.
.

Đón Tết đơn sơ và tiết kiệm vượt khó

Chủ Nhật, 22/01/2012|14:36

Tất cả những gì đang diễn ra cho thấy một mức chi phí khiêm tốn hơn mọi năm, báo hiệu một xu thế, tiết kiệm hơn, chắt chiu hơn trong tiêu dùng dịp tết và cả năm.

23 tháng Chạp. Theo lệ thường, ngày Tết ông Công ông Táo ngầm định là khởi điểm chính thức cho dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Tất cả những lo toan công việc tạm nhường bớt thời gian cho những hoạt động mua sắm Tết. Chính vì vậy, cái Tết to hay nhỏ bắt đầu có thể cảm nhận được từ rất sớm.

Năm nay Tết ông Công ông Táo như báo trước một cái Tết đơn sơ, nhỏ nhẹ hơn. Không còn xuất hiện tràn lan những lễ bộ xe hơi nhà lầu cho người âm như năm trước. Ai cũng chọn những bộ vàng mã đơn giản như ngày rằm, mồng một, Khác chăng là có thêm bộ quần áo cho táo quân, cũng nhỏ nhẹ đơn giản.

Quan trọng là tấm lòng thành, chứ bày vẽ không cần thếit. Ai cũng tự an ủi là vậy, song rõ ràng mới năm ngoái cũng với tấm lòng thành đó, nhiều người sẵn sàng bạo chi cho những bộ vàng mã tiền triệu để đốt lên tưng bừng trong giây lát.

Cái Tết đơn sơ đã bắt đầu như vậy. Không ai thấu hiểu mức độ đón tết như những người bán hàng ngoài chợ. Sau tiếng thở dài, chị Hoa, bán thịt ở chợ Trung Tự, than thở: "Tết nay hẻo lắm. Tầm này mà bán hàng cứ thư thư như ngày thường có chết không. Ngày này năm ngoái, ai muốn mua thịt đã phải đặt hàng trước chứ ra giờ là không còn".

Nhưng hàng thịt chưa lo bằng hàng hoa. Cách đó không xa, các chủ hàng quất, đào và hoa Tết dù đã biết trước tình thế để chuẩn bị hàng ít hơn song vẫn đang lo ngay ngáy cái sự ế hàng. Nếu như năm ngoái, không đông người mua thì cũng lắm người ngó người hỏi, năm nay mua chẳng mấy mà hỏi cũng không có ai nhiều.

Sức mua giảm, hàng quan khuyến mãi nhiều.

Mấy trăm ngàn cho một chậu hoa trở nên không cần thiết, thậm chí xa xỉ. "Bọn tôi cũng lường trước, chỉ chọn mua những loại hoa vừa tiền ở các đầu mối đem về đây bán cho bà con, vậy mà vẫn không tiêu thụ được bao nhiêu. Chẳng lẽ không tham gia buôn bán Tết", anh Việt, một chủ hàng hoa Tết tại chợ Mai Động, Hà Nội, nói trong buồn bã.

Tình trạng chung cũng diễn ra với hầu hết các cửa hàng bán đồ Tết khác gần đó, cũng như khắp các nẻo đường buôn bán phục vụ Tết trên cả nước. Sức cầu yếu ớt hẳn đi khiến chợ xuân lúc nào cũng như chợ chiều. Tình trạng chung là vậy, nếu như năm ngoái người mua lo hết hàng thì năm nay người bán sợ tồn đọng khi ngày tết đi qua.

Chính TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khi nói về mùa xuân năm Thìn cũng không được lạc quan. Ông cho biết, kết quả khảo sát về nợ nần, rồi hàng tồn kho ứ đọng..., khiến ông khá nặng nề.

Tâm tư với các doanh nghiệp được đúc kết thành một câu đối "Hàng ế chất chồng chờ Tết đến. Nợ đòi réo rắt đón xuân sang".

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ông gieo vần cho nền kinh tế: "Xuân này vẫn khó quá xuân qua".

