.
.

Cứu DN: "Chậm ngày nào, thiệt hại ngày đó"

Thứ Sáu, 27/07/2012|08:11

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, Đề án “cứu” doanh nghiệp (DN) sẽ tập trung giải tỏa hàng tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và đặc biệt là làm được ngay. Để chậm ngày nào, sẽ thiệt hại cho DN ngày đó.

Làm ngay, không có độ “trễ”

Thưa ông, tồn kho trong doanh nghiệp tuy có giảm những vẫn còn rất lớn, Bộ Công Thương sẽ giải quyết thế nào trong gói “cứu” DN của mình?

- Đây là một trong những vấn đề, nếu không giải quyết thì trước hết, kế hoạch tăng trưởng năm 2012 khó có thể hoàn thành được, kéo theo năm 2013 và các năm sau cũng sẽ khó khăn hơn khi bước vào thực hiện.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho DN là trước mặt phải tập trung làm sao giảm nhanh hơn lượng hàng tồn kho về mức định mức.

Theo đó, Bộ Công Thương cũng đang triển khai tập trung những nhóm giải pháp liên quan tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp trong nước đang sản xuất, trong đó có tiêu thụ ở thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu

Để thúc đẩy tiêu thụ trong nước, chúng tôi đẩy mạnh thực hiện chương trình như cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, chủ trương sử dụng nhiều hơn các sản phẩm trong nước sản xuất được thay cho hàng nhập khẩu, quan trọng nữa là tuyên truyền làm sao thay đổi được nhận thức của người tiêu dùng với hàng Việt. Đây cũng là việc tạo điều kiện cho DN vươn lên thâm nhập thị trường bên ngoài. 
Bộ trưởng, Vũ Huy Hoàng.

So với gói cứu trợ của Chính phủ ở Nghị quyết 13, ở “gói” của bộ Công Thương, các DN sẽ nhận được sự hỗ trợ nào mới hơn, thực tế hơn?

- Đề án của chúng tôi đưa ra hai nhóm nội dung, trong đó, nhắc lại nhóm giải pháp mà Chính phủ đã ban hành, đang triển khai và nhóm giải pháp mới.
Nội dung thứ hai chính là tập trung hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, gặp khó khăn nhất.

Mục tiêu tập trung chính là giải phóng hàng tồn kho cho DN, tập trung cho hậu sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh tiêu thụ là đẩy mạnh sản xuất

Đa số, các kiến nghị đều yêu cầu ngay lập tức hỗ trợ tháo gỡ khó khăn ngay trong quá trình sản xuất kinh doanh, tức làm sao để DN có thể tiếp cận vốn, hưởng lãi suất thấp, tái đầu tư, tiêu thụ được sản phẩm ngay trong quá trình sản xuất. Đây là nét khác biệt so với những giải pháp trước đây mang tính chất vĩ mô đối với khâu sau khi sản xuất kinh doanh xong.

Liệu có độ trễ trong các giải pháp hỗ trợ DN mà đề án của Bộ Công Thương đề ra?

Tôi cho rằng, các đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN vừa qua về mặt thời gian là rất kịp thời. Vì ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 3 của Quốc hội hôm 21/6, chúng tôi đã triển khai ngay việc xây dựng các đề án.

Cho đến nay thì sau khoảng 3 tuần chúng ta đã có trong tay những đề án hết sức cụ thể. Tôi xin nhấn mạnh là đề án này có hai nội dung, một là nhắc lại các giải pháp đã được ban hành nhưng cần được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt tích cực hơn, hai là những giải pháp mới.

Riêng trong những giải pháp mới này, tôi nghĩ đã có những nội dung chín muồi, phù hợp với tình hình thực tế để có thể thực hiện ngay, không cần chờ đề án chính thức được phê duyệt. Chúng ta xác định với nhau rằng để chậm ngày nào sẽ thiệt hại cho DN ngày đó, qua đó cản trở kế hoạch thực hiện mục tiêu 2012.

