Kinh nghiệm của một số quốc gia trong phát triển, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực
1- Đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo - Chiến lược luôn được coi trọng hàng đầu ở Mỹ
Các nghiên cứu ở đây cho thấy, luật giáo dục bắt buộc không phải là nguyên nhân chính làm tăng số học sinh và số trường học vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX mà chủ yếu là do nhận thức của con người, của xã hội trước nhu cầu nguồn lực đang tăng lên để phục vụ quá trình công nghiệp hoá.
Do vậy, chi phí cho giáo dục ở Mỹ cũng tăng nhanh. Chính phủ đưa ra các điều luật cho phép bán đất công để gây quỹ xây dựng trường học. Năm 1890 quỹ dành cho giáo dục lên tới 515 triệu USD (là một con số rất lớn thời bấy giờ) và hiện nay, tỷ lệ chi cho giáo dục ở Mỹ luôn ở mức trên 5% GDP của quốc gia giàu nhất thế giới này.
Phổ cập giáo dục phổ thông được đề ra theo quan điểm là toàn bộ dân chúng phải được giáo dục để tạo ra một xã hội tự do, trong đó mọi cá nhân đều có cơ hội để thể hiện những năng lực của mình. Hệ thống các trường tiểu học và trung học được nhà nước tài trợ và được mở rộng liên tục trong thế kỷ XX. Cho đến những năm 1960, có 83% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến học ở các trường công. Việc cung cấp ngân sách cho các trường công là điều kiện cơ bản để bảo đảm sự bình đẳng trước cơ hội học tập của mọi người. Để đạt tới một hệ thống giáo dục có tính công bằng, Mỹ đã chú ý dỡ bỏ các hàng rào chi phí nhằm giúp tầng lớp học sinh nghèo được tới trường. Mỹ cũng đã nỗ lực vượt qua những trở ngại này bằng các chương trình trợ giúp tài chính cho các loại đối tượng học sinh nghèo. Nếu tính theo tỷ lệ GDP thì ngân sách giáo dục của Mỹ tăng liên tục. Năm 1960 tỷ lệ này là 5,3% GDP, năm 1991 đã đạt tỷ lệ 7% và đến nay xấp xỉ 7,5%. Đó là mức ngân sách giáo dục cao hơn rất nhiều nước tư bản phát triển khác.
Ngân sách này không chỉ tập trung cho việc xây dựng trường, trang bị thiết bị giảng dạy mà còn tập trung một phần đáng kể cho việc đào tạo giáo viên. Theo số liệu công bố năm 2000, Mỹ có khoảng 80.000 trường tiểu học và 32.000 trường trung học. Tỷ lệ học sinh so với giáo viên là 20 đối với cấp tiểu học và 5 ở cấp trung học. Đó là một tỷ lệ rất đáng khích lệ vì nếu so với Hàn Quốc, một nước có hệ thống giáo dục phát triển, tỷ lệ đó cũng chỉ ở mức 36 và 30.
Đến đầu thế kỷ XX, hệ thống trường cao đẳng phát triển rất nhanh để làm nhiệm vụ giáo dục cơ bản trong hai năm đầu cho các trường đại học tổng hợp. Sau đó các nguồn ngân sách cấp cho các trường này hướng vào dạy nghề, cho nên hệ thống trường cao đẳng chuyển thành các trường trung học chuyên nghiệp định hướng đào tạo tay nghề cho công nhân. Cuối những năm 1970, các trường trung học chuyên nghiệp sau giáo dục phổ thông tăng lên rất nhanh.
Quy mô giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp tăng nhanh đã đưa Mỹ đến thời kỳ giáo dục đại học hàng loạt. Đến cuối thập kỷ 1960, Mỹ đã có hơn 2.000 trường đại học, cao đẳng với khoảng 7 triệu sinh viên. Con số các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp vẫn tiếp tục tăng lên trong những năm sau đó. Năm 2000, Mỹ có khoảng 3.600 trường đại học, cao đẳng với hơn 10 triệu sinh viên. Đồng thời, tỷ lệ những người trong độ tuổi đi học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tăng nhanh, đặc biệt là trong những năm gần đây. Nếu như năm 1970 tỷ lệ này chỉ là 56% thì đến đầu thập kỷ 1990 đã đạt mức 76% và 78% hiện nay.
