tập đoàn hàng hải lớn trên thế giới như APL, Mitsui OSK, Maerk Logistics, NYK Logistics...
Tháng 9/2012, ông đã trở thành Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Đông Nam Á (AFFA), điều đó đồng nghĩa với việc khẳng định vị thế của ngành logistics Việt Nam trong khu vực?
Ông Đỗ Xuân Quang: Tôi cho rằng đây là một sự khẳng định vị thế của ngành giao nhận, vận tải và logistics Việt Nam trong khu vực ASEAN. Việt Nam là thị trường mới nổi và đang phát triển rất nhanh (trung bình 10-15%/năm) và chúng ta đang cố gắng đuổi kịp các nước trong khu vực. Vai trò hội nhập và chủ động hội nhập của VLA cũng được khẳng định, vì lâu nay, cương vị chủ tịch AFFA thường dành cho các nước phát triển mạnh về logistics trong ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia. Chúng ta hành động cùng các nước trong khu vực một cách bình đẳng với mục tiêu xây dựng khu vực thịnh vượng chung, trong đó ngành hậu cần - logistics đóng vai trò rất quan trọng.
Dĩ nhiên việc điều hành một tổ chức ngành nghề như AFFA bao gồm ban lãnh đạo Hiệp hội của hàng chục nước thành viên như ASEAN cũng là vấn đề thách thức và không đơn giản. Do vậy, vấn đề xây dựng năng lực tự thân của mình, trong đó vấn đề trải nghiệm quốc tế là rất quan trọng. Trong nhiệm kỳ lần này, VN phụ trách chương trình và nhóm làm việc về thông tin – truyền thông cho AFFA.
Ông có kiến nghị gì với Nhà nước và Chính phủ để ngành logistics phát triển hơn nữa?
Ông Đỗ Xuân Quang: Điều hết sức bất cập hiện nay là tất cả các ngành trong nền kinh tế đều có cơ quan chủ quản, trong khi đó logistics là một ngành kinh tế đòn bẩy, quan trọng nhưng chưa có một cơ quan chủ quản nào? Theo tôi, Việt Nam cần phải có Ủy ban quốc gia về logistics để giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, khung thể chế... Đây là giải pháp quan trọng để nước ta giảm được chi phí logistics.
Đầu tư có tính chiến lược, lâu dài để phát triển nguồn nhân lực cho ngành, vì hiện nay chưa có trường đại học nào có chuyên ngành đào tạo sâu về logitics. Hiệp hội logistics Việt Nam đã thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics nhưng chưa có sự đầu tư của Nhà nước về ngân sách cũng như cơ sở hạ tầng nên còn gặp rất nhiều khó khăn. Giải quyết tốt vấn đề nhân lực thì logistics của Việt Nam sẽ bước ra thị trường thế giới một cách tự tin.
Luật Thương mại đang định nghĩa Logistics là một dịch vụ rất nhỏ bé và chỉ làm để hưởng hoa hồng. Bản chất vấn đề không phải thế. Chúng ta cần nhanh chóng nghiên cứu thêm các luật pháp quốc tế để sửa đổi điều khoản về logistics. Logistics chỉ có thể phát triển khi hệ thống quốc gia được công nhận gồm: Hạ tầng cơ sở, thể chế pháp lý, người cung cấp và người mua dịch vụ.
Tôi tin rằng, nếu được quan tâm hơn nữa, ngành logistics Việt Nam sẽ rút dần khoảng cách với nhiều nước trong khu vực.
Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Theo Chinhphu.vn