Cũng phải thừa nhận là các giải pháp thường có một độ trễ nhất định nhuwngg nếu chúng ta quyết liệt phối hơp nhau làm đồng bộ hơn thì sẽ khắc phục được lo ngại độ trễ.

Tránh thiểu phát, đình trệ

Ông có đánh giá như thế nào về việc CPI âm liên tiếp 2 tháng?

- Tôi cho rằng, điều đó đã chứng tỏ các các biện pháp của Chính phủ chỉ đạo thực hiện kiềm chế lạm phát đã đạt được kết quả bước đầy như như mong muốn.
Tuy nhiên, CPI giảm liên tiếp cũng phản ánh việc khó khăn trong sản xuất kinh doanh của DN, tiêu thụ hàng hóa, sức mua trì trệ. Điều đó cũng cho thấy một số biện pháp về kinh tế vĩ mô cần cân nhắc, tính toán một cách cẩn trọng để tránh không rơi từ lạm phát cao dẫn đến thiểu phát, kinh tế đình trệ.

Thưa ông, bên cạnh nhóm các DN vừa và nhỏ, còn khu vực nhóm DN thuộc các Tập đoàn, tổng công ty cũng rất khó khăn và khó tiếp cận. Bộ Công Thương dự kiến sẽ xử lý vấn đề này thế nào?

- Ngân hàng Nhà nước cũng giải thích, có thực tế là các DN thành viên tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tiếp cận vốn khó là do những điều kiện cho vay đưa ra không đáp ứng được, như tình hình tài chính, kết quả sản xuất, nợ cũ chưa trả.

Tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước cũng đã kịp thời đề ra giải pháp phù hợp để thực hiện. Bộ Công Thương có phối hợp các với ngân hàng thương mại nhà nước để phân loại nhóm DN gặp khó và từ đó, có những biện pháp phù hợp riêng.

Trong đó, chúng tôi sẽ xếp nhóm thứ nhất là những DN cần sự ủng hộ tạo điều kiện của ngân hàng để tiếp tục đầu tư sản xuất tốt, nhóm thứ hai là các DN mà nếu có sự ủng hộ hỗ trợ của ngân hàng thì sẽ vượt qua khó khăn. Nhóm thứ ba là các DN trước mắt dù đã áp dụng những biện pháp tháo gỡ nhưng chưa thể có tác dụng nhưng sau đó, về lâu dài, có thể khắc phục được. Nhóm này cũng cần có biện pháp thích hợp để khuyến khích hồi phục, phát triển.

Mặc dù lãi suất đã hạ nhưng các DN vẫn kêu không vay được vốn. Vậy theo ông, cần mức lãi suất bao nhiêu thì DN có thể sống được?

Câu trả lời này phụ thuộc từng loại DN, điều hành kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên đánh giá chung của chúng tôi, hạ lãi suất vừa qua đã là một nỗ lực hết sức lớn của Ngân hàng Nhà nước trong chỉ đạo, từ lãi suất trước đây là 18-19% cho vay, nay giảm 15%, 11,4%, 9%...

Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng cần đến tháo gỡ khó khăn trước mắt nhưng lâu dài phải ổn định, chứ nếu không, chúng ta dễ quay đến tình trạng từ thái cực này sang thái cực khác.

Nếu điều hành không khéo léo có thể xảy ra tình trạng hiện nay kiểm soát lạm phát tốt sẽ dẫn đến lạm phát quay trở lại cao do lượng tiền trong lưu thông lớn.

Vì thế tôi nghĩ lãi suất cho vay bao nhiêu trong tương quan với vấn đề lạm phát, lãi suất huy động, có sự kết hợp hài hòa, cái này bổ sung tương thích cái kia lúc đó mới phát huy tác dụng được.

Phạm Huyền (ghi)
Theo VietNamNet
.
.
.
.