Trong hơn 200 năm phát triển, hệ thống giáo dục của Mỹ đã tiến được những bước dài, đào tạo cho đất nước một tập thể dân cư lớn có trình độ học vấn cao, góp phần đưa Mỹ tới vị trí siêu cường. Trong hệ thống giáo dục, Mỹ đặc biệt coi trọng giáo dục đại học. Theo quan điểm của các nhà hoạch định chính sách giáo dục, chỉ người nào vượt qua được hệ thống giáo dục phổ thông có tính đại chúng để tiến đến bậc đại học thì mới cần được đầu tư và bồi dưỡng. Ở Mỹ, các công ty cũng rất chú ý phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân công. Năm 1992, chi phí đào tạo nhân công ở các công ty là 210 tỷ USD; năm 1995 chi phí đó lên tới 600 tỷ USD, năm 2000 là trên 800 tỷ USD và đến nay lên tới gần 1.000 tỷ USD.
Như vậy, ở Mỹ giáo dục và đào tạo được nhìn nhận không chỉ là một động lực của sự phát triển mà còn là một trong những hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển của mình.
2- Quản lý và sử dụng nguồn nhân lực - kinh nghiệm của các nước phát triển
Tạo ra nguồn nhân lực đông đảo có trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp cao, có sức khoẻ tốt là một vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia. Nhưng vấn đề quan trọng không kém là quản lý và sử dụng nguồn nhân lực nhằm phát huy được các khả năng của nó. Các chính sách quản lý và sử dụng nguồn nhân lực ở các nước công nghiệp phát triển như là các yếu tố để kích thích sản xuất và tạo ra các động cơ mới của người lao động. Thông thường, các chính sách đó được lồng ghép vào các chính sách xã hội như: Chính sách việc làm, chính sách tiền lương, các chính sách có liên quan đến phúc lợi xã hội.
Công tác quản lý nhân lực đã được chú ý từ những thập niên trước chiến tranh thế giới thứ hai. Vị trí của quản lý nguồn nhân lực được quan tâm đặc biệt hơn vào những năm đầu của thập kỷ 1970. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở các nước tư bản chủ nghĩa vào cuối những năm 1970 đã làm cho các nhà quản lý cấp cao của phương Tây nhận ra rằng nguồn nhân lực có tác động rất lớn đối với việc giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng linh hoạt của các kiểu tổ chức sản xuất và là yếu tố bảo đảm sự sống còn của các công ty. Nhiều công ty đã thay thế bộ máy quản lý nguồn nhân lực theo kiểu cũ bằng hệ thống quản lý mới với các chuyên gia có khả năng lập kế hoạch khai thác sử dụng nguồn nhân lực, biết vận dụng các thành tựu mới nhất của khoa học - kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực tin học vào quản lý.
Phải khẳng định, hệ thống pháp luật, sự can thiệp của nhà nước có vai trò quan trọng làm nảy sinh các nhân tố kích thích phát triển nguồn nhân lực ở các nước phát triển. Ở châu Âu, nguồn nhân lực được điều tiết một cách mạnh mẽ bởi hệ thống pháp luật. Vấn đề công bằng việc làm là cơ sở phát triển nguồn nhân lực trên diện rộng cũng được đề ra ở các nước này. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ và chính phủ các nước châu Âu còn đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ, khuyến khích nhập cư những nhân lực có chất lượng cao, do đó các nước này, đặc biệt là Mỹ đã thu hút được đội ngũ lao động có chất lượng từ nhiều nước châu Á và châu Phi.
Ở châu Âu, phạm vi hoạt động của các chương trình xã hội với tư cách là động lực phát triển nguồn nhân lực đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia và đạt đến quy mô cộng đồng. Các giải pháp trợ giúp về việc làm, đào tạo và đào tạo lại đã được thể chế hoá. Quỹ xã hội châu Âu được thành lập năm 1983 trước hết là giải quyết nạn thất nghiệp đang gia tăng ở các nước này; tiếp theo, trợ giúp những công nhân nhập cư từ nước khác; cuối cùng, giúp đỡ các công ty đào tạo lại nhân công trong trường hợp các công ty đó gặp khó khăn và quy mô của họ còn nhỏ. Quỹ xã hội châu Âu ra đời đã có nhiều đóng góp cho việc đào tạo, phát triển nhân lực và tìm việc làm mới. Hàng năm, các nước châu Âu đã chi hàng trăm tỷ USD cho các mục tiêu chống nạn thất nghiệp dài hạn, tạo nên khả năng thích ứng trong môi trường lao động mới đối với đội ngũ lao động trẻ, điều chỉnh cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp, ngăn chặn tình trạng giảm sản xuất và đầu tư phát triển những vùng có mức phát triển còn thấp.
Bên cạnh những chính sách cấp quốc gia về phát triển, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực, các công ty cũng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực. Mô hình quản lý theo kiểu uỷ thác trong các công ty đã làm tăng thêm số nhân công được đào tạo tốt, khơi dậy sự nhiệt tình và hết lòng vì công ty của người làm công. Đồng thời, các công ty có các cam kết bảo đảm việc làm, tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp, có vị trí xã hội thỏa đáng. Điều này đã làm cho nhiều người an tâm làm việc. Để tạo ra mối quan hệ giữa chủ và nhân công bền chặt hơn, nhiều công ty cho phép nhân công góp vốn, mua cổ phần, và cam kết thực hiện các chế độ đền bù.