Sức cầu yếu là biểu hiện rõ nét nhất về tình hình kinh tế khó khăn của năm qua, khiến ngân quỹ tiêu Tết eo hẹp đến ái ngại, nhất là với những gia đình làm công ăn lương, khi tiền thưởng Tết cũng trở nên eo hẹp hơn, theo sau sự khó khăn của các doanh nghiệp nơi họ đang làm việc.

Còn tại các doanh nghiệp nơi họ đang làm việc, cơn nhức đầu còn trầm trọng hơn. Chủ các doanh nghiệp này không ngần ngại thốt lên những câu đầy chán nản, kiểu như "giá không có Tết" hay "mệt với Tết quá trời!".

Ngoài những lo toan cho chính gia đình mình, họ còn có thêm một nỗi lo không nhỏ chút nào, đó là chăm lo cho cái Tết của những nhân viên dưới quyền, vốn cũng không thể xoay xở để mang lại nhiều doanh thu cho công ty trong một năm đầy rẫy khó khăn vừa qua. Trong kho, hàng tồn vẫn chất chồng. Trong tài khoản công ty, tiền cạn tới mức thê thảm. Biết là vậy, vẫn phải gắng gỏi lo quà cáp, tiền thưởng. Những ông chủ doanh nghiệp Việt năm nay có lẽ không còn tâm trí để cảm nhận cái hương vị Tết cổ truyền, vốn luôn mang nhiều xúc cảm trong tâm hồn mỗi người Việt.

Rõ ràng, những khó khăn của kinh tế vĩ mô trong suốt cả năm 2011 vừa qua đã in hằn lên từng người dân, từng doanh nghiệp. Những tưởng những yếu tố vĩ mô ấy chỉ tác động xa xôi, song đến Tết mới thấy, nó hiển hiện trong từng bát cơm, cái bánh, cành hoa. Khó khăn kinh tế là không thể phủ nhận. Khó khăn đến nỗi, cho tới những ngày Tết nhất này, rất nhiều người vẫn chưa thể thảnh thơi tâm hồn để hưởng khí xuân vui vầy, nhiều người vẫn chưa cảm thấy xuân về nơi cửa nhà góc phố.

Nhưng, người Việt vốn lạc quan. Trong tâm khảm mỗi người khi Tết đến, ai cũng kỳ vọng một năm mới tốt lành hơn đang tới với mình, doanh nghiệp mình và với đất nước. Có lẽ, trong tiếng nguyện cầu đầu năm này, đâu đó vẳng lên những lời cầu mong năm 2012 vĩ mô sẽ ổn định, lạm phát sẽ ngoan ngoãn nằm ở mức một con số, lãi suất hạ và các kênh làm ăn chính như chứng khoán, bất động sản và bán lẻ sẽ lên hương...  Những lời nguyện cầu ấy nghe có vẻ không giống những năm trước.

Tất cả những điều này cho thấy, một mức chi phí khiêm tốn hơn mọi năm, báo hiệu một xu thế thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm hơn, chắt chiu hơn trong tiêu dùng và đầu tư trang điểm, sửa soạn trong những ngày cuối năm.

Về cơ bản, thu nhập của hộ gia đình được dùng chi tiêu cho các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng với các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho đời sống của mỗi hộ gia đình, phần còn lại chính là mức độ tiết kiệm của mỗi hộ gia đình.

Khi người dân có ý thức "tích cốc phòng cơ" cao để đối phó với các khủng hoảng thì họ sẽ biết tiết kiệm hơn, biết để dành nhiều hơn chi tiêu. Nguồn lực tiết kiệm hay "của để dành" này được tích lũy qua các thời kỳ gian khó, có thể trở thành nguồn lực tái đầu tư cho phát triển quốc gia trong dài hạn khi thời cơ thuận lợi hơn xảy đến.

Ý thức của mỗi người dân về mặt tiết kiệm nguồn lực nhằm vượt qua thời khủng hoảng, chuẩn bị việc tái đầu tư cho một chu trình phát triển mới. Đó hẳn là một phong cách sống mới để cần kích thích và lan rộng.

VietNamNet

.
.
.
.