Về công tác tại Đảng uỷ Than Quảng Ninh đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đi cùng Đoàn công tác đến thăm các trung tâm bảo trợ xã hội. Chiều chủ nhật, trời mưa và rét, nhưng không ai thấy ngại. Anh Khích nói: Các bác thương binh ở Thuận Thành, Bắc Ninh, cứ mỗi khi gặp bao giờ cũng hát “đến hẹn lại lên”, mình đến thăm như thế này, chắc các bác vui lắm.
 
Là người phụ nữ, tôi hiểu được nỗi vất vả của những người làm mẹ, làm vợ, nhưng khi gặp và trò chuyện với bác Nguyễn Thị Hồng, thương binh hạng 1/4, bị cụt cả hai tay tại trung tâm Thuận Thành tôi mới thấy nỗi vất vả của mình so với bác thật là nhỏ bé. Mới 18 tuổi, cô thôn nữ người Hà Tĩnh đã xung phong vào chiến trường miền Nam trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, hàng ngày, dưới mưa bom của kẻ thù, cùng đồng đội bạt núi, lấp những đoạn suối, xếp đá những khe, ngầm, kiên nhẫn tạo từng đoạn đường trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Một ngày năm 1968, cả đơn vị bị máy bay B52 của Mỹ rải bom, nhiều người bị hy sinh, may mắn thoát chết nhưng chị Hồng bị cụt cả 2 tay, người và chân bị găm những mảnh bom. Sau những ngày hôn mê và điều trị, chị nghĩ rằng những khát vọng về tình yêu và hạnh phúc, về một mái ấm gia đình và những đứa con nhỏ sẽ không đến với mình. Nhưng với nghị lực phi thường, chị bắt đầu tập đi và làm quen với công việc hàng ngày, rồi nắng ấm cũng đã đến với chị. Anh Hoàng Văn Uyên, người con trai cũng quê Hà Tĩnh, người mà chị đã từng yêu thương đến thăm trại thương binh, họ sững sờ khi gặp lại nhau và “tình yêu trở lại”. Hai bác, tôi gọi là bác vì nay các bác đều đã cao tuổi, với chút sức lực còn lại của mình tần tảo trồng rau, nuôi lợn, gà, bán hoa quả để gom góp chút tiền nuôi 2 con trai ăn học, đến nay anh Hoàng Tiến Nhân con cả là thạc sỹ toán học, giảng dạy tại một trường PTTH tỉnh Thái Bình, anh Hoàng Tiến Đức, người con thứ hai cũng đã bảo vệ thành công luận án thạc sỹ kinh tế. Đúng là những bông xương rồng gai góc và kiêu hãnh, giữa gió cát của sa mạc vẫn đâm chồi, nảy lộc, mang lại màu xanh cho đất trời.
 
Ông Nguyễn Khắc Dư – Giám đốc Trung tâm Thuận Thành cho biết: “hiện tại trung tâm còn 98 bác thương binh; nói là còn vì trước đây có gần 200 người nhưng năm nào cũng có vài người mất vì tuổi cao, bệnh nặng, sức yếu, có 2 bác là thương binh chống Pháp năm nay đã gần 90 tuổi, phần lớn là thương binh thời chống Mỹ tuổi đã ngoài 60. Một bác tâm sự: “ khi gia nhập quân ngũ mình đã tốt nghiệp đại học, đến nay có nhiều bạn học rất thành đạt, giữ các cương vị cao nên không khỏi mặc cảm về mình, nhưng với tình cảm của các anh chị như thế này, mình thấy vui hơn”. Một bác bị mù cả hai mắt cảm động: “Anh Khích, chị Thơ, năm nào cũng được các anh, chị đến thăm, được nghe anh nói, được tặng quà, quí lắm nhưng có nhìn thấy các anh, các chị được đâu”. Bác Phan Minh Liên, đang sinh sống tại Trung Tâm Duy Tiên đã phát biểu cảm ơn sự quan tâm, tình cảm của những người thợ mỏ, tình cảm đó đã truyền thêm sức sống cho anh, chị em thương bệnh binh, sống những ngày có ích.
 
Đến thăm các em nhỏ tại hai Trung tâm bảo trợ, tôi mới hiểu rõ những mảnh đời kém may mắn của các em bị bệnh “đao”, bệnh tự kỷ, những những gương mặt ngây thơ, ngơ ngác, để chữa chạy cho các em, các anh, chị tại hai trung tâm phải vất vả biết nhường nào, cùng với đó phải có sự kiên trì và tấm lòng nhân hậu; tặng quà cho các em, tôi cứ tự nhủ, mình cần phải có trách nhiệm hơn nữa.
 
Trên đường trở về, trời đã hửng nắng, mang theo hương vị của mùa xuân, anh Khích nói vui: “than đốt ra lửa, lửa tạo lên hơi ấm, tấm lòng của của những người thợ mỏ cũng nồng ấm như vậy”.