Cuối cùng, một chính sách như là chìa khoá khuyến khích phát triển nhân lực ở cấp độ công ty là coi trọng lao động thông qua việc trả lương. Phần lớn các công ty của các nước công nghiệp phát triển tăng lương liên tục cho nhân công. Lương được tăng tạo nên động cơ mới của người lao động, tạo nên sự gắn bó của nhân công với công ty.
3- Kinh nghiệm thu hút nhân tài của một số nước châu Á
Vào những năm 1930, người châu Á đã di cư đến Mỹ và châu Âu để sinh sống và học tập. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á và Đông Nam Á coi việc đưa người sang Mỹ và châu Âu học tập là quốc sách. Dòng người di cư tiếp tục tăng lên, trong đó chủ yếu là các sinh viên Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 1950, sinh viên của các nước này chiếm 1/4 tổng số sinh viên nước ngoài học tập tại Mỹ. Năm 1960, tỷ lệ này là 1/3, đến năm 1989 tỷ lệ này lên tới 1/2 (219.000 người), và đến nay, con số này lên tới 70%. Sau khi tốt nghiệp đại học hoặc mãn khoá ở một trường học nghề, phần đông họ trở về nước và trở thành lực lượng lao động rất quý giá. Thực tế cho thấy châu Âu tiến hành công nghiệp hoá trong khoảng 100 năm, nhưng các nước NIE rút ngắn giai đoạn này xuống dưới 50 năm. Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po thành công nhanh chóng hơn trong tiến trình công nghiệp hoá là do họ có đội ngũ trí thức lớn có khả năng tiếp thu và áp dụng thành công vốn tri thức mới và công nghệ tiên tiến.
Điểm chung của các nước này là luôn nhận thức sâu sắc rằng muốn nâng cao mức sống, đẩy nhanh tốc độc tăng trưởng kinh tế, thực hiện thành công CNH, HĐH chỉ có một con đường là biến quốc gia mình thành một xã hội có học vấn cao.
Xin-ga-po là một điển hình. Ngay sau ngày giành được độc lập, ông Lý Quang Diệu đã đề ra mục tiêu: Biến Xin-ga-po thành một xã hội có học vấn cao, giáo dục chính là chìa khoá để nâng cao đời sống và là động lực để phát triển. Quan điểm về giáo dục đã được chính phủ ủng hộ trên nhiều phương diện: ưu tiên ngân sách, trường học mở rộng cửa cho tất cả mọi người có điều kiện học tập, đào tạo toàn diện có kết hợp giữa khoa học kỹ thuật với nền văn hoá truyền thống. Các trường đại học công do nhà nước tài trợ kinh phí.
Sự phát triển kinh tế đòi hỏi Xin-ga-po phải mau chóng có nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là đội ngũ các nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao. Vì vậy, tuy là một nước nhỏ, ít dân nhưng Xin-ga-po có mạng lưới dày đặc các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu. Trong số đó có trường Đại học Tổng hợp rất nổi tiếng với 52 ngành, Đại học Nanyang, Học viện Sự phạm quốc gia và Viện nghiên cứu Đông Nam Á - thành lập từ năm 1986 và là một cơ quan nghiên cứu rất đáng chú ý.
Kinh nghiệm thu hút nhân tài của Xin-ga-po cũng đáng để nghiên cứu. Họ có 4 trung tâm với nhiều bước hỗ trợ nguồn nhân lực nước ngoài định cư tại đây:
- Trung tâm tìm người tài.
- Trung tâm giúp sinh viên có kỹ năng làm việc và tích lũy kinh nghiệm.
- Trung tâm gắn kết với doanh nghiệp và giáo dục.
- Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng.
Các trung tâm này và hệ thống hỗ trợ thông tin tạo điều kiện cho người tài tìm việc (Cơ quan Liên hệ với Xin-ga-po – Contact Singapore), lập hồ sơ, phỏng vấn, đến làm việc và ổn định cuộc sống tại đây. Thậm chí còn thông tin đầy đủ về cách phỏng vấn, làm hồ sơ đến những khúc mắc để làm quen với cuộc sống tại đây (từ nhà cửa đến siêu thị, chỗ cho con học,...).
Các thông tin và các chính sách đều minh bạch, ai cũng biết và có quyền tiếp cận. Các quan chức từ Thủ tướng trở xuống đều nhận thức và ủng hộ chính sách thu hút nhân tài này.
