ĐẢNG BỘ TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN BẮC
LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT LAO ĐỘNG DÔI DƯ TRONG QUÁ TRÌNH CỔ PHẦN HÓA
Trong những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2005-2010, ngoài việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, Đảng ủy và Lãnh đạo Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đã chú trọng công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo tinh thần các nghị quyết Hội nghị TW3 và TW9 (khóa IX), Nghị quyết Đại hội X và Nghị quyết của Bộ chính trị về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đã hoàn thành cổ phần hóa tất cả các đơn vị thành viên và Công ty mẹ-Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đã chuyển đổi họat động theo hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đến nay, sau khi hoàn thành việc tiếp nhận Tổng công ty Muối từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc có 39 đơn vị thành viên, trong đó 37 đơn vị là công ty cổ phần và 02 đơn vị là công ty liên doanh với nước ngoài.
Việc thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước ở Tổng công ty Lương thực Miền Bắc từ khi có Quyết định số 58/2002/QĐ-TTg ngày 26/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là sau khi thực hiện cổ phần hóa đã đạt được những kết quả quan trọng. So sánh với thời kỳ trước cổ phần hóa, kết quả đạt được về các chỉ tiêu chính như: doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân của CBCNV-lao động... toàn Tổng công ty có sự tăng trưởng cao. Trong nhiệm kỳ Đại hội 5 năm qua, doanh thu năm 2010 tăng 2,75 lần so với năm 2006 (doanh thu bình quân 5 năm tăng 2006-2010 tăng 2,46 lần so với giai đoạn 2001- 2005); lợi nhuận bình quân giai đoạn 2006-2010 tăng 4,16 lần so với bình quân giai đoạn 2001-2005; nộp ngân sách bình quân giai đoạn 2006-2010 tăng 3,19 lần so với giai đoạn 2001-2005; thu nhập bình quân của người lao động năm 2010 tăng hơn 3 lần so với năm 2006.
Với kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc có điều kiện và tiềm lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị về bình ổn giá cả, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội.
Việc sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp – nhất là cổ phần hóa DNNN là cơ hội tốt để Tổng công ty giải quyết chính sách, chế độ đối với lao động dôi dư; có điều kiện đổi mới và nâng cao năng lực cán bộ quản lý, người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, đổi “lượng” lấy “chất”; là một quá trình hết sức phức tạp và khó khăn, liên quan trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi của hàng ngàn cán bộ công nhân viên và người lao động đã gắn bó nhiều năm với ngành lương thực.
Trong 4 năm thực hiện cổ phần hóa 2004-2007, Tổng công ty đã thực hiện sắp xếp lại lực lượng lao động, giải quyết chế độ cho trên 4.600 lao động dôi dư theo Nghị định 41/NĐ-CP, số tiền trợ cấp cho người lao động trên 180 tỷ đồng; chiếm gần 40% lực lượng lao động của toàn Tổng công ty. Việc thực hiện sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp trong thời gian qua được thực hiện nhanh, gọn, ít ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, đến công ăn việc làm và thu nhập của người lao động. Đầu năm 2010, Tổng công ty tiếp nhận Tổng công ty Muối và sắp xếp lại tổ chức sản xuất kinh doanh của ngành Muối. Đây là đơn vị nhiều năm qua làm ăn thua lỗ, mất hết vốn nhà nước; lỗ và công nợ khó đòi gần 60 tỷ đồng, cán bộ công nhân viên không có việc làm. Trong quá trình tổ chức, sắp xếp lại Tổng công ty Muối, số lao động dôi dư cần bố trí lại riêng ở Văn phòng Tổng công ty Muối đã có 30 người tự nguyện giải quyết chế độ với số tiền trợ cấp mất việc làm trên 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Tổng công ty.
Với một số lượng lớn lao động nghỉ, thôi việc được giải quyết chế độ nhưng đã không để xảy ra một trường hợp khiếu kiện nào là do một số nguyên nhân.
Đó là Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Tổng công ty đã huy động được sự tham gia của cả bộ máy, các tổ chức đoàn thể; chuẩn bị rất kỹ về công tác tư tưởng, tuyên truyền, quán triệt đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng đơn vị, từng cán bộ công nhân viên. Tổ chức thảo luận công khai, dân chủ để thống nhất kế hoạch, phương pháp tiến hành; có các bước triển khai rõ ràng, phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và từng cá nhân lãnh đạo; tạo được sự đoàn kết nhất trí, đồng thuận từ trên xuống dưới, động viên được sự tham gia của các tổ chức quần chúng trong từng đơn vị. Tuân thủ nghiêm túc các văn bản quy định, hướng dẫn của các cơ quan nhà nước, nhưng có sự vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị thành viên, từng cá nhân người lao động. Người lao động nghỉ việc cảm thấy được lãnh đạo quan tâm, giải quyết có lý, có tình nhưng đúng pháp luật. Đảm bảo công bằng trong giải quyết chính sách, chế độ đối với lao động dôi dư; đòi hỏi lãnh đạo và cán bộ trực tiếp xử lý công việc phải sâu sát, cụ thể, tỷ mỉ trong xem xét từng hồ sơ và công tâm trong quyết định giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động.
