Tôi từng mong trở thành tài xế
“Thừa nhận” đó là tất cả giấc mơ “thời trai trẻ”, anh Trần Thanh Hải - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Điện lực Nghĩa Lộ, Công ty Điện lực Yên Bái, không nghĩ đến một ngày mình lại gắn bó và trở thành nhân vật được đồng nghiệp khẳng định: “Thành tích kể cả ngày không hết”...
Anh Trần Thanh Hải |
Mơ ước và ngã rẽ
Sinh ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, đúng thời điểm Nhà máy Thủy điện Thác Bà đang oằn mình hứng chịu từng trận mưa bom của Đế quốc Mỹ hòng tiêu diệt “nguồn sáng” đầu tiên được xây dựng tại miền Bắc Việt Nam. 5 tuổi, Trần Thanh Hải mới được đoàn tụ cùng bố mẹ ở Yên Bình (Yên Bái). Bố làm việc từ những năm đầu tiên vận hành Nhà máy Thủy điện Thác Bà, vậy mà búp “măng non” của ngành Điện này lại sớm có ước mơ trở thành “tài xế”.
Với ước mơ cháy bỏng được đi học lái xe ô tô ở Hà Nội - “vì lúc đó nghề này đang “mốt”, vả lại thanh niên chỉ thích được đi nhiều nơi” - anh Hải giãi bày, thế nhưng, sự nghiệp của anh lại bắt đầu theo sự định hướng của bố, thi đỗ và học Trường Trung cấp điện Sóc Sơn.
Năm 1993, anh trở thành công nhân quản lý vận hành và sửa chữa đường dây Chi nhánh Điện TX Yên Bái, rồi chuyển sang trực trạm trung gian. Dù được phân công nhiệm vụ nào, anh cũng luôn chăm chỉ, học hỏi và phấn đấu làm tốt. Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với anh Hải khi đó là được cầm những đồng lương đầu tiên trên tay, “cảm giác sướng… tê người!”. Hồi ấy, tiền lương của anh cỡ chừng 400 ngàn đồng. Vì muốn mua cho em gái chiếc xe đi học, anh không dám chi tiêu nhiều, mà tiết kiệm khoảng 2 tháng sau thì đủ tiền mua.
Tất cả là thành tích chung!
Hơn 10 năm công tác, học thêm 5 năm ở Hà Nội, năm 2009, anh Trần Thanh Hải được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc, kiêm Trưởng phòng Kinh doanh tổng hợp Điện lực Nghĩa Lộ. Một nơi nhiều đặc thù rất đặc trưng của vùng cao. Toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị phân tán trên địa bàn rộng, trải dài từ huyện Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ và 18 xã vùng thượng huyện của huyện Văn Chấn (đều là các xã vùng cao của Yên Bái).
Không phải dân “bản địa”, cùng ăn, cùng ở mà bất đồng ngôn ngữ thì cũng “bó tay”. Ở vùng đa dân tộc thiểu số này, nếu không có những người dân bản địa làm nhiệm vụ “đại lý” cho ngành thì cán bộ Điện lực có “xắn quần, lội bùn” đến nơi để mắc điện cho dân cũng… đành chịu, bởi bà con toàn phát “sóng ngắn” bằng tiếng Mông.
Thêm nữa, trong các bản vùng sâu vùng xa, điện về là để giúp cải thiện đời sống cho bà con, chứ không đặt mục tiêu kinh doanh. Trên thực tế, mỗi hộ dùng không đến 10 ngàn đồng tiền điện/một tháng.
Khó khăn sống nơi bản địa chồng chất, làm sao bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của bà con một cách hiệu quả, luôn là điều trăn trở của Anh Hải và anh em nơi đây. Tuổi đời còn rất trẻ, không vì thế mà các anh nản lòng, “bám đất, bám người”, không ngại khó, ngại khổ, bền bỉ cùng bà con chia sẻ khó khăn, thấm nhuần văn hóa bản địa. Cứ thế các anh dần chiếm được niềm tin của dân bản.
Cũng trong năm 2009, Điện lực Nghĩa Lộ thực hiện tiếp nhận lưới điện nông thôn, hầu hết các lưới điện đều đã cũ nát, tỉ lệ tổn thất lên đến 30% như tại xã Sơn A, thị trấn Tú Lệ, nông trường Nghĩa Lộ… Trước tình hình đó, anh Trần Thanh Hải đã tham mưu cho Ban Giám đốc những phương án cải tạo hợp lý, trong điều kiện vốn đầu tư hạn chế. Chú trọng vào cải tạo tối thiểu như: Thay công tơ quá hạn, thay cột tre cũ bằng cột tre mới, kéo dây san tải giữa các TBA để đảm bảo cấp điện giữa các khu vực,… nên tỉ lệ tổn thất đã giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 10%. Hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trong thời gian sớm nhất. Số khách hàng nhờ đó đã tăng gần gấp 3 lần (từ hơn 8.000 lên gần 24.000 khách hàng).
Từ năm 2009 đến nay, Điện lực Nghĩa Lộ luôn là đơn vị nằm trong “top” dẫn đầu về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh do Công ty giao phó, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của Phó Giám đốc Trần Thanh Hải.
Trong cuộc trò chuyện cởi mở, Giám đốc Điện lực Nghĩa Lộ - Bùi Quang Tùng chia sẻ: “Thú thực với nhà báo, thành tích của đồng chí Hải có liệt kê cả ngày cũng không hết”. Ấy thế mà khi được hỏi, anh Hải chỉ cười: Ở đây, tất cả mọi thành tích đều là của chung, ai cũng có phần công sức cả.
Về Nghĩa Lộ, tận mắt chứng kiến đường dây điện mới trong mỗi bản làng, nghe bà con phấn khởi: “Điện mới tốt lắm, chạy được máy xát thóc nên nhà có thêm thu nhập cho con đi học dưới xuôi”, tôi hiểu thêm về những chiến công thầm lặng của những cán bộ ngành điện nơi vùng cao, giống như Phó Giám đốc Trần Thanh Hải, ít đề cập đến khó khăn, các anh sôi nổi, nhiệt huyết trong cách làm, mang điện thắp sáng bản làng, xây quê hương vùng cao đổi mới.