Ngoài ra, Xin-ga-po còn có chính sách hỗ trợ học bổng cho sinh viên tài năng của nhiều nước trong khu vực thông qua các đợt tuyển sinh. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên này phải cam kết ở lại làm việc ít nhất 6 năm. Các chính sách này đầu tiên áp dụng thử nghiệm với sinh viên Trung Quốc, sau này áp dụng cho nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Và trên thực tế, nhiều người sau 6 năm làm việc tiếp tục ở lại. Bằng chứng là hiện Xin-ga-po chỉ có 3,6 triệu dân nhưng có tới 1,8 triệu người nước ngoài sinh sống, làm việc tại đây, trong đó chủ yếu là những lực lượng lao động có trình độ cao. Bằng chính sách này, Xin-ga-po giải quyết được việc thiếu nhân lực và còn thu hút được chất xám từ bên ngoài.
Sự thành công của Trung Quốc trong hơn 30 năm qua một phần cũng nhờ luôn coi trọng phát triển nguồn nhân lực. Tại Trung Quốc, giáo dục đại học có lịch sử rất lâu đời và có nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Du học sinh Trung Quốc cũng chiếm số lượng đông nhất trên thế giới. Nếu như trước đây rất nhiều du học sinh Trung Quốc không quay trở lại quê hương sau khi tốt nghiệp, thì sang đầu thế kỷ XXI này, với nhiều chính sách ưu đãi, có tới hơn 80% đã trở về phục vụ quê hương sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, Trung Quốc đang thay đổi quan niệm về việc thu hút người tài ở nước ngoài, đó là không cần trở về định cư tại quê hương mà làm việc, sinh sống tại nước sở tại và phục vụ Trung Quốc bằng chất xám, bằng đầu tư của mình.
Rõ ràng, các nước châu Á này đã nhận thức rõ ràng cần phải đẩy nhanh tốc độ đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực của đất nước, coi trọng kinh nghiệm giáo dục của nước ngoài, gắn cơ quan đào tạo với các viện nghiên cứu và cùng với đó là các chính sách ưu đãi cả về đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như những chính sách thu hút chất xám phục vụ cho quốc gia mình.
4- Một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực ở các nước trên, có thể rút ra một số bài học quý báu cho chúng ta, đó là:
Thứ nhất, cần xác định đúng vai trò và vị trí của nguồn nhân lực. Trong tất cả các nguồn lực phát triển kinh tế, thì nguồn lao động luôn luôn đóng vai trò quyết định đối với mọi hoạt động kinh tế, đặc biệt khi mà khoa học đã thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều ngành khoa học và công nghệ hiện đại, với hàm lượng chất xám ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong mỗi sản phẩm làm ra, con người càng tỏ rõ vai trò quyết định của mình trong tiến trình phát triển.
Đặc biệt, đối với những nước kém phát triển thì nguồn nhân lực có chất lượng là điều kiện để rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các nước đi sau có thể khắc phục sự yếu kém về trình độ khoa học - kỹ thuật, sự thiếu hụt nguồn vốn nhưng để bảo đảm cho sự phát triển bền vững và rút ngắn khoảng cách tụt hậu thì các nước này phải xây dựng được cho mình nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Thứ hai, để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, phải có hệ thống chính sách đồng bộ, nhưng quan trọng nhất vẫn là chú trọng đầu tư cho giáo dục, từ phổ thông cho đến đại học và các trường nghề. Giáo dục đào tạo giữ vị trí quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển giáo dục đào tạo là một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Để làm được điều này, Nhà nước cần tổ chức lại hệ thống giáo dục, đào tạo phù hợp với điều kiện trong nước, từng khu vực nhưng phải tiếp cận được nền giáo dục tiên tiến của thế giới.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn nhân lực. Việc này đòi hỏi phải có những giải pháp tổng hợp và nỗ lực chung liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, tập trung làm tốt những công tác sau: dự báo cầu lao động; tuyển dụng và tạo điều kiện để họ có cơ hội làm việc; có chế độ đãi ngộ vật chất thoả đáng.
Thứ tư, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật cho khoa học - công nghệ như cơ sở nghiên cứu khoa học; trung tâm đào tạo nhân tài. Từng bước hiện đại hoá các cơ sở này theo những tiêu chuẩn quốc tế; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp nghiên cứu, đào tạo theo hướng của các nước tiên tiến. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thu hút các nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt chuyên gia là Việt kiều về làm việc trong nước (có thể là 1 thời gian nào đó trong năm).
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực phải củng cố khả năng hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như khu vực trên cơ sở kế thừa và giữ vững những tinh hoa văn hoá dân tộc. Do vậy, việc tăng cường học tập những kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực, trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất phải lựa chọn chiến lược, phương thức phát triển riêng phù hợp với truyền thống dân tộc và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam./.