Công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp – trọng tâm là cổ phần hóa, giải quyết lao động dôi dư ở Tổng công ty Lương thực Miền Bắc thời gian qua đã nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, phù hợp với xu thế chung và đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, những bất cập do cơ chế, chính sách chưa đồng bộ cần được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ. Đó là sản xuất, kinh doanh của ngành Lương thực, nhất là tại các tỉnh phía Bắc gặp nhiều khó khăn; tỷ suất lợi nhuận ở một số đơn vị cấp tỉnh thấp, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Do vậy, tỷ trọng vốn nhà nước trong các công ty cổ phần còn cao. Thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là đa dạng hóa hình thức sở hữu, nhưng không phải là “tư nhân hóa” nền kinh tế. Với ngành lương thực, dù muốn, dù không, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vẫn phải gắn với yêu cầu phục vụ, yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trên từng địa bàn (bình ổn giá những lúc thiên tai, địch họa hoặc trước những biến động bất lợi của thị trường. Phần lớn các công ty cổ phần của Tổng công ty hiện nay, Nhà nước đang giữ cổ phần chi phối (bình quân 68%), nên việc bình ổn giá, gắn với nhiệm vụ chính trị cũng có những thuận lợi nhất định. Song, cũng từ thực tế này, cần xem xét vấn đề trên hai khía cạnh (1) nếu Nhà nước giữ cổ phần chi phối ở mức cao, khó kích thích, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ bởi quyền lợi gắn với nghĩa vụ của các cổ đông; (2) nếu giảm cổ phần Nhà nước nắm giữ đến 51% hoặc dưới 51% (không chi phối), sẽ vướng với quyền biểu quyết theo điều 104 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 (quy định của Luật, biểu quyết thuận từ 65% đến 75% - đối với những vấn đề quan trọng! Như vậy, có trường hợp cổ đông nắm giữ trên 51%, tuy về danh nghĩa có quyền quyết định, song các cổ đông hoặc nhóm cổ đông khác chiếm trên 35% cổ phần lại có quyền phủ quyết). Đề nghị Nhà nước xem xét sửa đổi và hướng dẫn bổ sung Luật doanh nghiệp tạo hành lang pháp lý tốt cho các công ty cổ phần hoạt động nhưng cũng đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các công ty cổ phần, nhất là đối với các công ty cổ phần có vốn nhà nước nắm giữ trên 50%. Đồng thời, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ hợp công ty mẹ-công ty con hoặc tập đoàn. Trong đó cần làm rõ một số vấn đề về chức năng nhiệm vụ của công ty mẹ, công ty con, trách nhiệm của các thành viên trong hoạt động chung; việc sử dụng các sáng chế, nhãn hiệu; sản phẩm và việc phân chia lợi nhuận từ việc sử dụng này v.v...Khi chuyển sang công ty cổ phần, mặc dù có đơn vị vốn nhà nước chiếm trên 80% nhưng việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng là rất khó khăn do ngân hàng thắt chặt quan hệ tín dụng với các công ty cổ phần. Nhà nước cần có chính sách tín dụng hợp lý để khuyến khích các công ty cổ phần vừa thực hiện được nhiệm vụ chính trị đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa kinh doanh có hiệu quả. Việc thay đổi các chính sách của Nhà nước trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp liên quan mật thiết đến việc xác định giá trị doanh nghiệp. Đề nghị xem xét sửa đổi Nghị định 109/2007/NĐ-CP và các văn bản có liên quan đến việc xác định giá trị lợi thế vị trí, thương mại, quyền sử dụng đất để xác định giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hoá. Ngoài ra, các công ty cổ phần khi xin làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc xin ký hợp đồng thuê đất là rất khó khăn, nhiều đơn vị đang quản lý, sử dụng những vị trí đất là cửa hàng lương thực có lợi thế thương mại thường bị Uỷ ban nhân dân địa phương thu hồi. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê đất dài hạn nhất là khu vực thành phố Hà Nội và các thành phố lớn gây ách tắc việc đầu tư xây dựng để khai thác tiềm năng của đất, ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển của các công ty cổ phần. Đề nghị Nhà nước sửa đổi một số chính sách liên quan đến bảo lưu quyền lợi đối với người lao động được nghỉ chế độ trong năm có quyết định cổ phần hoá; tăng cường ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược; sửa đổi linh hoạt hơn các quy định về sử dụng Quỹ sắp xếp doanh nghiệp. Mô hình tổ chức Đảng trong các công ty cổ phần, mối quan hệ giữa cấp ủy đảng trong các công ty cổ phần với cấp ủy địa phương, vì ttrong thực tế, công ty cổ phần Nhà nước giữ chi phối, cử đại diện quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mức độ trách nhiệm khác với công ty Nhà nước không có vốn chi phối; những công ty cổ phần mà Tổng giám đốc hoặc giám đốc là người được thuê; người đứng đầu công ty cổ phần không phải là đảng viên v.v...
ĐUK